Ngành thuế đã gửi hàng chục ngàn thư mời đến người kinh doanh online
Việc xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỉ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua facebook ở TP HCM là trường hợp điển hình của ngành thuế trong năm 2017
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến giám sát chuyên đề và chất vấn về lĩnh vực tài chính từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.
Tại văn bản này, Chính phủ lưu ý đến vấn đề đổi mới công tác thu thuế đối với hộ kinh doanh. Tromg đó, năm 2017, ngành thuế đã triển khai rà soát các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nhưng chưa kê khai, nộp thuế.
Cụ thể, ngành thuế Hà Nội đã rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng, trong đó 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế.
Ngành thuế TP HCM cũng đã gửi 13.145 giấy mời trên 15.297 trang web và tài khoản facebook do cơ quan thuế thu thập được tới các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử.
Tại Đà Nẵng, cơ quan thuế đã rà soát có 11.072 chủ tài khoản; Khánh Hòa có 6.729 chủ tài khoản; Nghệ An có 3.545 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng.
Ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát và truy thu thuế với người bán hàng qua mạng. Ảnh: Hoàng Triều
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế; thực hiện thu thập dữ liệu và chuyển cho các phòng kiểm tra thuộc Cục Thuế,…
Video đang HOT
Đặc biệt, một trường hợp điển hình tại TP HCM, cơ quan thuế đã xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỉ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua mạng facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh. Sự việc bị phát hiện thông qua đơn tố cáo. Cụ thể vào tháng 5-2017, sau khi nhận được đơn tố cáo, Chi cục Thuế quận Phú Nhuận đã xác minh tài khoản ngân hàng của cá nhân này và phát hiện doanh thu thực tế trong giai đoạn 2014-2016 lên hơn 439 tỉ đồng.
Sau khi hồ sơ được cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an, cá nhân này mới chịu đến làm việc và xác nhận toàn bộ số tiền này là doanh số bán hàng. Đồng thời, người này cũng tự xác định số thuế khai thiếu và nộp vào ngân sách 9,19 tỉ đồng bao gồm: nộp tiền thuế giá trị giá tăng gần 4,5 tỉ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 2,3 tỉ đồng, tiền phạt gần 1,4 tỉ đồng và tiền chậm nộp hơn 1 tỉ đồng.
Về giải pháp kiểm soát và truy thu thuế với người bán hàng qua mạng trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu riêng về hộ kinh doanh của từng địa phương. Đồng thời, thực hiện cập nhật thông tin quản lý rủi ro về hộ kinh doanh vào Hệ thống quản lý thuế tập trung của ngành Thuế (Hệ thống TMS) theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC để phục vụ cho công tác xây dựng doanh thu và mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Từ đó dễ dàng kết nối với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế, làm tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro đối với hộ kinh doanh tập trung tại Tổng cục Thuế trong thời gian tới.
Về quản lý hóa đơn đối với hộ khoán, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ngành thuế đã triển khai thí điểm thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối vói nhóm hộ kinh doanh có quy mô lớn có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm liền trước liền kề từ 1 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng.
Báo cáo nêu rõ việc kiểm soát kịp thời việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh và doanh nghiệp sẽ giúp ngành thuế kiểm soát ngay được doanh thu kinh doanh của người bán, chi phí đầu vào của người mua, ngăn chặn tuyệt đối hiện tượng lập hóa đơn giấy sai lệch nội dung giữa các liên.
Việc này cũng tạo điều kiện để hộ kinh doanh, doanh nghiệp xuất hóa đơn cho khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện tại bất cứ địa điểm, thời gian nào chỉ cần có thiết bị kết nối internet. Qua đó ngăn chặn tình trạng người bán trì hoãn không xuất hóa đơn kịp thời cho người tiêu dùng đang diễn ra phổ biến hiện nay vì lý do chưa mua được hóa đơn giấy của cơ quan thuế.
Ph.Nhung – Tr.Nguyễn
Theo NLĐ
Nghĩa vụ thuế
Ngày 3/8, Tổng cục Thuế công bố 1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017. Đây là năm thứ 2 Tổng cục Thuế công bố Bảng xếp hạng. Theo đó, lần này 1.000 DN nộp thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% trên tổng số thuế thu nhập DN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với mức 101.457 tỷ đồng của năm 2016.
Việc thu thuế với hình thức kinh doanh trên mạng được coi là vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Trong Bảng xếp hạng năm 2017 có 703 DN nằm trong Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất của cả 2 năm 2016 và 2017. Có 297 DN được bổ sung mới trong Bảng xếp hạng.
Như vậy có thể thấy, nhiều DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Cùng với việc có thêm gần 300 DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cũng cho thấy thái độ rõ ràng, minh bạch hơn của hệ thống DN, ngày càng hoạt động trên tinh thần thượng tôn pháp luật và hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung, không chỉ vì sự phát triển của riêng mình. Trong Bảng xếp hạng mới này thì về phía địa phương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế. Khối DN ngoài quốc doanh, khối DN FDI cũng có số lượng lớn DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Việc vinh danh những DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, ở một khía cạnh khác cho thấy rất đáng phê phán những DN cố tình chây ỳ, trốn thuế bằng nhiều chiêu thức. Điều đó không chỉ đáng bị phê phán về thái độ, nghĩa vụ chung mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm khắc. Theo giới chuyên gia kinh tế thì nhiều DN luôn tìm mọi cách để lách luật, trốn thuế...; có tình trạng DN lợi dụng việc "chết" để trốn thuế.
