Ngàn tỷ “tài tử” và người Việt chậm trưởng thành
Những vật cản của cải cách thể chế không hẹn mà gặp cũng bắt đầu xuất đầu lộ diện.
I-Vào những ngày này, cả xã hội như “sôi” lên về vụ việc chiếc giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Có lẽ thế mà có một vụ việc ồn ào ở tỉnh Bạc Liêu như bị chìm lấp đi, mặc dù, tính chất gây tổn thương của nó cũng không nhỏ. Đó là việc tỉnh này tổ chức Festival đờn ca tài tử, tốn kém hàng ngàn tỷ đồng, một con số khủng. Rốt cục, lãnh đạo báo cáo kêu không còn tiền làm đường, kéo điện cho dân.
Cái tiếng kêu có vẻ “bi thương” đó đã không nhận được những sự chia sẻ như lẽ phải đạo lý thông thường. Trái lại, lại nhận được rất nhiều sự phê phán, bất bình, không đồng tình với cách tiêu tiền mà xét cho cùng, cũng rất… tài tử.
Tài tử, bởi vô tình những con số chua xót như những khúc “song tấu vô duyên” (chứ không phải giao duyên) vừa “tấu” lên.
Bên này, là cái sự nghèo khó khi phải… “vì dân”, trong báo cáo chính thức của tỉnh với người đứng đầu Chính phủ: Bệnh viện tỉnh quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, bệnh nhi 2-3 cháu nằm chung giường, cần đầu tư 767 tỷ đồng. 13/50 xã chưa có đường ô tô, hoặc xuống cấp, cần 800 tỷ đồng. Tỉnh còn tới 371 tuyến dân cư nghèo, đồng bào dân tộc chưa có điện, cần 203 tỷ đồng… v.v. và. v.v..
Trung tâm Triển lãm Văn hoá và Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: Tiền phong
Bên kia, là sự tiêu phí không đúng chỗ, khi đầu tư vào những công trình làm …đau lòng dân, phục vụ Festival: Quảng trường Hùng Vương, 118 tỉ đồng. Cột cờ quảng trường 383 triệu đồng. Hệ thống đèn pha cao áp 3,7 tỉ đồng. Hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng. Hệ thống cây xanh khu vực quảng trường 4,5 tỉ đồng. Sân phun nước nghệ thuật và biểu tượng ba dân tộc 6,7 tỉ đồng. Cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng. Trung tâm hội chợ triển lãm 67 tỉ đồng. Đặc biệt nhà hát Ba nón lá tới 222 tỉ đồng, mà không hề được sử dụng giờ nào trong Festival do xây dựng dở dang.
Cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ nổi tiếng, đất của những nhạc sư, nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi, nhưng cũng là đất của Công tử lừng danh về độ giàu có và thói chơi ngông, “đốt tiền nấu cả nồi chè”, khiến đời nay còn lưu truyền. Chính vì thế, “khúc song tấu vô duyên” đã khiến người nghe, người đọc cả nước đặt câu hỏi: Phải chăng, cái gien trội của vị Công tử nối tiếng năm xưa đang được “nhân bản”?
Hãy nghe ý kiến của TT Nguyễn Tấn Dũng, khi về dự Festival: Trong điều kiện còn nghèo, nếu để lựa chọn giữa xây dựng 13 tuyến đường về trung tâm xã và xây dựng nhà hát, tôi nhất định chọn làm đường. Hoặc chọn việc kéo điện cho 371 tuyến dân cư đang chưa có điện. Nghèo, nhà không có điện, làm sao hát hò được các đồng chí? Và: Đồng bào có chấpnhận không trong điều kiện khó khăn quá thế này! (Dân trí, ngày 06/5)
Vấn đề là các công trình cho đờn ca tài tử đã thực “phục vụ nhu cầu bức xúc của nhân dân chưa”? Câu hỏi này, rất cần được các quan chức có trách nhiệm trả lời.
