Ngành công nghiệp ô tô đang dè xẻn ước mơ
Người ta vẫn nói rằng mộng mơ thì chẳng tốn tiền, nên không cần phải tiết kiệm. Vậy nhưng có vẻ như ngành công nghiệp ô tô đang trở nên quá nghiêm túc và tính toán thực tế. Những chiếc concept “trong mơ” ngày càng thưa vắng.
Từng là nơi các nhà sản xuất ô tô thoải mái thể hiện ước mơ, những mẫu xe concept đang là nạn nhân của thực tại khắc nghiệt về kinh tế.
Những mẫu xe concept vượt xa khỏi thế giới thực tại, những mẫu xe ít có khả năng được đưa vào sản xuất trong tương lai gần, hầu như đã vắng bóng tại các triển lãm ô tô lớn nhỏ.
Lý do, theo ông Derek Jenkins, giám đốc thiết kế của Mazda Bắc Mỹ, là ngành công nghiệp ô tô thế giới đã trở nên quá nghiêm túc.
Vào thời hoàng kim của xe concept, tính nghiêm túc không hề được xét đến khi các hãng phát triển xe concept. Đó đơn thuần là sự thể hiện những ước mơ, là nguồn cảm hứng cho những sự kiện như Motorama của GM.
Motorama là một triển lãm ô tô do GM sáng kiến tổ chức từ năm 1949 để tập hợp những thiết kế xe hơi đầy tính phóng túng, là nơi trưng bày những mẫu concept thú vị, nổi bật, khác lạ. Đến năm 1961 sự kiện này dừng lại.
Câu hỏi thông minh và hài hước của người chồng trong một bộ phim ngắn đã trở nên nổi tiếng” “Vì mơ mộng thì chẳng tốn tiền, em muốn mua thứ gì hả em yêu?”.
Nhưng ông Jenkins cho rằng ngành công nghiệp ô tô ngày nay đang bị những tính toán thực tế lấn lướt.
“Tôi nghĩ rằng những chiếc xe concept đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh và kinh tế hiện nay,” ông John Mendel, phó chủ tịch Honda Mỹ, chia sẻ. “Chúng thường không phải là những chiếc xe trị giá vài trăm ngàn đô, mà là hàng triệu đô.”
Các chương trình phát triển xe concept không chỉ tốn kém, mà còn hút nguồn nhân công quý giá, điều mà ngành công nghiệp ô tô trong thời khó khăn khó lòng trang trải được.
“Chúng tôi không có nhiều nhân công nhàn rỗi,” Clay Dean, giám đốc thiết kế của GM và thương hiệu Cadillac, nói một cách chua chát.
Ông Dean cũng bồi hồi nhớ lại thời của những triển lãm Motorama. Năm 1953, chiếc XP-21 Firebird, còn gọi là Firebird I, được xem như “Trải nghiệm mới của GM trên bánh xe”.
Video đang HOT
Dù chưa bao giờ được cân nhắc đưa vào sản xuất, nhưng chiếc xe concept này đã được đem chạy thử và là tiền đề cho nhiều công nghệ mang tính cách mạng trong ngành ô tô, như động cơ tua-bin khí, phanh tang trống ngoài…
“Chúng tôi từng là những người cung cấp ước mơ; đó là một thời đại kỳ diệu,” ông Dean nói về những mẫu concept thời đầu của GM.
Với các nhà thiết kế, khả năng biến hoá những ý tưởng là giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, ngày nay những ý tưởng lại phải có cơ sở từ thực tế.
Mẫu Ford SYNus Concept với kính chắn gió có một lớp “cửa chớp” và cửa sau thiết kế như cửa xe chở tiền của ngân hàng, là ý tưởng về một chiếc xe cho những người hằng ngày phải đi làm xa.
Dù rất thú vị, nhưng đừng kỳ vọng Ford sẽ tung ra mẫu concept nào giống như SYNus đã trình làng cách đây 5 năm tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ. Đó là khẳng định từ chính người phụ trách hoạt động thiết kế của Ford.
Ông J Mays, giám đốc thiết kế và sáng tạo của Ford, cho biết: “Tại Ford, chúng tôi đã phải cắt giảm mạnh các mẫu concept trong 5 năm qua. Tôi luôn nhắc nhở nhóm thiết kế rằng, những chiếc xe concept rất thú vị với họ, nhưng chỉ lưu lại trong tâm trí công chúng khoảng 10 phút.”
Ông JC Pavone, giám đốc thiết kế ngoại thất xe của tập đoàn Volkswagen, thậm chí còn cho rằng những chiếc xe concept thái quá chẳng có chút giá trị nào. “Là tác phẩm nghệ thuật thì chúng rất tuyệt. Nhưng các mẫu xe concept cần có khả năng lăn bánh trên đường. Sản xuất cũng là một phần trong triết lý thiết kế, chứ không chỉ phác thảo thứ gì đó đẹp mắt và đem ra giới thiệu,” ông nói.
Dù vậy, ông Clay Dean, giám đốc thiết kế của GM và thương hiệu Cadillac, cho rằng xe concept vẫn có vai trò nhất định, kể cả những mẫu mang nhiều tính “giả tưởng”. Một mẫu concept đã chạm đúng mối quan tâm chung của giới thiết kế là GINA Light Visionary Model của BMW giới thiệu năm 2008 (ảnh dưới).
Được lót bằng sợi thép và vật liệu sợi carbon, vỏ xe GINA concept làm bằng vải mềm dẻo và linh hoạt, cho phép các yếu tố thiết kế thay đổi hình dáng.
