Ngân sách hạn hẹp: Bó hẹp giáo dục Việt Nam
Góp ý nâng cao toàn diện giáo dục Việt Nam, GS.TS. Hoàng Xuân Sính – phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là do ngân sách hạn hẹp”.
GS Hoàng Xuân Sính.
Bức tranh giáo dục sau 30 năm đổi mới
GS.TS. Hoàng Xuân Sính đưa ra bức tranh giáo dục của Việt Nam hiện nay sau hơn 30 năm đổi mới: Hệ phổ thông với thầy và trò xuốt ngày dạy thêm học thêm hệ đại học với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học ở trường và ở lớp học thêm, đến mùa thi thì đi thày cô để có bảng điểm tốt và một danh sách khá dài những gia đình chán ngán với giáo dục của nước mình, đã bằng mọi giá cho con ra nước ngoài học.
Tại sao ta lại có bức tranh đó? GS Sính giải thích: “Điều căn bản khiến giáo dục có nhiều vấn đề như vậy, đó là ngân sách rất hạn hẹp. Chẳng hạn khi nói về một trường đại học nào trên thế giới, người ta thường nói tới ngân sách dành cho sinh viên hàng năm, được tính như sau: học phí sinh viên đóng hỗ trợ Nhà nước cho mỗi sinh viên hỗ trợ doanh nghiệp. Con số này thay đổi tùy theo từng nước, thường nước càng giàu thì con số càng lớn. Ngân sách dành cho sinh viên trên thế giới có thể từ 50.000 đô la hay hơn cho đến mức thấp 5.000 đô la. Nhưng chưa bao giờ ta nghe tới con số 500 đô la. Nhưng đó lại là con số của các đại học của ta. Chính con số đó là nguyên nhân gây nên tất cả mọi khó khăn yếu kém cho nền giáo dục của ta”.
Làm thế nào có đủ tiền cho giáo dục, đó là một thách thức lớn. GS Sính phân tích: “20% ngân sách dành cho giáo dục, chúng ta nghĩ là một con số quá lớn rồi, một cố gắng lớn lao để đưa giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng ai cũng biết rằng 20% của vô cùng bé thì vẫn là vô cùng bé. Nếu chưa tìm ra tiền cụ thể cho giáo dục, trước hết ta hãy tìm những gì làm hỏng giáo dục, làm hỏng con người, lãng phí tiền bạc của nhà nước, của nhân dân và thời gian của thày và trò. Tìm ra và ngồi tính, sẽ thấy tiết kiệm được khối tiền”.
Video đang HOT
GS Sính đã liệt kê một số những vấn đề lớn đang làm mất mát nhiều tiền của xã hội và làm hỏng học sinh, sinh viên. Cụ thể, vấn đề thứ nhất đó là dạy thêm – học thêm. “Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con học thêm. Nếu ta chịu khó làm một nghiên cứu về việc học thêm của học sinh Hà Nội, ta sẽ thấy con số đó lớn từng nào. Nếu mỗi gia đình không cho con học thêm một cách nhiều như vậy và để dành tiền cho con học đại học, thì ngân sách đại học có thể tăng lên rất nhiều vì ta có thể tăng học phí ở các trường đại học công cũng như tư, không để ở mức buồn cười như 500 đô la mỗi năm cho mỗi sinh viên như hiện nay. Bên cạnh đó, người ta nói nhiều đến chương trình nặng, sách giáo khoa viết còn nhiều chỗ sai sót…” – GS Sính cho hay.
Nhiều gia đình cho con đi học thêm.
Dạy kiến thức nhưng chưa dạy người
Vấn đề thứ hai, GS Sính cho biết, trong 12 năm từ tiểu học đến hết trung học phổ thông, giáo dục của mình chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì.
“Chúng ta không dạy học sinh chăm chỉ và tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, nhưng đó lại là những đức tính để một dân tộc giàu có. Người ta thường nói: cứ xem người dân hành xử ở nơi công cộng thì sẽ đánh giá được ngay giáo dục của nước họ. Chúng ta cũng phải công nhận nhiều khi ăn theo kiểu tự phục vụ, ta thường lấy nhiều thức ăn rồi bỏ thừa phí phạm ở đĩa ăn, một thói quen rất xấu mà ta không giáo dục ở nhà trường. Một cháu của tôi học ở trường quốc tế mầm non, tôi để ý khi đi ăn ở quán tự phục vụ với gia đình, cháu lấy bao giờ cũng đủ ăn cho mình, và ăn kỳ hết mẹ cháu có giải thích ở trường cháu được cô giáo dạy kỹ về vấn đề này” – GS Sính ví dụ.
Triệt để không cho dạy thêm
Thứ ba nói đến vấn đề Xã hội hóa giáo dục. theo GS Hoàng Xuân Sính, đây là một biện pháp chúng ta đã sử dụng, bước đầu cho bậc đại học, tiếp theo đã mở ra cho toàn bộ hệ thống. Giờ là lúc chúng ta cần phải nghiên cứu các chính sách về pháp lý, quản lý, tài chính… có giúp cho hệ thống này được ổn định để phát triển, hay còn những điều chưa hợp lý gây nhiều trì trệ, lãng phí.
