Ngao chết, tiền mất, nợ chất chồng!
Một tháng nay người nuôi ngao thương phẩm tại Hà Tĩnh đang đứng trước cảnh thất bát, ngao chết trắng bãi, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Yếu tố thời tiết bất thường, môi trường không bảo đảm đang được đưa vào diện nghi vấn?
“Thắng ăn cả làng, mất về trắng tay”
Nghề nuôi ngao trên bãi triều phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, con nước. Bởi thế, người dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) coi đây là nghề “đánh bạc với trời”, có năm được, năm mất. Nhưng năm nay ngao chết đồng loạt, mất trắng khiến người dân lao đao…
Hơn 80 ha vùng bãi triều ở cửa biển xã Mai Phụ huyện này có hơn 30 hộ dân nuôi ngao nhiều năm nay. Ở đây, hầu như năm nào cũng có ngao chết rải rác nhưng năm nay chết nhiều bất thường và trắng bãi.
Về vùng bãi bồi ở xã Mai Phụ (Lộc Hà) những ngày này, đi đâu cũng gặp những tiếng thở dài của người dân nuôi ngao. Cách đây hơn tháng, ngao nuôi của bà con Mai Phụ bắt đầu chết trắng bãi. Dọc tuyến đường vào thôn Mai Lâm, hàng đống vỏ ngao chất đầy. Ông Lê Văn Thuận, chủ đầm ngao cho biết: “Bỏ ra hơn 50 triệu đồng mua con giống về thả trên diện tích gần 3 ha, chờ hơn 1 năm đến ngày thu hoạch thì ngao chết. Thiệt hại khoảng 30 tấn”.
Trong tiếng thở dài, ông Thuận buồn bãi nói: “Với diện tích trên, sản lượng ngao của tôi sẽ đạt gần 60 tấn. Thế nhưng, mọi công sức trông coi, bảo vệ xem như đổ sông, trôi biển, thiệt hại rất nặng nề. Tiếc của, mấy ngày nay, gia đình phải ra đầm thu hoạch số ngao còn sống để vớt vát vốn liếng”.
Chị Nguyễn Thị Hải (thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) thuê 5 ha bãi bồi để nuôi ngao thương phẩm cũng chung cảnh ngộ. Chị Hải cho hay: “Chưa bao giờ ngao của gia đình chết nhiều vậy, chiếm khoảng 80% diện tích. Ra bãi nhìn vỏ ngao nổi trắng trên cát mà xót xa.
Ngao nhỏ thì chết ít hơn, chủ yếu là ngao to đang vào kỳ thu hoạch. Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ nuôi ngao tại đây đều lâm vào cảnh tương tự. 5 ha ngao nuôi chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, ngốn bao công sức chăm sóc suốt gần cả năm, bỗng chốc biến thành… cục nợ”.
Do ngao chết nhiều, không thể tự thu dọn, người nuôi phải thuê nhân công nhặt ngao sống còn sót lại. Đồng thời, gom ngao chết đưa đi tiêu hủy. Chị Nguyễn Thị Thơ (48 tuổi, trú xã Mai Phụ) cho biết: “Tôi được chủ đầm ngao thuê đến nhặt vỏ ngao chết. Mỗi ngày được trả tiền công khoảng 300.000 đồng.
Video đang HOT
Nhìn ngao chết nhiều mà xót. Những con ngao chưa chết chúng tôi cũng nhặt giúp cho chủ, để họ bán vớt vát ít đồng vốn. Tôi đi vớt vỏ ngao cho người ta nhiều năm rồi, cũng xót thay cho họ. Chúng tôi hay đùa nhau, cái nghề thắng ăn cả làng, mất về trắng tay”.
Ông Lê Văn Thuận tính toán, với diện tích nuôi 3 ha, gia đình ông sẽ có thu hoạch gần 60 tấn ngao thương phẩm, tương đương khoảng 700 triệu đồng. Vậy mà sắp thu hoạch thì khoảng một nửa trong số đó chết. “Bao nhiêu vốn liếng, tiền của, công sức vợ chồng tôi dồn vào 3 ha ngao. Tất cả trông mong vào đó. Giờ ngao chết, gia đình tui thêm nợ nần” – ông Thuận nói.
Thời điểm này, mỗi kg ngao sống làm sạch được bán giá 12.000 – 13.000 đồng. Theo người dân, nếu nuôi đạt năng suất cao, một ha sẽ cho lãi hàng chục triệu đồng. “Trời không thương thì gia đình cũng đành chịu. Vụ tới tôi sẽ vay thêm tiền ngân hàng để mua giống mới về thả, mong gỡ lại vốn” – ông Nguyễn Văn Giáp (52 tuổi, trú xã Mai Phụ) chia sẻ.
Ngao chết chất đống, người dân thu gom đem đi đổ
Thời tiết bất thường đang được cho là nguyên nhân chính
Ngay sau khi xảy ra tình trạng ngao chết, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cùng UBND huyện Lộc Hà đã khẩn trương vào cuộc. Một tổ công tác của Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra hiện trường, lấy mẫu phẩm tìm nguyên nhân.
Theo ông Phạm Trọng Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, sau khi cơ quan Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh trực tiếp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân ban đầu không phải do dịch bệnh. Ngao chết chủ yếu là do thời gian nuôi dài, môi trường nuôi ở đây không bảo đảm, đặc biệt là mật độ nuôi ngao quá cao so với khuyến cáo. Bên cạnh đó, thời tiết vừa qua bất thường cũng là nguyên nhân dẫn đến ngao chết hàng loạt.
