Ngành hàng không châu Á phục hồi khi các biện pháp chống dịch COVID-19 được nới lỏng
Theo ước tính mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế ( IATA), lưu lượng hành khách hàng không tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay sẽ phục hồi về mức tương đương 73% mức ghi nhận năm 2019, trong bối cảnh các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
Máy bay của hãng hàng không Singapore Airlines và hãng hàng không giá rẻ Scoot tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến ngày 11/10, Phó Chủ tịch IATA phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Philip Goh cho biết con số trên tăng mạnh so với mức 53% trong tháng 8 vừa qua. Ông đánh giá động lực tăng trưởng “rất mạnh mẽ”, đặc biệt là các thị trường lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Goh cũng lưu ý số liệu dự đoán trên được tính toán dựa trên việc Trung Quốc sớm mở cửa biên giới, mặc dù vẫn chưa có thời điểm cụ thể.
Theo số liệu của IATA, ngành hàng không châu Á phục hồi chậm hơn các khu vực khác trên thế giới, phần lớn do một số nước như Trung Quốc và Nhật Bản tương đối chậm dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh được áp đặt nhằm chống đại dịch COVID-19. Điều này khiến lượng hành khách quốc tế trung bình chỉ đạt 2-3% mức trước đại dịch COVID-19.
Cũng theo IATA, trong tháng 8 vừa qua, lưu lượng hành khách quốc tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt 35% mức ghi nhận năm 2019. IATA dự đoán đến năm 2025 mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19.
Nhiều nhân tố thúc đẩy giá vé máy bay tiếp tục tăng cao
Ngày 21/9, các nhà lãnh đạo ngành hàng không cảnh báo hành khách vẫn phải "gồng mình" với giá vé máy bay cao hơn, giữa bối cảnh lĩnh vực này phải đối mặt với những thách thức do đại dịch COVID-19, giá dầu cao và lo ngại xung đột Nga - Ukraine.
Máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Qatar Airways chờ đón khách tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul (Afghanistan). Ảnh tư liệu (minh họa): AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh cho biết, sự phục hồi của các hãng hàng không sẽ bị trì hoãn nếu Trung Quốc duy trì các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 vào năm 2023.
Ông Willie Walsh và Giám đốc điều hành Qatar Airways, Akbar Al Baker, cho biết, hành khách trên khắp thế giới có thể sẽ phải trả giá vé cao hơn trong những tháng tới do giá nhiên liệu cao hơn đã làm tăng thêm khoản lỗ của ngành hàng không từ hai năm qua.
Tuy nhiên, ông Walsh lạc quan nói rằng, "điểm mấu chốt" là nếu giá nhiên liệu máy bay tiếp tục tăng thì lựa chọn duy nhất của các hãng hàng không là nâng giá vé.
Người đứng đầu IATA và người đứng đầu Qatar Airways cho biết, áp lực tăng giá vé máy bay sẽ kéo dài đến năm 2023 và thậm chí xa hơn nữa. IATA cho biết, các hãng hàng không đã lỗ 180 tỷ USD trong năm 2020 và 2021, và dự kiến sẽ lỗ thêm 9,7 tỷ USD nữa trong năm nay.
Qatar Airways, hãng hàng không đã thu về lợi nhuận 1,5 tỷ USD trong năm nay, đã chỉ trích các chính phủ vì đã "gây hiểu lầm" cho công chúng về tác hại môi trường của việc đi máy bay. Ông Al Baker cho biết, các hạn chế đối với các hãng hàng không như di chuyển giữa nhiều nước châu Âu để chấm dứt các chuyến bay có quãng đường dưới 500 km cũng làm tăng thêm chi phí. Theo ông Baker, nếu giá các loại nhiên liệu mới thân thiện với môi trường cao hơn thì áp lực giá vé cao vẫn sẽ tiếp diễn.
Cả hai nhà lãnh đạo này đều cho biết, việc mở lại biên giới của Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi của ngành hàng không, bởi Trung Quốc có một "vị trí rất quan trọng" trong các số liệu du lịch quốc tế.
Du lịch bằng đường hàng không khởi sắc, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 Ngày 7/10, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết du lịch bằng đường hàng không đã tăng mạnh tại Bắc bán cầu vào mùa Hè, thời kỳ cao điểm của mùa du lịch, song vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch COVID-19. Máy bay tại sân bay ở Mumbai, Ấn Độ ngày 9/10/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN...