Ngàn hoa khoe sắc đón xuân ở huyện biên giới A Lưới
Huyện biên giới A Lưới được ví như “Đà Lạt” của xứ Huế, nằm trên đỉnh Trường Sơn với những khúc cua uốn lượn của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Đến với A Lưới vào những ngày đầu năm, cái nắng chói chang và những cơn mưa đã nhường chỗ cho những bông hoa khoe sắc thắm. A Lưới như khoác lên mình vẻ đẹp tươi mới, đầy sức sống, thu hút số lượng lớn thương lái và du khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh.
Những chậu hoa ly được người dân bán với giá khoảng 100 ngàn đồng. Ảnh: Võ Tiến
Tại vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Ngọc Tế, khu phố 3, thị trấn A Lưới, không khí sản xuất tấp nập, rộn ràng của người trồng hoa, thương lái cùng với những gam màu xanh, đỏ, tím, hồng, vàng… của các loại hoa đan xen nhau tạo nên bức tranh nên thơ, đa sắc màu. Ông Tế chia sẻ: “Gia đình tôi có 700m2 nhà kính để trồng hoa ly, tulip phục vụ nhu cầu chơi hoa vào dịp Tết.
Ngoài ra, gia đình đã trưng dụng thêm diện tích gần 500m2 thường dùng để trồng rau và trồng thêm một vài loại hoa truyền thống như hoa cúc, vạn thọ, thược dược, với tổng mức đầu tư hơn 80 triệu đồng”.
Với kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Tế chia sẻ thêm: “Nghề trồng hoa không quá vất vả, nhưng lại cần nhiều thời gian, nhất là dịp Tết. Để hoa nở đúng thời điểm, rất cần sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, nhất là quá trình chăm sóc, không chỉ đơn thuần là giữ ẩm, bón đủ phân, trừ sâu bệnh kịp thời, mà còn phải tỉa cành, bấm nụ, làm giàn đỡ tránh hoa không đổ, gẫy, thậm chí phải hãm không cho hoa nở nếu nền nhiệt cao và kích thích, ủ ấm nếu thời tiết lạnh.
Bởi vậy, có nhiều hộ trồng hoa thời điểm này đã nở rộ thì hoa của gia đình tôi vẫn nở đúng dịp, một vài loại còn nở sau Tết phục vụ nhu cầu rằm tháng Giêng. Bằng cách làm này, sau khi trừ đi chi phí, trung bình sau mỗi vụ Tết, gia đình tôi thu về khoảng 70 triệu đồng”.
Bên cạnh những giống hoa truyền thống như: Cúc, ly, đồng tiền, vạn thọ… chiếm khoảng 60% tổng diện tích, các vườn hoa tại A Lưới đã mạnh dạn đưa những giống hoa mới vào trồng phục vụ nhu cầu bà con chơi hoa dịp Tết. Bà Lê Thị Thanh Tùng, tổ 1, thị trấn A Lưới cho biết: “Năm nay, gia đình tôi đưa hơn 1.500 cây hoa tulip và 1.000 cây hoa hướng dương để trồng phục vụ nhu cầu chơi hoa trong dịp Tết. Hoa tulip trung bình mỗi chậu 5 cây, gia đình bán với giá 150 ngàn đồng. Còn hoa hướng dương thì cắt bông bán và phục vụ các bạn trẻ, khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh”.
Video đang HOT
Nhiều năm nay, trồng hoa phục vụ Tết được coi là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở A Lưới. Nhà nào trồng ít thì một vài trăm gốc, nhà nhiều thì cả vài nghìn gốc. Theo những người trồng hoa ở đây chia sẻ, thời tiết năm nay khác hẳn so với mọi năm. Ít có các đợt không khí lạnh, trời nắng ấm rất thuận lợi để hoa phát triển và nở hoa đẹp đúng thời điểm Tết đến, xuân về.
Những vườn hoa tạo nên bức tranh rực rỡ thu hút du khách tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Võ Tiến
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu chơi hoa ngày Tết của người dân, những vườn hoa lung linh sắc màu của các hộ gia đình ở huyện biên giới A Lưới còn là điểm thu hút du khách và các bạn trẻ đến thăm, trải nghiệm và chụp ảnh.
Bà Hồ Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới cho biết: “Toàn huyện có hơn 30 hộ trồng hoa thì chủ yếu tập trung ở thị trấn A Lưới. Từ nhiều năm nay, những hộ trồng hoa ở đây ít phải đi bán lẻ, người chơi hoa và thương lái đã tìm đến tận vườn đặt mua.
Ngoài ra, hoa ở A Lưới còn cung cấp cho những người có nhu cầu ở khắp các huyện, thị trong và ngoài tỉnh bởi những giống hoa mới, lạ. Hàng năm, thu nhập từ hoa mang về từ 50 đến 300 triệu đồng cho mỗi hộ sau mỗi dịp Tết.
Bên cạnh đó, các vườn hoa đã chủ động đưa những giống hoa mới, lạ vào trồng, thiết kế vườn hoa bắt mắt để thu hút khách du lịch và các bạn trẻ đến thăm quan, chụp ảnh. Đó cũng là một trong những hình thức quảng bá hiệu quả cho thương hiệu hoa A Lưới”.
