Ngăn chặn nạn chèo kéo khách du lịch
Theo báo cáo mới đây của UBND thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 10 triệu lượt người, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,5 triệu lượt người và khách trong nước đạt 8,5 triệu lượt người. Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế về vệ sinh môi trường, đôi khi còn xảy ra tình trạng chèo kéo, đeo bám, ép giá, xích-lô dù, ta-xi dù… ít nhiều làm ảnh hưởng tới ấn tượng của du khách.
Ngay sau khi nhận được phản ánh nêu trên, Công an quận Hoàn Kiếm đã vào cuộc xác minh và làm rõ hai đối tượng Phạm Văn Chung (32 tuổi, trú Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa) và Phạm Văn Quỳnh (28 tuổi, quê phường Hùng Cường, thành phố Hưng Yên) đã có hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch nước ngoài để đánh giày, sửa dép lấy giá cao gấp nhiều lần so với mức bình thường.
Đối tượng Phạm Văn Quỳnh cho biết, anh ta hoạt động trên khắp các tuyến phố cổ. Mỗi lần sửa dép, đánh giày cho khách, Quỳnh lấy giá ít nhất 100.000 đồng kể cả khách Việt Nam. Trong thời gian hơn hai năm, lực lượng công an các phường trên địa bàn đã bắt cảnh cáo 4-5 lần. Tuy nhiên, Quỳnh vẫn hoạt động và “chặt chém” khách trong hơn hai năm qua. Còn đối tượng Phạm Văn Chung đã có hành vi ép giá mua giày lên tới 900.000 đồng và trước đó cũng đã nhiều lần bị xử lý hành chính vì hành vi tương tự.
Thiếu tá Tống Đăng Công – Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, vấn nạn đeo bám, ép giá khách nước ngoài đã tồn tại từ lâu, khiến hình ảnh về du lịch Thủ đô nói riêng, hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung xấu đi trong mắt người nước ngoài, ảnh hưởng tới chính sách thu hút khách du lịch của thành phố.
Theo nhận định của Công an quận Hoàn Kiếm, quá trình thu thập tài liệu, xử lý, lực lượng công an gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhiều năm qua, Công an quận chưa nhận được trình báo, tố giác trực tiếp nào của bị hại người nước ngoài. Việc không có bị hại trực tiếp khiến công tác củng cố hồ sơ, nhân chứng để đưa ra quyết định xử phạt gặp khó.
Cũng theo Công an quận Hoàn Kiếm, từ năm 2013, Công an quận đã có chuyên đề riêng để xử lý tình trạng lôi kéo, “chặt chém” khách du lịch, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn.
Cũng cần phải thừa nhận, việc xử lý các hành vi chèo kéo, “chặt chém” rất khó khăn bởi lực lượng làm nhiệm vụ hiện vẫn còn thiếu, không thể xử lý hết; các đối tượng chèo kéo lại hoạt động theo kiểu “nay đây mai đó”, không tập trung tại một khu vực.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hiện vẫn chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những lý do khiến các đối tượng đeo bám, chèo kéo, ép giá du khách vẫn tiếp tục “ngựa quen đường cũ” sau khi bị xử phạt. Lê Tú
Theo_Báo Nhân Dân
Video đang HOT
1001 kiểu chặt chém du khách ở phố cổ Hà Nội
Đánh giày với giá cắt cổ, taxi "chặt chém" du khách, hàng rong đeo bám là những hình ảnh xấu tại khu du lịch phố cổ Hà Nội
Đánh giày với giá "cắt cổ"
Ngày 12/9 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đang hoàn tất hồ sơ xử lý hai đối tượng Phạm Văn Chung (SN 1983, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và Phạm Văn Quỳnh (SN 1987, ở TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) có hành vi chèo kéo, "chăt chem" du khách nước ngoài đánh giày, sửa giày để lấy giá tiền cao.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng một nhóm thanh niên chuyên ép du khách nước ngoài đánh, sửa giày với giá cắt cổ tại khu vực phố cổ Hà Nội.
Hình ảnh các đối tượng đánh giày, dép cho du khách nước ngoài rồi thu giá cắt cổ (Ảnh: Zing)
Mặc dù nhiều du khách không có nhu cầu, nhưng các đối tượng đã lao tới giật giày, dép từ chân du khách để đánh và sửa rồi thu phí lên tới vài trăm nghìn đồng mỗi đôi.
Trước câu hỏi của PV về việc các đối tượng này có liên kết thành nhóm để hoạt động hay không, đại diện công an quân Hoàn Kiếm khẳng định các đối tượng này hoạt động đơn lẻ, lợi dụng việc bất đồng về ngôn ngữ để chèo kéo, "chặt chém" du khách nươc ngoai.
Đại diện Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, các đối tượng đã bị xử lý nhiều lần về hành vi chèo kéo, đeo bám người nước ngoài.
