Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc “khóc dở, mếu dở” vì đổi chứng minh thư?
Trong quá trình triển khai Luật Căn cước công dân trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc chỉ đạo, xử lý vướng mắc của tổ chức tín dụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như bảo đảm an toàn trong các giao dịch ngân hàng.
Sau khi Dân trí phản ánh về việc người gửi tiền “khóc dở, mếu dở vì đổi chứng minh thư” khi đi rút tiền tại các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phản hồi về vấn đề này.
Theo NHNN, ngay sau khi Thông tư 18/2014/TT-BCA được ban hành, tháng 5/2014, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Thông tư này trên toàn hệ thống ngân hàng để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nắm bắt và thực hiện nghiêm chỉnh, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người dân khi tham gia giao dịch với ngân hàng bằng CMND mới.
“Từ thời điểm Thông tư 18/2014/TT-BCA ban hành đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa nhận được kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như của người dân trong việc thực hiện các giao dịch rút tiền tại ngân hàng khi sử dụng CMND 12 số mà không còn CMND 9 số”, NHNN khẳng định.
Do đó, trong quá trình triển khai Luật Căn cước công dân trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc chỉ đạo, xử lý vướng mắc của tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác (nếu có) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như bảo đảm an toàn trong các giao dịch ngân hàng.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2016, Bộ Công An cho phép có ba loại giấy tờ tùy thân được cùng tồn tại là CMND 9 số (CMND cũ); CMND 12 số (CMND mới) và Thẻ Căn cước. Những người đang có chứng minh thư 9 số (chứng minh thư cũ) có thời hạn không vượt quá 15 năm, vẫn được sử dụng bình thường. Tuy nhiên, những người 14 tuổi trở lên khi đăng ký làm chứng minh thư tại cơ quan quản lý hộ tịch sẽ được làm CMND mới 12 số hoặc thẻ căn cước.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số độc giả báo Dân trí, trường hợp người bị mất chứng minh thư cũ, làm lại chứng minh thư mới đang gặp khó khăn trong giao dịch ngân hàng.
Được biết, theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 (có hiệu lực từ 01/01/2016) thì từ 1/1/2016, ở các địa phương triển khai việc cấp CMND 12 số và cấp thẻ Căn cước công dân sẽ có thể có 03 loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là: CMND 9 số (chưa hết thời hạn), CMND 12 số và Thẻ Căn cước công dân. Các giấy tờ tùy thân này đều có giá trị pháp lý trong các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính (trong đó có giao dịch ngân hàng).
Video đang HOT
Về việc chuyển đổi CMND 9 số sang CMND 12 số: Triển khai cấp mẫu Giấy CMND 12 số mới, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BCA ngày 29/4/2014 hướng dẫn cụ thể việc thu, nộp và xử lý CMND khi công dân đổi CMND từ 9 số sang CMND 12 số. Theo đó, khi công dân làm thủ tục cấp đổi CMND từ 9 số sang CMND 12 số thì cán bộ làm thủ tục sẽ cắt góc của CMND 9 số và trả CMND 9 số đã cắt góc cho người dân. Đồng thời, ngay khi nhận CMND đã được cắt góc theo quy định hoặc sau một thời gian, nếu công dân yêu cầu thì cơ quan thu hồi CMND 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân đó.
Việc cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân nêu trên cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 05/2014/TT-BCA ngày 22/01/2014 của Bộ Công an quy định biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý CMND. Theo đó Mẫu Giấy này do cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại CMND cho công dân lập để xác nhận số CMND (9 số) đã được cấp lần gần nhất khi công dân có yêu cầu đổi, cấp lại CMND mới (12 số). Thủ trưởng đơn vị nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại CMND ký giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của công dân.
Về chuyển đổi CMND sang Thẻ căn cước công dân: Để triển khai Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015 quy định về Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân tại Điều 13 Thông tư này. Theo đó, Mẫu Giấy xác nhận này do cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân lập xác nhận khi công dân có yêu cầu xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ.
Như vậy, với việc sử dụng CMT mới và thẻ căn cước công dân trong giao dịch với ngân hàng, NHNN cho hay: Vướng mắc của người dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân và chứng minh thư mới trong giao dịch với ngân hàng (như rút tiền mặt) đã được xử lý đầy đủ và toàn diện bởi các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, đặc biệt từ thời điểm ban hành Thông tư 18/2014/TT-BCA. Theo đó, khi công dân có sử dụng CMND 12 số hoặc Thẻ căn cước công dân sau khi cấp đổi từ 9 số hoặc sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho CMND trước đây (hết hạn/mất) trong các giao dịch (bao gồm rút tiền tiết kiệm) với ngân hàng mà không còn CMND 9 số, người dân có thể xuất trình Giấy xác nhận thay đổi số CMND do cơ quan công an cấp để chứng minh nhân thân (bao gồm các nội dung liên quan đến CMND 9 số cũ).
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Ngân hàng âm thầm "vượt rào" lãi suất
Bên cạnh niêm yết mức lãi suất kịch trần, một số ngân hàng còn tặng kèm thêm nhiều chương trình khuyến mại, lãi suất thưởng. Đây là một hình thức gia tăng sự hấp dẫn đối với người gửi tiền đồng thời là một cách lách trần kỹ thuật và tinh vi.
Hàng loạt ngân hàng tung "chiêu"
Khảo sát của chúng tôi tại thị trường lãi suất của các ngân hàng thời điểm này cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Điển hình, chỉ trong tháng 12, Sacombank đã tăng lãi suất 4 lần. Ngoài ra, một số ngân hàng có quy mô nhỏ đã niêm yết kịch trần lãi suất 5,5% mà NHNN đã quy định, các ngân hàng 0 đồng cũng có mức lãi suất tiệm cận trần huy động từ 5,3-5,45%.