Thời gian qua có không ít DN bị nêu tên bởi vi phạm về thuế, điển hình là Uber, Grab. Điểm chung của tất cả những DN này là hình thức hoạt động kinh doanh dịch vụ công nghệ, hay nói cách khác là họ chỉ bán phần mềm. Qua đó đã cho thấy lỗ hổng trong chính sách, cơ chế thuế không theo kịp với sự phát triển xã hội. Một con số thống kê cho thấy, 2 DN này hàng năm đưa ra nước ngoài hơn 3.600 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó DN vẫn báo lỗ. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế thì Grab đã bị lỗ 938,2 tỷ đồng trong khi có vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Còn Uber từng bị truy thu 66 tỷ đồng các khoản thuế chi cho các cá nhân. Theo giới chuyên gia kinh tế, các DN này hoàn toàn có lãi, nhưng lỗ lại là quốc gia sử dụng chịu, mà ở đây là Việt Nam.
Cũng cần phải thấy rằng, quy định về thuế đối với các DN nước ngoài đã được Bộ Tài chính nêu rõ trong Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Theo đó, người nộp thuế là các nhà thầu, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh. Các loại thuế áp dụng bao gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, những DN kể trên phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam; cho dù họ có máy chủ, công ty mẹ ở nước ngoài nhưng một cách chính thức họ đang kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế thất thu thuế cho thấy, trách nhiệm trong việc thất thu thuế trước hết phải thuộc về cơ quan thuế, sau đó mới tới lỗ hổng của chính sách; kể cả việc chậm kiến nghị, đề nghị sửa đổi, xem xét luật...
Vì thế, cùng với việc biểu dương những DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế thì cũng rất cần nêu rõ danh tính những DN chây ỳ, trốn thuế. Ở đây, có thể nói tới một hình thức kinh doanh mới là bán hàng qua mạng, thường được gọi là bán hàng online. Theo Cục Thuế TP HCM, cần thu thuế với hoạt động kinh doanh này nhằm bảo đảm bình đẳng về thuế và người bán hàng trên mạng xã hội có hành vi trốn thuế sẽ bị cơ quan thuế bêu tên trên các phương tiện thông tin.
Số liệu của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, sau khi sàng lọc 1.739 chủ trang Facebook và website (thời điểm năm 2017), trên địa bàn có khoảng 1.127 trang Facebook, website đang kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Chi cục Thuế quận này đã gửi thư mời 172 chủ trang web (dưới dạng DN) tới làm việc để hướng dẫn kê khai thuế. Thế nhưng, chỉ có 98 chủ trang web đến cơ quan thuế. Với nhóm 677 cá nhân là chủ trang Facebook và trang web được Chi cục Thuế quận gửi thư mời đến làm việc thì có đến 548 chủ trang không đến và 59 thư mời bị bưu điện trả lại. Để trốn thuế, không ít chủ trang wesite, Facebook xóa địa chỉ giao dịch hoặc chỉ để lại số điện thoại để người mua hàng liên hệ. Điều đó cho thấy sự tự giác kê khai của người nộp thuế thấp, trong khi nhân sự, công nghệ của cơ quan thuế chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của hoạt động thương mại điện tử.
Giống như TP HCM, Hà Nội cũng gặp vấn nạn trốn thuế của các đối tượng kinh doanh trên mạng.
Theo cơ quan chức năng, hiện tượng trốn thuế diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó có việc mua vào giá thấp nhưng lại viết trong hoá đơn giá cao hơn (chi phí cao). Việc này giúp DN giảm được khoản thuế thu nhập DN, cũng như thuế GTGT phải nộp, bằng cách tăng thuế GTGT đầu vào khấu trừ. Cách nữa là bán hàng nhưng không xuất hoá đơn; Đưa chi phí nhân công cao tối đa; Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định; Thỏa thuận cấu kết với nhân viên thuế. Đáng chú ý, trong những chiêu thức trốn thuế có việc đăng ký chuyển lỗ trong vòng 5 năm. Theo đó, DN sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo.
Nhìn chung, những lỗ hổng chính sách để DN trốn thuế không thật khó phát hiện. Nhưng cái khó chính là ở chỗ có thực sự muốn bịt lỗ hổng đó hay không ở những người có quyền tính toán, thu thuế. Vì vậy, cùng với việc cần thiết tôn vinh DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cũng cần xử lý nghiêm những DN trốn thuế, đặc biệt với những đối tượng tiếp tay cho DN trốn thuế.
Nam Việt
Theo daidoanket
Ngoài 2 lãnh đạo chủ chốt, Đà Nẵng còn 73 đảng viên bị kỷ luật Thành ủy Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị vào sáng 4.7 để đánh giá về các công tác của thành phố. Thông tin tại hội nghị này cho biết, ngoài 2 lãnh đạo chủ chốt, Đà Nẵng còn kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên khác. Ngày 4.7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình các mặt...