Ngăn chặn hành vi vô chính phủ
Trong nỗ lực ổn định tình hình lộn xộn kể từ sau bầu cử Quốc hội giữa năm ngoái, Chính phủ Campuchia tuyên bố sẽ mạnh tay với các cuộc biểu tình chống chính phủ vi phạm lệnh cấm đã ban hành.
Cảnh sát bắt giữ những người biểu tình quá khích bên ngoài một nhà máy may ở Phnom Penh
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số tổ chức phi chính phủ tại Phnom Penh dự định tập trung trước đại sứ quán Mỹ, Anh, Pháp và Đức ở Phnom Penh để đưa thỉnh nguyện thư can thiệp thả 23 nhân vật quá khích bị bắt giữ trong các vụ biểu tình, đình công dẫn tới đụng độ, xô xát thời gian qua. Phó Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng khẳng định lệnh cấm biểu tình, tụ tập phải được tuyệt đối tuân thủ, nhằm đảm bảo cho sự ổn định an ninh, chính trị, xã hội tại thủ đô Phnom Penh.
Các cuộc biểu tình, đình công của phe đối lập và một số tổ chức công đoàn tại Campuchia diễn ra hồi cuối năm 2013 đã bùng phát thành bạo lực khiến dư luận hết sức lo ngại. Tranh cãi xuất phát sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7-2013 được công bố, theo đó đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền được 68 ghế và Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập được 55 ghế trong Quốc hội. CNRP cáo buộc có gian lận và không chấp nhận kết quả bỏ phiếu, đồng thời tẩy chay Quốc hội.
Từ những đòi hỏi ban đầu về việc xem xét lại kết quả cuộc bầu cử Quốc hội, CNRP từng bước gia tăng sức ép bằng yêu sách đòi phải tổ chức bầu cử lại và yêu cầu Thủ tướng Hun Sen từ chức. Bất chấp việc những yêu sách này đã được chính quyền Hun Sen trả lời là không hợp hiến, phe đối lập vẫn kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình, thậm chí kích động bạo lực trong giới công nhân, thợ thuyền.
Những diễn biến mới nhất cho thấy phe đối lập đang có xu hướng hành động vượt khỏi khuôn khổ pháp luật, sẵn sàng sử dụng những thủ đoạn chính trị hai mặt mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan hòng tìm kiếm hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài. Những hành động như vậy đang tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho sự phát triển của Campuchia, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết khu vực, buộc chính phủ Campuchia phải can thiệp.
Video đang HOT
Tiếp sau việc ra lệnh cấm phe đối lập biểu tình cho đến khi vãn hồi được tình hình tại thủ đô Phnom Penh và triệu tập 2 lãnh đạo phe đối lập là ông Sam Rainsy và Kem Sokha tới tòa án với cáo buộc gây mất ổn định tình hình đất nước, hôm 18-1, vừa rồi, Thủ tướng
Hun Sen đã cảnh báo thẳng với giới lãnh đạo đối lập: “Đừng có cố gắng dùng đất nước này làm con tin để đổi lấy quyền lực của các người” và khẳng định mọi nỗ lực nhằm tiến hành một cuộc nội chiến sẽ “bị đập tan chỉ trong vài giờ”.
Bằng tuyên bố sẽ mạnh tay với các cuộc biểu tình chống chính phủ, Thủ tướng Hun Sen cho thấy quyết tâm thực hiện biện pháp cứng rắn của mình. Trong tương quan lực lượng như hiện nay, CNRP biết rõ chưa thể giành chính quyền. Mục tiêu trước mắt của CNRP là cố tình gây bất ổn xã hội, làm mất tính chính thống của thể chế hiện hành, từng bước làm suy yếu quyền lực của Thủ tướng Hun Sen. Có điều là tương lai của
Campuchia phải được giải quyết thông qua những nguyên tắc chính thống và thông qua Quốc hội chứ không phải tuần hành, gây bạo động bừa bãi trên đường phố. Ở đây không có chỗ cho sự thỏa hiệp.
Campuchia không có con đường nào khác là phải ngăn chặn hành động vô chính phủ vì đó là điều kiện để bảo đảm cho tương lai ổn định của đất nước này. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất của Đảng CPP và Thủ tướng Hun Sen.
Theo ANTD
Tìm lối thoát cho khủng hoảng
Quyết định của Thủ tướng Yingluck giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử mới là diễn biến bất ngờ, nhưng liệu đó có phải là lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan hay không?
Phe đối lập biểu tình đòi Thủ tướng từ chức tại Thủ đô Bangkok hôm 9-12
Phát biểu trên truyền hình sáng 9-12, bà Yingluck tuyên bố: "Tôi không muốn đất nước của chúng ta và người dân Thái Lan chịu đựng thêm nhiều mất mát nữa. Tôi quyết định giải tán Quốc hội". Tuyên bố của bà Yingluck được đưa ra khi những người biểu tình bắt đầu diễu hành tiến về phía Toà nhà chính phủ trong một nỗ lực mới nhất nhằm lật đổ chính quyền của bà.
