Ngân hàng máu cuống rốn thứ 5 của Việt Nam
Lưu trữ tối đa 3.600 mẫu máu và được thực hiện bởi các chuyên gia công nghệ sinh học hàng đầu trong và ngoài nước, ngân hàng máu cuống rốn thứ 5 tại Việt Nam ra mắt ngày 11/3 tại Hà Nội.
Ngân hàng này do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thành lập. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Bạch Khánh Hòa, Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc Vinmec máu cuống rốn là một nguồn nguyên liệu quý. Sau khi được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và bảo quản, nó sẽ phục vụ điều trị các bệnh cần ghép tế bào gốc như: suy tủy, ung thư máu, ly thượng bì bọng nước, thalassemia và nhiều bệnh lý ác tính về máu… “Không ai biết trước một em bé sinh ra khi lớn lên có thể mắc bệnh gì. Nếu các tế bào gốc từ máu cuống rốn được cất giữ thì đây sẽ là nguồn tế bào phù hợp nhất để chữa bệnh cho bé và gia đình”, Phó giáo sư Khánh Hòa cho biết thêm.
Toàn cảnh labo trung tâm tế bào gốc.
Video đang HOT
Tế bào gốc có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ để có thể tạo ra các loại tế bào, mô mới để bổ sung hoặc thay thế cho tế bào và mô cơ quan bị tổn thương, mất chức năng. Máu cuống rốn là nguồn phong phú chứa các tế bào gốc, chủ yếu là các tế bào gốc tạo máu (các tế bào sẽ sinh ra tất cả các loại tương tự như tế bào gốc tạo máu có ở tủy xương).
Hiện nay, loại tế bào gốc máu cuống rốn được dùng để điều trị khoảng trên 70 loại bệnh trong đó có nhiều loại bệnh lý của hệ tạo máu, những bệnh lý rối loạn miễn dịch di truyền như: ung thư máu, u tủy, suy tủy, U lympho, Thalassemia (huyết tán), bệnh tiểu cầu, ly thượng bì… Các nhà khoa học cũng đang trong thời kỳ nghiên cứu khả năng chữa được nhiều bệnh khác như tự kỷ, tiểu đường, alzheimer, parkinson, bại não, đột quỵ nhờ loại tế bào này.
Chuyên gia làm việc với hệ thống lưu trữ máu cuống rốn tự động BioArchive.
Việc thu thập máu cuống rốn chỉ diễn ra trong vòng 2-5 phút sau khi sinh, trong khi thời gian sinh đẻ tự nhiên không thể xác định chính xác tuyệt đối dẫn tới việc thu thập đôi khi thiếu sự chủ động và có thể sản phụ đã sinh mà không kịp lấy mẫu. Với chu trình khép kín, rủi ro này sẽ được hạn chế tối đa nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng tế bào gốc và phòng mổ, phòng đẻ, tạo sự chủ động nhất trong việc thu thập mẫu máu. Đặc biệt, chuyên gia của Vinmec sẽ giúp các gia đình tìm kiếm được đơn vị máu cuống rốn phù hợp về kiểu gen HLA (yếu tố tiên quyết cho sự thành công của ca ghép) ở các ngân hàng tế bào gốc trên toàn thế giới.
“Lưu trữ máu cuống rốn là việc làm tự nguyện, dựa trên những hiểu biết và tin tưởng của các bậc cha mẹ về triển vọng ứng dụng tế bào gốc vào điều trị cũng như mong muốn bảo đảm tương lai sức khoẻ của bé và các thành viên trong gia đình.”, Phó giáo sư, tiến sĩ Bạch Khánh Hòa khẳng định.
Các chuyên gia đang xử lý tế bào gốc từ máu cuống rốn bằng hệ thống xử lý tự động AXP.
Các điều kiện lưu máu cuống rốn bao gồm tiền sử gia đình khỏe mạnh, không có người thân mắc các bệnh di truyền như bệnh down hay các bệnh về máu khác như thalassemia (huyết tán), ung thư máu, u tủy. Nếu gia đình có người mắc, sản phụ cần được tư vấn và làm xét nghiệm chẩn đoán trước sinh.
Trước đó, ở Việt Nam đã có 4 ngân hàng Máu cuống rốn (Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP HCM, Bệnh viện Nhi TW, Viện Huyết học truyền máu TW, và công ty Mekostem). Thế mạnh ngân hàng Máu cuống rốn Vinmec là nằm trong một bệnh viện Đa khoa Quốc tế chất lượng cao có đầy đủ các chuyên khoa. Đặc biệt sản khoa, nhi khoa là những thế mạnh hàng đầu của bệnh viện. Do đó việc thu gom máu cuống rốn được thực hiện theo quy trình khép kín, thuận lợi. Tại đây, tế bào gốc từ máu cuống rốn được lưu trữ bởi hệ thống công nghệ tiên tiến nhất thế giới BioArchive của hãng Thermogenesis với hệ thống quản lý tối ưu, giúp chất lượng tế bào gốc máu cuống rốn được bảo quản tốt nhất trong môi trường Ni-tơ lỏng trong thời gian tối đa 18-20 năm. Các thông số chất lượng mẫu tế bào gốc được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn FDA – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới được hầu hết các ngân hàng máu cuống rốn uy tín sử dụng.
Theo VNE