Ngành hàng không Anh đầy sóng gió hậu Brexit
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Brexit, có thể tạo ra một thời kỳ đầy sóng gió cho ngành hàng không nước này.
Máy bay của British Airways, hãng hàng không con của International Airlines GroupReuters
Ngành hàng không vốn khởi sắc nhờ hệ thống một bầu trời chung châu Âu (Single European Sky) của EU trong vòng hai thập niên qua, theo AFP ngày 26.6.
Sau Brexit, Anh sẽ phải tái đàm phán nhiều thỏa thuận với EU, bao gồm các chuyến bay giữa Anh và các nước EU.
Chuyên gia kinh tế Peter Morris thuộc công ty chuyên nghiên cứu về thị trường hàng không Ascend Flightglobal Consultancy cảnh báo Brexit sẽ ảnh hưởng đến nhiều hãng hàng không, sân bay và hành khách đi lại bằng máy bay ở Anh.
Hệ thống Single European Sky tháo gỡ những rào cản thương mại đối với các hãng hàng không của các nước thành viên EU.
Các hãng hàng không Anh sẽ mất lợi thế này nếu các nhà đàm phán Anh không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào mới với EU sau Brexit. Điều này đồng nghĩa các hãng hàng không Anh không còn có quyền tự do định giá vé máy bay hay mở bất kỳ đường bay nào ở châu Âu.
Mặt khác, các hành khách đến hoặc rời khỏi Anh sẽ phải đối mặt với những khoản thuế mới.
Hai máy bay của hãng EasyJet Reuters
Hai hãng hàng không lớn ở Anh là EasyJet và International Airlines Group (IAG) chịu ảnh hưởng sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được công bố vào ngày 24.6 cho thấy dân Anh muốn rời khỏi EU. Trong ngày 24.6, cổ phiếu của EasyJet giảm 14,35% và IAG giảm 22,54% ở thị trường London.
Video đang HOT
Ngay khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, EasyJet đã gửi thư lên chính phủ Anh và EU đề nghị giữ Anh trong hệ thống Single European Sky.
Tổng giám đốc EasyJet Carolyn McCall cho biết hành khách được hưởng lợi nhờ Single European Sky, tức giảm giá vé 40%.
EasyJet trong một thông cáo khẳng định Brexit sẽ không ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của hãng này, nhưng sẽ phải tìm kiếm những lựa chọn khác để duy trì hoạt động.
Theo bà Morris, EasyJet, hiện có trụ sở ở thủ đô London, “có kế hoạch di dời trụ sở đến các nước EU, có lẽ dưới một thương hiệu mới”. IAG được cho cũng có chiến lược tương tự.
Hãng hàng không Ryanair, đã tham gia chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU, có thể ít chịu nhiều ảnh hưởng từ Brexit do trụ sở hãng này nằm Ireland dù hoạt động rất mạnh ở Anh.
Theo Thanh Niên
Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND sẽ phản ánh Brexit thế nào?
Thêm một lần nữa chính sách tỷ giá của Việt Nam chịu thử thách từ bên ngoài...
Tỷ giá trung tâm ngày thứ Hai tới hẳn sẽ bắt đầu phản ánh mức độ ảnh hưởng của Brexit, thể hiện sự rung lắc kiểu lượng hóa theo lý thuyết của cơ chế tính tỷ giá trung tâm, thay vì các phản ứng chủ động phá giá một bước nhảy cóc như cơ chế điều hành trước đây.
Sau những phản ứng đầu tiên về sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, thị trường có hai ngày nghỉ để trấn tĩnh. Tỷ giá USD/VND là một trong những sợi dây kết nối sự kiện.
Thêm một lần nữa chính sách tỷ giá của Việt Nam chịu thử thách từ bên ngoài. Hai lần nổi bật gần đây đã từng cho thấy mức độ lớn.
Trước hết là tâm lý
Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cộng hưởng là sự cố tại Bình Dương đối với doanh nghiệp FDI.
Ở sự kiện đó, thị trường ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức họp báo, có đại diện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đưa ra thông điệp bình ổn tỷ giá. Đó cũng là lần hiếm hoi người ta thấy ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc khi đó, cẩn trọng đến mức dán mắt đọc từng chữ trên văn bản khi đưa ra thông điệp.
Tháng 8/2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá rất mạnh đồng Nhân dân tệ. Tỷ giá USD/VND lập tức chao đảo, như diễn biến của nhiều đồng tiền khác trên toàn cầu. Đây là cú sốc quá lớn khiến Ngân hàng Nhà nước không thể bảo thủ để giữ vững cam kết ổn định tỷ giá trong khoảng biến động 2% cả năm 2015.
Và lần này, sự kiện Brexit vừa diễn ra, với tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Thị trường Việt Nam đã có ngày đầu tiên phản ánh tác động. Trước hết vẫn là tâm lý. Tỷ giá USD/VND nhanh chóng tạm ổn định, thị trường chứng khoán có hồi lên cuối phiên. Dù mới chỉ nhất thời, nhưng bước đầu cho thấy tâm lý thị trường không quá xáo trộn. Nhưng cũng có thể vết cắt chỉ bắt đầu đau sau khi được nhận ra.