GS Sính cho rằng: “Vấn đề lớn của giáo dục là ngân sách quá hạn hẹp, khiến mọi ý muốn tốt đẹp không thực hiện được. Cho nên cần phải tiết kiệm ở mọi nơi mọi chỗ, cái gì không cần thiết thì phải bỏ, không đưa ra những chính sách khiến người ta không thực hiện được, bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ chế xin cho”.
GS Sính đề nghị: Triệt để không cho dạy thêm học thêm hoành hành như hiện nay, làm cho các gia đình biết để dành tiền cho con học ở bậc đại học, không tiêu vô bổ vào việc học thêm ở bậc dưới làm hỏng con. Dạy chữ không được quên dạy người. Xem xét thật kỹ các quy chế ban hành cho các trường đại học ngoài công lập, cái gì không hợp lý, mất công, mất sức, tốn tiền, không cần thiết thì không đưa ra ép người ta phải thực hiện.
Theo GS Hoàng Xuân Sính, phải thiết lập một mạng lưới các trường cho hợp lý, một tỉnh chưa phải là công nghiệp mà có tới 3 trường đại học công và một trường đại học dân lập là tối ư bất hợp lý, khiến trường dân lập không tuyển sinh được. Không tuyển sinh được đang khiến nhiều trường tư phải hàng tháng bỏ tiền túi ra để trả lương giáo viên, một việc không thể tồn tại lâu được. Hãy tránh mọi lãng phí cho xã hội, ta sẽ có dư thêm khối tiền để làm giáo dục tốt lên.
Theo Dantri
GS Ngô Bảo Châu mở trang mạng "Học thế nào"
Ngày 22/4, GS Ngô Bảo Châu đã mở trang mạng Học Thế Nào (How We Learn) http://hocthenao.vn/ có kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu.
Tham gia quản lý trang mạng cùng GS Ngô Bảo Châu có nhà giáo Phạm Toàn và GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) và có sự cộng tác của nhiều thành viên khác.
Theo lời giới thiệu của trang, giáo dục là một chủ đề rất lớn và phức tạp, bất kể ở nước nào, trong chế độ nào hay vào thời kỳ lịch sử nào. Ảnh hưởng của giáo dục đến cộng đồng, xã hội, quốc gia và dân tộc là sâu, rộng và lâu dài. Một chính sách giáo dục đúng đắn sẽ góp phần lớn trong việc tạo ra một xã hội, một quốc gia lành mạnh và phồn thịnh hàng trăm năm. Ngược lại, một nền giáo dục mang trên mình những sai lầm tích lũy từ hàng chục năm sẽ gây những tác hại vượt ra ngoài sức tưởng tượng.
Giải quyết những vấn nạn của giáo dục Việt Nam không hề dễ dàng và nhẹ nhàng. Nó đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, để tìm hiểu, phân tích tới tận gốc rễ của những sai lầm, nhất là sai lầm về triết lý và chính sách giáo dục, để từ đó có thể đưa ra cách giải quyết vấn đề. Nó cũng cần sự chia sẻ những phương pháp giáo dục tiến bộ, phù hợp với xã hội và con người Việt Nam; cần sự chia sẻ những kinh nghiệm làm giáo dục hiệu quả từ những cá nhân, các tổ chức giáo dục ở khu vực công và khu vực tư nhân.
Giải quyết, nhất là giải quyết rốt ráo các vấn nạn của giáo dục Việt Nam không thể do một vài người làm trong một vài ngày, mà phải cần nhiều người trong nhiều ngày.
Theo chủ trang, trang mạng Học Thế Nào (How We Learn) có kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam. Học Thế Nào hy vọng sẽ là nơi để những cá nhân tâm huyết với giáo dục và tương lai của đất nước gặp gỡ để cùng nghiên cứu, phân tích, thảo luận, chia sẻ và cùng đưa ra các giải pháp. Giáo dục phổ thông là một đề tài khá rộng, Học Thế Nào tạm chia các bài được đăng tải trên trang mạng của mình thành ba tuyến bài chính: Nghĩ về việc học và dạy, Nghiên cứu chính sách, Vai trò của xã hội dân sự. Ngoài ra, trang mạng Học Thế Nào cũng có các tiểu mục như Góc Đọc Sách, Thư Bạn Đọc, Thư Viện.
Trang mạng Học Thế Nào sẽ chính thức đi vào hoạt động ngày 1/5/2013.
Theo Dantri
"Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" khiến ta phải trăn trở Clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" đã gây chấn động trong cộng đồng mạng. Một học sinh lớp 12 tự cho mình trăn trở với nền giáo dục của đất nước và nói lên sự trăn trở đó suốt một giờ đồng hồ. Người viết bài này đã nghe đi nghe lại nhiều lần những đoạn em nói sâu về...