Ngày 13/9 sẽ sửa chữa tiếp mặt đường hơn 100 km cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Liên quan đến tiến độ sửa chữa hư hỏng trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 12/9, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngày 13/9, nhà thầu trúng thầu gói thầu số 2 sửa chữa hư hỏng mặt đường từ km 48-km150 cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ bắt đầu thi công trên tuyến.
Mặt đường xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng, bong rộp tại các đoạn đường từ KM211 – KM210, KM201 – KM200, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh tư liệu: Tiến Hiếu – Trung Nguyên/Báo Tin tức
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường cho hay, gói thầu số 2 giá trị khoảng 31 tỷ đồng do Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 thi công. Sau khi thí nghiệm vật liệu đáp ứng đủ điều kiện thi công, công ty sẽ triển khai đồng loạt và dự kiến thời gian thi công gói thầu này khoảng 2 tháng. Trong khi đó, đoạn sửa chữa mặt đường từ km0-km48 thuộc gói thầu số 1 đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang làm thủ tục duyệt kết quả trúng thầu. Gói thầu này trị giá 46 tỷ đồng được đầu thầu qua mạng.
Được biết, đơn vị trúng thầu là doanh nghiệp khá quen thuộc trong các dự án cào bóc tái chế mặt đường trong những năm gần đây – Công ty TNHH Infrasol. Theo lãnh đạo VEC, dự kiến gói thầu này sẽ bắt đầu thi công trên tuyến vào đầu tháng 10 và kết thúc trong khoảng 2 tháng.
Trước đó, gói thầu số 3 thi công sửa chữa mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn từ km 150 – km 173 và gói thầu số 4 từ km 173 – km241 đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam triển khai và đến này đã hoàn thành thi công.
Liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình sửa chữa mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đã giao cho Chi cục Quản lý đường bộ I.3 thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại tuyến Nội Bài – Lào Cai trong việc giám sát quá trình sửa chữa tuyến đường này, đặc biệt là công tác phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông.
Cũng theo ông Trần Hưng Hà, để chất lượng mặt đường trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đảm bảo, các cơ quan chức năng cần phối hợp với những đơn vị có liên quan, tiến hành kiểm soát tải trọng các phương tiện lưu thông trên tuyến. Đồng thời, phía chủ đầu tư dự án là VEC phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá và tiến hành duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, theo đúng kế hoạch.
Video đang HOT
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, sau hơn 8 năm cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, mặc dù được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhưng với việc hàng ngày tiếp nhận một lượng lớn phương tiện có tải trọng lớn dẫn đến một số hạng mục, công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Do đó, việc sửa chữa lớn mặt đường trên toàn tuyến là nhu cầu cấp bách để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện.
Vì vậy, ngoài 4 gói thầu sửa chữa mặt đường với tổng mức đầu tư trê 100 tỷ đồng trong năm 2022 theo kế hoạch để đảm bảo khả năng khai thác đồng bộ trên toàn tuyến cũng như công tác an toàn giao thông, trong năm 2023, Tổng công ty tiếp tục bố trí vốn để rà soát những đoạn tuyến hư hỏng để sửa chữa mặt đường của tuyến cao tốc này.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu cầu Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các điểm hư hỏng trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã có tình trạng hư hỏng, rạn nứt nền mặt đường, hằn lún vệt bánh xe cục bộ tại một số vị trí. Bên cạnh đó, hệ thống an toàn giao thông như biển báo, sơn kẻ vạch, hệ thống báo hiệu đường bộ bị mờ gây khó cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu VEC kiểm tra, rà soát tất cả các điểm phát sinh hư hỏng nền mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các vị trí hằn lún vệt bánh, đọng nước mặt đường, các vị trí nguy cơ mất an toàn và có giải pháp sửa chữa hư hỏng kịp thời.
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 244 km được hoàn thành năm 2014. Điểm đầu của cao tốc là nút giao giữa quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai). Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đây cũng là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất Việt Nam, được khởi công năm 2009 và hoàn thành sau 5 năm.
