Ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh: Cống dẫn nước về trạm bơm không đảm bảo
Ngày 9-6, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) phối hợp với Trung tâm Báo chí TPHCM tổ chức họp báo, thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn.
Số điểm ngập, thời gian ngập đều giảm
Ông Vũ Văn Điệp (Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật) cho rằng do quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống cống thoát nước hiện hữu được xây dựng từ lâu, năng lực thiết kế không thể đáp ứng năng lực thoát nước tại thời điểm hiện nay, nên vào những lúc thời tiết cực đoan sẽ không tránh khỏi tình trạng ngập trên một số tuyến đường, một số điểm trong khu vực đô thị. Khi có những trận mưa lớn, vũ lượng cao thì một số tuyến đường xảy ra ngập.
Từ đầu năm đến nay, thành phố có mưa trên diện rộng. Trong đó, có 3 trận mưa lớn, vũ lượng từ 70 – 112,3mm, gây ngập 22 tuyến đường (so với năm 2008 là 126 tuyến đường), gồm: Nguyễn Văn Khối, QL50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành QL22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân…
Ông Điệp nhận xét, so với trước đây, công tác chống ngập, giảm ngập của thành phố đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; số điểm ngập giảm rõ rệt, chiều sâu ngập, thời gian ngập cũng giảm. Trước đây, thời gian ngập có thể kéo dài 4 – 6 tiếng, nhưng hiện nay ngập chỉ kéo dài 15 – 40 phút sau mưa.
Trả lời báo chí về việc vì sao tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong những trận mưa đầu mùa vừa qua vẫn ngập, ông Điệp cho biết, do trong lúc mưa với vũ lượng vượt tần suất thiết kế, đặc biệt là với hệ thống thoát nước khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún sụt, quá tải, nên việc tiêu thoát bằng máy bơm chống ngập phụ thuộc vào khả năng đưa nước từ đường về máy bơm. Hệ thống cống dẫn nước về trạm bơm chưa đủ tiết diện nên không đảm bảo, dù công suất máy bơm đáp ứng được.
Theo cam kết của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư máy bơm chống ngập), sau mưa 30 phút còn ngập mới không lấy tiền và trong vòng 30 phút chưa thể hết ngập ngay được.
Video đang HOT
Cảnh ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh trong những trận mưa đầu mùa 2020
Ông Điệp thông tin, Sở Giao thông Vận tải đã có dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh, với mục tiêu giải quyết hết ngập tuyến đường này. Tuy nhiên, cần đánh giá tình hình ngập khu vực này để quyết định có duy trì hay không hệ thống bơm chống ngập.
UBNDTP giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả chống ngập đối với tuyến đường này. “Nếu dự án đầu tư xong không còn ngập nữa thì không duy trì máy bơm chống ngập. Nếu tình trạng ngập vẫn còn xảy ra cho tuyến đường này và khu vực lân cận thì vẫn phải duy trì hệ thống máy bơm chống ngập” – Ông Điệp nói.
Về giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Điệp cho biết, sân bay có 2 hướng thoát nước chính là kênh A41 (hướng thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè qua đường Út Tịch) và kênh Hy Vọng (hướng thoát ra kênh Tham Lương). Hiện nay, kênh A41 bị lấn chiếm, dẫn đến khả năng thoát nước bị giảm rất nhiều.
Công ty quản lý sân bay đã có báo cáo gửi UBND Q.Tân Bình để tập trung giải quyết tình trạng lấn chiếm, khôi phục, trả lại hiện trạng trước đây cho kênh A41. Nếu trả lại nguyên trạng kênh này như ban đầu thiết kế, sẽ không còn ngập nặng như những trận mưa vừa qua.
Đối với kênh Hy Vọng được nạo vét thường xuyên, nhưng một phần bị lấn chiếm, một phần do cống ngang đường Phan Huy Ích không hợp lý, tạo điểm nghẽn, làm giảm khả năng thoát nước. Ban Quản lý hạ tầng đô thị đang có dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực đường Phan Huy Ích và kênh Hy Vọng.