Vậy nên, những dự đoán hay bình luận, khẳng định nào đó về diễn biến của tỷ giá USD/VND trong sự kiện Brexit lúc này có thể là quá vội vàng, hoặc do chưa lường hết được các tác động theo diễn tiến phức tạp của nó.
Anh rời EU. Không gói gọn như vậy. Chiếc kéo có thể tiếp tục cắt thêm các nước thành viên khác. Đối với Việt Nam, và trong tác động đối với tỷ giá USD/VND, hiệu ứng donmino vẫn chưa dừng lại, không gói gọn trong quan hệ với Anh, EU. Thị trường còn chờ đợi cả diễn biến tác động ở Nhật, Trung Quốc, Mỹ...
Nói dự báo và khẳng định tác động đối với tỷ giá USD/VND lúc này quá vội vàng là vậy. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang bám sát và đánh giá các tác động để có ứng xử hợp lý cũng là vậy.
Nhưng lúc này vẫn có thể dự tính những ứng xử của Ngân hàng Nhà nước ở chính sách tỷ giá.
Qua đêm, trời lại sáng. Thị trường sẽ trở lại giao dịch vào thứ Hai tới. Như thường lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn công bố tỷ giá trung tâm tham chiếu cho thị trường.
Nhu ứng với cương
Điều khẳng định lúc này là tác động đối với tỷ giá USD/VND hiện nay đã rất khác so với hai sự kiến lớn nói trên: sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và phá giá Đồng Nhân dân tệ.
Vì nay Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Một đặc điểm của cơ chế là tạo bộ đệm giảm chấn đối với tác động từ bên ngoài. Về lý thuyết, tác động từ Brexit chỉ là một trong những cấu phần để tính mức tỷ giá trung tâm, Bảng Anh chỉ là một đồng tiền chiếm tỷ trọng nhỏ trong rổ tham chiếu.
Nhưng, như trên, tác động không chỉ gói gọn ở biến động của đồng Bảng Anh, mà còn cả ở hiệu ứng đối với đồng Euro, đặc biệt là với đồng USD và Nhân dân tệ.
Theo đó, tác động từ Brexit đối với tỷ giá USD/VND còn bám theo phản ứng của các đồng tiền nói trên nữa. Dĩ nhiên, hiệu ứng tâm lý là một đặc điểm của thị trường, có thể tác động tức thời đến cung-cầu.
Trong khi theo dõi và đánh giá những tác động từ bên ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy sự nhanh nhạy và kịp thời trong ngày cuối tuần vừa qua.
Sau khoảng hai tuần tạm ngừng phát hành tín phiếu, nhường thanh khoản cho hệ thống, cùng với hoạt động trở lại mua vào ngoại tệ, thì ngay trong ngày đầu tiên sự kiện Brexit diễn ra, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại phát hành 5.000 tỷ đồng tín phiếu.
Hút bớt tiền đồng về, tác động tới lãi suất và hỗ trợ cân bằng tỷ giá. Mức độ hút vào không quan trọng, điểm cần thiết là nhà điều hành phát đi thông điệp sẵn sàng và nhanh chóng hòa vào cân đối thị trường khi có biến động bất ngờ và lớn.
Ít nhất, nhà điều hành đã xuất hiện ngay khi thị trường cần, các thành viên trên thị trường nhìn thấy ngay thay vì dáo dác chờ đợi mà có thể càng xáo trộn.
Cơ chế tỷ giá trung tâm, với đặc điểm có bộ giảm chấn bởi các cấu phần của nó, cùng sự linh hoạt và kịp thời trong sử dụng công cụ điều tiết vốn như trên của Ngân hàng Nhà nước là nhu ứng với cương.
Bởi vì, khi các hiệu ứng tác động Brexit vẫn chưa thể hiện hết, cơ chế tỷ giá trung tâm vẫn đang hoạt động, nếu phản ứng mạnh và phá giá VND ngay như một số bình luận từ tổ chức đầu tư vừa đưa ra, sẽ dễ vỡ thêm tâm lý, càng kích thích hoạt động trú ẩn ở ngoại tệ.
Dĩ nhiên, tỷ giá trung tâm ngày thứ Hai tới hẳn sẽ bắt đầu phản ánh mức độ ảnh hưởng của Brexit, thể hiện sự rung lắc kiểu lượng hóa theo lý thuyết của cơ chế tính tỷ giá trung tâm, thay vì các phản ứng chủ động phá giá một bước nhảy cóc như cơ chế điều hành trước đây.
Theo VnEconomy
Hậu Brexit: Người Anh bàng hoàng, hối tiếc vì bỏ phiếu rời EU Người dân Anh đang ngấm cảm giác bàng hoàng và hoang mang khi phải đối mặt với cơn địa chấn về chính trị lẫn tài chính sau cuộc trưng cầu dân ý quyết định việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Một số người từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit giờ đây cảm thấy hối tiếc về quyết định của mình. Các...