Ngành in thiếu nhân lực trầm trọng
Nhiều doanh nghiệp ngành in đang gặp khó khăn về nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm rõ rệt dẫn đến năng suất lao động thấp.
Sáng ngày 18/3, hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tổng kết thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức tại TP.HCM.
Bên cạnh những số liệu khả quan của ngành in trong năm 2020, một vấn đề khó khăn được cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp nêu ra là nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành in tích cực cho ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý. Ảnh: Duy Anh.
Nhân lực thiếu và yếu
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng lao động năm 2020 là 60.720 lao động (giảm 2,3%). Trong đó, số lao động nam chiếm 59,8%. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%.
Trong số lao động được đào tạo, trình độ trên đại học chưa tới 1%, đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại lại là sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo.
Cục Xuất bản, In và Phát hành đánh giá năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm rõ rệt. Nguyên nhân là số lao động có trình độ tay nghề cao, bao gồm cả kỹ sư, công nhân bậc cao đào tạo tại nước ngoài, phần lớn đã hết tuổi lao động.
Số lao động lâu năm trong ngành lại khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Do những khó khăn về kinh phí, ít doanh nghiệp đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực.
Mặt khác, năng lực đào tạo hiện có của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngành in. Nội dung đào tạo chưa bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội In Hà Nội, thừa nhận thực trạng đang diễn ra đối với ngành in là thiếu lao động được đào tạo. Các doanh nghiệp in trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam đều rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, cũng như lao động phổ thông.
Ông dẫn ví dụ cuối năm 2020, Cao đẳng Công nghiệp In tổ chức tọa đàm về đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp với sự tham gia của 20 doanh nghiệp in lớn và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký học các khóa rất ít.
Thiếu lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp này câu kéo nhân công của doanh nghiệp khác bằng cách trả lương cao hơn để có người làm được ngay không phải mất công đào tạo.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị các đơn vị đào tạo đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in, gồm đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật.
Nội dung đào tạo cần bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in, để nhân lực được đào tạo khi ra trường có thể làm việc được ngay, tránh tình trạng vừa thiếu nhân lực có chất lượng cao, lại thừa nhân lực do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất mới.
Các trường phải tăng cường, thường xuyên hợp tác với quốc gia có ngành in phát triển để cử sinh viên, cán bộ đi học tập và đào tạo, chuẩn bị cho nguồn nhân lực cho ngành in phù hợp sự phát triển của thế giới.
Các cơ sở ngành in cũng phải chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm in của cơ sở.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, tại hội nghị. Ảnh: Duy Anh.
Sửa đổi, bổ sung nghị định
Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động in để phù hợp thực tiễn hoạt động của ngành in.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý trong năm 2021 là nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in; xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in.
Các đơn vị phải tích cực góp ý sửa đổi để nghị định đáp ứng yêu cầu ngành in.
Về việc góp ý, sửa đổi các nghị định, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý các đơn vị ngành in phải tích cực cho ý kiến, góp ý, để nghị định đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không xảy ra tình trạng nghị định mới ban hành vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung.
Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP là hai văn bản tác động chính đến hoạt động in. Do vậy, trước xu thế phát triển như hiện nay, hai nghị định này cần phải bổ sung, điều chỉnh các nghị định, quy định pháp luật cần thiết cho phù hợp thực tiễn.
“Trên cơ sở những góp ý của các địa phương, doanh nghiệp, hai nghị định có nhiều vấn đề cần sửa đổi. Tuy nhiên, điều này cũng nói lên tính trách nhiệm của các cơ quan xây dựng pháp luật. Hiện nay, tính dự báo của các nghị định, quy định pháp luật chưa đạt yêu cầu, vì thế khi luật ban hành thì đã có những điểm lạc hậu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nghị định mới cần được làm kỹ để cần đảm bảo tính khả thi và lâu dài”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, việc sửa đổi, bổ sung các nghị định không chỉ là lắng nghe ý kiến, tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý ngành in mà còn phải so sánh, đối chiếu với các luật khác có liên quan. Điều này giúp phát hiện những vấn đề chồng chéo, từ đó, cơ quan soạn thảo nghị định sửa đổi đưa ra những quy định mang tính tổng thể, hài hòa, căn cứ vào mục tiêu chiến lược và quy hoạch ngành.
Đồng Nai chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có ngành Công nghiệp phát triển mạnh, hiện 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.500 dự án.
Cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm tới nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngay tại địa phương, từng bước vươn tới thị trường lao động quốc tế.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) trong tiết thực hành. Ảnh: Hải Yến
* Nâng cao chất lượng cuộc sống
Đồng Nai hiện đang thu hút hơn 1,2 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 60% lao động ngoại tỉnh. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là những lao động ngoại tỉnh.
Hiện nay, chất lượng cuộc sống của nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang ngày càng được nâng cao, điều này thể hiện rõ ở mức thu nhập bình quân của người lao động. Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2015, thu nhập bình quân chỉ đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TBXH) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm và không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống của người lao động cũng được cải thiện qua từng năm, năm sau được cải thiện hơn năm trước.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, để đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân lao động, người lao động trẻ tại các khu công nghiệp, trong thời gian tới, lãnh đạo công ty, các cấp Công đoàn cần tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, ổn định và phát triển việc làm, đảm bảo nhu cầu sống về vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình. Cụ thể: các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động, lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của người lao động; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, đảm bảo việc làm, thu nhập, đáp ứng được những nhu cầu sống tối thiểu để người lao động yên tâm, gắn bó và tập trung phát huy năng lực làm việc. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
* Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động
Chú trọng công tác đào tạo nghề chất lượng cao thể hiện qua trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là một trong những "bí quyết" giúp Đồng Nai luôn nằm trong nhóm những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong cả nước.
Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác và doanh nghiệp tại địa phương. Trung bình mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề, cung cấp ra thị trường lao động khoảng 75 ngàn người.
Xác định thế mạnh là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, Đồng Nai quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ trước hết cho chính đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có thể tiếp cận nhanh nhất với các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và phát huy cao nhất lợi thế nguồn lao động dồi dào của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH), để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, Đồng Nai đang thực hiện chương trình đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế. Chương trình đang được thí điểm tại một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện theo mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo mô hình này, doanh nghiệp tham gia vào ban tư vấn nghề nghiệp, quá trình đánh giá thi cử, xây dựng điều chỉnh các chương trình, làm sao để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay ở tỉnh, sau đào tạo, khoảng 85% số lao động có việc làm với thu nhập ổn định, đặc biệt với nguồn nhân lực ở một số nghề như: cơ khí, sửa chữa, điện, điện công nghiệp gần như 95-100% lao động sau khi đào tạo là có việc làm.
Tỉnh Đồng Nai xác định từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng công nhân lành nghề, được đào tạo có chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các địa phương khác trong cả nước cũng như thế giới.
Phát huy vai trò tổ chức đảng trong đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng Sóc Trăng là một trong số ít tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ gần 31% số dân toàn tỉnh. Từ đặc thù này, thời gian qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cách làm mới trong công tác...