Ngăn chặn tình trạng chèo kéo, trấn lột du khách
Tgian qua, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm xuất hiện nhóm đối tượng dàn cảnh trấn lột du khách nước ngoài, gây bức xúc dư luận.
Mới đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng đeo bám, chèo kéo, trấn lột du khách… Về vấn đề này, Báo Hànộimới ghi lại một số ý kiến.
Một Hà Nội thân thiện, mến khách sẽ luôn để lại dấu ấn khó quên với du khách. Ảnh: Hữu Tiệp
Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm):
Cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn triệt để vi phạm
Sau khi có thông tin nhóm đối tượng có nhiều mánh khóe như đánh giày, tra keo, bán bánh rán… trấn lột tiền của du khách trắng trợn, công an quận đã triệu tập 9 đối tượng để làm rõ hành vi vi phạm. Trong số đó, có một số đối tượng đã vi phạm và bị xử lý nhiều lần. Qua đấu tranh lấy lời khai, các đối tượng đã khai nhận hành vi trấn lột tiền của du khách là vi phạm pháp luật, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên làm liều. Lực lượng công an quận đã lập hồ sơ xử lý nghiêm nhóm đối tượng, đồng thời sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng, tiếp tục tăng cường các biện pháp để ngăn chặn những hành vi tương tự.
Thực tế, hành vi này xuất hiện từ năm 2013, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều kế hoạch để phòng, chống tội phạm xâm hại tính mạng, tài sản du khách nước ngoài. Có một điểm khó khăn trong xử lý, đó là người bị hại thường là người nước ngoài, khi họ về nước thì sự việc mới được phát hiện; hoặc nhiều du khách không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến việc đi lại, tham quan, du lịch… Vì vậy, mặc dù lực lượng công an quận đã kịp thời xử lý nghiêm hành vi “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng thiết nghĩ cần có thêm chế tài đủ mạnh để ngăn chặn triệt để hiện tượng bắt chẹt, trấn lột tiền của du khách.
Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm:
Tập trung nâng cao trách nhiệm quản lý
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm xác định, việc giữ an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho du khách là nhiệm vụ trọng tâm, do đó đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của quận cùng chính quyền các phường xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, bày bán hàng rong, đặc biệt tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền sở tại giữ gìn tốt không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm và những vùng giáp ranh. Từ đầu năm tới nay, quận Hoàn Kiếm lập hồ sơ, chuyển 118 trường hợp lang thang, chèo kéo khách cho Trung tâm Bảo trợ xã hội I (trong đó khu vực hồ Hoàn Kiếm có 36 trường hợp).
Thời gian tới, Ban tập trung nâng cao trách nhiệm quản lý, phối hợp cùng các lực lượng giữ gìn trật tự, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường không gian đi bộ, bố trí lực lượng trực, kiểm tra thường xuyên. Đồng thời, yêu cầu các phường vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời và mạnh tay hơn để hình ảnh về du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Ông Sebastian Journeus, quốc tịch Thụy Điển:
Đồng tình với xử lý kịp thời của cơ quan chức năng
Video đang HOT
Tôi đã nhiều lần đến Hà Nội, không ít lần chứng kiến tình trạng người bán hàng bán cho du khách quốc tế với giá gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, trước khi mua sắm tôi thường hỏi nhân viên khách sạn về địa điểm và mức giá trung bình các mặt hàng cần mua. Hoặc tôi mua sắm ở các cửa hàng niêm yết giá sẵn, còn nếu mua của người bán hàng rong thì phải tìm hiểu giá trước để tránh bị “chặt chém”.
Hồ Hoàn Kiếm là một trong những không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội nên phải được giữ gìn an ninh trật tự, môi trường sạch sẽ. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều du khách quốc tế với mong muốn ngắm vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Do vậy, việc người bán hàng rong “chặt chém” du khách là không thể chấp nhận được. Tôi rất đồng tình với cách xử lý kịp thời của các cơ quan chức năng. Mong rằng lần tới chúng tôi đến Hà Nội sẽ không phải chứng kiến bất kỳ hành vi thiếu thiện chí nào của người bán hàng.
