Ngăn chặn TNGT: “Thuốc đã bốc đúng, vấn đề là cách dùng và liều lượng”
Với 8 nhóm giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó trọng tâm là trách nhiệm của người thực thi công vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia – ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng “Thuốc đã bốc đúng, vấn đề là cách dùng và liều lượng”.
Mở đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chỉ thị số 12/CT-TTG ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường cách giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) tại trụ sở Chính phủ hôm nay (6/7), ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề cấp bách đã được lưu ý chỉ đạo quán triệt thường xuyên, nếu thiếu trách nhiệm 1 chút thì hậu quả khôn lường sẽ xảy ra với người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, số vụ TNGT và số người bị thương giảm, nhưng số người chết lại tăng 244 người, bằng 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân trực tiếp đến tai nạn giao thông là có sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về vận tải, cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải; thậm chí có nơi, có chỗ còn có dấu hiệu đỡ đầu, dung túng, bao che cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như các quy định an toàn giao thông trong hoạt động vận tải.
Hội nghị trực tuyến về an toàn giao thông sáng 6/7
Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (CSGT) cho biết vẫn còn nợ anh em chiến sỹ vì làm quá thời gian quy định rất nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.
“Phạt nhiều chúng tôi không vui, nhưng mức phạt đó còn quá ít so với thực trạng vi phạm. Hàng năm chúng tôi lập hàng chục biên bản vi phạm lái xe hối lộ CSGT, nặng thì khởi tố hình sự mà nhẹ thì kỷ luật cảnh cáo… Chúng tôi cũng cấm CSGT không được dừng xe kiểm soát chốc lát vì dễ nảy sinh những cơ hội tiêu cực, phải chấm dứt tình trạng này và chỉ khi có dấu hiệu vi phạm thì mới được dừng xe kiểm tra.” – ông Tuyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao làm rất quyết liệt mà TNGT không giảm? Trả lời vấn đề này, ông Tuyên cho rằng vì lực lượng mỏng, không đủ người để ra đường làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát với thiết bị kỹ thuật chắp vá như hiện nay. Hiện chúng tôi không đủ tiền cấp xăng xe cho lực lượng tuần lưu.
Sau báo cáo của Cục CSGT đường bộ-đường sắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng này phải tăng cường kiểm tra hệ thống CSGT chốt trạm để phát hiện và xử lý tiêu cực, ngăn chặn mãi lộ, chủ trương phạt nhiều nhưng thu ít. Nếu xử lý nghiêm thì cả hệ thống CSGT trên cả nước đều tốt hơn.
“Vấn đề thực thi công vụ là mấu chốt quyết định đến việc TNGT có giảm hay không. Nếu lực lượng thực thi không làm tốt thì mọi giải pháp đưa ra đề vô tác dụng” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Phải dùng “kháng sinh” liều cao
Video đang HOT
Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Công an và Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố. Trong đó, đặc biệt tăng cường rà soát, tập trung chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải; hoạt động đăng kiểm phương tiện vận tải hành khách, hang hoá; hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Thanh tra Bộ GTVT tập trung thanh tra tra ngay những trung tâm đăng kiểm, trung tâm sát hạch cấp Giấy phép lái xe mà có lái xe gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm 2013 đến nay.
Sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để xảy ra nhiều TNGT
Tại Hội nghị trực tuyến, sau khi các địa phương và Bộ ngành nêu lên kế hoạch và đề xuất các giải pháp giảm TNGT, Bộ trưởng GTVT kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia – Đinh La Thăng nhấn mạnh thời gian tới cần đặc biệt tập trung kiểm tra, thanh tra công tác thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và chú trọng xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Trước mắt đối với các địa phương có nhiều phương tiện vận tải, tiếp đó là những địa phương có TNGT tăng cao.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ các nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm để đạt kết quả cao nhất trong 6 tháng cuối năm.
Tiếp lời Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng với 8 tồn tại hạn chế đã được nêu ra và 16 giải pháp khắc phục thì rõ ràng “thuốc đã bốc đúng, vấn đề là cách dùng và liều lượng”.
