Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo lạm phát cao chưa từng có
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng Đức sắp xảy ra mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Khách hàng chọn mua đồ tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài RT, phát biểu với tờ Rheinische Post ngày 20/8, ông nói: “Lạm phát ở mức cao tới 10% có thể xảy ra trong những tháng mùa thu”. Ông Nagel cho rằng đợt tăng giá năng lượng mới nhất do nguồn cung khí đốt giảm từ Nga có khả năng đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn nữa.
Lần gần đây nhất mà Đức xảy ra lạm phát ở mức hai con số là hơn 70 năm trước. Khi đó, lạm phát ở Đức lên tới 11% vào năm 1951.
Ông Nagel cảnh báo rằng tình hình nền kinh tế Đức có thể sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm tới. Hơn nữa, vấn đề lạm phát sẽ không biến mất vào năm 2023 vì tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và căng thẳng địa chính trị có thể sẽ tiếp tục.
Lạm phát có khả năng vượt mức dự báo hồi tháng 6 của Ngân hàng Trung ương Đức 4,5 điểm và lên tới mức trung bình 6% vào năm sau.
Bình luận trên xuất hiện trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên và giá điện đã tăng hơn dự kiến. Lượng khí đốt từ Nga giảm trong đợt nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Đức.
Ông Nagel dự báo: “Khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc, suy thoái có thể xảy ra vào mùa đông tới”.
Video đang HOT
Theo Financial Times, giá sản xuất của các nhà sản xuất công nghiệp Đức đã tăng 37,2% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức nói đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo của ông Nagel được đưa ra khi Đức đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn. Nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đang giảm dần do các vấn đề kỹ thuật phát sinh từ các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết ngày 19/8 rằng họ sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để thực hiện các công việc bảo trì trong ba ngày từ ngày 31/8 đến ngày 2/9.
Nguồn cung cấp khí đốt cho EU thông qua Nord Stream 1 đã giảm xuống 20% so với mức tối đa vào tháng trước. Theo Gazprom, 5 tuabin cần phải hoạt động để bơm khí hết công suất và hầu hết các tuabin lại đang cần bảo trì. Một trong các tuabin đang mắc kẹt ở Đức do lệnh trừng phạt.
Thông báo của Gazprom đã khiến khí đốt tăng giá lần nữa ở châu Âu khi giá tăng 7% lên trên 2.600 USD/1.000 mét khối.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết nước này có thể triển khai thêm một gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để chống lạm phát mà không ảnh hưởng đến chính sách hạn chế thâm hụt ngân sách. Theo ông Lindner, gói cứu trợ sẽ bao gồm các biện pháp dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như viện trợ kinh tế có trọng điểm cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.
Tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết triển khai nhiều biện pháp hơn để giúp bù đắp chi phí lương thực và năng lượng tăng cao mà không ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% GDP.
Lạm phát ở Đức đã lên tới 7,5% vào tháng 7, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng khi đến mùa đông.
Ngoài ra, ngày 18/8, Thủ tướng Scholz ra thông báo nêu rõ Chính phủ Đức có kế hoạch giảm thuế VAT đối với khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian giới hạn từ mức 19% hiện nay xuống còn 7%. Kế hoạch này sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng đối với người tiêu dùng do phải trả thêm phụ khí khí đốt từ tháng 10 tới.
Quyết định giảm thuế VAT đối với khí đốt được đưa ra trong bối cảnh Đức sẽ phải thu phụ phí khí đốt từ tháng 10 tới với mục đích để người tiêu dùng chia sẻ gánh nặng đối với các công ty nhập khẩu khí đốt trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Theo kế hoạch này, người tiêu dùng – dù là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp – trước mắt phải trả thêm phần phụ phí 2,4 cent/kWh cùng khoản thuế VAT cho phần phụ phí này.
Khoảng 50% số hộ gia đình tại Đức sưởi ấm bằng khí đốt. Tính trung bình, mỗi hộ tiêu thụ khoảng 5.000 kWh/năm sẽ phải trả phụ phí trước thuế vào khoảng 121 euro, trong khi một gia đình tiêu thụ khoảng 20.000 kWh/năm sẽ phải trả phụ phí trước thuế khoảng 484 euro/năm.
Chuỗi cung ứng ở Đức có thể sụp đổ do thiếu khí đốt của Nga
Toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất có thể sụp đổ nếu khí đốt tự nhiên mà Nga cung cấp cho Đức giảm hơn nữa.
Trạm bơm khí của Hệ thống đường ống Nord Stream 1, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang oilprice.com ngày 3/8, tập đoàn hóa chất Đức Covestro đưa ra nhận định trên trong một cảnh báo mới. Theo cảnh báo đó, lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream giảm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Trong thông báo thu nhập quý II công bố ngày 2/8, Covestro nói: "Do mối liên hệ chặt chẽ giữa ngành hóa chất và các lĩnh vực liên quan, tình hình xấu thêm nữa có khả năng khiến toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất sụp đổ".
Nếu buộc phải sử dụng hạn chế khí đốt trong năm nay, các cơ sở sản xuất của Covestro sẽ chỉ hoạt động một phần hoặc phải đóng cửa toàn bộ, tùy vào mức độ khí đốt bị cắt giảm. Covestro chiếm khoảng 1/4 năng lực sản xuất trên toàn cầu.
Như nhiều khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn khác trong ngành hóa chất, không chỉ ở Đức mà còn ở châu Âu, Covestro đã đưa ra nhiều biện pháp để cắt giảm nhu cầu khí đốt, trong đó có cảnh biện pháp chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu. Công ty cho biết đang tiếp tục cải tiến các công nghệ sản xuất hiện có và đưa ra những công nghệ mới để giảm tiêu thụ khí đốt và năng lượng hơn nữa.
Sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Covestro dự báo sẽ tiếp tục xảy ra những tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu, mức giá năng lượng vẫn sẽ rất cao, lạm phát cao và tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu yếu hơn.
Giám đốc tài chính Covestro Thomas Toepfer cho biết: "Trong nửa cuối năm nay, rủi ro kinh tế vĩ mô một lần nữa gia tăng đáng kể, đặc biệt là liên quan chi phí năng lượng rất cao và bất ổn trong nguồn cung cấp khí đốt tại các nhà máy ở Đức của chúng tôi".
Hóa chất và các ngành công nghiệp khác ở Đức đã buộc phải giảm hoặc cân nhắc giảm sản lượng do giá năng lượng ở mức rất cao và nguồn cung cấp khí đốt từ Nga giảm. Ngành hóa chất là ngành công nghiệp lớn thứ ba ở Đức, sau ngành sản xuất ô tô và máy móc, là ngành tiêu thụ khí đốt lớn nhất cả nước, chiếm 15% tổng lượng khí đốt tiêu thụ.
Ông Wolfgang Grosse Entrup, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hóa chất Verband der Chemischen Industrie (VCI), nói rằng ngành hóa chất Đức có không nhiều lựa chọn để tiết kiệm khí đốt. Nhiều công ty Đức có nguy cơ phải ngừng sản xuất nếu tình hình tệ hơn.
Kể từ xung đột ở Ukraine, Nga đã giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống Nord Stream, xuống chỉ còn 20% công suất. Trước đó vài ngày, tập đoàn Gazprom của Nga đã khởi động lại đường ống ở mức 40% công suất sau khi kết thúc bảo trì định kỳ 10 ngày.
Tình hình của các công ty công nghiệp của Đức đã trở nên tồi tệ hơn kể từ giữa tháng 6, khi Nga lần đầu tiên cắt giảm 60% nguồn cung thông qua Nord Stream.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), cứ 6 công ty công nghiệp Đức thì có một công ty cảm thấy buộc phải giảm sản xuất do giá năng lượng cao. Cuộc khảo sát cũng cho thấy chỉ một nửa số công ty công nghiệp Đức đã đáp ứng các yêu cầu về khí đốt hàng năm vào năm 2022. Hơn 1/3 các doanh nghiệp công nghiệp vẫn phải mua hơn 30% nhu cầu khí đốt hàng năm.
Đức đang chuẩn bị bước vào một mùa đông khó khăn, cả với các ngành công nghiệp và các hộ gia đình, khi lượng cung cấp khí đốt của Nga ngày càng trở nên khó lường.
Đức sẽ nằm trong số các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp Gazprom hạn chế hoặc cắt nguồn cung cấp cho châu Âu sau khi khởi động lại Nord Stream vào cuối tháng 7.
Đức đang đứng bên bờ cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, biên tập viên cấp cao của tờ Die Welt, một trong những tờ báo có ảnh hưởng nhất đất nước, cảnh báo. Ảnh minh hoạ: Getty Images "Không chỉ giá khí đốt ở gần mức cao kỷ lục, giá điện cũng đang báo hiệu tình trạng căng thẳng", ông Holger Zschaepitz,...