Ngày 1/6: Tàu TQ liên tiếp tấn công tàu Việt Nam
Vào lúc 11h30 trưa nay, các tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo và máy bay Trung Quốc bất ngờ nhào đến tấn công các tàu chấp pháp Việt Nam. Màn tấn công này kéo dài gần 2 tiếng, trong phạm vi 5 hải lý.
Phóng viên Hồng Chuyên của Infonet đang có mặt tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa nơi giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điện thoại vệ tinh về tòa soạn cho biết: “Vào lúc 11h30 trưa nay, khi tàu cảnh sát biển 2016 đang hoạt động ở khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 9 hải lý thì xuất hiện hàng chục tàu Trung Quốc ồ ạt lao ra cản phá, chèn ép. Tàu CSB 2016 bị tàu Hải cảnh 46001 của Trung Quốc áp sát và cố tình tạo hiện trường &’bị đâm va’, có lúc khoảng cách giữa hai tàu chỉ còn là 20m. Tình thế hết sức căng thẳng.
Các tàu chấp pháp của Việt Nam đã mở loa tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan về nước. Phía Trung Quốc cũng phát loa ngang ngược cho rằng đây là vùng thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và yêu cầu tàu Việt Nam rời khỏi khu vực này. Đồng thời lúc này trên bầu trời cũng xuất hiện máy bay cánh bằng, bay với độ cao rất thấp (chỉ khoảng 200m) bên trên không phận để uy hiếp tàu cảnh sát biển 2016. Từ boong tàu, chúng tôi có thể nhìn rõ số hiệu máy bay là CMS – V3843. Chiếc máy bay này lượn 4 vòng trên đầu các tàu của Việt Nam.
Tàu dịch vụ của TQ dùng vòi rồng áp lực cao tấn công tàu Kiểm ngư trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Ngoài ra tàu kiểm ngư KN 635 cũng bị tàu kéo Trung Quốc số hiệu 242, 285, và các tàu Hải cảnh, hải giám số hiệu 44003, 44074, 46102, 46059, 44103… ép sát, cản trở. Trong đó, tàu 46102 của Trung Quốc đã hung hãn dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam khoảng 5 phút .
Sau hơn một giờ cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các tàu Trung Quốc mới dừng lại. Phạm vi tàu truy đuổi và tấn công các tàu của Việt Nam lên đến 5 hải lý. Đến phút cuối lại xuất hiện thêm một máy bay cánh bằng nữa”.
Cũng theo phóng viên Hồng Chuyên báo về từ sáng sớm ngày 1/6, đội hình tàu chấp pháp của Việt Nam ra quân trong ngày hôm nay bao gồm tàu CSB 2016, tàu Kiểm Ngư KN 635, KN 769, KN 763.
Sáng ngày 1/6, tàu KN 635 cũng đã bị tàu Hải cảnh 32 và tàu 3210 đuổi theo nhằm truy cản và phun vòi rồng tấn công. Tuy nhiên, tàu KN 635 đã áp dụng mẹo… chạy ngược gió và kết quả là toàn bộ vòi rồng từ các tàu của Trung Quốc đều bắn không tới tàu KN 635. Cuộc rượt đuổi này kéo dài khoảng 3 hải lý.
Video đang HOT
Tàu CSB 2015, một trong 3 tàu CSB hiện đại vừa được bàn giao hồi tháng 8/2013.
Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển, trong ngày hôm qua (31/5), tại hướng đông bắc giàn khoan Hải Dương 981, xuất hiện một tàu vận tải kéo lớn đậu sát giàn khoan. Tiếp đó, chiếc cần cẩu trên giàn khoan nhận lấy thứ gì đó từ tàu vận tải trên để đưa lên giàn khoan. Quá trình trung chuyển này diễn ra suốt buổi sáng cho đến cuối chiều thì kết thúc.
Theo nhận định của PV thì có thể phía Trung Quốc đưa lương thực, thực phẩm lên phục vụ cho những người đang làm việc trên giàn khoan. Song, cũng không loại trừ phía Trung Quốc đưa thêm thiết bị, máy móc ra Hoàng Sa để thực hiện mục đích thăm dò dầu khí.
Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)
Tàu Trung Quốc mở họng súng đen ngòm, lao thẳng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam
Máy bay Trung Quốc bay ở tầm thấp và liên tục theo sát các tàu Việt Nam. Trong khi đó, nhiều tàu Trung Quốc vẫn bám sát tàu Cảnh sát biển CSB 8003, nhiều tàu khác trong tư thế hú còi inh ỏi, chuẩn bị thế sẵn sàng đâm va tàu Việt Nam.
Chiều 30-5, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng cùng các đồng nghiệp báo bạn tiếp tục chuyến hải trình gian khó trên biển cùng lực lượng tàu chấp pháp trên tàu KN 628 tại Hoàng Sa.
Theo Phóng viên Công Khanh: Lúc 7 giờ 45, biên đội tàu KN 628 của chúng ta tập trung tại vị trí 15 độ 38 phút vĩ độ Bắc, 111 độ 45 phút độ kinh Đông, cách vị trí mới giàn khoan của Trung Quốc 11 hải lý về hướng Đông Nam để triển khai đội hình, thực hiện nhiệm vụ cơ động vào hướng giàn khoan Hải Dương 981 để đấu tranh tuyên truyền, buộc Trung Quốc dời giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đối mặt với tàu Hải giám Trung Quốc
Khi biên đội mới vào sâu được khoảng 3 Hải lý, thì các tàu Hải giám, Hải cảnh và tàu đầu kéo của Trung Quốc lập tức lao ra ngăn cản, đồng thời triển khai đội hình cánh cung quen thuộc để chặn đầu, khóa đuôi hòng bao vây tàu chấp pháp Việt Nam chúng ta.
