Ngắm thảo nguyên rộng lớn trên chuyến tàu xuyên Mông Cổ hoành tráng nhất thế giới
Tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ dài 2.215km đã được hoàn thành vào năm 1956 sau gần hai thập kỷ xây dựng, hiện mang đến hành trình khám phá những địa hình tuyệt vời nhất cho du khách.
Theo hãng CNN, ngựa đã trở thành phương tiện di chuyển chính của người Mông Cổ trong hàng nghìn năm qua và vẫn là một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc đất nước.
Tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ cắt giữa Mông Cổ, chạy từ biên giới tiếp giáp với Nga ở phía bắc đến khu vực Nội Mông của Trung Quốc ở phía nam. Ảnh: Jack Maguire/Alamy Stock Photo
Và hiện tại, tàu hỏa trở thành phương tiện phổ biến giúp du khách trải nghiệm hành trình khám phá khắp quốc gia Trung Á rộng lớn này.
Tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ dài 2.215 km (1.376 dặm) – được hoàn thành vào năm 1956 sau gần hai thập kỷ xây dựng – sẽ mang đến hành trình khám phá những địa hình tuyệt vời nhất cho du khách.
Chuyến tàu chạy qua những cánh rừng taiga (rừng phương bắc), băng qua thảo nguyên huyền thoại của miền trung Mông Cổ rồi đến sa mạc Gobi dường như vô tận. Du khách cũng có cơ hội ngắm nhìn những thị trấn và khu định cư xa xôi nằm dọc hai bên đường ray. Bức tranh quang cảnh sẽ trở nên đặc biệt hơn vào mùa đông khi Mông Cổ phủ trắng tuyết.
Trong thời đại của tàu cao tốc và sân bay đông đúc, chuyến tàu xuyên Mông Cổ mang đến cho du khách cảm giác trở lại thời kỳ di chuyển chậm rãi và trầm tư hơn. Ảnh: Jose Vilchez/Alamy Stock Photo
“Tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ sẽ là chuyến đi tuyệt vời sau trải nghiệm chuyến tàu xuyên Siberia vào những ngày trước đó. Khám phá Mông Cổ trải dài đồng cỏ rộng lớn, lạc đà và lều yurt ở các khu định cư du mục”, chuyên gia du lịch đường sắt người Anh Mark Smith, người sáng lập trang web The Man in Seat 61chia sẻ về trải nghiệm của ông khi đi qua đất nước này trong hành trình từ Moscow đến Bắc Kinh trên tuyến đường sắt xuyên Siberia rộng lớn.
Với hơn 1,6 triệu cư dân, thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ) ngày nay phát triển mạnh mẽ và là nơi sinh sống của hơn 1/2 dân số đất nước.
Chuyến tàu chạy xuyên Mông Cổ
Không gian thảo nguyên bao la của Mông Cổ sau chuyến tàu xuyên Mông Cổ. Ảnh: Sirio Carnevalino/Alamy Stock Photo
Trong những năm qua, hầu hết hành khách quốc tế, như ông Smith, đã xem trải nghiệm chuyến tàu xuyên Mông Cổ là hành trình đáng giá.
“Rất nhiều hành khách vẫn đang trong danh sách chờ để trải nghiệm chuyến tàu này”, Christian Stanley, Giám đốc Công ty du lịch xuyên Siberia tại London cho biết.
Trải nghiệm từ Ulaanbaatar đến thị trấn Erenhot trên biên giới Mông Cổ-Trung Quốc là hành trình đáng giá trong một ngày (hoặc đêm) để băng qua thảo nguyên và Sa mạc Gobi. Hành khách có thể mua vé tại nhà ga xe lửa chính ở Ulaanbaatar.
Video đang HOT
Thị trấn Zamiin-Uud nằm ở phía nam của Tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ. Ảnh: Mieszko9/iStock Editorial/Getty Images
Chuyến tàu chạy xuyên Mông Cổ đã trải qua quá trình hiện đại hóa trong những thập kỷ gần đây. Hiện một số đầu máy diesel do Liên Xô sản xuất đã được thay thế bằng các mẫu của Mỹ. Các toa tàu có khoang bốn người và khoang hai người với cửa có thể khóa, bàn nhỏ, ổ cắm điện và hệ thống điều hòa/sưởi ấm.
Ga trải giường, gối và chăn được cung cấp. Những người ngủ ở khoang tàu 4 người có thể dùng chung một nhà vệ sinh theo phong cách phương Tây trong mỗi toa tàu, trong khi khoang 2 người dùng chung một phòng tắm riêng.