Trước sự phản ứng của dư luận xã hội, trả lời báo chí, vị Trưởng Ban tổ chức Festival khẳng định, “không có việc chi hơn 2000 tỷ đồng cho Festival đờn ca tài tử”. Vậy, con số 2000 tỷ báo cáo chưa đầy đủ từ các ban quản lý dự án đến BTC Festival, ai đúng, ai sai?
Thứ nữa, chọn lựa con đường “đi lên từ văn hóa” như lời các quan chức nói, cũng rất mới mẻ và độc đáo.
Xưa nay, các quốc gia lớn nhỏ, cho đến các địa phương nổi tiếng kinh tế phát triển, thường chọn lựa đi lên bằng con đường kinh tế, hoặc con đường giáo dục, những ngành được coi là tạo nguồn lực, nguồn nhân lực trực tiếp và tương lai cho xã hội, chứ chưa có quốc gia nào, địa phương nào đi lên bằng “con đường văn hóa”. Bởi đi lên bằng khai thác du lịch, bằng khai thác đờn ca tài tử là con đường cũng khá… tài tử. Nó đòi hỏi tiềm năng du lịch phải cực lớn, chứ không phải chỉ có mấy công trình mới được xây cất lên, chất lượng chưa chắc đã có thể “thi gan cùng tuế nguyệt”
Không phải không có lý khi người đứng đầu CP nhắc nhở và đề nghị điều chỉnh “con đường văn hóa” này đi cho đúng với chủ trương chung.
Dân gian có câu liệu cơm gắp mắm. Chọn lựa gắp hàng ngàn tỷ để đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, trong khi dân còn quá nghèo, sống không có điện, đi lại chưa có đường xá thuận tiện, liệu người dân họ có đến mức “bức xúc” chỉ muốn nghe đờn ca tài tử, ngắm các công trình đàn kìm, Ba nón lá…? Hay họ cần những điều kiện sống thiết thực hơn?
Video đang HOT
Để rồi tỉnh lại “ngửa nón” xin Trung ương trợ cấp hỗ trợ ở 11 vấn đề, hỗ trợ tiếp 155 tỷ đồng hoàn thành Nhà hát Ba nón lá, cho thấy tư duy, năng lực và tầm quản lý chưa đạt đến độ… trưởng thành, để có thể biết liệu cơm.
************
II- Xem ra, năng lực tư duy và quản lý chưa đạt đến độ… trưởng thành, cũng không phải của riêng một tỉnh nào đó.
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 (tổ chức tại Quảng Ninh) đã sới lên một vấn đề mang tính thời đại, nhưng lại khiến các nhà quản lý, lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế lúng túng tranh cãi và đau đầu bởi cả khái niệm lẫn nội hàm của nó- cải cách thể chế!
Việt Nam phải leo vượt “con dốc” về đổi mới tư duy và thể chế kinh tế.
Khái niệm này từ xưa vốn bị coi là nhạy cảm. Giờ nó được “đụng chạm” đến như một điều hiển nhiên, chứng tỏ sự đổi thay trong chính nhận thức của những nhà quản lý xã hội, trước sự tụt hậu và sự đòi hỏi phát triển của nước Việt thời hội nhập. Thông điệp đầu năm 2014 của người đứng đầu CP cũng đã lần đầu tiên đề cập đến vấn đề này.
Trước đó, năm 2013, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, thực trạng kinh tế tăng trưởng chậm, trì trệ kéo dài và nguy cơ tụt hậu đã được các chuyên gia đưa ra phân tích “kinh tế VN vẫn trong lộ trình xuống đáy” (VnExpress, ngày 26/9/2013).