Trong khi một tàu Hải cảnh ép sát mạn phải của tàu KN 761 Việt Nam thì một tàu Hải giám khác có số hiệu 2168, đã rời khỏi đội hình bao vây, bất ngờ tăng tốc tiến mũi về phía tàu KN 762 nhằm thực hiện cú đâm húc. Ngoài ra, các tàu khác của Trung Quốc cũng trong tư thế hú còi inh ỏi, chuẩn bị thế sẵn sàng đâm va tàu Việt Nam.
Nhận thấy mối nguy hiểm khôn lường, thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn và thuyền phó Lê Sang đã lập tức cho tăng tốc, tránh né cú đâm chí tử của tàu Trung Quốc. Vì vậy, tàu KN 762 của ta đã thoát nguy trong gang tấc. Mũi của "trâu điên" lù lù cùng với họng pháo đen ngòm lao qua đuôi tàu của chúng ta với khoảng cách chỉ chưa đầy 10 mét.
Theo nhận định của ê kíp điều khiển tàu, nếu không kịp thời tăng tốc để né tránh thì tàu KN 762 đã lãnh trọn cú đâm của tàu Hải giám Trung Quốc vào phía sau mạn phải. Với tốc độ đâm va như vậy, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Khi biên đội chúng tôi lùi ra cách giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) khoảng 10 hải lý thì các tàu của Trung Quốc mới quay lại vị trí cảnh giới.
Theo các biên đội tàu chấp pháp Việt Nam ở các nhánh khác qua bộ đàm, thì kể từ ngày đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng thì hành động của tàu Trung Quốc càng trở nên liều lĩnh và manh động hơn.
Trung Quốc lại vây ép tàu cá Việt Nam
Chiều 30-5, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Tàu Trung Quốc tập hợp thành nhóm 35 tàu cá cùng 2 tàu Hải cảnh ngăn cản, vây ép tàu cá Việt Nam ở cách giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương - 981) khoảng 30-35 hải lý.
Số tàu Trung Quốc tại giàn khoan là 117 tàu, gồm 33 tàu Hải cảnh, 17 tàu kéo, 13 tàu vận tải, 4 tàu quân sự, 50 tàu cá vỏ sắt. Số tàu có sự dao động do Trung Quốc đã đưa một số tàu về. Trong ngày, có 1 máy bay hoạt động ở khu vực giàn khoan. Trung Quốc vẫn duy trì 4 tàu quân sự, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu quét mìn hoạt động cách giàn khoan 7-10 hải lý.
Vào giữa trưa 30-5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB 8003 phát hiện máy bay mang số hiệu CMS B-3843 của Trung Quốc bay nhiều vòng trên các tàu kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam. Đáng chú ý, máy bay này bay ở tầm thấp và liên tục theo sát các tàu Việt Nam. Trong khi đó, ở trên biển, nhiều tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục bám sát tàu Cảnh sát biển CSB 8003.
Về phía lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, các tàu vẫn duy trì các hoạt động đấu tranh, tiếp cận gần hơn vào vị trí giàn khoan thực hiện công tác tuyên truyền với cường độ cao và nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu cố tình tạo va chạm giữa các tàu Kiểm ngư với các tàu Trung Quốc.
Lực lượng Kiểm ngư di chuyển từ khu vực đông nam giàn khoan vào cách giàn khoan 5-6 hải lý thì bị nhóm tàu Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, tàu Ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải tổ chức áp sát, vây ép. Dù bị tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt nhưng tàu Kiểm ngư Việt Nam đã tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 2,8 hải lý để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Trong lúc gian nguy, các phóng viên và lực lượng chấp pháp cũng có phút giây chia sẻ niềm vui bất ngờ.
Lúc 15 giờ ngày 30-5, toàn bộ nhân viên của tàu 762 đã làm lễ chúc mừng một cán bộ Kiểm ngư là Võ Văn Thành vì ở đất liền, vợ anh đã vượt cạn sinh một cháu trai bụ bẫm. Thông qua thiết bị viễn thông của phóng viên Công Khanh, Báo Công an TP Đà Nẵng, anh Thành gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ, người thân và bạn bè đã sát cánh cùng vợ con anh kể từ ngày chị nhập viện và anh Thành phải ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Tôi thực sự phát khóc, nhưng cuối cùng hai vợ chồng cùng vượt qua gian khó và đã đồng ý với nhau, sẽ đặt tên cháu là Võ Trần Tri Tôn, tên quần đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam" - anh Thành nói.
Hôm nay (31-5) tại quần đảo Hoàng Sa, tàu sẽ tổ chức trao quà cho con em của lực lượng Kiểm ngư đang làm nhiệm vụ trên biển nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.
Theo ANTD
Trung Quốc điều tàu săn ngầm, tàu tên lửa tấn công nhanh uy hiếp tấn công tàu Việt Nam Theo thông tin mới nhất ngày 13-5 từ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tàu Trung Quốc vẫn ngang ngược đâm va và bắn vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Tính đến ngày hôm nay (13.5), Trung Quốc đã sử dụng 9 loại tàu để bảo vệ giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương - 981) gồm các loại tàu:...