Bà Nguyễn Thanh Trà, bán hàng ăn ở phố Hàng Trống:
Ứng xử văn hóa, du khách sẽ thiện cảm hơn với Hà Nội
Có rất nhiều du khách nước ngoài thích ăn sáng ở cửa hàng tôi. Họ thân thiện và yêu Hà Nội, thích khám phá văn hóa, các món ăn Việt Nam. Khi bán hàng cho họ, tôi luôn cư xử thân thiện và tận tình. Tôi vẫn nghĩ, khi người Hà Nội có cách ứng xử văn hóa thì du khách sẽ thiện cảm hơn với Hà Nội, với Việt Nam. Chính vì vậy, những hành động “chặt chém”, trấn lột của nhóm đối tượng xấu cần phải được ngăn chặn triệt để. Tôi rất hài lòng khi các cơ quan chức năng như Sở Du lịch Hà Nội, UBND và Công an quận Hoàn Kiếm, chính quyền các phường đã nhanh chóng vào cuộc để xóa các nhóm trấn lột, giúp Hà Nội luôn giữ được vẻ đẹp, sự thanh bình, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nhóm PV Bạn đọc thực hiện
Theo hanoimoi
Đánh giày kiểu 'trấn lột' du khách
Du khách đến khu vực trung tâm Q.1 (TP.HCM) bị cả nhóm đánh giày bủa vây, lột giày, chà chà, rồi gây áp lực đòi tiền giá trên trời!
Trong khi khách đang bối rối thì tên đánh giày thọc tay rút tiền trong ví khách ẢNH: ĐỨC TIẾN
Qua nhiều ngày theo dõi, PV Thanh Niên xác định nhóm đánh giày chuyên "trấn lột" du khách có hơn 10 người khoảng từ 20 - 35 tuổi. Hằng ngày, nhóm này lòng vòng ở khu vực trung tâm Q.1 (TP.HCM). Cứ khoảng 15 giờ mỗi ngày, nhóm này cùng hàng chục người bán hàng rong khác tập trung tại góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (Q.1), giở trò "móc túi" du khách.
1 người đánh giày, cả nhóm vây đòi tiền
Những ngày cuối tháng 9, có mặt ở góc đường trên, ghi nhận thực tế có nhiều du khách rất bức xúc lẫn sợ hãi trước kiểu trấn lột táo tợn của nhóm đánh giày. Chiều 17.9, có 3 du khách Thái Lan đi qua khu vực này, lập tức 4 người bán hàng rong sáp tới mời mua đồ lưu niệm. Khách chưa kịp phản ứng gì thì một người đánh giày ngồi bệt xuống cầm bàn chải chà chà mấy cái lên giày khách, rồi lột đôi giày đưa ra phía sau cho một người đánh giày khác! Ban đầu, vị khách trên trò chuyện vui vẻ và còn mua đồ lưu niệm của nhóm hàng rong. Nhưng, sau vài phút, vị du khách rất giận dữ khi có 5 - 6 người đánh giày khác sáp tới đòi tiền. Vị khách cầm 200.000 đồng và liên tục nói: "No...No...No...".
Nhóm đánh giày và hàng rong đang vây nhóm du khách Thái Lan vòi tiền
Thấy lớn tiếng chúng tôi hỏi người chạy xe ôm gần đó, thì người này nói: "Đánh giày móc túi luôn chứ gì! Nó vừa đánh giày vừa móc túi không thấy hả?!". Lúc đó có 8 thanh niên đánh giày, 1 phụ nữ bán hàng rong đang vây 3 khách đòi tiền đánh giày. Hai bên lời qua tiếng lại, lập tức có thêm 4 người đánh giày khác xúm đến, bít kín lối đi trên vỉa hè để "gây áp lực" với du khách.
Tùy theo độ "hiểu biết" của du khách mà nhóm đánh giày ra giá khác nhau
Lúc này, vị khách vô cùng tức giận, nhảy bổ tới trước mặt nhóm thanh niên đánh giày, tỏ rõ sự không chấp nhận giá mà nhóm đánh giày đưa ra. Nhóm du khách gọi điện cho hướng dẫn viên (HDV) đang uống cà phê gần đó tới để "thương lượng" giá với nhóm đánh giày. Anh HDV hỏi: "Đánh cái gì? Bao nhiêu tiền?". Thì nhóm này đồng thanh "đánh si, thay miếng lót. Mỗi người 200.000 đồng". Mặc dù vô cùng bức xúc, nhưng anh HDV vẫn "ngậm bồ hòn" giải thích để vị khách kia đưa tiền. Tên đánh giày cầm tờ 200.000 đồng đầu tiên rời đi, miệng cười nói: "Very good. Very good". Tiếp đó, người đánh giày tiếp theo sáp tới đòi: "One... two... three" (ý anh ta yêu cầu khách trả tiền thêm cho mình và 2 tên khác).
"Trấn lột" được tiền du khách, nhóm này đến tập trung ở bên hông một tòa nhà gần đó. Thế nhưng, chúng tôi đến hỏi chuyện thì một tên trong nhóm chối phăng: "Nhóm du khách đó đánh giày mà không chịu đưa tiền. Em đòi gọi công an phường tới nó mới chịu đưa đó (!?)".
