Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với “cơn bão” xe nhập khẩu
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%.
Như vậy, hàng loạt mẫu xe từ các nước Indonesia, Philippines hay Thái Lan… sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều so với hiện nay.
Ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước vốn đã non trẻ sẽ lại càng khó khăn trước cơn bão nhập khẩu xe ôtô từ các nước trong khu vực.
Sức ép ngày một lớn
Lắp ráp xe tải nhỏ tại Vinaxuki. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ôtô nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 đã đạt hơn 71.000 chiếc với trị giá hơn 1,5 tỷ USD là con số kỷ lục cả về số lượng và giá trị. So với năm 2013, nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng 102% về số lượng và tăng 119% về giá trị.
Cùng với đó là mối lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, khi sức ép từ thị trường nhập khẩu ngày càng lớn.
Mới đây, doanh nghiệp Toyota đã lên tiếng về khả năng ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam để tiến hành nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Đây là điều có thể dự báo được trước, khi trong suốt nhiều năm qua, hiệu quả của những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển là không đáng kể.
Theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nay là Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam, mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng dung lượng thị trường ôtô Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, mới chỉ đạt hơn 100.000 xe/năm, trong khi ở các nước cùng khu vực khoảng 500.000-600.000 xe/năm.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ ôtô còn yếu và mới chỉ sản xuất chủ yếu các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị thấp như gương, kính, ắc quy, bộ dây điện, ghế ngồi, vỏ xe.
Tháng 8/2014, Bộ Công Thương đã công bố Chiến lược và Quy hoạch cho ngành công nghiệp ôtô giai đoạn mới. Bộ cũng cho biết sẽ sớm hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp ôtô nhưng đến nay, các chính sách cụ thể này vẫn chưa được ban hành.
Ông Hào cũng cho rằng, khi thuế suất bằng 0% thì nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các thị trường trong khu vực để bán, thay vì sản xuất và lắp ráp sẽ tốn kém hơn.
Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giá xe ôtô giảm. Vì vậy, để làm ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, áp lực đè lên vai các doanh nghiệp sản xuất ôtô tại thị trường trong nước sẽ là rất lớn.
Còn ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) bày tỏ, Chính phủ đã có các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển Chương trình cơ khí trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Từ đó, Vinaxuki đã đầu tư cho dự án lớn như sản xuất ôtô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhưng trên thực tế thì Vinaxuki không nhận được sự ưu đãi nào như chính sách đã ban hành. Việc không vay được vốn ngân hàng để đi vào sản xuất, chính sách thuế và phí cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất bị đình trệ.
Trong tương lai không xa, nếu không có sự hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, rất có thể, nhiều doanh nghiệp ôtô như Ford, Honda, hay các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất ôtô tại Việt Nam… sẽ phải nản lòng và lựa chọn con đường cho chính mình.
Có còn “cửa hẹp”?
Trong khi các doanh nghiệp FDI đang lo ngại về khả năng tiếp tục đầu tư lắp ráp ôtô tại thị trường Việt Nam và chờ đợi các chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn có cửa để phát triển, nếu các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đánh trúng và hiệu quả.
Với vốn 100% trong nước, Vinaxuki đã đầu tư rất lớn (hơn 600 tỷ đồng) cho luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot…
Theo Vinaxuki, dự án này hoàn thành và đi vào sản xuất, đến năm 2018, sản phẩm của Vinaxuki sẽ có cơ hội cạnh tranh ở các dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn, xe con thông thường dùng cho đi lại cá nhân và taxi, xe khách dưới 28 chỗ dùng cho giao thông công cộng.
Trên thực tế, đến nay Vinaxuki đã tự sản xuất được thân vỏ xe con, xe tải, cabin xe tải, sắt-xi… và sắp tới, doanh nghiệp này có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan… để sản xuất thiết bị, phụ tùng ôtô công nghệ cao hơn.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki cũng khẳng định: “Chỉ cần được hỗ trợ về thuế và vốn vay từ Nhà nước, Vinaxuki có thể sản xuất xe ôtô con, xe tải “Made in Vietnam” trong những năm tới, đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa 40-50% và có thể hướng tới xuất khẩu.”