Không những vậy, các ngân hàng còn đẩy mạnh khuyến mại để thu hút tiền gửi của khách hàng. Theo bảng lãi suất mới nhất của một ngân hàng có trụ sở phía Nam được áp dụng từ ngày 8/1/2016, mỗi khách hàng gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn từ 3-5 tháng được hưởng mức lãi suất 5,45%. Ngoài ra, ngân hàng còn dùng chiêu tặng quà gia dụng hữu ích ngày Tết khi giao dịch tiết kiệm trong thời gian diễn ra chương trình như: Bình hoa thủy tinh, hộp đựng mứt, bộ dĩa gốm sứ...
Tại một ngân hàng khác có phòng giao dịch trên đường Thái Hà, Hà Nội, các khách hàng đến gửi tiền tại đây đều được các nhân viên ngân hàng quảng cáo ngay chương trình khi khách hàng mở sổ tiết kiệm kỳ hạn tối thiểu 3 tháng sẽ nhận được thẻ cào với nhiều lựa chọn phong phú và đa dạng.
Những ví dụ trên cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều dùng chương trình khuyến mại để tri ân, kéo khách hàng gửi tiền về phía mình. Đây được xem là những "nước cờ thông minh" của ngân hàng nhằm tăng nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng, cũng như chuẩn bị nguồn vốn đầu ra cho kế hoạch kinh doanh năm 2016.
Tuy nhiên đáng lưu ý, nếu tính cả chi phí khuyến mại, lãi suất thưởng cho khách hàng gửi tiền thì một vài ngân hàng trên đã vượt trần lãi suất huy động.
Khi NHNN vào cuộc
Thực tế, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chững lại, đến ngày 21/12/2015, huy động mới tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Lãi suất tiền gửi ở mức thấp so với các kênh sinh lời khác trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư tăng lên do kinh tế hồi phục làm giảm nhu cầu gửi tiền của người dân và các tổ chức kinh tế.
Giai đoạn cuối năm âm lịch, một số dấu hiệu căng thẳng thanh khoản đã xuất hiện, lãi suất liên ngân hàng nóng lên và nhiều ngân hàng đã phải tăng biểu lãi suất huy động, trong đó sự tham gia của những ngân hàng quốc doanh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng lớn thường được nhìn nhận là uy tín nên huy động được nguồn vốn dồi dào và dễ dàng. Còn với những ngân hàng nhỏ, việc huy động khó khăn hơn nên họ sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giữ chân khách hàng.
Lo ngại về việc tìm mọi cách lách quy định của NHNN, mới đây Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động của các ngân hàng.
NHNN cho biết, thời gian gần đây, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay hoặc giá dịch vụ hoặc giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng.
NHNN nhấn mạnh rằng điều này làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường. NHNN cũng yêu cầu các TCTD không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của TCTD để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định của NHNN.
Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc chi nhánh NHNN TP.HCM cho biết, hiện tượng một số ngân hàng dùng chiêu lách trần lãi suất chủ yếu thuộc nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ. Hơn nữa, cầu vốn tín dụng cuối năm cũng khá lớn do đó các ngân hàng phải cạnh tranh thu hút nguồn vốn để đáp ứng được nhu cầu này.
"Về mặt hình thức, các ngân hàng đưa ra biểu niêm yết lãi suất không vi phạm quy định của NHNN, nhưng có chính sách khuyến mại để nâng lãi suất thực của khoản tiền gửi ở các kỳ hạn dưới 6 tháng này lên. Vừa qua, Thống đốc đưa ra văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này", ông Minh nói.
Ông cho biết thêm hiện nay, cơ quan quản lý chưa phát hiện và xử lý đơn vị nào lách trần. Đối với khu vực TP.HCM, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay rất cao, huy động vốn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng khác với một số địa bàn khác trong cả nước.
Lãnh đạo một ngân hàng khác thừa nhận, hiện tượng "vượt rào" lãi suất không phải vì kém thanh khoản mà chủ yếu là các ngân hàng muốn giữ khách và nâng cao thương hiệu của ngân hàng mình trên thị trường.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, các ngân hàng hiện nay có khuyến mại như mua bảo hiểm cho khách hàng, thưởng các phần quà, quay phần trưởng là hợp pháp. Các ngân hàng thậm chí còn trả thêm một khoản phụ phí và việc làm được thực hiện rất khéo và tinh vi. Đây là một hình thức gia tăng sự hấp dẫn đồng thời là một cách lách trần kỹ thuật.
Ngoài ra, các ngân hàng không muốn vay mượn trên thị trường liên ngân hàng một phần vì lãi suất khá cao, hơn nữa ràng buộc các quy định chặt chẽ, cho nên các ngân hàng vẫn tập trung huy động vốn từ thị trường 1 vì có lợi hơn.
Về mặt bản chất, lãi suất niêm yết của các ngân hàng trên bề mặt hồ sơ, thủ tục và sổ sách thì không có vi phạm, tuy nhiên rõ ràng về lâu về dài sẽ tạo nên một môi trường không lành mạnh để cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Trong khi đó tại báo cáo vĩ mô mới đây, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. VEPR cho rằng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.
Theo NTD
Hơn 1.000 người Hà Nội làm thủ tục cấp thẻ căn cước trong ngày đầu tiên Hơn 1.000 người đã đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại 31 điểm ở Hà Nội trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2016. Công dân đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước ở trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Ảnh: Bảo Hoàng Ngày 4.1, Phòng Cảnh sát...