“Khi nhìn vào xe GINA, bạn có thể nghĩ rằng, chẳng có gì thực tế ở đây, nhưng tôi không biết nữa,” ông Dean nói. “Ý tưởng này rất hấp dẫn, và BMW nói rõ rằng họ muốn đi đầu trong việc thoả mãn nhu cầu hay thay đổi của các cá nhân. Ô tô không nhất thiết phải có 4 bánh và vỏ bằng kim loại.”
Không phải tất cả đều cho rằng đã hết thời của những chiếc xe “trong mơ”. Nhiều nhà quan sát dự đoán, khi nền kinh tế hồi phục và nguồn vốn của các nhà sản xuất ô tô tăng lên thì những mẫu xe concept “viển vông” sẽ trở lại.
Thực tế là trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 và đầu 1940, mối quan tâm của người tiêu dùng với xe concept giảm mạnh, tiếp nối bằng những gì mà nhiều người cho là ngày tàn của loại xe này vào những năm 1950 và 1960.
Khi các quốc gia Ảrập và Iran thực hiện lệnh cấm vận dầu với các nước phương Tây vào thập niên 70, những chiếc xe concept một lần nữa biến mất khỏi các triển lãm ô tô. Nhưng chúng bùng nổ vào giữa những năm 1980 và 1990, ông Dean cho biết.
Vậy nền kinh tế hoàn toàn hồi phục có khiến các nhà sản xuất ô tô một lần nữa tung ra những chiếc xe concept kỳ dị? Một số ý kiến cho rằng ngành công nghiệp ô tô thế giới đã thay đổi mãi mãi khi trải qua cuộc khủng hoảng hiện nay và một sự trở lại thời xưa cũ là hầu như không thể.
Giới thiết kế cho rằng các nhà sản xuất ô tô sẽ nỗ lực cân đối giữa tính sáng tạo đột phát với thực tiễn, như GM đã làm với mẫu Cadillac XTS Platinum Concept ra mắt tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ 2010 diễn ra hồi tháng 1 năm nay, hé lộ về một mẫu sedan cỡ lớn trong tương lai của Cadillac.
Vai trò của xe concept là công cụ đo mức độ quan tâm của người tiêu dùng với các ý tưởng, thiết kế và công nghệ mới.
“Làm một mẫu xe concept cũng giống như quăng tấm lưới lớn ra đại dương, bạn không biết sẽ bắt được gì,” ông Dean nói. “Đó là giá trị của xe concept. Bạn nghĩ mình đang làm một điều, nhưng có khi lại hấp dẫn mọi người ở khía cạnh bạn chưa từng nghĩ tới.”
Nhật Minh
Theo Ward’s Auto
Mercedes kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc
"Xe của chúng tôi không đắt," CEO Dieter Zetsche của Daimler, tập đoàn sở hữu Mercedes-Benz, khẳng định. "Nhưng đôi khi giá trị cao được thể hiện bằng giá tiền cao tương xứng".
Tuyên bố trên cho thấy ông Zetsche rất tự hào với Mercedes, thương hiệu ra đời từ thuở sơ khai của ngành công nghiệp ô tô thế giới vào những năm 1880.
Doanh số khiêm tốn
CEO Dieter Zetsche của Daimler, tập đoàn sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz (Ảnh: AFP)
Trong khi tại nhiều khu vực thị trường khác tình hình tiêu thụ khả quan thì tại châu Âu, các nhà sản xuất ô tô khá vất vả.
"Tại châu Âu, chúng tôi hoạt động theo chiều hướng đi ngang," ông Zetsche thừa nhận.
"Đi ngang" ở đây có thể hiểu đơn giản là doanh số không tăng trưởng.
Tháng 5/2010, số lượng ô tô mới đăng ký ở Liên minh châu Âu (EU) giảm gần 10% so với trước đó một năm, trong khi tổng tiêu thụ ô tô tăng chưa đến 2% trong 5 tháng đầu năm.
Niềm hy vọng Trung Quốc
Một showroom của Mercedes tại Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: AP)
"Trung Quốc đã trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nhưng với một công ty như chúng tôi, phải 3-4 năm nữa Trung Quốc mới trở thành thị trường lớn nhất." ông Zetsche nói.
Tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không có gì là bí mật. Nước này hiện có khoảng 870.000 triệu phú đôla. Và đây chính là những khách hàng tiềm năng Mercedes muốn hướng đến.
Kinh doanh ô tô ở Trung Quốc không đơn giản vì thuế rất cao đối với ô tô dung tích lớn - đúng phân khúc của Mercedes. Nhưng theo ông Zetsche, điều đó không làm giảm quyết tâm của Mercedes.
"Chúng tôi thấy nhiều người Trung Quốc dòng xe cao cấp nhất của chúng tôi là S-Class và họ thậm chí có thể trả 20.000 euro/năm tiền thuế," ông nói.
Thuế có thể không phải là trở ngại lớn đối với tầng lớp tỷ phú mới của Trung Quốc khi quyết định mua xe. Vấn đề là ở chỗ Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn nhập khẩu ô tô nước ngoài. Thêm vào đó, các công ty Trung Quốc cũng có thể sẽ trở thành những đối thủ lớn của những "đế chế" xe hơi Đức như Mercedes, BMW và Volkswagen?
"Đó không phải là một mối đe doạ," ông Zetzche nói. "Thực tế là các công ty Trung Quốc sẽ có cơ hội tốt hơn để học cách sản xuất những chiếc ô tô tốt. Thêm vào đó, chúng tôi đã thấy điều tương tự với Nhật Bản hàng thập kỷ trước."
Nhật Minh
Theo BBC