Xử lý tình trạng lấn chiếm kênh, rạch còn chậm
Về xử lý nạn lấn chiếm kênh, rạch trên địa bàn thành phố, ông Điệp cho biết, thống kê có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh, rạch. Vừa qua, đã xử lý 34 vị trí, còn lại 33 vị trí. Trung tâm đã kiểm tra, thống kê từng vị trí và có văn bản gửi các quận, huyện, phường để địa phương hỗ trợ giải tỏa các vị trí lấn chiếm này. Tuy nhiên, việc xử lý các vị trí này rất khó khăn, tiến độ giải quyết các điểm lấn chiếm rất chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước.
Ông Điệp cũng nhìn nhận, việc lấn chiếm kênh, rạch tồn tại từ rất lâu, thành phố đang tập trung giải quyết tồn đọng này. Về trách nhiệm xử lý các điểm lấn chiếm tồn tại hiện nay và xử lý những điểm lấn chiếm trái phép, địa phương có trách nhiệm cưỡng chế để trả lại mặt bằng đã lấn chiếm.
Còn những trường hợp do lịch sử để lại, có những vị trí được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì địa phương phải tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để khôi phục lại hiện trạng trước đây. Đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, việc san lấp kênh, rạch có quy định phải thay thế bằng cống hộp có tiết diện bằng hoặc lớn hơn kênh, rạch bị san lấp.
TP Hồ Chí Minh vẫn còn 22 tuyến đường bị ngập nặng
Năm 2018 TP Hồ Chí Minh có 126 điểm ngập thì đến nay tình trạng ngập đã giảm, tuy nhiên vào mùa mưa TP vẫn còn 22 tuyến đường bị ngập nặng.
Tại buổi họp cung cấp thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 9/6, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, TP xảy ra 3 trận mưa lớn diễn ra vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 gây ngập nặng ở 22 tuyến đường.
TP Hồ Chí Minh đầu tư rất nhiều tiền của để giải quyết bài toán chống ngập nhưng kết quả còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân
Cũng theo ông Điệp, có nhiều nguyên nhân gây ngập cho TP. Cụ thể, với một đô thị lớn, đông dân, tốc độ phát triển đô thị nhanh như TP Hồ Chí Minh thì trong quá trình phát triển, vào thời điểm gặp điều kiện thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao, thời gian mưa ngắn, chưa thể tránh khỏi ngập một số tuyến đường, một số điểm trong khu đô thị.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung cũng như công tác thoát nước nói riêng đã được đầu tư quá lâu, duy trì cho tới bây giờ nên thiết kế không đủ đáp ứng được năng lực tiêu thoát thời điểm hiện nay. Các trận mưa lũ lượng lớn vượt quá thiết kế gây quá tải hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, so với những năm trước (2008), với cường độ mưa 112,3mm, TP đã giảm 105 điểm ngập. Thời gian ngập được rút ngắn chỉ còn 15 - 40 phút sau mưa, chiều sâu ngập cũng chỉ duy trì 0,1 - 0,3m.
Hiện nay, TP đã đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập và thời gian ngập; đặc biệt khu vực trung tâm.
Với dự án 10.000 tỷ đồng giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1, hiện chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 10/2020. Dự án này hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập do triều và ngập do mưa kết hợp với triều cường cho khu vực trung tâm, các quận 7,8 và huyện Nhà Bè.
TP hiện nay đang sử dụng hệ thống bơm có công suất từ 27.000m/giờ đến 96.000m/giờ để tăng cường khả năng thoát nước. Đồng thời, triển khai thi công dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (khởi công từ tháng 10/2019).
Theo báo cáo, trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết 25/36 tuyến đường trục chính bị ngập, đạt 69% chỉ tiêu trong giai đoạn.
Ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỷ đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỷ đồng vào năm 2020; các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỷ đồng. Tổng cộng toàn bộ kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập là 25.998 tỷ đồng.
Xối xả mưa chiều Sài Gòn, xắn quần vượt 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh Cơn mưa xối xả gần 1 tiếng chiều nay khiến nhiều tuyến đường TP.HCM lại ngập mênh mông như sông. 15h30 chiều nay, TP.HCM xuất hiện cơn mưa như trút nước, kéo dài hơn 1 giờ khiến hàng loạt tuyến đường ngập nặng. Mưa với cường độ lớn tại khu vực trung tâm TP.HCM và lan sang các khu lân cận, lượng mưa...