Ngàn lẻ một chiêu hành nghề của phường cướp giật
Thời gian gần đây, nạn cướp giật tại TPHCM ngày càng phức tạp và tinh vi. Bất kể ở đâu, lúc nào, hễ có cơ hội là chúng ra tay. Để dụ “con mồi”, bọn cướp còn dựng nên đủ loại kịch bản khiến chính nạn nhân cũng phải ngỡ ngàng và… thán phục.
Đang điều khiển chiếc xe Attila chạy trên Phan Chu Trinh, phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM, chị Mai Thị Kim Hòa (38 tuổi) bị 2 thanh niên chạy xe máy áp sát, dùng đá đập mạnh vào đầu khiến chị ngã xuống đường rồi “vô tư” lấy xe tẩu thoát.
Một tên cướp vừa ra tay giật đồ đã bị người dân bắt tại trận
Để có tiền đi chơi trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 4 đối tượng còn rất trẻ đã lên kế hoạch đi cướp tài sản. Chiều 7/3, bọn chúng thủ sẵn 2 con dao Thái Lan trong người, chém tới tấp một nạn nhân trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình), cướp một ĐTDĐ. Sau đó chúng chạy xe đến đường Cộng Hòa, chém vào lưng một thanh niên, cướp chiếc xe máy hiệu Max.
Đêm 8/3, công an quận Tân Bình đã bắt được 3 trong 4 đối tượng táo tợn trên. Bọn chúng đều mới 16, 17 tuổi, sống lang thang, đã từng nhiều lần dùng dao chém người cướp tài sản.
Mới đây nhất, chị Nguyễn Thị Nhật Thủy (25 tuổi) cùng 4 người bạn bị hai thanh niên cầm mã tấu đuổi chém tới tấp trên cầu Bình Triệu 2 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) vào đêm 22/3, cướp đi 1 xe máy.
Đau lòng hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị L, đang đi từ đường Võ Văn Ngân về chợ Thủ Đức, vừa đi vừa nghe điện thoại, bị một tên cướp điều khiển xe máy rồ ga áp sát giật điện thoại. Không cho nạn nhân có cơ hội đuổi theo, hắn co chân đạp đổ xe chị L. Bị ngã đập đầu xuống đường, chị L. tử vong ngay sau đó vì chấn thương sọ não.
Video đang HOT
Băng cướp chuyên “ăn hàng” về đêm bị bắt tại cơ quan công an
Mới đây, Dân trí nhận được đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân có cửa hàng buôn bán trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, nói về nỗi ám ảnh của họ trước nạn trộm cướp xảy ra liên tục trên địa bàn.
Được biết chỉ trong tháng 2, trên địa bàn quận Gò Vấp đã xảy ra 13 vụ trộm cướp tài sản. Đa phần các đối tượng nhắm vào người đi lúc đêm khuya, nơi vắng, nhất là phụnữ. Bọn chúng sử dụng dao, mã tấu, nón bảo hiểm, cây… để khống chế, đánh đuổi khiến nạn nhân hoảng sợ phải bỏ của chạy lấy người. Hoặc có vụ đối tượng giả danh nhân viên điện lực đến gọi cửa sửa điện, khi chủ nhà mở cửa, bất ngờ hung thủ bóp cổ nạn nhân, dùng dao khống chế cướp tài sản.
Điều đặc biệt, các đối tượng cướp giật ngày càng manh động, sẵn sàng làm hại nạn nhân và những người đuổi theo. Thủ đoạn ngày càng táo tợn, cướp giữa thanh thiên bạch nhật, nơi đông người qua lại và thậm chí phương châm của chúng là: “nơi nguy hiểm là nơi an toàn”.
Những kịch bản cướp… hay như phim
Để đưa được “con mồi” vào tròng, bọn tội phạm “nhào nặn” ra rất nhiều kịch bản mà người lương thiện khó tưởng tượng nổi. Va chạm giao thông, nhặt được vàng, giả danh công an,… là những chiêu bọn chúng thường sử dụng.
Ngày 26/2/2010, Đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội PC14 Công an TPHCM đã triệt phá băng nhóm gồm 7 đối tượng chuyên dàn cảnh va chạm giao thông để cướp tiền. Để dàn cảnh thực hiện trót lọt nhiều vụ cướp với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, bọn chúng phân công một đối tượng gây ra va quệt, những tên khác vừa đánh lạc hướng nạn nhân, vừa nhanh tay cướp giật.
