Ngập tràn xúc cảm với Sóng Thần ở Haeundae
Với đầy đủ các yếu tố hài hước, giả tưởng, cảm động, Sóng Thần ở Haeundae khiến người xem lọt vào một chuyến hành trình đầy cảm xúc nhưng cũng không kém phần hụt hẫng
Haeundae – Sóng Thần ở Haeundae
Đạo diễn: J.K Youn
Diễn viên: Sul Kyung Gu, Ha Ji Won, Park Joong Hoon, Uhm Jung Hwa… Thể loại: Giả tưởng / Tâm lý Thời lượng: 120 phút Đánh giá: Phân loại: PG (Trẻ em nên có phụ huynh đi cùng)
Phim về những thảm họa, thiên tai dường như không còn quá xa lạ với các fan hâm mộ điện ảnh bởi đề tài này đã được “xào đi xào lại” từ thập niên 90 đến đầu thế kỷ 21. Hàng loạt những cái tên sáng chói như Twister (1995), Volcano (1997), Armageddon (1998), The Day After Tomorrow (2004) đã đi sâu vào lòng người hâm mộ… Thời gian trở lại đâu, đề tài thảm họa thiên tai dường như không còn được khai thác nhiều và khán giả cũng ít “mặn mà” hơn. Tuy nhiên trong năm 2009, chúng ta sẽ được chứng kiến sợ trở lại của thể loại này với 2 bộ phim mới được dàn dựng rất công phu là Sóng Thần ở Haeundae (Hàn Quốc) và 2012 (Mỹ).
Sau Sinking of Japan của Nhật Bản vào năm 2006, Hàn Quốc tiếp tục khai thác đề tài sóng thần và Haeundae trở thành bộ phim làm về thảm họa thiên nhiên đầu tiên của nền điện ảnh xứ sở Kim Chi. Với kinh phí đầu tư lên tới 10 tỷ Won kèm một dàn diễn viên nổi tiếng cùng những cảnh quay vô cùng sống động và đẹp mắt, Sóng Thần ở Haeundae được coi là 1 “quả bom tấn” của điện ảnh châu Á trong năm 2009.
Video đang HOT
Bãi biển Haeundae nổi tiếng của thành phố Pusan
Bộ phim nói về việc cơn sóng thần khủng khiếp ở Ấn Độ Dương vào năm 2004 đã cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu người. Lúc đó Man Sik (Sul Kyung Gu) cùng đoàn thủy thủ của anh đang mắc kẹt giữa biển khi đi đánh cá. May mắn là các thủy thủ đều được an toàn trở về bờ, chỉ trừ có người bố của cô gái mà anh vẫn thầm thương trộm nhớ Yoon Hee (Ha Ji Won) là không thể thoát khỏi cơn sóng dữ. Man Sik cảm thấy tội lỗi và không thể mở lòng với Yoon Hee sau khi trở về nhà.
5 năm sau, những dấu hiệu bất thường dưới đáy biển lại phát ra. Nhà địa chất Kim Hwi (Park Joong Hoon) đã phát hiện ra điều này và cảnh báo với các nhà chức trách, nhưng không một ai tin lời anh. Thế nhưng lúc đó, một cơn đại hồng thủy kinh hoàng đã nhắm thẳng đến bãi biển Haeundae – nơi các khách du lịch đang tận hưởng kỳ nghỉ hè.
Sóng Thần ở Haeundae là một bộ phim có đầy đủ các yếu tố: từ hài hước, viễn tưởng đến tâm lý, tình cảm và đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khán giả sẽ có những tiếng cười sảng khoái, ngay sau đó có thể là nỗi sợ hãi choáng ngợp và cuối cùng là sự xúc động tinh tế. Nếu như đa phần các bộ phim thảm họa của Hollywood chỉ tập trung khai thác vào yếu tố kỹ xảo và anh hùng giải cứu thế giới thì Sóng Thần ở Haeundae lại khai thác nhiều hơn về khía cạnh tình người trong tai biến.
Nửa đầu bộ phim tập trung miêu tả tích cách và cuộc sống thường ngày của mỗi nhân vật. Họ đều là những con người có địa vị khác nhau trong xã hội, tập trung tại thành phố Pusan với nhiều mục đích khác nhau. Và ở nửa cuối phim, khán giả sẽ thấy rõ sự chuyển biến về mặt tâm lý của mỗi người khi đối diện trước sự sống và cái chết: có những người tới lúc này mới nhận ra ý nghĩa của 2 từ “gia đình”, có những người nguyện hy sinh vì người khác để rồi chết trong niềm hạnh phúc, có những người được sống nhưng mãi bị ám ảnh bởi tội lỗi… Tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử và đơn giản hơn là tình người trong cơn hoạn nạn là những gì mà Sóng Thần ở Haeudae muốn hướng người xem tới.
Cuộc sống thường ngày của các tuyến nhân vật tuy không có quan hệ với nhau nhưng luôn có một mối ràng buộc nhất định được đặc tả với yếu tố hài hước, các câu thoại dí dỏm và kèm theo nhiều tình huống “khó đỡ”. Phim cũng không thiếu những cảnh quay lãng mạn và đặc biệt là mối tình ngắn ngủi giữa chàng trai cứu hộ Hyung Sik (Lee Min Ki) và “tiểu thư ” Kim Hi Mi (Kang Ye Won) chắc chắn sẽ chinh phục được rất nhiều các khán giả trẻ. Có thể nói Sóng Thần ở Haeundae đã thành công trong việc đem lại tiếng cười cho người xem, nhưng về yếu tố tình cảm thì có lẽ phim chưa thực sự “chạm” được tới tâm hồn con người. Có một vài đoạn “lâm ly bi đát” quá dài dòng và lê thê dẫn đến việc phản tác dụng.
Được đầu tư tới 10 tỷ Won và chủ yếu là dành cho việc tạo ra con sóng thần sao cho thật hoành tráng, do vậy phần kỹ xảo của Sóng Thần ở Haeundae chắc chắn sẽ khiến cho khán giả được mãn nhãn. Cảnh quay này đã được hãng CJ Entertainment hợp tác với đội ngũ làm kỹ xảo tại để thực hiện với phần âm thanh hoành tráng tuyệt vời. Người xem sẽ có cảm giác như tiếng sóng đang “gầm” bên tai cùng hình ảnh con sóng thần chồm lên bờ biển vừa sống động lại vừa kinh hoàng. Tuy nhiên, cảnh quay này chỉ kéo dài vỏn vẹn khoảng 15 phút trong suốt chiều dài của phim nên nhiều khán giả cảm thấy tương đối hụt hẫng.
Xem SóngThần ở Haeundae, chúng ta có thể thấy rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mỏng manh. Ngày hôm nay, con người vẫn đang tận hưởng những hương vị hạnh phúc của cuộc sống bên người yêu, bạn bè, gia đình, nhưng chỉ trong phút chốc, cơn sóng thần kinh hoàng đã cuốn trôi đi tất cả, khiến những đứa trẻ trở nên mồ côi, khiến những cặp đôi phải chia lìa, khiến cho bao người phải gánh chịu những nỗi đau mất nhà, mất người thân… Điều này thật sự đã xảy ra đối với các nạn nhân của cơn sóng thần khủng khiếp tại Đông Nam Á vào năm 2004.
Trái Đất ngày càng nóng dần lên dẫn đến sự thay đổi khắc nghiệt của khí hậu, hàng năm có biết bao nhiêu vụ thiên tai xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới mà con người không thể đối phó nổi. Không ai có thể đoán trước được điều gì trong một thế giới như vậy, do đó chúng ta cần phải biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những tình cảm quý báu giữa người với người, dẹp bỏ những suy nghĩ ích kỉ của riêng cá nhân để hướng tới hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp mà Sóng Thần ở Haeundae muốn truyền tải tới người xem.
Mặc dù có nhiều ý kiến khen chê khác nhau nhưng không thể phủ nhận Sóng Thần ở Haeundae là 1 tác phẩm hoành tráng của điện ảnh châu Á trong năm 2009 này. Được khởi chiếu từ mùa hè, tính đến nay phim đã lôi kéo hơn 10 triệu khán giả tới rạp và được đưa vào danh sách Top 5 phim ăn khách nhất mọi thời đại tính đến thời điểm này của điện ảnh Hàn Quốc. Với một bộ phim được dàn dựng công phu và hoành tráng như vậy thì bạn phải thưởng thức ở rạp chiếu với màn ảnh rộng, âm thanh “khủng” thì mới có thể cảm nhận được hết cái hay của nó. Và bạn chắc chắn sẽ thực sự cảm thấy choáng ngợp và tự hào rằng điện ảnh châu Á đã có thể làm được những bộ phim về thảm họa “đỉnh” không kém gì .
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.