Ngành du lịch Việt Nam phát triển theo hướng bền vững
Hôm(21-5), Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành lễ tổng kết và kết thúc dự án “Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội”.
Dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ được triển khai từ tháng 11-2011 đến 2-2013 trên địa bàn một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đặc biệt tại 3 tỉnh Điện Biên, Hà Giang và Lào Cai đã góp phần hỗ trợ Du lịch Việt Nam phát triển theo hướng bền vững. Ngoài ra, nội dung dự án cũng hướng tới việc góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý du lịch ở trung ương và địa phương về vai trò của du lịch.
Đồng thời góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn và khai thác tối đa các giá trị độc đáo của du lịch Việt Nam như du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái… Nhân dịp này, Bộ VH-TT&DL đã trao kỷ niệm chương cho ông Juan Ovejero Dohn, quyền Trưởng đại diện AECID tại Việt Nam về những đóng góp thiết thực đối với sự phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Theo ANTD
Trì trệ du lịch Việt Nam - Bài 1: Thất vọng và xót xa
Sau khi báo chí đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam về sự trì trệ của ngành du lịch nước nhà, nhiều người dân, nhà quản lý... đã gọi điện đến Báo ANTĐ bày tỏ sự thất vọng về những câu trả lời này.
Đảo Phú Quốc - một địa điểm du lịch đẹp nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả
Thừa nhận và... đổ lỗi
Là người đi du lịch thường xuyên, anh Nguyễn Đình Thông, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm nhận xét, có đi nước ngoài mới thấy tiếc cho du lịch Việt Nam. Ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... dù cảnh đẹp tự nhiên không nhiều nhưng lượng du khách rất đông. Lý do là bởi họ làm quảng bá, quản lý du lịch tốt, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Còn với du lịch Việt Nam, thật đáng buồn khi chính bản thân người đứng đầu ngành lại thừa nhận "quảng bá xúc tiến đang làm vẫn còn nhiều bất cập hạn chế, hiệu quả chưa cao, quy mô nhỏ, bị phân tán, thiếu tính chuyên nghiệp". Lý do là "kinh phí quảng bá quá ít, mấy năm nay chỉ dao động 30-40 tỉ đồng/năm..., nhân sự và cách làm chưa đáp ứng yêu cầu, tiền đã ít mà lại cấp rất chậm... nên phần lớn thời gian dành cho việc xin kinh phí"... Điều này là không thể chấp nhận được.
"Số tiền Nhà nước chi cho du lịch hàng năm không hề nhỏ, nhưng kết quả thu lại không tương xứng đồng tiền bỏ ra. Việc đổ lỗi do tiền ít lại mất thời gian phải đi... xin tiền thật khó chấp nhận. Theo tôi, hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ta mới chỉ dừng lại ở hình ảnh. Các chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông quốc tế còn rất ít. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của đơn vị quản lý" - Anh Thông khẳng định.
Với tâm trạng tương tự, chị Thanh Dung - chuyên viên Bộ Tài chính cho rằng, hiện chúng ta chỉ mới khai thác những gì trời phú cho Việt Nam nhưng hầu như không làm gì cho những nơi đó đẹp hơn, độc đáo và hấp dẫn hơn. Không thể kỳ vọng chúng ta xây dựng được các trung tâm giải trí vui chơi mang tầm cỡ thế giới như Disneyland (Hồng Kông) hay Everland (Hàn Quốc)... song phải thừa nhận là ở Việt Nam có quá ít các công trình quy mô lớn được đầu tư cho mục đích du lịch. Trong khi đó, công tác giới thiệu tại các kỳ hội chợ của ngành du lịch nước nhà chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng yêu cầu. Chị Dung thở dài: "Tôi thực sự bức xúc trước câu trả lời của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Việt Nam về việc khi tham gia các sự kiện tổ chức ở nước ngoài, Tổng cục hầu như chưa bao giờ ghi nhận, tổ chức khảo sát lấy ý kiến phản hồi của khách hàng xem họ suy nghĩ và mong đợi gì. Điều này thể hiện sự quan liêu và vô cùng tắc trách. Bởi, chúng ta làm dịch vụ mà không quan tâm đến nhu cầu của khách hàng thì chắc chắn những gì chúng ta đưa ra sẽ không phù hợp. Thử hỏi với cung cách làm việc như vậy, du lịch Việt Nam sao có thể phát triển được?".
Thiếu dũng cảm và không dám nói thật
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, hiện có 4, 5 triệu kiều bào Việt Nam đang sống tại các nước trên thế giới với số vốn đầu tư chuyển về nước lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Một phần không nhỏ trong số đó được sử dụng để đầu tư các công trình phục vụ du lịch nổi tiếng như khu Eden (Đà Lạt), cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng)... Tuy vậy, hầu hết các nhà đầu tư cho biết nguồn vốn đều do họ tự lo và họ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ TCDL. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp du lịch của người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ nguyện vọng muốn làm ăn hợp tác tại Việt Nam song không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm hiện tại, phía TCDL chưa bao giờ tổ chức gặp gỡ kiều bào để lắng nghe tâm tư của họ.
