Ngành giải trí không chỉ có thị phi như Selena Gomez than
Vụ cãi cọ giữa Taylor Swift với vợ chồng rapper Kanye West khiến giọng ca trẻ Selena Gomez phải cảm thán đầy tiêu cực: “Ngành công nghiệp giải trí thật đáng thất vọng!”
Mối thâm thù của Taylor Swift và Kanye West kéo dài gần một nửa thập kỷ mà không có hồi kết. Từ những kẻ đứng ở hai đầu chiến tuyến, họ xích lại gần nhau để chờ cơ hội hạ bệ nhau. Và họ thực sự đã làm điều đó.
Ngày 18/7, khán giả trên toàn cầu được chứng kiến vụ tố Taylor Swift giả tạo đến từ Kim, vợ Kanye West. Ngay lập tức, các nghệ sĩ pop chia thành các “bè phái” để ủng hộ hoặc chỉ trích người còn lại. Cùng với đó, người hâm mộ cũng được dịp “quăng” lên mạng Internet những bình luận khó nghe và gay gắt nhất.
Nữ ca sĩ Selena Gomez.
Nữ ca sĩ trẻ Selena Gomez, người được cho là đang “bảo vệ” cô bạn thân Taylor Swift đã viết một loạt các chia sẻ trên mạng xã hội Twitter. Lời lẽ mang tính tích cực của cô cũng không tránh được những bình luận cay nghiệt của cộng đồng mạng.
Cô viết khá bi quan nhưng rất nghiêm túc: “Có những thứ quan trọng hơn để bàn luận… Tại sao người ta không sử dụng tiếng nói của họ vì một thứ gì đó thực sự quan trọng nhỉ? Sự thật là, điều cuối cùng tất cả chúng ta cần bây giờ là sự căm ghét, bất kể hình thức nào. Ngành công nghiệp giải trí này thật đáng thất vọng nhưng lại là ngành có sức ảnh hướng lớn nhất”.
Video đang HOT
Nhưng thực sự ngành công nghiệp giải trí chỉ toàn sự căm ghét, đáng thất vọng như Selena Gomez đã bày tỏ? Những vụ cãi cọ của sao dường như chỉ là bề nổi, những điều ý nghĩa mà âm nhạc mang lại thực sự vẫn rất nhiều trong showbiz. Âm nhạc và những nghệ sĩ đích thực vẫn đang làm những việc họ phải làm, mang lại những điều tốt đẹp.
Có thể nói 2016 là năm đầy mất mát của làng nhạc nhưng cũng là năm khiến mọi người xúc động và tin tưởng. Nhiều huyền thoại cứ lần lượt qua đời như David Bowie, Prince…, những vụ khủng bố, xả súng vào nghệ sĩ, dân thường liên tiếp diễn ra. Nhưng tất cả đó, đã tạo nên một làn sóng văn hóa và đầy tính nhân bản.
Âm nhạc là nguồn cảm hứng, là những cảm xúc được chia sẻ. Vì thế, khi những huyền thoại qua đời, các nghệ sĩ và công chúng lặng mình xúc động và tưởng nhớ. Chính âm nhạc của họ đã vực dậy tinh thần, là “liều thuốc tinh thần” của hàng triệu người trên thế giới.
Vụ khủng bố ở thành phố Nice thuộc miền nam nước Pháp ngày 14/7 khiến nhiều người đau lòng. Những cũng chính từ đó, tinh thần đoàn kết bới âm nhạc cũng bắt đầu dấy lên. Ca khúc Imagine của cựu thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles, John Lennon một lần nữa vang lên. Trước đó, một vụ tấn công khủng bố khác tại Paris, Pháp cũng chứng kiến được sức mạnh của âm nhạc lớn đến mức nào.
Âm nhạc luôn có sức mạnh như thế. Sau vụ xả súng vào một câu lạc bộ đồng tính tại Orlando (Mỹ), nhiều nghệ sĩ trong đó có Britney Spears, Jennifer Lopez, Meghan Trainor… cũng đã chung tay giúp đỡ các nạn nhân. Họ cùng hát vang ca khúc Hands, đan những những cánh tay vì một xã hội tốt đẹp. Mọi lợi nhuận thu được từ ca khúc này sẽ được gửi tới quỹ từ thiện dành cho nạn nhân trong vụ xả súng.
