Ngăn chặn, xử lý 15 website giả mạo các công ty tài chính để lừa đảo
Trong 5 tháng đầu năm nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng ngăn chặn, xử lý 15 website giả mạo các công ty tài chính chính thống để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.
Thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, đặc biệt là cho vay tiền thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền đang có diễn biến phức tạp.
Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng đã đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen trên mạng được thực hiện tinh vi, gắn với việc đòi nợ thuê trong đời sống thực, vi phạm luật hình sự nên cần được cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Bộ TT&TT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên mạng.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên môi trường mạng.
Cụ thể, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung và cho vay tài chính tín dụng đen nói riêng; đề xuất xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông phòng, chống tội phạm về tài chính và tín dụng đen.
Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT và cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động vi phạm. Yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Video đang HOT
Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin trên mạng về nội dung tín dụng đen, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thông tin. Hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm về công tác thanh tra với các Sở TT&TT để triển khai đồng bộ và tập trung nguồn lực, chủ động phát hiện, xử lý sớm những vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Bộ TT&TT còn cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi phạm tội trên không gian mạng và phạm vi toàn quốc.
Kết quả là trong 5 tháng đầu năm nay, Bộ TT&TT đã có văn bản và áp dụng hệ thống kỹ thuật riêng chỉ đạo, điều phối các nhà mạng viễn thông nhằm ngăn chặn, xử lý hơn 15 website giả mạo các công ty tài chính chính thống như: Homecredit, LOTTE Finance… để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.
Bộ TT&TT đã xác minh và cung cấp thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và các cơ quan chức năng hơn 40 sự vụ liên quan đến tín dụng đen thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.
Cách nhận diện các cuộc gọi giả mạo để lừa đảo người dân
Theo khuyến nghị của Cục An toàn thông tin, người dân có thể nâng cao kiến thức và mức độ nhận diện để tránh trở thành nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo bằng việc xem các video kể về quá trình bị lừa đảo của một số YouTuber.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan này thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc họ nhận được các cuộc gọi giả mạo.
"Mặc dù đa số người dân đã biết đến hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi giả mạo, kể cả những người có kiến thức về công nghệ cũng như cập nhật các tin tức xã hội thường xuyên cũng vẫn bị mắc bẫy. Nguyên nhân là do những thủ đoạn lừa đảo này quá tinh vi và chuyên nghiệp", chuyên gia Trung tâm NCSC nhận xét.
Theo các chuyên gia, để khiến người dùng "sập bẫy", đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh lòng tham hay nỗi sợ hãi của nạn nhân
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, trên thực tế, đã có rất nhiều người dân bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Để khiến người dùng "sập bẫy", đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo này chủ yếu đánh lòng tham hay nỗi sợ hãi.
Điểm ra một số kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo người dân, Trung tâm NCSC thông tin, trong đó có kịch bản đối tượng xấu giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia...
Khi nạn nhân nói rằng mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.
"Người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng", chuyên gia NCSC phân tích.
Một kịch bản phổ biến khác là đối tượng xấu giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu câu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.
Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
Bên cạnh đó, nhiều người dân còn gặp phải những cuộc gọi giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện...
Khi nhận được các cuộc gọi giả mạo này, các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
Ngoài ra, người dân có thể nâng cao kiến thức và mức độ nhận diện để tránh trở thành nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo bằng việc xem các video do một số YouTuber thực hiện kể về quá trình bị lừa đảo hoặc các tình huống được xây dựng trên những câu chuyện có thật.
Đơn cử như YouTuber "Anh Thám Tử" đã tạo dựng những tình huống lừa đảo có thật thông qua việc ra mắt website Dauhieuluadao.com (Dấu hiệu lừa đảo), với mong muốn hỗ trợ người dùng có thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh trước những cuộc tấn công lừa đảo.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Trung tâm NCSC và Google đã hợp tác cho ra mắt website DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến đang gia tăng cả về phương thức lẫn số lượng. Trang web này cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết những phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời đưa ra những "nguyên tắc vàng" trong hành xử để giúp người dân tự ngăn chặn, bảo vệ mình.
Kể từ khi ra mắt, dự án "Dấu hiệu Lừa đảo" đã trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm, sự lan tỏa của dự án lần này đã tạo cảm hứng cho nhiều Nhà sáng tạo nội dung trên YouTube. Từ đó, nhiều YouTuber đã sản xuất ra các video có nội dung dựa trên các tình huống lừa đảo điển hình và có thật, được nhiều người dân cảnh báo về Trung tâm NCSC.
Cụ thể, đồng hành cùng Google và NCSC giúp người dân dễ dàng nhận biết chiêu trò lừa đảo, chiến dịch lần này đã có sự góp sức của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng. Các nhà sáng tạo nội dung YouTube như Anh Thám Tử, Hay Online, Thám tử Nhí, Bà Lão Thám Tử; hay các nhóm sáng tạo BabyKopo Home, Rikaki Gaming, Dalin Vlog, và nhóm Hài độc thoại Saigon Tếu đã sáng tạo ra các video và bài viết với chủ đề xoay quanh các tình huống lừa đảo thường xảy ra trong thực tế, song vẫn còn nhiều người dân chủ quan và cả tin dẫn tới việc bị mắc bẫy của kẻ lừa đảo.
Website trang bị kiến thức phòng chống lừa đảo cho người dùng Internet Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dùng, cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tại Việt Nam. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa giới thiệu website Dauhieuluadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo)...