Thực ra thì bà Yingluck cũng khó có cách nào khác. Bất chấp mọi đề nghị ngồi vào đàm phán, thủ lĩnh phe đối lập vẫn tuyên bố bà Yingluck phải ra đi. Đảng Dân chủ đối lập chính đã rút toàn bộ 150 thành viên của họ khỏi Quốc hội, còn thủ lĩnh đối lập Abhisit Vejjajiva thì tuyên bố cuộc biểu tình bắt đầu từ thứ hai (9-12) là "trận chiến cuối cùng". Trong bối cảnh quân đội và cảnh sát tuyên bố trung lập, các công sở coi như bỏ ngỏ cho người biểu tình tràn vào, bà Yingluck buộc phải điều chỉnh chiến thuật.
Nếu nhìn bề ngoài, bế tắc hiện nay ở Thái Lan xuất phát từ yêu sách của phe đối lập muốn đưa Thái Lan thoát khỏi ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, người đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính đổ máu vào năm 2006 và hiện đang sống lưu vong tại Dubai. Thế nhưng, bản chất của tình hình bất ổn kéo dài tới hơn 7 năm qua ở Thái Lan phức tạp hơn nhiều.
Có thể nói rạn nứt trong xã hội Thái Lan là hệ quả từ hai quan điểm đối lập nhau mà đại diện là hai lực lượng đối lập và ủng hộ chính phủ. Trước hết là những người ủng hộ, phần lớn xuất thân từ tầng lớp dân nghèo tỉnh lẻ, đấu tranh cho nền dân chủ theo hướng cải cách, chống lại cái họ gọi là những nhà tư bản cũ. Số này ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và bà Thủ tướng hiện nay Yingluck, coi 2 nhân vật này là đại diện cho nền dân chủ cần được duy trì tại Thái Lan.
Lực lượng đối lập lại phần lớn là tầng lớp trung lưu thành thị và dân Thủ đô Bangkok. Những người này chống lại những nhà tư bản mới mà đại diện là cựu Thủ tướng Thaksin. Lực lượng đối lập cáo buộc ông Thaksin thực hiện chính sách mị dân và giàu lên nhanh chóng bắt nguồn từ việc trục lợi khi nắm quyền lực trong tay. Họ coi bà Yingluck chỉ là người đóng thế ông Thaksin nên phải lật đổ. Với quan điểm không khoan nhượng như vậy, có được thỏa hiệp là điều vô cùng khó khăn.
Thực tế là bất chấp việc bà Yingluck đã có bước nhượng bộ khi tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu cử sớm nhưng phe đối lập vẫn không chấp nhận. Các lãnh đạo phe đối lập cho biết, quyết định của Thủ tướng là quá chậm trễ và việc giải tán Quốc hội hiện giờ là vô nghĩa. Họ đòi thiết lập một "hội đồng nhân dân" để lãnh đạo đất nước, thực chất là đảo chính gạt bỏ bà Yingluck.
Trước mắt thì bà Yingluck có chút lợi thế bởi yêu sách của phe đối lập thành lập "Hội đồng nhân dân" trong vai trò là cơ quan lập pháp và lựa chọn một nhân vật không liên quan đến chính đảng nào làm Thủ tướng là hành động vi hiến. Một chính phủ được thành lập không qua bầu cử như vậy sẽ ảnh hưởng đến thanh danh và sự ổn định của Thái Lan.
Tuy nhiên, một khi phe đối lập không thỏa hiệp, Thái Lan sẽ tê liệt. Kinh tế nước này sẽ thiệt hại tới 33 tỷ USD và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Biển người tràn về trụ sở chính phủ
Khoảng 150.000 người biểu tình đã tràn về Thủ đô Bangkok và tới trụ sở chính phủ Thái Lan chiều qua 9-12. Những người biểu tình chống chính phủ sẵn sàng dùng vũ lực để mở cổng tòa nhà chính phủ và đang đợi lệnh của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban.
Trong khi đó, người biểu tình tại các tỉnh lân cận như Surat Thani, Trang, Chumphon, Nakhon Ratchasima, Pattani, Yala... đã trở lại cuộc sống thường nhật sau khi bà Yingluck tuyên bố giải tán quốc hội.
Theo ANTD
Thỏa thuận ngân sách bằng... nắm đấm Trong khi tiến hành thảo luận về kế hoạch ngân sách cho năm 2014, các nghị sĩ Quốc hội Ukraine ngày 16-1 đã xảy ra xô xát dẫn tới ẩu đả khiến nhiều nghị sĩ bị thương. Một nghị sĩ bị thương sau vụ ẩu đả "Chúng tôi đang chờ đợi ngân sách để tiến hành nhiều hoạt động khác, đơn giản như...