“Ngắt bớt” tiền thi hành án trả cho người khác
Cơ quan thi hành án ra quyết định thu hồi 10,6 tỷ đồng của doanh nghiệp để thi hành án nhưng UBND tỉnh Đồng Nai lại “ngắt bớt” 7,5 tỷ đồng để trả cho hai đơn vị khác.
Theo nội dung 17 bản án của TAND huyện Định Quán, Đồng Nai xét xử trong năm 2008 và 2009 thì Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Thành Đồng phải trả cho 12 cá nhân và năm doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng cộng lãi suất thi hành án (THA) và tiền án phí. Thế nhưng sau hơn bảy năm yêu cầu, 17 người được THA này chỉ nhận được gần 1/3 số tiền, dù người phải THA có 10,6 tỷ đồng. Vì sao?
Sở Tài chính và kho bạc giữ tiền của công ty
Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ định thầu, giao cho Công ty Thành Đồng xây dựng giao thông và hệ thống thoát nước trị giá gần 20 tỷ đồng trong dự án xây dựng KCN Định Quán. Sau đó, công ty này hợp tác với nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng góp vốn thi công rồi bị họ kiện đòi nợ và tòa tuyên buộc trả nợ như trên.
Sau khi án có hiệu lực, Chi cục THADS huyện Định Quán ra 17 quyết định THA, cộng thêm một vụ do Cục THA tỉnh Đồng Nai ủy thác xuống nữa là 18 quyết định. Cơ quan THA xác định Công ty Thành Đồng có tiền để THA, chỉ có điều tiền này chưa nhận được do UBND tỉnh Đồng Nai chưa quyết toán công trình.
Giữa năm 2009, Chi cục THADS huyện ra thông báo yêu cầu giám đốc của Công ty Thành Đồng phải nhanh chóng quyết toán công trình để lấy tiền THA theo các bản án nêu trên. Cạnh đó, THADS huyện cũng có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ trong việc thu hồi tiền của công ty để THA.
Tháng 11.2015, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành cho Công ty Thành Đồng. Theo đó, công ty nhận được hơn 10,6 tỷ đồng nhưng số tiền này lại do Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai giữ.
Ông Lê Ngọc Minh, ngụ quận 12, TP.HCM, một trong 18 người được THA trong vụ này đang trình bày. Ảnh: T.Tùng
“Ngắt” tiền để ưu tiên cho hai đơn vị khác
Do phía công ty không tự nguyện thi hành nên ngày 12.1.2016 THADS huyện Định Quán ra quyết định thu hồi toàn bộ số tiền trên của công ty để THA. Quyết định yêu cầu Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai chuyển tiền vào tài khoản của Chi cục THADS huyện Định Quán trong thời gian năm ngày.
Thế nhưng ngày 21.1, Sở Tài chính lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dùng số tiền trên để thanh toán cho Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Đồng Nai 5 tỷ đồng và Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai gần 2,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 3 tỷ đồng) chuyển cho THA huyện để thi hành 18 bản án trên. Cùng ngày, UBND tỉnh có công văn chấp thuận đề nghị này.
Video đang HOT
Biết tin, một số người được THA đã có đơn khiếu nại vì cho rằng điều này ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Ngày 27.1, THADS huyện có công văn gửi UBND tỉnh và các cơ quan liên quan cho rằng cần xem lại việc thanh toán trên. Tuy nhiên, việc “ngắt” tiền vẫn được thực hiện.
Trong khi đó, theo hồ sơ, mãi đến tháng 9.2012 ngân hàng nói trên mới khởi kiện đòi tiền Công ty Thành Đồng. Và theo thẩm phán Nguyễn Ngọc Phú (người trực tiếp giải quyết vụ án) thì TAND huyện Định Quán mới xử sơ thẩm vụ kiện này vào ngày 27.5 theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Riêng Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai thì tòa cho biết chưa khởi kiện.
