Ngán ngại nước ngọt chứa chì
Thông tin nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ liên tục bị thu hồi vì hàm lượng chì vượt mức cho phép khiến người tiêu dùng ngán ngại.
Sau 3 lô nước giải khát trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ bị tạm dừng lưu thông từ ngày 20/5 do có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, đến tối 23/5, tiếp tục có thêm 2 lô sản phẩm này của Công ty TNHH URC (Hà Nội) vi phạm quy định.
Đồng loạt rút hàng, buôn bán ế ẩm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động sáng 24/5 tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM, các sản phẩm nước giải khát này không còn trên các kệ hàng. Anh Nguyễn Vinh Quang, chủ một siêu thị mini ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, ngay sau khi có thông tin về nước ngọt C2 nhiễm chì, siêu thị đã không nhập mặt hàng trên, mặc dù trước đó sản phẩm nước giải khát này bán khá chạy.
Kệ hàng một siêu thị tại Hà Nội không còn bày bán sản phẩm C2 và Rồng Đỏ.
Tại một số siêu thị khác, nhân viên bán hàng cho biết liên quan các đến thông tin nghi nhiễm chì nên siêu thị tạm thời ngừng nhập sản phẩm trà xanh C2 và Rồng đỏ. Bà Hậu, chủ một quán nước vỉa hè trên phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết: “Trước đây, nước giải khát C2 và Rồng đỏ được nhiều người hỏi mua nhưng đợt này ai cũng bảo có chì. Tôi xem trên nhãn thì không thấy trùng với sản phẩm bị thu hồi, nhưng tâm lý chung là sợ bởi hơi đâu mỗi lần uống nước lại đi so sánh kết quả”.
Tại TP HCM, siêu thị Emart của Hàn Quốc cho biết cũng đã rút toàn bộ sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC ra khỏi kệ hàng. Theo ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing Emart Gò Vấp, hiện chưa có thống kê ảnh hưởng doanh thu các sản phẩm của URC sau thông tin nước giải khát của hãng này chứa chì, nhưng tâm lý người tiêu dùng e ngại sản phẩm nên chắc chắn ảnh hưởng đến doanh số.
Video đang HOT
Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam cũng thông báo siêu thị đã tạm ngưng bày bán sản phẩm C2, Rồng Đỏ và các sản phẩm khác của URC Việt Nam, chờ thông tin chính thức từ Bộ Y tế và nhà cung cấp.
Trong khi đó, 2 hệ thống siêu thị lớn là Co.opmart và Big C chọn giải pháp hợp tác thu hồi sản phẩm thuộc các lô bị thu hồi, chứ không rút toàn bộ sản phẩm C2 và Rồng đỏ khỏi quầy kệ.
Nhân viên cửa hàng tiện lợi Circle K trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết, thông tin nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ bị nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến lượng tiêu thụ này sụt giảm đáng kể. Hiện tại, hệ thống này đã tạm thời ngưng nhập thêm các loại sản phẩm để chờ kết luận cuối cùng.
Còn anh Huỳnh Ngọc Nam, chủ quán cà phê Chợt Nhớ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), nói: “Sau thông tin trà xanh các loại có ruồi, gián không bảo đảm vệ sinh nên nhiều thực khách chuyển sang uống C2, nhưng giờ thì họ cũng tẩy chay luôn. Hơn 1 tháng mà quán bán chưa hết 5 thùng nước giải khát C2 các loại”.
Tiếp tục lấy mẫu kiểm nghiệm
Dân “nghiền” hai nước giải khát này thì tỏ ra khá lo lắng về tình trạng sức khỏe. Bạn Hoàng Anh Huy, sinh viên ĐH Kinh tế Hà Nội, cho biết trước đây, anh và các bạn thường xuyên uống nước C2. Thế nhưng, sau khi có thông tin sản phẩm có chì vượt ngưỡng, Huy “đoạn tuyệt” với món nước giải khát này. “Chẳng biết thường xuyên uống loại nước ngọt này như em liệu có phải đi kiểm tra chì trong máu hay không” – Huy băn khoăn.
