Ngân hàng Thế giới: Nông nghiệp Việt Nam cần giảm chỉ đạo, tăng hỗ trợ
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nông nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường, đang phải cạnh tranh về lao động, đất đai và nước với các đô thị, công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm giảm năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành.
Những thành tích… chưa ấn tượng
Nông nghiệp Việt Nam là “câu chuyện thành công” mà nhiều quốc gia khác muốn học tập. Từ một nước thiếu đói, sản lượng lương thực bình quân đầu người hiện đứng ở mức cao trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Tuy nhiên, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa được ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việt Nam còn thua kém các quốc gia trong khu vực nếu xét về năng suất sử dụng nước, lao động và đất nông nghiệp.
Thực tế, hầu hết nông sản của Việt Nam đều được bán dưới dạng thương phẩm thô, với giá thường thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu do thua kém về chất lượng và các nguyên nhân khác. Nông sản thô giá rẻ của Việt Nam thường được pha trộn với mặt hàng của các quốc gia khác để tạo ra thành phẩm được bán dưới các thương hiệu quốc tế.
Điều nghịch lý là mặc dù ẩm thực Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn ở các quốc gia thu nhập cao, nhưng hầu hết thành phần và thực phẩm do người Việt Nam cung cấp lại chưa được người tiêu dùng biết đến, một phần do quan niệm về rủi ro an toàn thực phẩm và/hoặc môi trường. Hiện tượng này cũng diễn ra ngay tại sân nhà, với những quan ngại ngày càng tăng về sự an toàn của vật nuôi, cây trồng, trà, các đồ uống và thực phẩm sản xuất trong nước khác.
Video đang HOT
Tăng trưởng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhờ vào thâm dụng đầu vào, đôi khi phải trả phí tổn lớn về môi trường. Chẳng hạn, quá trình mở rộng diện tích cà phê và cao su ở Tây Nguyên đã góp phần quan trọng gây phá rừng, mất đa dạng sinh học, và suy kiệt nguồn nước ngầm. Thâm canh lúa góp phần gây suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước, và phát thải khí nhà kính ở mức cao. Quá trình mở rộng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến hủy hoại rừng ngập mặn ở quy mô lớn, là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm nước.
Theo Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường, đang phải cạnh tranh về lao động, đất đai và nước với các đô thị, công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm giảm năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành.
Người trồng lúa ở Việt Nam có mức thu nhập còn rất thấp.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế – nâng cao phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng – nhưng sử dụng ít tài nguyên, nhân công và đầu vào trung gian độc hại hơn. Tăng trưởng sẽ chủ yếu dựa trên nâng cao hiệu suất, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần có nhiều thay đổi về sử dụng đất nông nghiệp. Chẳng hạn, đất trồng lúa bị nhiễm mặn sẽ chuyển đổi để nuôi trồng thủy sản. Đất trồng lúa ở các vùng khác có thể được sử dụng để trồng rau hoặc trồng hoa, cây cảnh, hoặc du lịch sinh thái. Nhờ cải thiện về tưới tiêu, một số diện tích đất trồng lúa sẽ được chuyển sang trồng ngô…
Mặt khác, người Việt sẽ ngày càng ăn ít gạo, trong khi tiêu dùng các sản phẩm chế biến, chăn nuôi, rau và hoa quả sẽ tăng lên. Thói quen ăn uống bên ngoài ngày càng trở nên quan trọng. Chuyển đổi về thói quen ăn uống và bữa ăn sẽ đặt ra nhu cầu cần cải thiện về quản lý rủi ro an toàn thực phẩm và thú y, cũng như vấn đề về dinh dưỡng sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Giảm chỉ đạo và tăng hỗ trợ
Nhiều thách thức mà nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi thành nông nghiệp dựa trên hiệu suất và đem lại giá trị gia tăng cao không thể xử lý chỉ bằng cách thay đổi chính sách nông nghiệp.
Kiểm soát hành chính về đất đai và sự tham gia trực tiếp của Nhà nước trên cả thị trường đầu vào và đầu ra là những yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển đồng đều trong ngành trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, những chính sách đó nếu tiếp tục được duy trì, có thể làm chậm quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp theo những định hướng cần thiết để bắt nhịp với một nền kinh tế thu nhập trung bình trong quá trình hiện đại hóa. Những thay đổi về dân số và thay đổi khác trong nước, bên cạnh những thay đổi về môi trường bên ngoài, sẽ làm tăng áp lực và nâng cao tầm quan trọng của mục tiêu hiện đại hóa ngành. Quản lý tiểu tiết những quy trình thay đổi đó là việc rất khó và rốt cuộc sẽ làm cản trở khả năng vượt khó vươn lên vốn có của nông dân Việt Nam, đồng thời gây cản trở cho đầu tư vào hệ thống thực phẩm nông nghiệp.
Điều đó cũng đòi hỏi Chính phủ cần đầu tư theo cách có lựa chọn hơn, tập trung vào các dịch vụ và hàng hóa công cơ bản. Ở Việt Nam, điều đó có nghĩa là tiếp tục đầu tư cho hạ tầng nông thôn, các hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết, các dịch vụ địa chính, nghiên cứu nông nghiệp cơ bản, báo cáo và giám sát về sâu bệnh và dịch hại, tăng cường năng lực thể chế để thực thi hiệu lực các quy định về môi trường và đầu vào, hoặc hỗ trợ các hệ thống chứng nhận, thanh tra an toàn thực phẩm và các chức năng quản lý Nhà nước liên quan, cung cấp mạng lưới an sinh. Bên cạnh đó, bằng cách tập trung cải thiện môi trường thuận lợi, Chính phủ cần có khả năng sử dụng ngân sách làm đòn bẩy để khuyến khích nông dân và khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư.
Chính phủ cần thoái lui khỏi một số lĩnh vực đã và đang chủ động đảm nhiệm, như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo bằng các giúp chỉ ra những thành phần tốt nhất trong đa số các bên được coi là quan trọng trong đổi mới sáng tạo.
Chính phủ có thể giảm đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp nếu hỗ trợ hiệu quả để tư nhân đầu tư, bao gồm cả qua các quan hệ hợp tác công-tư. Qua đó Chính phủ có thể dành nguồn lực để thực hiện tốt các chức năng quản lý Nhà nước quan trọng, như về an toàn thực phẩm, sức khoẻ cây trồng vật nuôi, môi trường. Chính phủ sẽ tiếp tục có vai trò trong việc nâng cao hiệu suất và bền vững trong sử dụng nước và đất đai, duy tu bảo dưỡng hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động tập thể, và một số yếu tố khác nhằm giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí giao dịch cho người nông dân và các doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp.
Mở rộng hạn điền để sản xuất quy mô lớn
Trên thực tế, hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 đã có quyết sách đột phá, đó là giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017; nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3/2017.
Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại An Giang ngày 15-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tái khẳng định, phải đổi mới trong canh tác, sản xuất, chế biến lúa gạo bằng thể chế chính sách, mô hình phát triển, mở rộng hạn điền phù hợp. Cần những cánh đồng mẫu lớn được hình thành bằng mô hình liên kết, hợp đồng thuê đất lâu dài, hài hòa lợi ích.
Theo Xuân Bách (Báo Nhân dân)