Thay vì phải mang hoa đi bán như trước đây, giờ đây, khách tìm đến tận vườn đặt mua nên diện tích trồng hoa ở A Lưới ngày càng tăng. Hiện, nhiều người dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, chưa kể diện tích đất vườn.
Hoa cho giá trị kinh tế gấp 2 đến 3 lần cấy lúa, dịp cao điểm thậm chí gấp 4 đến 5 lần nên có thể thấy, trồng hoa, cây cảnh phục vụ ngày Tết là một trong những hướng đi chính phát triển kinh tế, trở thành một nghề tạo công ăn việc làm với thu nhập tương đối ổn định của người dân huyện biên giới A Lưới.
Võ Tiến
Theo bienphong.com.vn
Thừa Thiên Huế: Lính biên phòng làm cha nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng biên giới Việt - Lào tại huyện miền núi A Lưới đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận làm con nuôi.
Lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng" tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Ảnh: Võ Tiến
Ngày 12/12, Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt và Hồng Vân, (Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế) đã tổ chức Lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng".
Tại buổi lễ, đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã nhận nuôi em Lê Văn Thìn, người dân tộc Tà Ôi (sinh năm 2009, trú tại thôn Pa Ris - Ka Vin, xã A Đớt, huyện A Lưới); Đồn Hồng Vân nhận cháu Lê Phi Lăng, người dân tộc Pa Cô (sinh năm 2011, trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) làm "Con nuôi đồn Biên phòng".
Sau lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng", các cháu sẽ được các đơn vị bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập và được cán bộ trực tiếp đưa đón các cháu đi học và chỉ dạy các cháu từ văn hóa cư xử, giao tiếp hằng ngày đến nền nếp thực hiện nội quy quy định của đơn vị, như học tập, rèn luyện nâng cao thể lực, sức khỏe... Từ đó, giúp các em nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập.
Theo kế hoạch, các đơn vị nói trên sẽ nhận nuôi hai cháu học hết 9. Sau đó các cháu sẽ tiếp tục được nhận đỡ đầu theo chương trình "Nâng bước em tới trường" và hỗ trợ học hết lớp 12 bằng nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp hỗ trợ cho các cháu.
Ông Lê Văn Mỹ, (bố đẻ của em Lê Văn Thìn) chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bản thân tôi trước đây bị tai biến dẫn đến liệt nữa người, nên hiện không làm được việc gì. Cuộc sống hàng ngày chỉ có mình vợ tôi lo, phải chạy ăn từng bữa chứ nói gì đến chuyện cho con cái đi học. Trong thời gian qua, gia đình tôi đã được Đồn biên phòng giúp đỡ nhiều, giờ lại nhận con tôi làm con nuôi nữa, thực sự tôi ko biết cảm ơn như thế nào cho hết."
Ông Hồ Văn Rao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết: Trong thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng không những giữ vững an ninh trật tự để bà con yên tâm sản xuất mà còn có nhiều việc làm thiết thực, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bây giờ lại có mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng", một mô hình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp đỡ những em học sinh đặc biệt khó khăn có điều kiện ăn học, nâng cao dân trí.
Em Lê Văn Thìn tại nơi ở mới. Ảnh: Võ Tiến
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế, trong thời gian qua, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và nhà trường thực hiện nhiều chương trình, mô hình, cách làm hay nhằm giúp đỡ người dân, như: "Tổ tự quản đường biên, mốc Quốc giới"; "Đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới"; các mô hình "Hũ gạo tình thương", "Ngôi nhà xanh tiếp sức đến trường"; các chương trình "Nâng bước em đến trường"; "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương"; "giúp đỡ xã nghèo, huyện nghèo"...góp phần thực hiện có hiệu quả Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện A Lưới, với chương trình "Nâng bước em đến trường"; Bộ đội biên phòng giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn mỗi cháu 500.000 đồng/1 tháng để các cháu mua sắm dụng cụ học tập...Hiện nay trên địa bàn huyện, Bộ Chỉ huy và 4 Đồn Biên phòng tuyến núi đã nhận đỡ đầu cho 40 cháu.
Với mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng", các đơn vị nói trên được cấp trên chỉ đạo nhận nuôi 2 cháu để làm điểm sau, đó nhân rộng trong toàn tỉnh.
"Mô hình này không phải là tổ chức nhận con nuôi theo thủ tục pháp lý hay phong tục, tập quán của địa phương, mà đây là một chương trình an sinh xã hội mang tính nhân văn, thể hiện lòng tri ân của Bộ đội biên phòng tỉnh đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới đã cưu mang, giúp đỡ lực lượng biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong những năm qua", lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế khẳng định.
Theo baodansinh
Bắt đối tượng vận chuyển 19 phách gỗ trái phép Hồ Văn Sắt khai nhận, trong lúc vào rừng hái lan thì phát hiện cây gỗ Dổi đã bị đốn trước đó nên trở về thuê máy cưa vào rừng khai thác. Đồn Biên phòng Nhâm- Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới phát hiện và bắt giữ đối tượng vận chuyển...