Ông Huyên cho rằng, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất dòng xe dành cho những người thu nhập thấp, xe tải chở hàng như các nước Ấn Độ, Thái Lan… để phục vụ đời sống người lao động.
Ngoài các hỗ trợ về thuế, phí, vay vốn thì Chính phủ có thể giúp doanh nghiệp cơ khí, sản xuất trong nước phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài nâng cao trình độ công nghệ, sản xuất ôtô… Đây chính là cánh cửa để doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển nhanh nhất có thể.
Theo ông Đỗ Hữu Hào, thị trường xe hơi vẫn còn rất nhiều khoảng trống để phát triển bởi Việt Nam có 90 triệu người, trong khi lượng xe ôtô chỉ vài triệu xe.
Hiện tại các thị trường ôtô như Thái Lan, Malaysia, Philippines… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư sản xuất ôtô, hay thị trường đã đến ngưỡng bão hòa…
Nếu chúng ta muốn vực dậy ngành công nghiệp ôtô trong nước một cách nhanh chóng thì Chính phủ cần tăng quy mô thị trường, đẩy mạnh năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về chất lượng và năng suất sản phẩm.
Ông Hào cũng cho rằng, việc liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu trên thế giới về sản xuất linh kiện, phụ tùng và các thiết bị công nghệ cao là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp cơ khí nội địa, nhanh chóng tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Vietnamplus
Việt Nam nhập 34.000 ô tô nguyên chiếc từ đầu năm
So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm nay ước tăng hơn 125% về lượng và tăng gần 190% về giá trị. Qua đó, góp phần đưa mức nhập siêu hàng hóa từ đầu năm lên 3 tỷ USD.
Sức tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2015, ô tô tiếp tục là một trong những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất.
Trong tháng 4, ước tính Việt Nam nhập về 554 triệu USD mặt hàng ô tô, trong đó, sản phẩm ô tô nguyên chiếc lên tới 9.000 đơn vị, trị giá 294 triệu USD. Qua đó, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô trong 4 tháng đầu năm của cả nước lên 1,77 tỷ USD (tăng 96,4% so cùng kỳ), trong đó, có 883 triệu USD là giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (34.000 chiếc).
So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm tăng 125,4% về lượng và 188,8% về giá trị.
Đáng chú ý là trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu ô tô sau khi tính toán lại đã cao hơn 96 triệu USD so với ước tính ban đầu. Theo đó, có 10.000 ô tô nguyên chiếc đã được nhập về Việt Nam trong tháng, trị giá 270 triệu USD đưa tổng kim ngạch ô tô nhập khẩu lên 533 triệu USD.
Nhập khẩu ô tô tăng mạnh diễn ra giữa bối cảnh sức tiêu thụ ô tô thị trường nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt 16.399 xe trong tháng 3, tăng 33% so với tháng 2 và tăng 41% so với cùng kỳ 2014.
Với mức tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng ô tô, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm của Việt Nam đã được đẩy lên 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 15,6 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2014.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tính chung 4 tháng ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ. Việt Nam ghi nhận mức nhập siêu khoảng 3 tỷ USD từ đầu năm (bằng 6% kim ngạch xuất khẩu), riêng tháng 4 nhập siêu 600 triệu USD.
Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô, xuất siêu 2,7 tỷ USD (thấp hơn mức 5,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu tới 5,7 tỷ USD (cao hơn mức 3,8 tỷ USD của cùng kỳ 2014).
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của nhập siêu 4 tháng đầu năm nay chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu thấp do giá dầu thô giảm làm kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 1 tỷ USD; xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá trong khi nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là nhóm máy móc thiết bị với kim ngạch tăng gần 3 tỷ USD.
Bích Diệp
Theo Dantri
Không miễn thuế với xe ngoại giao siêu sang Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Ngoại giao trả lời về nghĩa vụ thuế liên quan đến việc nhập ô tô phục vụ đoàn cấp cao nước ngoài thăm Việt Nam bằng ngân sách nhà nước. Pullman Guard S600 là dòng xe siêu sang của Mercedes-Benz chuyên phục vụ chính khách và trên thị trường có giá khoảng 1,4 triệu...