Trong khi đó, chủ cửa hàng kinh doanh nước giải khát trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3, TP HCM) cho rằng khách hàng không nên tẩy chay sản phẩm trước khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng. “Tôi nghĩ những lô nhiễm chì đó chắc là do hệ thống máy móc sản xuất bị trục trặc thôi” – người này chia sẻ.
Anh Minh Thanh, nhân viên phân phối nước giải khát C2 và Rồng Đỏ tại TP HCM, cũng cho rằng Công ty TNHH URC có tất cả 4 nhà máy sản xuất các loại nước giải khát nói trên. Sản phẩm nhiễm chì chỉ có ở một số tỉnh phía Bắc, còn khu vực phân phối tại TP HCM là do nhà máy ở Bình Dương cung cấp nên tuyệt đối không ảnh hưởng, người tiêu dùng không nên hoang mang về sự cố này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết hiện đoàn thanh tra vẫn đang tổng hợp các số liệu liên quan đến việc thu hồi các lô hàng nước giải khát C2 và Rồng Đỏ không đạt tiêu chuẩn của Công ty TNHH URC Hà Nội để báo cáo lãnh đạo xử lý. Với các lô hàng không nằm trong danh sách các sản phẩm bị yêu cầu thu hồi và tạm dừng lưu hành vẫn được lưu thông và sử dụng bình thường.
Cũng theo ông Nhiên, trong thời gian tới, các đoàn thanh tra sẽ tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên các lô sản phẩm khác của C2 và Rồng Đỏ trên thị trường để kiểm nghiệm hàm lượng chì. Ngoài thị trường miền Bắc, các mẫu sản phẩm kiểm nghiệm cũng được lấy tại thị trường miền Trung và miền Nam.
Chì vượt ngưỡng rất hại cho sức khỏe Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05 mg/lít có nghĩa uống nước này, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì, lượng chì có thể được thải ra ngoài qua đường nước tiểu, mồ hôi. Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm có chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em. Theo bác sĩ Duệ, mức độ ngộ độc chì tới đâu còn tùy thuộc vào số lượng nước có chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể và chức năng thận của mỗi người. “Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt; còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc. Chì có tác hại rất lớn nên các nhà sản xuất cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định hàm lượng chì trong ngưỡng cho phép trong các sản phẩm như nước có màu, đồ chơi” – bác sĩ Duệ nhấn mạnh.
Theo Ngọc Dung-Thanh Nhân-Đình Thi (Người Lao Động)
Các báo bị cáo buộc nhận tiền của URC yêu cầu điều tra
Trước cáo buộc nhận tiền của Công ty TNHH URC Việt Nam để làm sai sự thật về nước ngọt C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì vượt ngưỡng, ngày 25.5, một số báo có tên trong danh sách "nhận tiền" đã đồng loạt yêu cầu công an vào cuộc điều tra, trả lại sự trong sạch cho họ.
Trước đó, ngày 24.5, trên facebook Ngoc Nga Tran đã đăng bài "Những ai trong giới truyền thông bán rẻ linh hồn cho URC". Trong bài nêu rõ hàng loạt báo và cá nhân các phóng viên của một số tờ báo đã nhận tiền từ 100 triệu đồng đến 1.1 tỷ đồng của URC để che đậy sản phẩm kém chất lượng của họ. Cụ thể là nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ đang bị kết luận có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Facebook Ngoc Nga Tran cáo buộc rằng một số báo đã nhận tiền để bóp méo sự thật cho URC Việt Nam.
Hình ảnh bài viết trên facebook của Ngoc Nga Tran
Trong danh sách mà facebook Ngoc Nga Tran đã đưa có Đài tiếng nói Việt Nam VOV; giaoduc.net.vn; kienthuc.net.vn; new.zing.vn; doisongphapluat.vn; báo kinh doanh pháp luật và 1 số cá nhân ở các tờ báo khác.
Nói về cáo buộc này, VOV đã lên tiếng khẳng định đây là bài viết "có nội dung quy kết mang tính bịa đặt, vu khống gây ảnh hướng đến uy tín của VOV.VN. VOV khẳng định không có phóng viên nào có tên như trên trang facebook Ngoc Nga Tran dẫn chứng. VOV cũng không có hợp đồng quảng cáo, tài trợ nào với công ty URC. VOV cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ động cơ, mục đích cũng như thông tin mà người sử dụng facebook Ngoc Nga Tran đưa ra.
Ban Biên tập Báo điện tử Kiến thức cũng khẳng định nội dung mà facebook Ngoc Nga Tran nêu ra là sai sự thật, không có bằng chứng, có tính chất bôi nhọ, vu khống. Facebook Ngoc Nga Tran đưa thông tin ngày 24.5, URC cử người từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội để đưa tiền "lót tay" cho Phó Tổng biên tập báo Kiến Thức là Nguyễn Thị Mai Hương. Nhưng thời gian đó, bà Hương đang đi nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam. Báo Kiến thức cũng khẳng định các thông tin đăng tải về Công ty URC thời gian qua là hoàn toàn khách quan, có đầy đủ ý kiến từ cơ quan chức năng cũng như các đơn vị liên quan, theo sát diễn biến của sự việc. Ban Biên tập Báo điện tử Kiến Thức cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ các cáo buộc này.
Ngày 24.5, Báo Giao thông cũng đã gửi công văn tới Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục An ninh thông tin, truyền thông (A87) - Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ thông tin hối lộ nhà báo vụ URC. Trong bài viết nêu trên của Ngoc Nga Tran có thông tin: sáng 24.5, đại diện công ty Golden AdGroup và URC Việt Nam có mặt ở Hà Nội cùng với số tiền 3 tỷ của URC VN để tiếp tục "lót tay" cho 9 cá nhân của các cơ quan báo chí trong đó có tên nhà báo Xuân Thu, Trưởng ban Kinh tế Xã hội của Báo Giao thông, Hội viên hội Nhà báo Việt Nam. Ban biên tập Báo Giao thông đã họp đột xuất, tại cuộc họp, nhà báo Xuân Thu khẳng định các thông tin nêu trên là hoàn toàn sai sự thật.
Báo Kinh doanh pháp luật cũng lên tiếng phản bác tất cả cáo buộc "nhận tiền" trên facebook Ngoc Nga Tran là bịa đặt, vu khống và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ.
Luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn luật sư Nghệ An): Trước những thông tin được đăng tải trên trang facebook cá nhân của Ngoc Nga Tran, cơ quan chức năng, cơ quan điều tra cần vào cuộc để xác minh xem Ngoc Nga Trần là ai, ở đâu? Nội dung thông tin được đăng tải trên trang Facebook cá nhân Ngoc Nga Tran có phải thông tin đúng, chính xác hay không. Nếu là thông tin đúng, thì đây là một trong các chứng cứ để Cơ quan điều tra tiến hành điều tra về vụ việc có dấu hiệu nhận hối lộ theo quy định tại Điều 279 BLHS và tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 289 BLHS Nếu thông tin trên trang Facebook của Ngoc Nga Tran là tin đồn thất thiệt thì cần phải xử lý người đưa tin về tội vu khống theo quy định tại Điều 122 BLHS. Bởi những thông tin này, trước hết đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của một số cơ quan báo chí, phóng viên nói riêng và giới truyền thông nói chung. Ngoài ra còn gây thất thiệt cho URCVN, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm cho các cá nhân có liên quan. Lê Chiên (ghi)
Theo Danviet
Ngừng lưu thông 3 lô C2, Rồng đỏ có chì vượt ngưỡng Tối qua (20/5), Thanh tra Bộ Y tế cho biết đã tạm dừng việc lưu thông từ ngày 20/5 đối với 3 lô sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH URC Hà Nội, địa chỉ tại Lô CN 2.2 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội vì lý do hàm lượng Chì không đạt theo tiêu...