Ngăn chặn phế liệu ồ ạt vào Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tìm ra giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam. Phế liệu không có giấy phép, không rõ người nhận thì dứt khoát không cho nhập.
Tại cuộc họp về quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hôm qua (12/7), ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết những năm qua nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng mạnh.
Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần năm 2016. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017.
Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Ảnh: V.H).
Kẽ hở khiến container phế liệu ùn ứ ở cảng biển
Lý giải nguyên nhân, ông Thức cho rằng từ đầu năm 2017 đến nay nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu thu hút đầu tư,… kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất. Phế liệu được các doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ rất nhiều nước khác nhau.
Số liệu của Cục Hải quan TPHCM và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy đến ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do tổng công ty này quản lý khoảng gần 4.500 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái gần 3.500 container.
Tại các cảng của Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.
“Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa. Việc này cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp”- ông Thức đánh giá.
Video đang HOT
Tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển xuất phát từ việc một số nước như Trung Quốc, Thái Lan đã ban hành quy định dừng nhập khẩu một số loại phế liệu phục vụ tái chế. Điều này dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Do đó một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển…
Tổng cục Môi trường khẳng định một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng. Nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5- 6 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi ngày càng lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng, hãng tàu và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng biển.
“Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về”- ông Thức nêu thực tế.
Hàng ngàn container phế liệu “vô chủ” đang là nỗi ám ảnh đối với lực lượng hải quan tại TPHCM.
“Không có giấy phép, không rõ người nhận dứt khoát không cho nhập”
Tại cuộc họp, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đề nghị trước khi hàng hóa phế liệu vào cảng cần làm rõ chủ hàng là ai và hàng hóa nhập khẩu cụ thể là gì?. Nếu không trả lời được các câu hỏi trên thì cần tạm dừng việc nhập hàng phế liệu lên cảng vì nếu không phế liệu sẽ về ồ ạt.
Trong khi đó, ông Trần Lưu Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần ràng buộc trách nhiệm chủ tàu khi nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Nếu chủ tàu nào có gian lận, cần cương quyết xử lý.
Nhiều ý kiến đến từ đại diện các bộ ngành liên quan đều khẳng định cần tìm cách ngăn chặn hàng phế liệu đổ về Việt Nam bởi đây là xu hướng lớn, nếu không làm nhanh sẽ để lại hậu quả lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ngay sau cuộc họp này bộ sẽ hoàn thiện báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và tình hình nhập khẩu phế liệu của Việt Nam.
Về những việc cần làm ngay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần có cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến nhập khẩu phế liệu giữa Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Hà đề nghị các cơ quan liên quan phải có văn bản thông báo rõ với các hãng tàu khi vận chuyển phải có đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan đến phế liệu nhập khẩu, nếu không hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nếu xây dựng kho bãi, bảo quản cần đảm bảo về môi trường, công nghệ xử lý tiên tiến thì mới được nhập khẩu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị Chính phủ xem xét đối với những chủng loại hàng hóa mà hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần loại bỏ. Những doanh nghiệp, các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam không chứng minh được việc có giấy phép nhập thì cương quyết không cho nhập.
“Phế liệu không có giấy phép, không rõ người nhận thì dứt khoát không cho nhập. Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải kiên quyết không cho dỡ hàng” – ông Hà cương quyết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tìm ra giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam.
Thế Kha
Theo Dantri
Vụ Cục phó mất tiền: Ai đưa thông tin thất thiệt cũng sẽ bị xử lý!
"Trường hợp ông Nguyễn Xuân Quang theo tôi nắm bắt được thì cơ quan điều tra chỉ xác định mất bao nhiêu, còn gì, chứ không có từ nào liên quan đến "phong bì". Như vậy, không loại trừ một ai, kể cả những người đưa thông tin thất thiệt cũng bị xử lý", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà được đề nghị trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến trường hợp ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) báo mất gần 400 triệu đồng khi đang đi thanh tra.
Đồng thời, phóng viên cũng đề nghị Bộ trưởng nêu ý kiến đánh giá khi vụ việc mất trộm của ông Quang gây thắc mắc trong dư luận về quá trình thanh tra, nhất là khi Chính phủ đang phát động tinh thần kiến tạo.
Trả lời khái quát, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho hay Bộ quản lý 8 lĩnh vực, như đất đai, khoáng sản... và đều gần với người dân, doanh nghiệp. Nếu không có sự công khai minh bạch, giáo dục công chức... khi thực hiện công tác quản lý này thì nhiều cán bộ sa ngã khi thực hiện hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
"Không chỉ với chúng tôi mà các lĩnh vực khác nói chung, Đảng và Nhà nước đã có những quy định về những điều Đảng viên, công chức không được làm; có những luật quy định cụ thể để phòng ngừa nhũng nhiễu", Bộ trưởng Bộ TNMT nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc cụ thể của ông Nguyễn Xuân Quang, Bộ trưởng cho biết khi có kết luận sẽ có ý kiến đánh giá cụ thể, còn hiện nay, đang chờ ý kiến của các cơ quan chức năng.
Về quan điểm xử lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tất cả cán bộ có hành vi sách nhiễu, lợi dụng chức vụ trục lợi... đều sẽ xử lý theo pháp luật, không ngoại trừ ai.
"Trường hợp ông Nguyễn Xuân Quang theo tôi nắm bắt được thì cơ quan điều tra chỉ xác định mất bao nhiêu, còn gì, chứ không có từ nào liên quan đến "phong bì". Như vậy, không loại trừ một ai, kể cả những người đưa thông tin thất thiệt cũng sẽ bị xử lý. Cả ông Quang cũng vậy, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trước câu hỏi có thông tin cho rằng có việc ông Quang nhũng nhiễu doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định chưa nhận được bất cứ phản ánh nào về việc này.
"Nếu ai có bằng chứng đưa tôi, tôi sẽ kiểm tra lại, trên cơ sở đó sẽ đánh giá, tránh việc đưa ra suy luận không nên vì ảnh hưởng uy tín ông Quang, uy tín của tổ chức. Tinh thần là làm đến cùng xem có phải tình ngay lý gian không, còn vấn đề gì nữa", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Danviet
Đại biểu 9/10 ngày lo hít thở không khí ô nhiễm, Bộ trưởng trấn an Đề cập tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, đại biểu Quốc hội dẫn số liệu quan trắc cho thấy người Hà Nội phải hít thở bầu không khí "đặc" ô nhiễm, 10 ngày thì đến 9 ngày không khí có bụi quá mức cho phép. Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định, tình hình chung không đến...