“Trong thời gian chờ các cơ quan ban ngành làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý thì trước mắt, các cấp, ngành hữu quan đang hướng dẫn người dân thu gom, xử lý ngao chết, rắc vôi khử trùng bãi nuôi và yêu cầu người dân cho “nghỉ bãi” ít tháng sau đó nuôi trở lại. Đồng thời khuyến cáo bà con, khi thả con giống tìm nguồn có chất lượng, xuất xứ. Thả theo đúng mật độ chứ không quá dày” – ông Hợp nói.
Ông Hợp cũng đề xuất, chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, cũng như xem xét đề nghị huyện, tỉnh can thiệp để ngân hàng có chính sách giảm nợ, giúp bà con tái đầu tư, nuôi vụ mới.
Được biết, theo tính toán hơn 80 ha đất bãi triều nuôi ngao, mỗi hec-ta thu hoạch được khoảng 30 tấn ngao. Ngao được bán với giá 13 triệu/tấn. Doanh thu cho cả vùng đạt khoảng 31 tỷ đồng/năm. Năm nay, ngao nhà nào cũng bị chết nhưng chưa thống kê rõ được cụ thể thiệt hại kinh tế bao nhiêu. Bước đầu mới xác định có khoảng 30% số lượng ngao đã chết.
Trương Hoa
Theo GD&VN
Tập trung cao độ cho công tác phòng, chống cúm gia cầm
Trước tình trạng cúm gia cầm đang xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, các địa phương khu vực phía Nam cũng đã có nhiều biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Tại tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm của địa phương này là trên 25 triệu con, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn là rất cao. Điều đáng lo ngại là giá gà công nghiệp hiện chỉ còn từ 10 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng/kg, thấp bằng một nửa giá thành sản xuất. Đây có thể là nguyên nhân khiến người chăn nuôi lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Hiện ngành nông nghiệp nói chung, các địa phương của Đồng Nai nói riêng đều đang tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do công tác thống kê đàn gia cầm trước khi tiêm phòng chưa được thực hiện tốt đã ảnh hưởng đến việc đăng ký vaccine, nhưng hiện Chi cục Chăn nuôi - Thú y còn dự phòng 1 triệu liều vaccine phòng dịch cúm gia cầm, đảm bảo nguồn cung cho người chăn nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Ngành nông nghiệp tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương trong công tác này. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức trong phòng, chống dịch. Các huyện cần rà soát lại, tập trung cho công tác chỉ đạo; kiện toàn, củng cố các đội phản ứng nhanh tại các xã để luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh; tăng cường giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao; đảm bảo nguồn vaccine phòng, chống dịch...
Xây dựng những vùng, các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ giúp cho việc phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả
(Ảnh: K.V)
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết, huyện Cần Đước hiện có 1,2 triệu gia cầm, trên 2.000 gia súc và 2.250 vật nuôi khác. Để chủ động, kịp thời ngăn chặn virus cúm A/H5N1, virus cúm A/H5N6 hoặc chung virus cum co kha năng lây bênh trên gia cầm làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, các hộ chăn nuôi, ngành chức năng huyện đã phối hợp với các địa phương thống kê, tổng hợp tổng đàn gia cầm từng địa phương, khẩn trương chỉ đạo lực lượng tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và triển khai tiêm phòng theo kế hoạch.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Ngoài ra, ngành chức năng huyện Cần Đước cũng tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, nhân dân địa phương về lợi ích của công tác tiêu độc, khử trùng và lịch phun thuốc sát trùng cụ thể cho từng ấp, khu phố để người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh trước khi phun xịt thuốc, chủ động lập dự trù kinh phí để bảo đảm ứng phó dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn huyện, đặc biệt là các điểm nhỏ lẻ, kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường.
Trước diễn biến thời tiết hiện nay rất bất lợi, ngày nắng nóng đêm sương lạnh nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan là rất cao. Đồng thời, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, các địa phương cũng cần rà soát, thống kê, tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm hiện có trên địa bàn và đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% trên tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
Các địa phương có đường biên giới giáp Campuchia cần tích cực phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới vào tỉnh An Giang. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cùng các đơn vị chuyên môn tăng cường phòng, chống dịch, sớm phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý triệt để, triển khai công tác lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, đề xuất sử dụng vaccine phòng bệnh phù hợp. Đồng thời, thực hiện đồng loạt chương trình tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đang cấp tốc triển khai thực hiện nhiều phương án phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; chủ động ngăn chặn, phòng chống, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan, cũng như giám sát, khống chế, dập tắt dịch bệnh ngay khi còn ở diện hẹp. Qua đó tạo điều kiện xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.
Các vùng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng phòng dịch gồm: huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, đây là những vùng nguy cơ cao có 2 lần xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trong 5 năm (2014 - 2018); huyện Vĩnh Lợi, huyện Đông Hải là vùng nguy cơ thấp có không quá 1 lần xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trong 5 năm (2014 - 2018). Đồng thời chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3 triệu con, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân... ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường giám sát, phòng bệnh; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tiêm phòng vaccine, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; vận động người dân kê khai gia cầm nuôi mới, báo ngay cho ngành chức năng khi phát hiện bệnh cúm gia cầm...
Tuy nhiên, phần lớn đàn gia cầm nuôi phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình; quy trình, chuồng trại, kỹ thuật nuôi chưa tốt nên gây nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung kiểm soát tình hình để hạn chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giúp bà con yên tâm chăn nuôi, sản xuất../.
K.V
Theo ĐCSVN
Hà Tĩnh: Gần 250.000 liều vắc-xin cúm A/H5N1 phòng bệnh cho gia cầm trước định kỳ Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm xẩy ra trên địa bàn, 5 địa phương ở Hà Tĩnh đã chủ động nhận vắc-xin về tiêm phòng cho đàn gia cầm trước định kỳ, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Người chăn nuôi xã Thạch Thắng (Thạch Hà) tiêm phòng bệnh cho đàn gia cầm Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức...