Ngân hàng Barclays rời châu Phi sau 100 năm hoạt động
Ngân hàng Barclays đang quay trở lại với hướng kinh doanh cơ bản sau khi báo lỗ năm lên đến 394 triệu bảng Anh, tương đương 550 triệu USD.
Logo bên ngoài chi nhánh ngân hàng Barclays ở London (Anh) – Ảnh: Reuters
Theo CNN, Barclays vừa công bố kế hoạch rút lại hoạt động với quy mô lớn ở châu Phi và cắt giảm chi trả cổ tức trong bối cảnh ngân hàng đa quốc gia này tiếp tục sa thải nhân viên.
Sự thay đổi trên được thực hiện bởi Jes Staley, người từng công tác tại ngân hàng J.P. Morgan và trở thành giám đốc điều hành ngân hàng Barclays cách đây ba tháng. Ông Staley cho hay chiến lược trên sẽ giúp Barclays xây dựng vị thế ở London và New York, hai trung tâm tài chính thế giới.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng sẽ có hai đơn vị hoạt động trong tương lai: một đơn vị phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Anh, một đơn vị tập trung vào doanh nghiệp quốc tế và ngân hàng đầu tư.
Barclays đã hoạt động ở châu Phi trong hơn 100 năm qua và ông Staley mô tả việc bán lại cổ phần của hãng tại Barclays Africa Group là “rất khó khăn”. Ông cho biết động thái này sẽ được thực hiện trong 2-3 năm, cho phép ngân hàng giảm số lượng nhân viên khoảng 40.000 người và trở thành một tổ chức đơn giản hơn.
Barclays cũng sẽ chấm dứt hoạt động của mình ở Ai Cập và Zimbabwe. Hiện chưa rõ tốc độ nhà băng này rút bỏ các tài sản của họ ở châu Phi vì tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới chậm hơn và sự sụt giảm trong giá cả hàng hóa.
Video đang HOT
Ashish Thakkar, người sáng lập ngân hàng châu Phi Atlas Mara với cựu CEO Barclays Bob Diamond, và CEO Atlas Mara John Vitalo cho hay ngân hàng này hiện mua tài sản ở khắp châu Phi, bao gồm tại Mozambique, Zambia và Tanzania. Hai thành viên thuộc ngân hàng Atlas Mara cho hay họ đang nghiêm túc xem xét khả năng mua lại tài sản từ Barclays.
Trước đây, ông Diamond rời Barclays sau một vụ bê bối gian lận lãi suất kéo theo hàng tỉ USD tiền phạt. Ông được thay bởi người kế nhiệm Antony Jenkins, nhân vật sau đó rời ghế CEO vào tháng 7.2015 chỉ sau ba năm nhận chức.
Khoản lỗ của ngân hàng Barclays trong năm 2015 lớn hơn so với những gì giới phân tích dự báo. Cổ phiếu Barclays giảm 10% sau thông báo trên và giảm đến 35% trong sáu tháng qua.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Đất nước dùng đến 9 loại tiền tệ
Quản lý một loại tiền tệ đã là việc khó khăn, tuy nhiên, giới doanh nghiệp ở Zimbabwe hiện phải chật vật xoay sở giữa 9 loại tiền tệ.
Nông dân trồng ngô ở Mvuma, thị trấn Masvingo (Zimbabwe) tháng 1.2016 - Ảnh: Reuters
Thực tế sử dụng 9 loại tiền tệ là cuộc sống thường nhật của nhiều doanh nghiệp ở Zimbabwe, những hãng đã bị buộc phải đóng luôn vai trò của các đại lý hoán đổi ngoại tệ sau khi nội tệ nước nhà sụp đổ và bị rút khỏi lưu thông.
Các doanh nghiệp ở quốc gia châu Phi giao thương bằng đồng euro, đô la Mỹ, đô la Úc, rand Nam Phi, pula Botswana, bảng Anh, yen Nhật, nhân dân tệ và rupee Ấn Độ.
"Hầu hết các loại tiền tệ được dùng cho mục đích kinh doanh, giao dịch. 50% thương mại của chúng tôi thực hiện với đối tác Trung Quốc và Nam Phi, vì thế chúng tôi cần cho phép buôn bán bằng nhiều loại tiền tệ", Thống đốc Ngân hàng Dự trữ John Mangudya của Zimbabwe nói với kênh CNN.
USD là "đồng tiền dự trữ" chính thức của Zimbabwe. Ông Mangudya cho hay đất nước ông không có ý định bỏ đô la Mỹ để dùng nhân dân tệ hay đồng rand.
Trên đường phố ở thủ đô Harare của Zimbabwe, USD được ưa thích hơn nhưng các thương nhân cũng chấp nhận nhiều loại tiền tệ. Gần biên giới với nước Nam Phi và Botswana, đồng rand, pula và euro lại phổ biến.
Dù vậy, sự phổ biến của đồng rand đã giảm xuống gần đây sau khi đồng tiền này lao dốc 30% vào năm ngoái. Người Zimbabwe đang dần bỏ nội tệ hàng xóm nước họ vì lo ngại rand sẽ mất giá thêm.
Tỷ giá chính là vấn đề cần thương lượng. Các doanh nghiệp địa phương sẽ chấp nhận hầu hết 9 loại tiền kể trên, nhưng ở mức tỷ giá cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức.
Tờ tiền mệnh giá 100.000 tỉ đô la Zimbabwe - Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Zimbabwe bắt đầu từ năm 2000 khi chính phủ nước này tiến hành cải cách ruộng đất mạnh mẽ. Sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt, tâm lý mất niềm tin vào nền kinh tế đã dẫn đến sự lao dốc của đồng đô la Zimbabwe.
Lần đo lường chính thức tình trạng lạm phát cuối cùng của Zimbabwe là vào đầu năm 2009, cho ra kết quả 230 triệu phần trăm. Đây cũng là năm đô la Mỹ được chấp nhận hợp pháp. Giá cả hàng hóa ở quốc gia không giáp biển này thay đổi từng phút và Zimbabwe nổi tiếng với tờ bạc 100.000 tỉ đô la của họ.
Chủ tịch hãng đầu tư Vinal Investments Shingi Munyeza từng cho hay ông sẽ "trả tiền cho cốc cà phê trước khi nó được làm, vì khi bạn ngồi xuống và uống nó, giá cả sẽ tăng lên".
Zimbabwe vẫn còn cách rất xa ngày mà họ có thể giới thiệu lại bản tệ mới. Năm 2014, nước này bắt đầu đúc các đồng xu có mệnh giá nhỏ ở nước bạn Nam Phi để người dân mua các loại hàng hóa có giá ít hơn 1 USD.
"Chúng tôi không có đồng xu USD nên tiền lẻ được thay bằng kẹo hoặc bút viết", ông Mangudya nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Đất nước của 7 đạo quân Lực lượng quân sự từ nhiều nước đang chen chúc trên mảnh đất chật hẹp nhưng có vai trò chiến lược của Djibouti. Một cuộc diễn tập của Mỹ gần Trại Lemonnier tại Djibouti và bản đồ vị trí Djibouti (ảnh nhỏ) - Ảnh: CJTF-HOA - Operation World Nằm trên eo biển Babel-Mandeb, quốc gia nhỏ bé của châu Phi có diện tích...