Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn loay hoay
Dù có tiềm lực tài chính và đã được “chống lưng” bằng nhiều biện pháp hỗ trợ của chính phủ trong suốt hàng chục năm, nhưng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn đang loay hoay xây dựng thương hiệu ngay trên sân nhà.
Mẫu GAC GS4 đại diện cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc ra mắt tại Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ diễn ra hồi tháng 1 ở Detroit, Mỹ (Ảnh: AP)
Hồi tháng 1, tại triển lãm ô tô ở Detroit đã có thêm một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tham dự, làm dấy lên câu hỏi: Liệu bao giờ họ sẽ bán xe cho người Mỹ? Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ngày đó vẫn còn xa.
Trung Quốc đã có hơn ba thập kỷ triển khai triệt để chính sách bắt buộc các hãng xe ngoại phải lập liên doanh với một công ty nội địa mới được sản xuất xe tại Trung Quốc, đồng thời áp thuế cao đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc nhằm phát triển thương hiệu ô tô nội địa.
Cách đây vài năm, Bắc Kinh thậm chí còn buộc các liên doanh ô tô ngoại phải lập các thương hiệu con dành riêng cho thị trường Trung Quốc nếu muốn tăng công suất tại đây.
Tuy nhiên, cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn chưa thể theo kịp các nước phương Tây.
Thực tế là chỉ với 30% thị phần hiện tại, ô tô thương hiệu Trung Quốc khó có thể thâu tóm thị trường trong tương lai gần. Đó là chưa kể đến tâm lý chuộng xe sang thương hiệu Đức, như Audi và Mercedes của người tiêu dùng. Tâm lý này tồn tại ngay trong chính các quan chức Trung Quốc, khiến hồi năm 2012, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo quy định danh sách 421 mẫu ô tô mà các cơ quan nhà nước được phép mua; trong đó, tất cả đều là xe thương hiệu nội địa.
Tuy nhiên, tất cả những quyết tâm đó vẫn chưa thể đưa ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc lên tầm quốc tế. Hãy điểm qua tình hình 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này:
Video đang HOT
Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC): Thuộc sở hữu nhà nước, SAIC hiện là nhà sản xuất ô tô nội lớn nhất Trung Quốc. SAIC lắp ráp xe cho GM và Volkswagen nhờ quy định các hãng xe nước ngoài buộc phải lập liên doanh với một hãng ô tô nội địa nếu muốn sản xuất xe tại Trung Quốc.
Xe của GM và VW bán chạy – mỗi công ty đạt doanh số hơn 1 triệu xe tại Trung Quốc vào năm ngoái, tạo nguồn doanh thu khổng lồ cho SAIC. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chính phủ về việc phát triển các thương hiệu riêng đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng. Các thương hiệu riêng của SAIC vẫn đang lỗ.
Tập đoàn ô tô Đông Phong (Dongfeng Motor Corp.): Cũng thuộc sở hữu nhà nước, Đông Phong là đối tác lắp ráp xe tại Trung Quốc của Honda, Nissan và PSA Peugeot Citroen; đồng thời bán xe tải và xe buýt thương hiệu riêng – khá quen thuộc tại Việt Nam. Tập đoàn ô tô Đông Phong hiện nắm 14% cổ phần Peugeot và hai bên đã cam kết hợp tác phát triển công nghệ, nghiên cứu, sản xuất và phân phối xe ở thị trường nước ngoài. Giống như các doanh nghiệp ô tô nhà nước khác, Đông Phong nhận được các hỗ trợ tài chính và ưu đãi của chính phủ. Gần đây, Đông Phong bị ảnh hưởng bởi doanh số của các hãng xe Nhật tại Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh người tiêu dùng chuộng xe châu Âu hơn.
Geely Holding Co.: Là một trong những thương hiệu ô tô độc lập lớn nhất của Trung Quốc, Geely bước lên “vũ đài thế giới” vào năm 2010 khi mua lại hãng xe Volvo của Thuỵ Điển với giá 1,8 tỷ USD. Geely hiện được coi là đại diện tiêu biểu nhất của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, với các thương hiệu như Gleagle và Englon.
Geely và các hãng xe tư nhân khác của Trung Quốc, như Chery Automobile Co., đều đang đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu quốc tế lớn. Giữa năm ngoái, công ty đã tuyên bố sẽ tập trung duy nhất vào thương hiệu Geely, loại bỏ Gleagle và một số thương hiệu khác.
BYD Auto Co.: BYD – viết tắt của “Build Your Dreams”, có nghĩa là “Kiến tạo những giấc mơ” – là nhà sản xuất ô tô điện hiện đại nhất của Trung Quốc. Công ty được kỹ sư Wang Chuanfu thành lập vào năm 2003 sau khi đã đưa BYD Co. trở thành một trong những nhà sản xuất pin sạc lớn nhất thế giới cho điện thoại di động và các sản phẩm khác.
Năm 2008, công ty Berkshire Hathaway Inc. của tỷ phú Warren Buffett đã chi 230 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần BYD Co – công ty mẹ của BYD Auto. Năm ngoái, BYD Auto đã mở một nhà máy tại Mỹ để sản xuất xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện. Có lẽ thấy khó cạnh tranh trên thị trường xe hơi truyền thống, chính phủ Trung Quốc có tham vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô điện, nhưng vấn đề là hiện người tiêu dùng không mấy nhiệt tình.
Great Wall Motors Ltd.: Great Wall đã trở thành câu chuyện thành công điển hình của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vào năm 2013 nhờ các mẫu SUV của hãng bán khá chạy. Tuy nhiên, hiện công ty cũng đang gặp khó khăn do doanh số liên tục giảm.