Một năm đã qua, và đến năm 2020, VN sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vậy mà xem ra kinh tế VN không hề có bước tiến triển. Hơn nữa mới đây, một thông tin khiến VN rất lấy làm hổ thẹn. Đó là Campuchia đã sản xuất được chiếc xe ô tô đầu tiên mang tên Angkor EV 2014, chạy bằng điện và điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Trong khi đó, tại VN, các hãng Mazda và Ford đều đã phải từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 01 tỷ USD sản xuất ô tô, vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa. Nền kinh tế của một quốc gia mà không thể sản xuất được các linh kiện đơn giản, nền kinh tế đó không thể tự hát… em xinh em đứng một mình vẫn xinh được.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UBKT của QH, mới đây, một chuyên gia người Nhật cảnh báo, VN đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình!
Chính vì thế, cải cách thể chế trở thành tâm điểm bàn bạc của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 năm nay. Nhưng, cái mục tiêu tưởng rất rõ ràng, đã khiến cho tất cả các đại biểu “bối rối” như học trò không thuộc bài.
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng,cần phải trả lời được các câu hỏi thể chế là gì, nội hàm cải cách thể chế bao gồm cái gì, đột phá thể chế là gì, tại sao nó khó đến thế khi tất cả chúng ta đều đồng thuận phải làm?
Theo TS Cung, “điểm nghẽn” của thể chế nằm ở chỗ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay không còn phù hợp, nhưng chúng ta lại rất ít bàn thảo đến đổi mới vai trò của Nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vì vậy chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống.
Còn theo TS Trần Du Lịch, nếu Nhà nước vẫn cạnh tranh thị trường, không thực hiện chức năng hỗ trợ thị trường thì không cải cách được (Một thế giới, 29/4).
Nhưng cải cách như thế nào, thì chưa đại biểu nào đưa ra được các giải pháp căn cơ, mặc dù ai cũng thấy đây là thời điểm thích hợp nhất. Thậm chí, như ông Nguyễn Văn Phúc: Nước đã đến chân rồi, không thể không làm!
Làm thế nào, thì không ai biết!
Không khó hiểu về sự lúng túng đó, nếu chúng ta nhìn ngược lại quá khứ, ngược lại hành trình đổi mới gần 30 năm trở lại đây.
Từ cơ chế bao cấp, VN đổi mới sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XNCN. Đây là một khái niệm quá mới mẻ với VN, mà cho đến gần đây, người đứng đầu CP cũng phải thừa nhận mô hình này “chưa có tiền lệ”. Thời điểm đó, đã từng có không ít bài viết mang tính lý luận đặt nền tảng cho mô hình kinh tế thị trường XNCN, nhưng dường như các bài viết lý luận kiểu đó chỉ… để gió cuốn đi, không khiến ai tâm phục khẩu phục.
Thực tiễn của vai trò kinh tế Nhà nước chủ đạo, ở góc độ nào đó, vẫn là sự “nối dài” cơ chế xin- cho từ thời bao cấp, trong các tập đoàn kinh tế lớn, các DNNN, và là nơi sinh nở ký sinh rất nhanh tệ nạn tham nhũng, hình thành nên những nhóm lợi ích thâu tóm quyền lợi.
Chính vì vậy, tái cơ cấu kinh tế là một chủ trương cần thiết, không chỉ thiết lập lại môi trường cạnh tranh kinh doanh sòng phẳng, lành mạnh, bình đẳng, mà còn là một giải pháp ngăn chặn, hạn chế bớt tệ nạn tham nhũng.
Nhưng tái cơ cấu kinh tế, và rộng hơn, cải cách thể chế kinh tế, không thể không gắn liền với cải cách thể chế, trong đó đặc biệt vai trò pháp luật phải được thượng tôn.
Từ đây, những vật cản của cải cách thể chế không hẹn mà gặp cũng bắt đầu xuất đầu lộ diện.