Cũng theo ông Sơn, để du lịch trong nước phát triển, chúng ta không nên bắt chước một cách rập khuôn cách thức những nước khác đã làm, mà cần xem mình đang có cái gì để tập trung đầu tư, biến nó thành địa điểm du lịch độc đáo không nơi nào có được. Mâu thuẫn ở chỗ, trong con mắt kiều bào, nước ta có tiềm năng du lịch to lớn (cảnh quan thiên nhiên, địa chỉ tâm linh, những chứng tích của chiến tranh...) song lại chưa có sản phẩm du lịch nào có chất lượng khiến du khách muốn quay lại lần nữa. Bên cạnh đó, những vi phạm về du lịch thời gian qua (như sự cố bức ảnh Lạc Sơn đại Phật, một số vụ tai nạn liên quan đến khách nước ngoài...) đã tạo ra dư luận không tốt, gây mất lòng tin đối với du khách. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu trách nhiệm không có kế hoạch trước mắt và chiến lược lâu dài của lãnh đạo ngành du lịch.
Về một số phát biểu của ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng TCDL trên báo chí mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhận xét, đối với sự cố bức ảnh Lạc Sơn đại Phật, ông Tuấn tuy không có mặt trực tiếp tại sự kiện, chỉ đọc báo cáo mà vẫn khẳng định bức ảnh xuất hiện trước khi khai mạc hội chợ là thể hiện sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc được Nhà nước cấp kinh phí 30-40 tỷ đồng một năm đã là quá nhiều so với những gì đơn vị này làm được cho du lịch nước nhà. Nực cười ở chỗ, tuy là đơn vị có chức năng quản lý du lịch song phần lớn thời gian TCDL dành cho việc... chuẩn bị và xin kinh phí. Thử hỏi với thời gian họ dành cho chuyên môn quá ít như vậy thì chất lượng quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch trong nước làm sao có thể cao được. Ngay cả người đứng đầu còn có những phát biểu mờ mịt như vậy thì liệu ngành du lịch có hướng phát triển thông thoáng hiệu quả?
Ông Sơn trăn trở, chúng ta đang thiếu dũng cảm và không dám nói thật. Nếu cứ ngụy biện, cứ bao che và đổ lỗi cho nhau thì không biết du lịch Việt Nam sẽ đi về đâu. Biết đến bao giờ du lịch trong nước mới thoát khỏi tình trạng "ăn xổi ở thì", "bóc ngắn cắn dài".
Ông Sơn cũng khẳng định, trước những phát ngôn của ông về yếu kém của ngành du lịch, có người hiểu nhầm rằng ông đang PR cho mình. Điều này là không đúng bởi không có hiềm khích gì với lãnh đạo TCDL. Là người có hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực văn hóa, ông biết khá rõ những vấn đề này và cảm thấy thất vọng và xót xa. Ông Sơn bày tỏ: "Tôi ghi nhận những đóng góp của ngành du lịch thời gian qua và thành quả của những nhân viên tâm huyết song kết quả mà ngành này mang lại là chưa xứng tầm với những gì mà du lịch Việt Nam đang có. Lỗi này thuộc về lãnh đạo của TCDL và người đứng đầu các đơn vị liên quan vì họ không làm tròn trách nhiệm của mình"...
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên ANTĐ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã kể lại một kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại ông vẫn cảm thấy xấu hổ: Vào tháng 10 - 2011 - trong tuần lễ Việt Nam tại CHLB Đức, khi ông và Thị trưởng Thành phố Berlin đến thăm gian hàng giới thiệu về các sản phẩm du lịch Việt Nam của TCDL tại buổi khai trương, ông vô cùng xấu hổ khi chỉ thấy 2 máy tính cùng 2 cô gái mặc áo dài đứng trong gian hàng này. Để chữa thẹn, ông đành kéo vị Thị trưởng bước nhanh sang các gian hàng khác của Việt kiều và một số địa phương khác của Việt Nam. "Thật may mắn là những gian hàng này được trình bày rất công phu, đẹp mắt và hoành tráng. Chúng đã gỡ cho tôi một "bàn thua trông thấy" trước đại diện của nước bạn".
(Còn nữa)
Theo ANTD
Việt Nam đứng thứ 2 "Điểm đến phổ biến nhất châu Á" Tại cuộc bình chọn "Điểm đến phổ biến nhất châu Á" vừa diễn ra tại trang web: www.goasia.de, Việt Nam đã đứng ở vị trí thứ 2. Cuộc bình chọn này do Go Asia (Đức), Hiệp hội được thành lập từ năm 2003 gồm hơn 3.000 công ty du lịch vừa và nhỏ tổ chức. Xếp ở vị trí thứ nhất "Điểm đến...