Ngành Y tế đang nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch corona
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona (nCoV), phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona về những nỗ lực ứng phó của ngành Y tế Việt Nam với dịch bệnh này.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona.
Thưa ông, trước nguy cơ dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona có thể bùng phát tại Việt Nam, ngành Y tế đã có sự chuẩn bị ứng phó ra sao?
- Theo kịch bản hiện nay, tình huống dịch corona ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 là có ca bệnh xâm nhập. Ngành Y tế đã rất sẵn sàng với cấp độ 2 là có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và đã có phương án để ứng phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh.
Để kiểm soát dịch, Bộ Y tế đã chính thức kích hoạt Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng; báo cáo tình hình dịch hàng ngày; chỉ đạo các địa phương giám sát chặt, thu dung, điều trị các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm.
Bộ Y tế cũng thành lập đội cơ động thường trực phòng, chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona mới tại các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối để sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới theo lệnh điều động của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Bộ cũng có nhiều văn bản gửi các cơ quan liên quan tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS), đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Về công tác phối hợp với quốc tế, Ngành đã được thực hiện ra sao để giảm sự bùng phát dịch bệnh, thưa ông?
Video đang HOT
- Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, mạng lưới văn phòng đáp ứng khẩn cấp khu vực ASEAN để xác minh, cập nhật cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh.
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch đáp ứng phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona với ba tình huống diễn biến dịch bệnh. Bộ cũng duy trì hoạt động của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Bộ Y tế và các viện khu vực, tổ chức đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế (WHO, US-CDC, FAO) và các đơn vị liên quan để kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp.
Với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chủ động thời gian qua, liệu chúng ta có thể kỳ vọng dịch sẽ được kiểm soát tốt không, thưa ông?
- Từ những ngày đầu khi dịch nguy cơ xâm nhập nước ta, Bộ Y tế đã vào cuộc kịp thời với các cuộc họp khẩn liên tiếp để ứng phó với dịch. Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác chống dịch tại các sân bay, cửa khẩu quốc tế lớn tại Đà Nẵng, Nội Bài và Lạng Sơn.
Trưa 30 Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp cùng Bộ Y tế để chủ động phòng chống. Sau đó là những chuyến công tác, thị sát của Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo Bộ Y tế để chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa bàn trọng điểm cũng như tại bệnh viện tiếp nhận ca mắc và nghi ngờ mắc corona.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phác đồ điều trị tới 63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng ứng phó tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của vi rút corona, đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Khi người bệnh có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với chủng vi rút corona mới sẽ được chuyển tới bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị. Cụ thể, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của bệnh viện này, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.
Với cộng đồng, hiện đang có tâm lý hoang mang, lo lắng với dịch, Thứ trưởng có đưa ra khuyến cáo cụ thể nào?
- Ngành Y tế đã, đang và sẽ làm hết sức để phối hợp với tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra một cách tốt nhất. Về phía người dân, Bộ đã ban hành nhiều văn bản các loại, đưa ra các khuyến cáo tới người dân, tránh tình trạng hoang mang.
Trong công tác phòng dịch quan trọng nhất là thái độ và sự hợp tác của người dân, do vậy Bộ đã tiến hành tăng cường truyền thông tới cộng đồng để cung cấp các kiến thức phòng bệnh cần thiết.
Các khuyến cáo mà Bộ Y tế liên tục nhắc tới là người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Người dân cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Dương Ngân (ghi)
Theo baohaiquan
Đề phòng lây nhiễm vi rút Corona qua đường du lịch
Tổng cục Du lịch vừa có công văn gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.
Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra màn hình hiển thị máy quét thân nhiệt đối với hành khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Theo thông tin từ Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV), đến ngày 23/1/2020 Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh/thành phồ gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Một số nước, vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập. Do đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc cập nhật thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm qua đường du lịch, có giải pháp kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam (inbound) tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng chống lây nhiễm vi rút nCoV. Kịp thời báo cáo và tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng địa phương nếu phát hiện trường hợp khách du lịch có biểu hiện ốm sốt nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm vi rút nCoV. Thông tin, hướng dẫn cán bộ, nhân viên và người lao động có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây nhiễm nếu có trường hợp phát sinh liên quan đến khách du lịch.
Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound), Tổng cục Du lịch yêu cầu không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế. Có biện pháp phòng chống dịch bệnh vi rút nCoV cho khách du lịch khi đi du lịch nước ngoài đồng thời hướng dẫn, thông tin đầy đủ đến du khách để khách chủ động phối hợp phòng chống dịch bệnh. Lưu ý hướng dẫn viên tăng cường theo dõi đảm bảo sức khỏe của khách đi tour, thông tin kịp thời đến các cơ quan y tế sở tại và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài khi khách du lịch có vấn đề về sức khỏe, nhất là các triệu chứng liên quan đến vi rút nCoV.
Các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch thường xuyên cập nhật thông tin của các cơ quan chức năng hướng dẫn phòng chống dịch bệnh liên quan đến khách du lịch. Tuân thủ quy định của chính quyền địa phương, cơ quan y tế dự phòng và sớm có các phương án phòng chống, cách ly, xử lý cụ thể nếu có trường hợp phát sinh lây nhiễm dịch bệnh qua đường du lịch hoặc trong cộng đồng dân cư, đảm bảo tuyệt đối an toàn, sức khỏe của khách du lịch, người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Tổng cục Du lịch đề nghị các cơ quan quản lý du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc thường xuyên cập nhật tình hình lây nhiễm vi rút nCoV trên trang web của Cục Y tế dự phòng (http://vncdc.gov.vn), nghiêm túc tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương về việc triển khai các hoạt động phòng chống lây nhiễm vi rút nCoV trong lĩnh vực du lịch.
Theo XC/Báo Tin tức
Các bệnh viện "gác Tết" lo chống dịch Trước tình hình dịch do vi rút Corona (nCov), nhiều bệnh viện đã lên phương án phòng chống dịch cũng như sẵn sàng các khâu thu dung và điều trị nếu có bệnh nhân nghi ngờ mắc nCov. Khu điều trị cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch. GS.TS Ngô Quý Châu...