Great Wall là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc, với loạt SUV thương hiệu Haval được bán sang Nga, Nam Phi và một số thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, trên sân nhà, hãng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu nước ngoài và cả các thương hiệu giá rẻ trong nước. Giới phân tích cho rằng Great Wall sai lầm khi không đầu tư đúng mức cho việc phát triển công nghệ và các sản phẩm mới.
Nhật Minh
Theo Dantri/ Fox Business, Bloomberg
Tan giấc mơ ô tô Việt: Sự thất bại của nội địa hóa
10 năm qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như thất bại trong nội địa hóa.
Bỏ sản xuất ô tô con sang làm xe buýt
Xe tải từ 10 tấn trở xuống, xe buýt, xe khách trên 29 chỗ nên được xác định đây là dòng ô tô chiến lược thời gian tới. Ảnh: L.H.V.
Yếu tố quyết định để phát triển ngành công nghiệp ô tô là thị trường, nhưng Việt Nam với hơn 90 triệu dân vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng. Năm 2014, Việt Nam chỉ tiêu thụ 150.000 xe, trong khi Thái Lan tiêu thụ 2,1 triệu xe, Indonesia, Malaysia cũng gần tương đương.
"Trở ngại chính là thị trường tiêu thụ ô tô của nước ta quá nhỏ, không tạo sức hút cho nhà đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Đầu tư công nghệ ô tô rất tốn kém, nhưng chỉ cung cấp được cho vài nghìn xe sẽ chẳng ai dại gì làm", chủ một doanh nghiệp chuyên lắp ráp ô tô phân tích.
Ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng: Các nước phát triển đều chú trọng ngành công nghiệp ô tô. Phân khúc xe cá nhân lợi nhuận cao nên các nước đều đã phân chia thị trường, Việt Nam muốn chen chân rất khó. Chỉ còn phân khúc xe tải nhẹ, xe buýt, xe khách các hãng lớn ít chú trọng mới tới phần Việt Nam, do chi phí vận chuyển sản phẩm cao. "Chúng ta chưa làm được động cơ xe, nhưng tỷ lệ nội địa hóa với xe khách, xe tải cũng đạt khá", ông Long nói.
Không hiểu "chiến lược" muốn gì
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời lần đầu tiên năm 2004. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, ngành sản xuất ô tô trong nước vẫn ở dạng sơ khai, nhập máy móc về lắp ráp là chính. "Những năm qua, thực hiện chiến lược ô tô giống như gia công giày da, may mặc nên thất bại là đương nhiên", ông Đào Phan Long nói.
Chiến lược cũ không thành công, tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn chưa nghiên cứu xong cơ chế, chính sách để thực hiện.
Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta từng nói rằng, đọc xong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông vẫn chưa rõ thực chất chiến lược muốn gì. Đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể, nên các hãng không biết phải làm gì cho đúng chiến lược Chính phủ đã ban hành. "Quyết định của các doanh nghiệp có tiếp tục đầu tư lắp ráp trong nước hay mở rộng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào những chính sách cụ thể hóa chiến lược đó", ông Maruta nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nhận định: Chiến lược ô tô mới của Việt Nam hơi "viển vông" và theo ý chí của nhà quản lý. Theo ông, chiến lược đưa ra phải tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập của người dân, không phải ai muốn thế nào thì viết ra như vậy.
"Khi đề ra chiến lược nên ghi rõ: Dòng xe ưu tiên là gì; Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện cụ thể thế nào sẽ nhận được ưu đãi ra sao. Phải ghi rõ như vậy mới tránh được tình trạng xin - cho, ai quan hệ tốt sẽ được ưu đãi nhiều", ông này nói. Do vậy, muốn công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển phải có chính sách đột phá lớn, để các nhà sản xuất ô tô thế giới chuyển về Việt Nam.
Ông Lâm Chí Quang, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban ô tô của VAMI, cho biết: Thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng rất lớn, chiến lược phát triển ô tô đã được Thủ tướng thông qua, nhưng các chính sách vẫn chậm được ban hành, đặc biệt về thuế và phí. "Các chính sách thuế cần ổn định trong ít nhất 10 năm", ông Quang nói. Theo ông Quang, Chính phủ cần thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe lắp ráp trong nước, thay cách tính thuế này khi xe đã xuất xưởng bằng việc đánh thuế trên bộ linh kiện nhập khẩu.
"Nếu thay cách đánh thuế, nhà sản xuất ô tô nào đẩy mạnh nội địa hóa sẽ được khuyến khích, đồng thời duy trì được sản xuất trong nước sau năm 2018. Từ đó, hướng tới mục tiêu xe được sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu, như mục tiêu chiến lược ô tô mới ban hành. Cách đánh thuế này sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô", ông Quang nói.
Theo ông Long, việc tính thuế với ô tô lắp ráp trong nước có thể căn cứ giảm thuế theo tỷ lệ nội địa hóa, nội địa hóa nhiều sẽ chịu mức thuế thấp.
Theo Lê Hữu Việt - Tuấn Đức
Tiền Phong
Đi tìm "giấc mơ" ô tô Việt: Chặng đường chưa thấy hồi kết Phát triển công nghiệp ô tô là mục tiêu của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, nước ta đã chủ trương phát triển lĩnh vực này từ khoảng 20 năm trước. Tuy nhiên, đến nay có thể thấy kết quả chưa đạt mục tiêu và vẫn còn một khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực. Đâu là hướng...