Vật cản trước nhất là lý luận. Người Việt vốn rất yếu về lý luận, và coi thường lý luận. Mà sự du nhập lý luận thể chế chính trị và kinh tế, do những hoàn cảnh lịch sử khách quan của dân tộc, cũng đầy ngộ nhận và ấu trĩ. Xây dựng một chủ thuyết lý luận về kinh tế thị trường định hướng XNCN đang là một dấu hỏi to tướng, cho hôm nay và cho cả… hậu thế nước Việt.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, Phó Chủ nhiệm UBKT của QH Nguyễn Văn Phúc cho rằng, chúng tôi thống nhất với các chuyên gia, không nặng về lý thuyết mà sẽ “tấn công” thẳng vào các nút thắt thể chế và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ, tạo ra các “động lực thể chế” cho phát triển. Để làm sao sau Diễn đàn sẽ có một số kiến nghị cụ thể, “gạch đầu dòng” các hành động cần làm và “có thể làm được” để cải cách thể chế không còn chỉ là thông điệp, nghị quyết mà đi vào thực tế cuộc sống.
Chính vì thế người viết bài này rất nghi ngờ sự thành công của các giải pháp cải cách thể chế, khi nền tảng lý luận làm định hướng chưa thật sự vững chắc. Khi bản thân mô hình kinh tế … ảo vọng như chiếc lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm, khiến Bộ trưởng KH& ĐT Bùi Quang Vinh đã phải nói thẳng, làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.
Vật cản thứ hai, chính là tệ nạn tham nhũng gắn với các nhóm lợi ích. Nếu như tệ nạn này không bị diệt trừ, thực chất không thể tái cơ cấu thành công, góp phần tích cực tác động vào cải cách thể chế trong mối quan hệ hữu cơ, giữa thể chế và cải cách kinh tế.
Vật cản thứ ba, nếu nói cải cách thể chế, mà pháp luật không được thượng tôn, vẫn phải chịu sự chi phối của chính quyền do cấu trúc tổ chức nặng tính hành chính, rút cuộc, vai trò cán cân công lý vẫn chỉ là hình thức. Khi đó, xã hội khó có thể ổn định, nền văn minh khó có thể thiết lập, và “văn hóa tham nhũng” vẫn mặc sức hoành hành.
Vật cản cuối cùng, nhưng lại mang tính “lô cốt”, quyết định thành bại của công cuộc cải cách thể chế. Đó là tư duy ý thức hệ mang dấu ấn xơ cứng, trì trệ, tụt hậu so với đòi hỏi đổi mới để phát triển của nước Việt.
Tư duy đột phá cần sự xuất hiện của cá nhân “anh hùng làm nên thời thế”. Nhưng như cố GS kinh tế Đặng Phong đã từng nghiên cứu và phát hiện, trong quá khứ, một đặc điểm của tư duy đổi mới cơ chế quản lý năm 1986 là không tập trung vào một cá nhân nào, mà cùng lúc, thành một trào lưu trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán, biến thành một xu thế không thể đảo ngược.
Toàn bộ Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay, đáng chú ý nhất là tư tưởng rành mạch của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự.
Theo ông Tuyển, thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân sự. Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật. Ngay thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề cập, dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ, đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự. Nếu xã hội dân sự có thể tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện thì nó sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của nhà nước”(KinhteSaiGon.Online, 09/5)
Đó là một chiếc kiềng ba chân vững chãi của một xã hội có nền kinh tế thị trường thực chất và đúng nghĩa. Là tiền đề để VN bình đẳng hội nhập, tham gia Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng liệu bao giờ chiếc kiềng ba chân này, như câu thần chú… “Kiềng ơi, mở cửa” biến thành hiện thực?
Còn Phó GS. TS Lê Xuân Bá, cũng thẳng thắn không kém: Cái gì có lợi cho đất nước cho dân tộc thì làm, cái gì không lợi thì bỏ, không câu nệ.
Chợt nghĩ tới những ngày xót xa này, cả nước Việt đang phải đối mặt với sự khiêu khích của TQ, nghĩ tới sự thăng trầm của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước.
Vì sao trong quá khứ, nước Việt có thể thành công trong những cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền, tự do, độc lập dân tộc. Mà trong hiện tại lại không mấy thành công với việc phát triển đất nước, đưa đất nước hội nhập?