Đánh lạc hướng rồi rút tiền
Cũng ở khu vực này vào cùng buổi chiều, thấy một người đàn ông mặc quần lửng, đeo kính, mang túi xách đang mua thuốc lá, một thanh niên liền sáp tới lột giày đánh lia lịa khiến vị khách này không kịp trở tay. Chưa tới 1 phút, tên này đòi tiền đánh giày. Người đàn ông này móc mấy chục ngàn đồng trả nhưng tên này không nhận, đòi nhiều hơn. Sau khi biết khách trên là... người Việt thì anh ta mới chịu lấy 50.000 đồng.
Lúc 16 giờ cùng ngày (17.9), đôi nam nữ người Hàn Quốc vừa đi qua khu vực trên thì 2 tên đánh giày liền sáp tới dùng bàn chải cúi xuống chà lia lịa vào giày của khách. Hai vị khách này bất ngờ nhưng cũng tỏ ra rất vui vẻ để hai tên này đánh đôi giày của mình. Đánh xong, hai vị khách trẻ ngớ người khi tên đánh giày nói: "Five one more. Five one more" (ý anh ta đòi 5 USD/chiếc - PV). Vị khách nam sợ hãi nên lấy tiền trả, nhưng đang bối rối do không rành các tờ tiền Việt, thì cả nhóm đánh giày xúm lại nói chuyện "đánh lạc hướng" khách để một tên rút liên tục 2 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng trong ví khách.
Tên này cầm tiền vừa rời đi thì tiếp tục tên khác tới ngửa tay vòi tiền khiến nam du khách vô cùng bối rối. Cô gái đi cùng không chấp nhận giá nhóm đánh giày đòi nên xảy ra to tiếng, cãi nhau. Chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối, vị khách người Việt (bị đánh giày lúc nãy) bức xúc gọi điện báo cơ quan chức năng. Nghe người đàn ông này nói báo công an nên nhóm đánh giày nhanh chóng tản đi, bỏ lại du khách ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra!
Nhiều ngày sau đó, PV Thanh Niên tiếp tục ghi nhận tại khu vực trên, cho thấy mỗi khi có cơ hội, nhóm đánh giày này lại sáp đến "làm trò" để "chặt chém" du khách. Không chỉ có nhóm đánh giày mà còn có hơn chục người bán hàng lưu niệm cũng hoạt động bát nháo ở đây.
Anh Q., chuyên hướng dẫn cho du khách nước ngoài du lịch ở VN, cho biết mình thường xuyên dẫn nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan ở TP.HCM hàng chục năm nay. "Khoảng 2 năm nay, xuất hiện nhiều người đánh giày kiểu "chặt chém", hoạt động rầm rộ ở trung tâm thành phố. Những đối tượng này thường hoạt động theo nhóm, tụ tập tại các nơi có đông du khách nước ngoài, nhiều nhất là khu vực ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (P.Bến Thành, Q.1), chợ Bến Thành...", anh Q. nói.
Tương tự, anh Đ. (30 tuổi), một HDV đang làm việc ở TP.HCM cho biết khách của anh thường phàn nàn, bức xúc về việc bị các nhóm đánh giày, hàng rong, gánh dừa "ép" mua hàng rong với giá trên trời.
Chấm keo, quẹt si... đòi 600.000 đồng/chiếc giày
Đã có nhiều khách của anh Q. bị nhóm đánh giày bu bám rồi "trấn lột" bằng chiêu trò tự ý đánh giày của khách, tự ra giá trên trời. Mỗi lần gặp tình huống này, anh Q. phải can thiệp thì nhóm đánh giày mới chịu buông tha cho khách. Vì thế, mỗi khi đưa du khách tham quan mua sắm tại khu vực này, anh Q. phải thông báo cho họ biết trước về những chiêu trò sẽ gặp để khách tránh né. Nhưng rồi vẫn có người "dính chưởng" nên nhiều du khách rất bức xúc.
Anh Q. cho biết thêm có trường hợp, nhóm đánh giày nói đã dán keo lại giày, thay miếng lót, đánh si rồi đòi khách trả 600.000 đồng cho một chiếc giày. Anh Q. kể thêm: "Trước kia có những khách cũng bị tương tự nhưng nhờ tôi nhắc nhở họ cảnh giác chỉ bỏ lại tờ 50.000 đồng rồi bỏ đi. Nói thật là tôi gặp tình cảnh này khó nói chuyện với khách du lịch lắm, không biết phải nói sao cho họ hiểu về cảnh chặt chém này".
Theo TNO
NÓNG: Một ngôi nhà gần Hồ Gươm bất ngờ đổ sập gây tiếng nổ lớn Chiều nay (27.10), một căn nhà gần Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ đổ sập, phát tiếng nổ lớn khiến nhiều người dân và du khách hoảng sợ. Lực lượng cứu hộ cứu nạn đã được huy động đến hiện trường làm nhiệm vụ. Theo Báo Tổ Quốc: Khoảng hơn 14h chiều nay (27.10), một căn nhà có địa chỉ...