Nhiều nghệ sĩ như Britney Spears, Jennifer Lopez, Adam Lambert…. đã góp giọng hát trong ca khúc Hands, gây quỹ từ thiện dành cho các nạn nhân trong vụ xả súng tại Orlando, Mỹ.
Trước đó, Christina Grimmie, cựu thí sinh The Voice Mỹ bị sát hại bằng súng khi đang ký tặng người hâm mộ cũng tại Orlando (Mỹ). Cái chết của Grimmie khiến nhiều người đau lòng nhưng cũng chính họ, đã phát đi những thông điệp đầy yêu thương. Những lời cầu nguyện cho nữ ca sĩ trẻ đam mê âm nhạc nhưng phải kết thúc sớm cuộc hành trình của mình đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác.
Mới đây, bức thư của Paul McCartney gửi cho huyền thoại âm nhạc quá cố Prince đã gây chú ý. Đó không phải là cái giá hơn 11 nghìn bảng Anh của bức thư mà là tình yêu và sức mạnh của âm nhạc mà McCartney muốn gửi gắm trong đó.
Paul McCartney đã viết cho Prince một bức thư để xin tài trợ cho một trường nghệ thuật. Dù không biết chắc chắn Prince có thực sự ủng hộ hay không, nhưng mọi người đều hiểu rõ tấm lóng của một mảnh “tứ quái” The Beatles.
Nam ca/nhạc sĩ, cựu thành viên The Beatles, Paul McCartney.
” Ông hoàng thân mến!
Xin chào! Tôi hiểu sẽ khó khăn nhường nào khi thường xuyên phải nhận những lá thư yêu cầu sự hỗ trợ này, hỗ trợ nọ. Bởi vậy cũng chẳng dễ gì mà tôi lại nhận công việc bảo trợ cho một trường biểu diễn nghệ thuật được đặt ở quê hương tôi, Liverpool. Nhưng, anh đã đoán đúng rồi đấy. Tôi đã đồng ý nhận trách nhiệm đó. Vì vậy, bây giờ tôi đang viết thư gửi đến “những người bạn và tất cả những nhà hảo tâm” để cố gắng và khiến họ quan tâm đến chương trình này. Điều này chỉ mới bắt đầu sau khi các cuộc bạo loạn nổi lên tại Liverpool cách đây vài năm. Một người bạn cho rằng “những gì mà thành phố đang cần là một ngôi trường nổi tiếng”.
Tôi thích một ý tưởng tích cực có tính khả thi, tập trung hướng đến những đứa trẻ địa phương trong khu vực, nhưng điều đó đến muộn hơn chỉ khi tôi trở lại trường học cũ của mình giờ đã là đống đổ nát. Tôi thiết nghĩ, bằng việc đặt một trung tâm biểu diễn nghệ thuật tại đó, chúng tôi có thể giữ lại tòa nhà 1825 trong suốt tiến trình của nó.
Chúng tôi đang đi đúng đường, như các thông báo kèm theo cho thấy, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bây giờ là phần khó nhất. Một khoản tài trợ đến từ anh có thể có ý nghĩa lớn cho dự án. Và tôi biết sự tham gia của anh, theo một vài cách, có thể lôi kéo được nhiều người quan tâm. Hy vọng anh không để ý lời tôi viết bởi đã quá lâu tôi mới trở lại viết những lá thư. Tôi có cảm giác giống như mình đang trở lại trường học vậy.
Dù sao đi nữa, một vài ngày sắp tới anh hãy đến và tham gia vào việc dạy cho bọn trẻ một vài hoạt động! Ai mà biết được, nó có thể mở ra một cái gì đó đặc biệt đối cho tương lai của hàng ngàn trẻ em. Cảm ơn vì đã đọc những điều này.
Thân ái và thương yêu
Paul (McCartney).
Với những sự kiện vừa diễn ra chưa hết “ nóng” kể trên và cả bức thư của Paul McCartney, liệu ngành công nghiệp giải trí có đáng để thất vọng? Và khán giả, liệu chúng ta cần âm nhạc thực sự với những điều tốt đẹp hay cứ mãi ngủ mê trong những “trò hề” của showbiz?
Theo Zing