Và cũng chợt nghĩ tới câu thơ triết lý buồn mà thành linh nghiệm của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hơn trăm năm trước đây, từ lúc dân VN chỉ có 25 triệu, nay đã 90 triệu, nhưng dường như vẫn chưa … trưởng thành trong tư duy: Dân 25 triệu ai người lớn/ Nước 4000 năm vẫn trẻ con.
Xã hội dân sự, có gì mà ngại
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 là một diễn đàn về kinh tế, nơi tập hợp các chuyên gia chủ yếu trong lãnh vực kinh tế để thảo luận chuyện kinh tế. Thế nhưng điều đọng lại với tôi là người theo dõi sự kiện này lại là phát biểu của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển về... xã hội dân sự.
ảnh minh họa
Ông nói và được báo VnEconomy trích đăng: "Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự".
Có lẽ với nhiều người khác, điều ngạc nhiên với họ là vì sao phải thừa nhận xã hội dân sự trong khi nó tồn tại khách quan bất kể ý thức chủ quan của bất kỳ ai.
Ông Tuyển, một lần nữa, lại nói ngay vào bản chất của vấn đề "xã hội dân sự" tại Việt Nam: "Hiện nay ta đang cấm kỵ dùng cụm từ xã hội dân sự, tôi đồ rằng chúng ta kỵ cụm từ này cũng như từng kỵ thể chế kinh tế thị trường vì coi đó là cấu trúc kinh tế của kinh tế tư bản. Và bây giờ mình đang coi xã hội dân sự là sản phẩm của nền chính trị tư sản. Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật".
Đúng là trong một thời gian dài, không hiểu do đâu, vì ai mà khái niệm "xã hội dân sự" trở thành một "taboo [điều cấm kỵ]" trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, có dùng thì phải biến báo thành từ khác như xã hội công dân. Ở đây có lẽ phải nói ngay một điều có thể trở thành nguyên tắc ngay được: Nên chấm dứt chuyện cấm bằng lệnh miệng hay truyền miệng; nó vừa "tam sao thất bổn" vừa dễ bị kẻ xấu lợi dụng, nó đi ngược lại nguyên tắc công khai minh bạch của quản lý nhà nước. Giả dụ "xã hội dân sự" là điều không được bàn luận thì phải dựa trên một cơ sở pháp lý nào đó, bằng văn bản hẳn hoi, chứ như thời gian qua, nếu ai đó cất công đi tìm hiểu vì sao "xã hội dân sự" được ông Tuyển khẳng định là đang bị cấm kỵ thì có lẽ sẽ không ai tìm ra.
Thực tế, nhiều bài viết của những người đảm nhận các trọng trách trong lãnh vực văn hóa tư tưởng vẫn sử dụng, vẫn bàn về "xã hội dân sự" một cách bình thường, thậm chí còn xem đó là một góc độ để phát huy nền chính trị dân chủ ở nước ta. Tôi lấy ví dụ một cách ngẫu nhiên bài của TS Đỗ Minh Cương (Ban Tổ chức Trung ương) đăng trên tạp chí Cộng sản có đoạn: "... thực hiện sự đồng thuận giữa chế độ chính trị với xã hội dân sự, giữa các tổ chức chính trị với các tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân để hạn chế các tệ nạn của bộ máy công quyền (quan liêu, tham nhũng, lãng phí...) và phát huy được năng lực tự quản, tính chủ động, tích cực về chính trị của nhân dân." (NV nhấn mạnh).