Sở Tư pháp cùng quan điểm với cơ quan THA
Cuối cùng, Chi cục THADS huyện Định Quán đành lấy 3 tỷ đồng còn lại chia theo tỉ lệ để chi trả cho 18 người được THA.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Dũng, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Định Quán, cho biết đến thời điểm này chi cục vẫn giữ quan điểm là việc thanh toán tiền trên là sai. Ông Dũng nói theo Luật THADS, khi THA ra quyết định tạm giữ gần 11 tỷ đồng thì số tiền này phải được dùng để thi hành cho 18 bản án đã có hiệu lực. Thời điểm này THA chưa thụ lý và chưa có bản án có hiệu lực nào khác của tòa nói Thành Đồng phải trả nợ cho ngân hàng và quỹ đầu tư phát triển. Vì vậy, không có quy định nào cho phép cơ quan hành chính có thể lấy một phần tiền ra trả cho họ.
“Đó là chưa kể khoản vay trên có tài sản thế chấp, có xét xử thì tòa cũng sẽ tuyên xử lý các tài sản thế chấp này để trả nợ. Quá trình THA tôi đều có trao đổi, lãnh đạo Cục THADS tỉnh và các phòng ban chuyên môn của cục đều ủng hộ vì chi cục đã làm đúng luật” – ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, ngày 5.5 UBND tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp tỉnh chủ trì cuộc họp gồm tất cả cơ quan chuyên môn liên quan để giải quyết vụ việc. Kết thúc cuộc họp, Sở Tư pháp cũng đồng tình với quan điểm của cơ quan THA cho rằng việc thanh toán tiền cho hai đơn vị nêu trên là chưa đúng pháp luật về THA.
“Ngày 10.5, chúng tôi đã có văn bản gửi Sở Tư pháp thể hiện rõ quan điểm đề nghị UBND tỉnh thu hồi số tiền đã chi cho hai đơn vị trên để hoàn trả cho cơ quan THA tiếp tục chi trả cho 18 người được THA. Nếu không thu hồi được thì đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 23 Nghị định 62/2015 yêu cầu hai đơn vị giữ tiền là Sở Tài chính và kho bạc nhà nước tỉnh phải bồi thường thiệt hại theo quy định” – ông Dũng cho hay.
“Có thể về pháp lý chưa ổn…” Đó là trả lời của đại diện Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai, nơi đề nghị UBND tỉnh trả tiền cho hai đơn vị ngoài danh sách 18 người phải THA khi làm việc với PV. Ông Nguyễn Xuân Lưỡng, Trưởng phòng Đầu tư của Sở – người được giám đốc ủy quyền phát ngôn, cho biết về bản chất đó là tiền của UBND tỉnh đầu tư để thực hiện dự án. Công ty Thành Đồng là đơn vị thi công, đã được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án KCN Định Quán bảo lãnh theo dạng tín chấp để vay hai khoản trên. Do đó, khi thấy chủ đầu tư đề xuất là ưu tiên trả cho ngân hàng và quỹ tín dụng thì Sở đã đề nghị UBND tỉnh như trên. Khi PV chất vấn việc THA phải theo Luật THADS chứ không thể thực hiện bằng chỉ đạo, ông Lưỡng đáp: “Chúng tôi không quan tâm đến việc vay mượn và kiện tụng của công ty, chỉ biết là khi chủ đầu tư nói trả cho ai thì đề xuất trả cho đơn vị đó. Có thể về pháp lý chưa ổn và còn có những sai sót nhưng chúng tôi nghĩ tiền của tỉnh đầu tư thì tỉnh phải thu hồi lại chứ…” (?!). PV hỏi tiếp: “Đồng ý về bản chất tiền của ai phải trả cho người ấy nhưng phải đúng luật. Sở căn cứ vào quy định nào, văn bản pháp luật nào mà chuyển trả thẳng, không thông qua bản án của tòa?”. Lúc này ông Lưỡng đứng dậy nói xin lỗi PV và hẹn dịp khác trao đổi vì phải đi họp gấp với ban giám đốc Sở… PV liên hệ với UBND tỉnh để làm việc nhưng ông Nguyễn Lục Hòa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết lãnh đạo ủy ban đều bận họp. Ông Hòa hướng dẫn PV viết các nội dung làm việc gửi lại ông để ông trình lãnh đạo có phương án làm việc và trả lời. Tuy nhiên, đã nửa tháng qua mà văn phòng UBND tỉnh vẫn chưa hồi âm. Đề nghị trả lại tiền cho THA Trong dự thảo tờ trình báo cáo UBND tỉnh mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho rằng việc UBND tỉnh thống nhất theo đề nghị của Sở Tài chính thanh toán số tiền tạm giữ cho hai đơn vị ngoài 18 người được THA là chưa phù hợp pháp luật về THA. Từ đó, Sở Tư pháp kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị ngân hàng trả lại 5 tỷ đồng cho Chi cục THADS huyện Định Quán để tiếp tục THA. Đồng thời trong vụ án ngân hàng kiện Thành Đồng, nếu công ty này không trả nợ thì ngân hàng được yêu cầu phát mại tài sản đảm bảo đã thế chấp để thu hồi nợ. Đối với khoản vay của Quỹ đầu tư và phát triển Đồng Nai, tờ trình cho biết theo khoản 5 Điều 474 BLDS thì đơn vị này có quyền khởi kiện ra tòa.
Theo Thanh Tùng – Vũ Hội (Pháp luật TP.HCM)
"Quái chiêu" của các "nữ quái" và số phận những đứa trẻ sinh ra từ ngục tối
Tìm cách có thai để lách luật, lợi dụng tính nhân đạo của pháp luật để thoát án tử là chiêu không còn mới của các nữ quái sa lưới pháp luật, đang bị giam giữ trong trại giam, chờ ngày ra pháp trường.
Vấn đề nổi cộm ở đây cần đặt ra là công tác quản lý trại giam còn nhiều kẽ hở, còn nhiều bất cập mà các cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp tốt hơn để phòng ngừa, ngăn chặn.
Không phải trường hợp đầu tiên
Những ngày vừa qua, báo chí truyền thông rúng động về vụ nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ, 42 tuổi, đang chờ thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh, được xác định là đang mang thai hơn 25 tuần tuổi. Qua công tác điều tra, Nguyễn Thị Huệ khai nhận, vì muốn thoát việc thi hành án, Huệ đã đặt hợp đồng với một nam phạm nhân 27 tuổi, nhờ người này giúp Huệ có thai, với giá 50 triệu đồng.
Trong tháng 8/2015, phạm nhân này đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi ni-lông, kèm theo bơm kim tiêm để vào nơi Huệ đã sắp đặt trước. Lợi dụng lúc được đi vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, Huệ đã lấy và bơm vào tử cung của mình.
Đánh giá về việc nữ tử tù tự thụ thai bằng phương pháp "thủ công" này, các chuyên gia y tế cho rằng, Nguyễn Thị Huệ là người am hiểu về kiến thức sinh sản. Chắc chắn cô ta phải xác định được ngày rụng trứng và biết về phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Theo y khoa, tinh trùng được bơm vào tử cung người phụ nữ khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi xuất ra khỏi cơ thể người nam thì tinh binh vẫn khỏe mạnh. Sau khoảng 12giờ, số lượng tinh binh còn 5/6 và qua khoảng 36 tiếng còn lại là 1/4 và sau 3 ngày thì yếu và giảm dần. Trong một vài trường hợp đặc biệt, tinh trùng có thể sống sót kỳ diệu hơn. Khả năng sống của tinh trùng hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng tinh trùng và môi trường bảo quản tinh trùng.
Câu chuyện về nữ tử tù Phạm Thị Huệ đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. Theo đó, phải đợi cho đến khi đứa trẻ ra đời, lấy mẫu giám định AND thì mới xác định chính xác ai là cha của đứa bé. Các tình tiết khác liên quan đến việc làm thế nào nữ tử tù có thể có thai, có đúng như lời khai của tử tù Huệ không cũng đang khẩn trương được làm rõ.
Nhưng với cái thai 25 tuần tuổi trong bụng, Nguyễn Thị Huệ gần như đã thoát án tử hình, theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh Quảng Ninh đang tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ quản giáo của Trại tạm giam Công an tỉnh để làm rõ trách nhiệm của từng người trong vụ việc nghiêm trọng này.
Nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (trái).
Một câu chuyện tương tự khác, cũng dùng "chiêu" có thai để thoát án tử, là câu chuyện liên quan đến tử tù Nguyễn Thị Oanh. 10 năm trước, Nguyễn Thị Oanh bị kết án tử hình vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Khi đó Oanh 39 tuổi. Trong lúc chờ thi hành án, Oanh được phát hiện là có thai ở thời điểm 11 tuần tuổi.
Sự việc được làm rõ, Oanh có thai với một phạm nhân sắp được mãn hạn tù. Với sự trợ giúp của 2 cán bộ quản giáo trại giam, Oanh đã 5 lần được mở của tù để cho người tình, cũng là phạm nhân vào phòng biệt giam để quan hệ tình dục với Oanh.
Để thoát án tử, "chiêu" của nữ quái là nhờ em gái đến tận nhà riêng của 2 cán bộ trại giam biếu xén quà và thuyết phục hai cán bộ rằng, tình yêu của Oanh và phạm nhân tên Thiên là thật. Họ tha thiết được "yêu" nhau dù chỉ một lần, trước khi một trong hai người phải ra pháp trường. Oanh có thai và thoát án tử, nhưng hai cán bộ quản giáo làm ngơ cho hai kẻ phạm tội thực hiện kế hoạch thoát án tử hình thì phải vào trại giam ngồi bóc lịch, tự hủy hoại công việc, sự nghiệp của mình
Những bất cập trong quản lý trại giam và số phận những đứa trẻ sinh ra trong ngục tối
Câu chuyện nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai thoát án tử nhờ mua tinh trùng thậm chí còn được báo chí nước ngoài quan tâm. Một tờ báo ở Autralia bình luận: "Cô ta (Nguyễn Thị Huệ) không cần phòng thí nghiệm giúp đỡ để mang thai và giá để mua tinh trùng bơm vào tử cung không hề rẻ, những 2.300USD". Việc nữ tử tù có thai trong trại giam thoát án không phải là trường hợp đầu tiên, nên cần phải có các biện pháp quản lý tốt hơn để không tái diễn các trường hợp tương tự nữa.
Thực chất, ở các trại giam, việc quản lý tử tù áp dụng nhiều biện pháp chặt chẽ, nghiêm ngặt. Nhưng do cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhiều tử tù đã tìm cách lợi dụng các sơ hở trong các sinh hoạt thường nhật, như việc đi vệ sinh buổi sáng, để trao đổi thông tin cũng như thực hiện kế hoạch mà họ có ý định.
Liên quan đến trường hợp tử tù Nguyễn Thị Huệ có thai, có thông tin cho rằng, sở dĩ Huệ có thể lấy được tinh trùng từ bạn tù là vì Huệ không bị giam trong khu biệt giam, vì Trại tạm giam Công an yỉnh Quảng Ninh nhiều phạm nhân, hết chỗ. Hiện Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh đang giam giữ gần 80 bị án mang án tử hình, trong đó có 12 nữ.
Do không đủ chỗ nên trại phải bố trí giam các tử tù cùng với khu giam giữ các phạm nhân đang thi hành án các mức khác nhau, Khu nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ bị giam gần với nơi các phạm nhân lao động tự do nên trong quá trình giam giữ, tử tù này đã dùng những ám hiệu, ký hiệu riêng để liên hệ với một số phạm nhân nam mà cán bộ quản giáo không quản lý, kiểm soát được. Khu giam giữ này cũng không có camera giám sát thường xuyên. Trước cửa buồng giam không có tường chắn bao quanh nên trong những lúc ra ngoài vệ sinh, Huệ đã tìm thấy 1 khe hở khoảng 1cm giữa hàng rào dây thép gai với bờ tường khu giam giữ. Đây chính là nơi mà phạm nhân nam sẽ giấu tinh trùng của mình vào đó, trong túi ni- lông và Huệ trong lúc đi vệ sinh đã giấu tinh trùng đó mang vào phòng giam. Trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp nhấn mạnh, phạm nhân Nguyễn Thị Huệ mang thai khi đang trong trại giam của Công an tỉnh Quảng Ninh nên mọi việc đều do Công an tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm và điều tra. Việc xác định mức độ vi phạm để có quyết định kỷ luật cá nhân, tập thể liên quan đến sự việc đều do Công an tỉnh Quảng Ninh thực hiện".
Nữ tử tù dùng "quái chiêu" mang thai thành công, theo quy định của pháp luật nước ta, dĩ nhiên là thoát án tử. Thay vì ra pháp trường, họ sẽ phải thi hành mức án chung thân. Và thêm những đứa trẻ được chào đời trong ngục tối. Không ít người băn khoăn về số phận của những đứa trẻ được sinh ra trong những hoàn cảnh đặc biệt này.
Những đứa trẻ có mặt trên đời trong sự toan tính của mẹ chúng, hòng thoát bản án nghiêm trị của pháp luật. Những đứa trẻ sinh ra theo cách là mẹ chúng mua tinh trùng của một người đàn ông, trông vào sự thành hình hài của đứa con trong bụng để trốn thoát thi hành án tử. Được sinh ra trong trại giam, dĩ nhiên, sự nhân đạo của pháp luật, quyền lợi của chúng sẽ được đảm bảo như bất kỳ một đứa trẻ nào khác có mẹ thi hành án trong trại giam. Chúng được sống cùng mẹ trong trại cho đến khi 36 tháng tuổi, được cấp phát thức ăn, đồ dùng, chăm sóc y tế. Nhưng câu chuyện về nguồn gốc xuất thân và lý do có mặt trên đời sẽ là một vết thương trong lòng đứa trẻ khi nó lớn lên.
Trong trường hợp không biết cha là ai, hay đơn giản là người cha không đón nhận nó, và mẹ thì là một phạm nhân cải tạo lâu dài trong trại, không có người thân thích họ hàng đón về, những đứa trẻ sẽ phải sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội. Không có cha mẹ gần gũi, nuôi dưỡng, ấp ủ, dạy dỗ, cuộc đời của những đứa trẻ đó sẽ phải chịu muôn vàn rủi ro, khó khăn. Chúng có thể không trách mẹ, nhưng chắc chắn sẽ rất buồn khi đủ khôn lớn để biết rằng, mẹ chúng đã chọn cách như vậy để sinh ra chúng.
Tất nhiên, những trường hợp thoát án tử hình theo cách có thai là hãn hữu, liên quan phần nhiều đến sự lỏng lẻo, bất cẩn của cán bộ quản lý trại giam. Để không có những sự việc nghiêm trọng như vậy tái diễn thì bên cạnh việc nâng cao cơ sở vật chất trong các trại giam, cần phải nâng cao nhiều hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cán bộ trại giam. Sau câu chuyện gây rúng động vừa rồi liên quan đến tử tù Nguyễn Thị Huệ, nhiều ý kiến đặt vấn đề có nên sửa luật không.
Và đây là ý kiến của luật sư Nguyễn Huy An, Văn phòng Luật sư Huy An: "Theo tôi, luật của chúng ta là đúng, là nhân văn, không nên sửa luật về vấn đề này. Nếu có chuyện nữ tử tù mang thai trong trại giam thì sai là sai ở người thi hành luật. Cần phải xem xét, xử lý cán bộ trại giam có sai phạm, không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu việc quản lý phạm nhân của cơ quan chức năng tốt thì không bao giờ có chuyện nữ tử tù có thể mang thai trong thời gian bị giam giữ được".
Theo Canh sat Toan câu
Dụ 'người yêu' sang Trung Quốc làm ăn, bán cả người lẫn xe giá 14 triệu Phềnh tán tỉnh, giở trò yêu đương với chị M. Hắn ba hoa mình có cơ sở kinh doanh làm ăn rất tốt bên Trung Quốc và rủ chị đi sang đó cùng làm ăn. Vừa sang đến nơi, chị bị Phềnh bán đứt cả người và xe. Thào Seo Phềnh (SN 1986), trú tại thôn Cửa Cải, thị trấn Phong Hải, huyện...