Ngân sách hoàng gia Thái Lan bị chất vấn
Lãnh đạo đối lập yêu cầu chính phủ Thái Lan giải trình ngân sách 288 triệu USD cho hoàng gia trong năm tài khóa tới, nhưng chưa được hồi đáp.
Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng đối lập Hướng tới Tương lai (FFP), hồi tháng 9 tiết lộ hoàng gia Thái Lan đang sở hữu một đội máy bay có quy mô không thua kém một hãng hàng không, với 38 phi cơ phản lực và trực thăng.
Thanathorn công bố thông tin này sau khi tiến hành một cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ về chi tiêu của Quốc vương Maha Vajiralongkorn cùng gia đình và các nhân viên của nhà vua, phá vỡ những điều cấm kỵ lâu nay ở vương quốc này.
Thái Lan đang đối mặt suy thoái kinh tế sâu rộng do Covid-19 và làn sóng biểu tình kêu gọi cải cách chế độ quân chủ nhiều tháng nay.
“Người dân đang giận dữ về điều đó, đặc biệt là khi nhìn vào kinh tế vĩ mô”, Thanathorn nói. “Tăng trưởng GDP của Thái Lan dự báo -8% trong năm nay. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng mọi nguồn lực để hồi phục kinh tế”.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn trong lễ đăng quang năm 2018. Ảnh: Reuters
Theo bản kiểm kê đội chuyên cơ hoàng gia do văn phòng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trình bày, đội máy bay phục vụ hoàng gia gồm 4 máy bay thương mại Boeing và Airbus, ba chiếc Sukhoi Superjet 100 do Nga sản xuất, 4 chiến đấu cơ hạng nhẹ Northrop F5-E và 21 trực thăng.
Video đang HOT
Theo tài liệu, chi phí bảo trì, nhiên liệu, dịch vụ mặt đất và những khoản phí khác của đội máy bay hoàng gia lên tới gần 64 triệu USD cho năm tài khóa tới. Hoàng gia Thái Lan chuyển yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao, nhưng cơ quan này không phản hồi các câu hỏi về vấn đề trên.
Vua Maha Vajiralongkorn là một phi công đã qua đào tạo. Ông đang sống ở Đức nhưng thường xuyên trở về Bangkok trong các chuyến thăm ngắn ngày trong năm nay.
Sau khi cha ông là quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời năm 2016, vua Vajiralongkorn nắm quyền chỉ huy hai đơn vị quân đội và kiểm soát hàng tỷ USD cổ phiếu và các tài sản trước đây do Cục Tài sản Hoàng gia nắm giữ, khẳng định vị thế của mình là một trong những quốc vương giàu nhất thế giới.
Vua Vajiralongkorn cũng hợp nhất hội đồng cơ mật, văn phòng hoàng gia và văn phòng an ninh thành một văn phòng hoàng gia duy nhất mà theo thống kê, cơ quan này yêu cầu ngân sách gần 288 triệu USD cho năm tài khóa tới, tăng hơn 100% so với năm 2018.
Đảng FFP đã yêu cầu văn phòng ngân sách chính phủ cung cấp thông tin chi tiết về khoản ngân sách này, nhưng ông Thanathorn cho hay chưa được hồi đáp.
“Đó là tiền thuế của người dân, vì vậy cần minh bạch”, ông nói. “Những thứ này lại không minh bạch”.
Truyền thông Thái Lan đưa tin về những chất vấn của Thanathorn với ngân sách hoàng gia trước quốc hội, bao gồm chi phí duy trì đội chuyên cơ, nhưng tránh đưa tin chi tiết. Thái Lan áp dụng luật khi quân, có thể trừng phạt nặng những người bị cho là xúc phạm Quốc vương và chế độ quân chủ.
Vua Vajiralongkorn dành phần lớn thời gian ở bang Bavaria, Đức, nơi ông thuê nguyên một khách sạn sang trọng cho đoàn tùy tùng của mình. Trong suốt đợt phong tỏa chống Covid-19 năm nay, ông Vajiralongkorn vẫn được tùy ý đến và đi từ Đức, bất chấp lệnh cấm di chuyển, nhờ bay trên chiếc Boeing 737 riêng.
Sự vắng mặt của ông đã đổ thêm dầu vào lửa cho phong trào chống chế độ quân chủ ở Thái Lan, khi một loạt tiêu đề tiêu cực về ông cũng xuất hiện trên báo chí Đức. Bộ Ngoại giao Đức đã cảnh báo nhà vua không điều hành chính trường Thái Lan từ Đức.