Dự án này có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là 1.464 triệu USD, bao gồm vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1.034,5 triệu USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Đề xuất đầu tư 8.750 tỷ đồng mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Ảnh minh họa: Tiến Hiếu-Trung Nguyên/Báo Tin tức
Theo dó, VEC - đơn vị được giao chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư, nghiên cứu mở rộng Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Cụ thể, VEC sẽ huy động bằng các nguồn vốn hợp pháp theo quy định để mở rộng đoạn cao tốc Yên Bài - Lào Cai dài 83 km, từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Để đảm bảo đồng bộ với mặt đường, VEC dự kiến thi công cầu mới bên cạnh cầu cũ với kết cấu tương ứng với cầu hiện hữu; hầm qua núi thuộc lý trình Km186 200 - Km186 730, dài 530m sẽ xây dựng một hầm mới bên trái với quy mô, kết cấu tương tự hầm hiện hữu.
Đoạn tuyến này cũng sẽ được bổ sung cống chui dân sinh, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông; đường gom dân sinh, đường phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống tiêu thoát nước; kiên cố hóa các vị trí mái taluy có nguy cơ sụt trượt: giải pháp như đào ngả mái, khung bế tông kết hợp với gia cố đá hộc xây, phun vữa bê tông, trồng cỏ, tường chắn bê tông...
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe là 8.740 tỷ đồng; trong đó, đầu tư mở rộng 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn Yên Bái - Lào Cai là 5.663,718 tỷ đồng; đầu tư tạo nhám đoạn và mở 3 cầu đoạn Nội Bài - Yên Bái là 3.076,326 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VEC, sau 8 năm đưa vào khai thác, phân đoạn Yên Bái - Lào Cai có quy mô phân kỳ đầu tư 2 làn xe đã bộc lộ nhiều bất cập. Tốc độ khai thác thực tế trên đoạn tuyến thấp hơn thiết kế (tốc độ khai thác trung bình trên đoạn chỉ đạt khoảng 50km/h so với tốc độ thiết kế 80km/h) do khó khăn vượt xe mỗi chiều làn dùng hỗn hợp xe tải, xe con (trừ các đoạn đã mở 4 làn xe); tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do khai thác theo quy mô đường 2 làn xe mà không có dải phân cách giữa.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, các yêu cầu về quy mô, an toàn giao thông trên đoạn Yên Bái - Lào Cai hiện chưa đáp được là một tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh và cần nghiên cứu mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe để từng bước đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh đường cao tốc, giảm thiểu tai nạn và va chạm giao thông.
Quyết định duyệt số 3415/QĐ-BGTVT ngày 5/11/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1) cũng xác định đầu tư giai đoạn 2 của dự án sau năm 2020. Như vậy, đến nay thời điểm năm 2022 việc nghiên cứu đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của dự án là phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Yên Bái và Lào Cai, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch... đến nay cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe để từng bước đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh đường cao tốc, tăng tốc độ khai thác, duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi được chấp thuận nội dung đề xuất nêu trên, VEC sẽ lựa chọn tư vấn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định.
VEC được thành lập tháng 10/2004 với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, phát triển và quản lý, bảo trì hệ thống đường cao tốc quốc gia. VEC là mô hình đặc thù đầu tiên là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vừa đầu tư, vừa quản lý khai thác và thu phí hoàn vốn.
Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, đến nay, VEC đã thực hiện đầu tư 540 km thuộc 5 dự án đường cao tốc, đã đưa vào khai thác sử dụng 490km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc, chiếm gần 43% tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc đang khai thác sử dụng tại Việt Nam hiện nay, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Công tác vận hành, bảo trì, khai thác các tuyến đường cao tốc cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Đến cuối tháng 4/2022, VEC đã phục vụ an toàn và thông suốt gần 297,281 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu thu phí là hơn 22.673 tỷ đồng (chưa VAT), đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được duyệt. Qua đó, VEC cho thấy tiềm lực lớn và khẳng định vai trò nòng cốt trong đầu tư phát triển đường cao tốc quốc gia.
Bộ GTVT lại nhắc VEC khắc phục ngay hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhiều "ổ...