Ngày 7/5: Số mắc Covid-19 giảm gần 1.000 ca so với hôm qua
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/5 của Bộ Y tế cho biết có 1.952 ca mắc mới, giảm gần 1.000 ca so với ngày trước đó; Hôm nay, ca Covid-19 phải thở oxy cũng giảm xuống; Trong ngày có hơn 700 bệnh nhân khỏi.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.575.883 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.983 ca nhiễm).
Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua.
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 738 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.627.262 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 75 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 63 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca
- Thở máy không xâm lấn: 1 ca
Video đang HOT
- Thở máy xâm lấn: 5 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.196 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 6/5 có 278 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.272.067 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.642.061 liều: Mũi 1 là 70.908.603 liều; Mũi 2 là 68.452.759 liều; Mũi bổ sung là 14.343.924 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.108.523 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.828.252 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.664.463 liều: Mũi 1 là 10.214.324 liều; Mũi 2 là 8.450.139 liều.
“Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi…”
Theo SKĐS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Về thông tin này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng dù WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng “không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng cho rằng dù WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng “không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì”.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thực tế ngày 3/5 vừa qua, WHO xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Ông cũng dẫn các thông tin cho rằng WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có nhiều lý do như: Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO đã đưa ra những bằng chứng rằng Covid-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người chủ yếu là nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu ngày càng cao.
Cùng đó, độc lực của virus gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù virus SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ.
Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Đặc biệt là sự cải thiện tình trạng bệnh của ca lâm sàng, cải thiện việc quản lý ca bệnh lâm sàng…
Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19.
Dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B: Đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là quan trọng
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Thực tế dịch bệnh trên thế giới liên quan đến Việt Nam và ngược lại, với Covid-19 cũng vậy.
Phân tích về tình hình dịch tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ, hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, số trường hợp nhập viện và tử vong cũng gia tăng, nhưng tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế.
Với những trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch… Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm chứ không riêng gì với Covid-19.
Trước một số ý kiến so sánh Covid-19 với cúm mùa và đưa ra câu hỏi nên xếp bệnh vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét.
“Tuy nhiên tôi cho rằng dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ, dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng giai đoạn thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Malaysia: Khuyến nghị trước xu hướng số ca mắc COVID-19 tăng trở lại
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trước sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 từ đầu tháng 4, cũng như khả năng số ca mắc sẽ tăng mạnh do có nhiều sự kiện xã hội lớn được tổ chức nhân dịp lễ hội Hari Raya - lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Hồi giáo, giới chuyên gia y tế Malaysia đã đưa ra cảnh báo và khuyến nghị phòng, chống dịch bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chuyên gia y tế công cộng của Đại học Kebangsaan Malaysia, Giáo sư, Tiến sĩ Sharifa Ezat Wan Puteh khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nhiễm hoặc tái nhiễm virus - như người cao tuổi, người béo phì, người có bệnh lý nền và các vấn đề suy giảm miễn dịch như tiểu đường và ung thư.
Các chuyên gia y tế cho rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 là do một số dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, trong khi càng gần đến dịp lễ Hari Raya thì số người trở về quê nhà thăm người thân ngày càng nhiều khiến virus có khả năng lây lan trên diện rộng.
Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia - Tiến sĩ Zaliha Mustafa, 63,8% số ca nhập viện do COVID-19 trong thời gian gần đây liên quan đến bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, trong khi 90,7% là những người mắc bệnh lý nền. Hầu hết trong số họ có các triệu chứng nhẹ và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân không được tiêm vaccine cao gấp 6 lần so với những người được tiêm một liều.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Moy Foong Ming thuộc Khoa Y tế dự phòng và xã hội của Đại học Malaya đề xuất Bộ Y tế nên tăng cường các thông điệp công khai về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và khuyến khích người dân thực hiện trong thời gian các ca mắc COVID-19 gia tăng.
Đối với tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong trường học, bà cho rằng các bậc phụ huynh không nên cho con đến trường khi có triệu chứng bệnh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Putra Malaysia, Giáo sư, Tiến sĩ Malina Osman cho hay xu hướng tăng trở lại số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu từ khoảng hơn 2 tuần trước đây, ngay khi các trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hết học kỳ II. Số ca mắc này tăng khoảng từ 32 - 40% so với thời điểm vài tuần ổn định trước đó. Tuy nhiên, hiện Malaysia vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, trong bối cảnh hầu hết người dân đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine cơ bản.
Giáo sư Osman cũng khuyến cáo trong bối cảnh lễ Hari Raya sắp đến gần, những người có triệu chứng sốt không nên ra ngoài tham dự sự kiện công cộng; nếu bắt buộc phải đến nơi công cộng thì phải đeo khẩu trang.
Những trường hợp đã được xác định là mắc COVID-19 nên đeo khẩu trang để giữ an toàn cho người thân và bạn bè. Với những người còn lại không có triệu chứng, cần tự bảo vệ mình bằng cách giữ vệ sinh cá nhân thật tốt.
Bà Osman cho rằng chỉ nên đưa ra quyết định bắt buộc đeo khẩu trang khi sự gia tăng các ca mắc bệnh gây ra mối đe dọa đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt tình hình, người dân cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh lây lan.
WHO cảnh báo làn sóng mới COVID-19 lan từ Nam Á Báo cáo tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới công bố ngày 7/4 cho thấy đợt dịch mới tập trung tại Nam Á có xu hướng lan nhanh sang phía Đông Nam Á và Tây Á. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Amritsar, Ấn Độ....