Thái Lan đang chứng kiến phong trào biểu tình của thanh niên, sinh viên đòi giải tán quốc hội và soạn thảo hiến pháp mới vì cho rằng hiến pháp hiện nay trao lợi thế bầu cử cho quân đội và phe bảo hoàng.
Một nhóm sinh viên có nguy cơ bị truy tố khi đưa ra yêu cầu chưa từng có về cải cách chế độ quân chủ, bao gồm cắt giảm chi tiêu cho hoàng gia, tách tài sản hoàng gia khỏi tài sản cá nhân của nhà vua. Giới chức Thái Lan đã truy tố hơn 10 lãnh đạo biểu tình về tội gây rối và những hành vi khác.
Dỡ bỏ biểu tượng chỉ trích chế độ quân chủ Thái Lan
Tấm bảng hiệu của người biểu tình chỉ trích chế độ quân chủ đặt bên ngoài Cung điện Hoàng gia Thái ở Bangkok đã được dỡ bỏ.
Cảnh sát Thái Lan hôm nay tuyên bố tấm bảng hiệu do những người biểu tình chỉ trích chế độ quân chủ, gắn trên mặt phố gần Cung điện Hoàng gia Thái Lan ở thủ đô Bangkok, với nội dung chỉ trích chế độ quân chủ ở nước này, đã được dỡ bỏ hôm 20/9. Người đặt tấm biển có thể bị truy tố, theo cảnh sát.
"Tôi đã được báo cáo rằng tấm bảng hiệu đã biến mất, nhưng không biết mất thế nào và ai làm điều đó", Phó cảnh sát trưởng Bangkok, Piya Tawichai, nói. "Cảnh sát đang hợp tác với Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) và điều tra xem ai đã đặt tấm bảng và lấy đó làm bằng chứng để buộc tội nhóm biểu tình vì hành vi sai trái này", ông Piya cho biết thêm.
Tấm bảng hiệu tròn được những người biểu tình gắn bên ngoài cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua ở Thái Lan nổ ra từ giữa tháng 7, trong đó những người biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ và yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân đội, từ chức, đòi ra hiến pháp mới và tổng tuyển cử.
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung ở Bangkok cuối tuần qua, sau đó xếp hàng để chụp ảnh bên cạnh tấm bảng hiệu có hình bàn tay chào bằng ba ngón, một biểu tượng được người biểu tình dùng.
Tấm bảng hiệu đã bị gỡ bỏ hôm 20/9. Ảnh: Reuters.
Chỉ trích chế độ quân chủ từng được xem là điều cấm kỵ do luật cấm phỉ báng hoàng gia ở Thái Lan. Người biểu tình Thái Lan hôm qua tiếp tục đổ xuống đường, yêu cầu cải cách chế độ quân chủ và thay đổi chính trị. Họ gửi thư tới Vua Vajiralongkorn với ba yêu cầu chính, gồm: Cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo một bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế bản hiến pháp hiện tại.
Hoàng gia chưa đưa ra bình luận và nhà vua hiện không có mặt tại Thái Lan. Thủ tướng Prayuth, người nắm quyền lãnh đạo Thái Lan từ năm 2014, đã cảm ơn cả người biểu tình và cảnh sát vì có hành động ôn hòa. Ông đồng thời kêu gọi người dân Thái Lan chung sức vượt qua những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, bao gồm đại dịch Covid-19.
Thái Lan đã trải qua một loạt cuộc biểu tình bạo lực và đảo chính, với hơn 10 lần quân đội can thiệp, kể từ khi chế độ phong kiến chuyên chế chấm dứt năm 1932. Thủ tướng Prayuth tuyên bố chính phủ cho phép biểu tình nhưng yêu cầu cải cách chế độ quân chủ là không chấp nhận được.
Người biểu tình Thái Lan gửi thư tới nhà vua 20.000 người Thái Lan biểu tình Hàng nghìn thanh niên Thái Lan tính biểu tình vào cuối tuần Lo ngại tăng cao ở Thái Lan trước động thái của quân đội
Người biểu tình Thái Lan tuyên bố "chiến thắng", làm điều chưa từng có sau 90 năm Những người biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan hôm 20.9 tuyên bố "chiến thắng", khi đã chuyển yêu cầu cải cách hoàng gia cho nhà chức trách, điều chưa từng có tiền lệ trong 90 năm qua. Người biểu tình Thái Lan đã chuyển yêu cầu cải cách nền quân chủ cho nhà vua. Làn sóng biểu tình quy mô lớn...