Băng nhóm chuyên dàn cảnh va chạm giao thông để trộm cướp tài sản bị công an quận 2 triệt phá
Kịch bản nhặt được vàng cũng khá mới và tinh vi. Cuối tháng 3 vừa qua, chị D.T.T.T (24 tuổi, tạm trú Q.2) trong lúc dừng đèn đỏ trên đường Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã nhìn thấy một thanh niên dừng xe máy, bước xuống nhặt một xấp tiền cùng một chiếc túi nằm trên đường. Sau đó, gã mở chiếc túi móc ra một miếng vàng rồi lên xe đi.
Chị T. chạy tiếp thì gã thanh niên vọt lên chặn đầu xe, hỏi số tiền và miếng vàng trong túi có phải của chị T. không. Lúc này, một người đàn ông khác (khoảng 50 tuổi) cũng dừng xe máy, nhận số tài sản kia là của mình. Gã thanh niên đòi ông này phải trả công “nhặt vàng” cho gã và chị T.
Người đàn ông đồng ý trả ơn cho gã thanh niên cùng chị T. 20 triệu đồng với điều kiện chị T. phải giúp hắn đem miếng vàng trên đi bán mới có tiền trả.
Chị T. đồng ý, người đàn ông yêu cầu chị để lại chiếc ba lô làm tin (theo lời chị T., bên trong có laptop, máy chụp hình kỹ thuật số, ví tiền và giấy tờ tùy thân). Đổi lại, hắn đưa chị T. giữ chìa khóa xe máy của hắn.
Sau khi chủ tiệm vàng khẳng định miếng vàng giả, chị T. vội quay trở lại chỗ cũ thì 2 gã đàn ông đã “mất tích”.
Ngoài ra, một kịch bản thường xuyên được bọn cướp áp dụng là giả danh công an, cảnh sát hình sự để trấn lột, cướp của.
Một số công cụ hỗ trợ trong ngành công an mà các đối tượng giả danh thường sử dụng để lừa nạn nhân
“Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến khuyến cáo: “Kẻ cướp bây giờ mỗi khi hành động đều tìm hiểu con mồi, nếu có động là chúng rút ngay chứ không liều mình nên rất khó vây bắt. Chúng còn liên tục thay đổi chiêu thức. Vì vậy, mỗi khi ra đường, người dân phải đặc biệt đề cao cảnh giác”.
Đầu tháng 3, Ngô Trọng Hoàng (18 tuổi) chở Nguyễn Anh Tú (18 tuổi) từ đường Phan Đăng Lưu rẽ vào đường Nguyễn Văn Đậu thì bị 2 thanh niên chặn xe, xưng là CSHS đòi kiểm tra giấy tờ. Một trong hai tên lấy xe của anh Hoàng, vờ chở anh về trụ sở, sau đó xô ngã chủ xe rồi tẩu thoát. Công an Q. Phú Nhuận sau đó đã bắt được thủ phạm là Trương Phạm Cao Nguyên (23 tuổi, ngụ Q. Phú Nhuận), đang truy bắt đồng phạm của Nguyên.
Trước đó, một nhóm 4 đối tượng, trong đó có một sinh viên, đã giả danh CSHS với các công cụ hỗ trợ của ngành công an như dùi cui, dây nịt có gắn huy hiệu công an, thẻ CSHS,… Vào những đêm cuối tuần, nhóm này thường rảo quanh các tuyến đường, săn tìm những thanh niên tụ tập đua xe, đánh võng,… để vòi tiền. Nếu nạn nhân cự cãi, bọn chúng lập tức rút dùi cui đánh đập rồi vờ mang cả xe lẫn người về trụ sở công an. Sau đó lựa thời cơ cướp xe.
Tâm lý người dân khi bị công an chặn hỏi thường luống cuống, khó phát hiện thật giả. Tuy nhiên, người dân cần nhớ, lực lượng tuần tra không bao giờ đi một mình, có thể mặc quân phục hoặc thường phục nhưng luôn xuất trình giấy tờ, thẻ ngành và chỉ sử dụng súng khi bắt đối tượng phạm tội nguy hiểm.
Trung tá Trịnh Kim Sơn, Đội trưởng đội chống tội phạm trộm cắp, lừa đảo – Công an TPHCM, nhận định: Các đối tượng trộm cướp hiện nay rất chuyên nghiệp, từ khi phát hiện “con mồi” đến khi ra tay xong chỉ trong vòng 5 – 10 giây. Do vậy, điều quan trọng nhất để đối phó với loại tội phạm này là nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài sản cá nhân.
Theo Dân Trí