Ông Hiệp cho rằng để hạn chế TNGT, phải kiểm soát được tốc độ vì 90% nguyên nhân TNGT từ tốc độ. Việc cần quy trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu và xử lý nghiêm là cần làm nhưng từ trước đến nay chưa xử lý được ai. Công tác tuần tra kiểm soát chưa được thực hiện với trách nhiệm và tính thần cao nhất. Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể về hệ thống Ban ATGT các cấp, đề nghị Phó Thủ tướng sớm ban hành. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng kiến nghị với Chính phủ giải quyết việc thiếu nhân lực của lực lượng TTKS, xử phạt vi phạm ATGT bằng giải pháp lắp đặt camera giám sát cả tốc độ và hành trình trên tuyến QL1A
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ GTVT, Công an, Y tế, các ngành liên quan. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch hành động, có giải pháp cụ thể để triển khai trong 6 tháng cuối năm, làm sao để tất cả công tác đảm bảo ATGT, giảm TNGT và ùn tắc giao thông là việc làm của không chỉ ngành giao thông công an mà tất cả chúng ta đều phải vào cuộc. Trong đó, ngành GTVT giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo trong cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
“Nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thì nơi đó hiệu quả rất tốt. Quản lý, và ý thức và hơn thế nữa để chúng ta tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao ý thức người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Chỉ có như vậy TNGT mới giảm, công tác đảm bảo ATGT mới thực sự đạt hiệu quả. Phân cấp làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong quản lý Nhà nước về GTVT , làm rõ trách nhiệm của chủ phương tiện khi để xảy ra TNGT…” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Theo Dantri
"Tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông"
"Theo nghiên cứu chung của thế giới, tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT). Các tính toán cho thấy nếu tốc độ tăng 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%".
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết như vậy tại buổi đối thoại trực tuyến Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ sáng nay 2/7.
Các tính toán trên thế giới cho thấy, nếu tốc độ tăng 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Và trong 6 tháng đầu năm 2013, số vụ TNGT gây chết người tăng thì nguyên nhân tốc độ là chủ yếu.
Vì vậy, trong chiến dịch kiểm soát tốc độ vừa phát động, ông Hiệp cho biết sẽ làm đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, xóa điểm đen, cắm biển báo tốc độ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường tuần tra, kiểm tra giám sát tập trung và lưu động. Tuy nhiên, muốn giảm tai nạn phải kiểm soát tốc độ, muốn kiểm soát chuyện này cần sự vào cuộc của tất cả các lực lượng.
Hơn 80% vụ TNGT nghiêm trọng do lỗi người điều khiển phương tiện
Nói về các vụ TNGT thảm khốc xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ông Hiệp cho hay: "Trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người điều khiển phương tiện lại cao như vậy? Ở đây là có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước. Rõ ràng là chúng ta phải xem lại khâu quản lý nhà nước".
Vụ TNGT thảm khốc ở Khánh Hòa xảy ra mới đây
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phối hợp với các Bộ, ngành để có kế hoạch rà soát một loạt. Trong đó, Bộ GTVT có các đoàn thanh tra đi kiểm tra rất nhiều địa phương, tập trung vào kinh doanh vận tải, từ đó phát hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi, kể cả văn bản pháp luật đến tinh thần, trách nhiệm thi hành công vụ, nhất là các Sở GTVT.
"Với sự quyết liệt của Bộ GTVT, trong thời gian tới những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước sẽ được khắc phục, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm" - ông Hiệp nhìn nhận.
Cũng theo ông Hiệp, tai nạn thường xảy ra ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị. Ở đây có câu chuyện về cung đường. Khi xe chạy từ TPHCM hoặc Hà Nội đến những địa phương này, mà người ta gọi là khoảng trắng, khoảng trống, lái xe bắt đầu có cảm giác mệt mỏi. Theo quy định là lái xe không được liên tục 4h để đảm bảo an toàn. Thứ hai là về mật độ phương tiện, những địa phương này có điều kiện về du lịch nên lưu lượng khách đến rất đông (ví dụ như ở Nha Trang vừa rồi liên tiếp xảy ra tai nạn).Thứ ba là một phần do yếu tố thời tiết. Ví dụ lúc trời nắng nóng cao điểm cũng gây ra mệt mỏi cho người lái xe. Tuy nhiên, còn có các lý do nữa tùy theo từng vụ tai nạn như về hạ tầng, do tuần tra kiểm soát.