Cụ thể, vào tháng 9/2012, công an quận Hoàn Kiếm truy quét, xử lý hơn 40 người đánh giày, bán hoa quả... có hành vi chèo kéo du khách, đặc biệt là khách Tây. Đa phần những người này đến từ các tỉnh ven thủ đô.
Quá trình điều tra, công an xác định họ "chưa chiếm đoạt được tài sản" nên sau đó đã phạt hành chính. Tất cả những người bị bắt đều cam kết không tái phạm.
Cũng trong đợt ra quân, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã bắt giữ 8 "thợ hai ngón" có hành vi trộm cắp tài sản của người nước ngoài tại khu vực phố cổ, cổng đền Ngọc Sơn. Trong đó có 6 trường hợp bị xử lý hình sự, 2 trường hợp bị đưa vào cơ sở giáo dưỡng do chưa đến tuổi thành niên.
Taxi siêu chặt chém
Ngày 15/2/2014, khi 2 vị khách du lịch mang quốc tịch Anh đón xe taxi từ khu vực đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), yêu cầu chở về Bảo tàng Hồ Chí Minh, quận Ba Đình (Hà Nội).
Với quãng đường hơn 3km, 2 vị khách ngoại quốc phát hoảng khi thấy đồng hồ tính cước "quay" chóng mặt. Sau một hồi to tiếng với khách, nữ lái xe đã xuống xe mở cửa, giật tờ 50USD trên tay vị khách nước ngoài, đồng thời yêu cầu 2 người ra ngoài.
Ảnh minh họa
Bất bình trước thái độ ứng xử đó, 2 du khách đã chụp ảnh chiếc xe, tới trình báo Bộ phận hỗ trợ khách du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Ngay sau khi tiếp nhận sự việc, Thanh tra Sở GTVT đã làm rõ danh tính của tài xế "chặt chém" du khách nước ngoài. Qua kiểm tra lực lượng chức năng xác định, chiếc xe do Ngô Thị Nhung điều khiển gắn logo giả mạo hãng taxi Hà Anh, nữ tài xế này cũng không xuất trình được giấy phép lái xe.
Ngày 9/5/2013, vợ chồng ông James Murtagh (quốc tịch Ireland) bắt chiếc xe taxi của hãng Thanh Nga, biển kiểm soát 30F-5695, đi ăn tối tại một nhà hàng ở phố Mã Mây (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đoạn đường từ nơi xuất phát là 195 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nhà hàng khoảng 2 km. Tuy nhiên, khi xuống xe, tài xế yêu cầu phải trả 300.000 đồng. Khi ông James đưa tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng thì tài xế chỉ trả lại 20.000 đồng.
Đôi vợ chồng này đòi lại thì tài xế khăng khăng nói chỉ cầm được tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng. Bức xúc, ông James đã chụp lại ảnh chiếc xe và báo sự việc với nhân viên khách sạn.
Hàng rong đeo bám khách du lịch
Thời gian trước đây, tình trạng người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa lớn ở Thủ đô như khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... khiến nhiều du khách bức xúc.
Với đôi quang gánh bày vài quả chuối, túi dứa, mỗi khi thấy khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, những người bán hàng rong nhanh chóng tiếp cận, thản nhiên đặt quang gánh lên vai khách, đội nón lên đầu họ, bất kể họ có đồng ý hay không.
Hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách
Ban đầu, khách du lịch nhầm tưởng những người bán hàng này có hành vi thân thiện, muốn giúp họ lưu giữ những hình ảnh độc đáo của Việt Nam. Nhưng sau khi bị "ép" đội nón lá, gánh quang gánh thì họ bị người bán hàng đòi tiền hoặc ép mua những túi hoa quả với giá cắt cổ.
Nếu khách du lịch không chịu trả tiền sẽ bị cả đội quân bán hàng rong bám riết, đòi tiền, hoặc có lời nói, cử chỉ khiếm nhã.
Không chỉ khách du lịch nước ngoài mà ngay cả khách du lịch từ các tỉnh, thành phố khác khi đến Hà Nội cũng rất bức xúc trước nạn hàng rong "chèo kéo", nâng giá khi mua bán, nói nặng lời khi xem hàng không mua...
Nhiều người phản ánh, ngoài việc ép khách mua hàng giá cao, những người bán hàng rong còn có biểu hiện lừa đảo, giật đồ hoặc lấy trộm tiền, đồ đạc của khách du lịch.
Theo_VietNamNet
Địa phương muốn lập "khu nhạy cảm" tạo điểm nhấn du lịch Theo ý kiến của một số ban quản lý bãi tắm, muốn để du lịch phát triển thì vấn đề nhạy cảm cũng cần mở một phần. Trước thực trạng bãi tắm Trà Cổ hiện nay chưa thu hút được lượng khách du lịch, ông Phạm Văn Huân, quyền Trưởng ban quản lý bãi tắm Trà Cổ cho rằng: "Thực tế, nếu nói...