Hay một đoạn trích khác của tác giả Trần Ngọc Hiên cũng đăng trên tạp chí Cộng sản: "Sự ra đời Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là kết quả tất yếu do nghiên cứu phát triển của kinh tế thị trường. Ở đâu có kinh tế thị trường thì ở đó phải có Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Ba bộ phận đó cấu thành hệ thống của một thể chế kinh tế chính trị, mà sự hoàn thiện của hệ thống thể chế hoàn toàn chỉ dựa vào sự liên hệ tương tác với nhau giữa ba bộ phận. Đó chính là quá trình phát triển chế độ dân chủ. Không hình thành hệ thống với ba bộ phận và không có quy chế liên hệ tương tác thì thể chế kinh tế chính trị chỉ dừng lại ở mong muốn chủ quan, kinh tế thị trường sẽ trở nên hoang dại. Thể chế Nhà nước sẽ sa vào quan liêu, tham nhũng nặng nề". (NV nhấn mạnh).
Chừng đó cũng đủ thấy con ngáo ộp "xã hội dân sự" bị cấm đoán bằng con đường nào đó chỉ là ý muốn của những cá nhân nào đó, do không hiểu rõ vấn đề, lại lo sợ khi thấy người ta lạm dụng cụm từ này vào nghĩa khác.
Nhưng nếu gặp trường hợp cứ cho là có sự lợi dụng cụm từ "xã hội dân sự" vào chuyện kích động người dân vì mục đích hay động cơ được xem là xấu thì tại sao không để những tiếng nói phản biện tranh luận lại để cuối cùng mọi người hiểu đúng về vai trò của xã hội dân sự trong quá trình phát triển đất nước?
Có rất nhiều cách hiểu, cách nhìn về xã hội dân sự nhưng với tôi đây chỉ là nơi mà con người cùng nhau thiết lập các mối quan hệ không bị chi phối bởi luật lệ chính thống nữa. Chuyện bác sĩ nhận phong bì, chuyện giáo viên o ép học sinh học thêm, chuyện ca sĩ ăn mặc phản cảm... làm sao luật lệ nhà nước bao quát cho hết được. Vì thế mới đẻ ra những hội đoàn như y sĩ đoàn để duy trì giềng mối đạo đức trong giới bác sĩ và từ đó bảo vệ cho cả cộng đồng y bác sĩ, như nghiệp đoàn giáo chức để cùng nhau thỏa thuận những ranh giới đạo đức mà người thầy đúng nghĩa không được vượt qua, như hội nghề nghiệp của các diễn viên, nghệ sĩ để cùng nhau giữ lấy thanh danh... Cái đó có gì là xấu? Có gì phải lo ngại? Có gì phải cấm đoán.
Đó còn là nơi người dân giám sát hoạt động của nhà nước, của quan chức coi thử có phục vụ lợi ích cho toàn xã hội hay chỉ lo cho một nhóm lợi ích nào đó. Đó còn là nơi các quan điểm khác nhau cọ xát để tìm ra chân lý vì không ai có thể độc quyền về chân lý mãi mãi. Ở góc độ này, dù muốn dù không xã hội dân sự vẫn đang hoạt động mạnh mẽ qua sự phản biện của công luận hay báo chí trước các vấn đề của xã hội. Kinh tế thị trường luôn ưu ái cho người có tài sản; nhà nước luôn có xu hướng sử dụng quyền lực để tiện lợi cho việc quản lý nên dễ rơi vào chỗ lạm quyền; quan chức thì dễ rơi vào cạm bẫy quyền lực và tiền bạc. Vì vậy nền kinh tế thị trường mà không có sự lớn mạnh của một xã hội dân sự để làm cái thắng cho sự tham lam, lạm quyền, tham nhũng thì đúng là nền kinh tế ấy sẽ chỉ là biểu hiện của một dạng chủ nghĩa tư bản hoang dã.
Xã hội dân sự - thật sự có gì mà phải ngại?
Nguyễn Vạn Phú/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Theo_VietNamNet
Chờ 'tiền lệ', bao giờ mới có ô tô, điện thoại Khoa học phát triển là nhờ những thứ "không có tiền lệ". Nếu chờ "tiền lệ," liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt? Vào một ngày đầy gió, có hai anh em làm nghề bán xe đạp đem chiếc máy bay tự chế đi...