Trên thực tế, rất nhiều ý kiến cho rằng lái xe bất cẩn trên đường do chủ xe ép tiến độ, thời gian. Đứng từ phía góc độ quản lí nhà nước, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ ra giải pháp kiên quyết đề xử lý vấn đề này đó là quy định và xử phạt phương tiện qua thông tin trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).
"Từ 1/7/2013 trở về trước, thiết bị này bắt buộc nhưng chưa kiểm tra, mục tiêu để các chủ phương tiện tự giác thực hiện, trên cơ sở đó, bảo vệ cho chủ xe, an toàn cho hành khách và bản thân. Những chủ xe không thực hiện thì họ chưa thấy được tầm quan trọng quản lý đội xe, lái xe, tôi tin rằng số đó là không nhiều.
Từ 1/7/2013 trở đi, sẽ tiến hành xử phạt đối với tất cả chủ xe và lái xe không lắp thiết bị hành trình cũng như không hoạt động, tất cả những thông số trên hộp đen sẽ báo hành trình của xe cũng như điều kiện xử lý doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ sửa đổi nghị định 71 tới đây, nhưng những chủ xe vi phạm nhiều lần, chúng tôi tính xấp xỉ 2%, thì sẽ nghiên cứu để dừng cấp giấy phép vận tải, đồng thời không cho lái xe khách nữa đối với lái xe đó" - Thứ trưởng Trường cho biết.
6 tháng: 20 trường hợp CSGT, 29 cán bộ đăng kiểm vi phạm
Đối với công tác đăng kiểm xe - đây là một phần quan trọng để quyết định chất lượng xe tham gia giao thông. Trong khi đó việc giám sát cơ quan đăng kiểm chưa thực sự công khai và hiệu quả nên dễ để lọt trường hợp vi phạm.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Trường cho hay, hiện cả nước có trên 100 trung tâm, đơn vị cơ sở. Các cơ quan đăng kiểm xây dựng quy trình, quy phạm để đảm bảo tính khách quan, kiểm định thông qua hệ thống máy móc tự động; in kết quả công bố để lái xe được biết; lắp hệ thống camrera giám sát để lãnh đạo các cấp giám sát hoạt động các trạm đăng kiểm; có đường dây nóng để các lái xe phản ánh về các cơ quan quản lý nhà nước... Vì vậy hiện tượng tiêu cực được giảm tối đa. Chúng tôi mong các quý vị khán giả nếu phát hiện thì gửi thông tin về các cơ quan chức năng để xử lý.
Cũng theo Thứ trưởng Trường, vừa qua Bộ GTVT đã thành lập các đoàn kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, qua đó dừng hoạt động 4 trung tâm, xử phạt 29 cán bộ đăng kiểm, đưa ra khỏi dây chuyền 3 cán bộ đăng kiểm... Theo quy định, cứ 6 tháng Bộ GTVT sẽ thực hiện 1 lần để làm trong sạch đội hình.
Tình trạng mãi lộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng là nội dung được nhiều người dân đặc biệt quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là nguyên nhân "góp phần" làm tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Về vấn đề này, ông Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (C67) giải thích: "80% nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển phương tiện. Rõ ràng vi phạm quá phổ biến trong khi lực lượng của chúng ta quá mỏng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.
Chúng tôi xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật. Cũng trong 6 tháng chúng tôi lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền cho cảnh sát".
Theo Dantri
Công trình "cược" ghế Tổng Giám đốc với Bộ trưởng Thăng đã hoàn thành Hôm qua (30/6) gói thầu PK2, đoạn cao tốc 4 làn xe dài 31 km qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được hoàn thành theo đúng yêu cầu cách đây gần 1 năm của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Những mẻ bê tông nhựa trải thảm mặt đường cuối cùng của...