“Tôi đã chia sẻ một cabin bốn giường với một phụ nữ người Mông Cổ và con gái của cô ấy”, Laura Jopson, một người New Zealand viết về những cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới của mình trên blog Laura the Explorer.
Theo Laura Jopson, khoang tàu thoải mái, ấm áp và yên tĩnh. Mỗi buổi tối, nhân viên phục vụ sẽ chuyển đổi chỗ ngồi thành giường tầng. Hành lý được cất bên dưới giường tầng dưới, vì vậy rất khó để tiếp cận trong suốt hành trình – một chiếc ba lô nhỏ chắc chắn là lựa chọn tốt nhất khi đi tàu. Mỗi toa tàu đều có một chiếc ấm samovar để pha đồ uống nóng và đồ ăn nhanh.
Các chuyến tàu cũng tự hào có toa ăn với thực đơn gồm các món đặc sản địa phương và một số món ăn quốc tế khác.
“Toa ăn trên tàu Mông Cổ trái ngược với toa ăn trên tàu Nga. Ngon và no, đặc biệt hấp dẫn với món thịt cừu và cơm. Hành khách có thể bổ sung ẩm thực trên toa ăn bằng cách mang theo đồ ăn nhẹ và đồ uống tại Ulaanbaatar – có một cửa hàng tiện lợi nhỏ bên trong nhà ga chính – hoặc chạy nhanh lên sân ga tại các điểm dừng chân dọc theo tuyến đường”, Smith nói về trải nghiệm ăn uống trên tàu của mình khi đi qua Mông Cổ.
Toa ăn trên tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ có đồ trang trí bằng gỗ chạm khắc đẹp mắt. Ảnh: Edd Westmacott/Alamy Stock Photo
Laura Jopson chia sẻ: “Tôi quyết định ăn trong toa tàu nhà hàng Mông Cổ chủ yếu vì đồ trang trí. Toa tàu được trang trí bằng gỗ chạm khắc đẹp mắt. Đồ ăn ngon và không quá đắt. Ngoài ra, tôi mang theo đồ ăn nhanh (mì ramen, mì ống, cà phê), một ít trái cây tươi và đồ ăn nhẹ khác”.
Theo Jopson, nếu hành khách quyết định ghé thăm các cửa hàng đồ ăn nhẹ, quầy thực phẩm và ki-ốt trên đường đi, họ cần theo dõi thời gian tàu dừng ở mỗi ga để tránh bị bỏ lại phía sau.
“Nhà vệ sinh rất cơ bản, nhưng hầu hết đều sạch sẽ,” Jobson nhớ lại.
Trước khi lên tàu, hành khách sẽ đổi một ít tiền quốc tế sang Tugrik Mông Cổ vừa đủ, vì toa ăn và cửa hàng đồ ăn nhẹ có thể chỉ chấp nhận tiền mặt.
Với những ai muốn đặt một gói tour du lịch, một số công ty lữ hành đang tham gia vào hành trình trải nghiệm đường sắt xuyên Mông Cổ. Cụ thể, tập đoàn du lịch Intrepid Travel gần đây đã công bố gói “Trải nghiệm đường sắt xuyên Mông Cổ” kéo dài 11 ngày, kết hợp với du lịch đường bộ và đường sắt giữa Bắc Kinh và Ulaanbaatar.
Hành trình trải nghiệm chuyến tàu xuyên Mông Cổ đầu tiên của Intrepid dự kiến diễn ra vào tháng 6/2025
Băng rừng taiga tìm "làng tuần lộc cổ tích"
Đi qua những thảo nguyên xanh trải dài bất tận, xuyên qua cả những cánh rừng taiga phía bắc Mông Cổ đẹp diệu kỳ, chúng tôi lần theo dấu vết của tự nhiên ẩn dưới cỏ và hoa, nơi tồn tại những người Tsaatan cuối cùng còn thuần hóa và chung sống với tuần lộc tự nhiên...
8 tiếng cưỡi ngựa băng rừng
Làng tuần lộc nằm giữa rừng taiga sát cực bắc Mông Cổ, giáp với nước Nga, khá khó khăn để tìm đến. Chúng tôi phải ngủ lại một đêm ở ngôi làng Tsagaannuur bên cạnh hồ Dod Nuur để sáng sớm hôm sau cưỡi ngựa băng rừng suốt tám tiếng đến nơi những người Tsaatan cuối cùng còn thuần hóa và chung sống với tuần lộc tự nhiên.
Khoảng 13 giờ, chúng tôi mới chính thức lên lưng ngựa, tự cầm cương, điều khiển chú ngựa của mình từ từ tiến về bìa rừng. Lạ lẫm, sợ hãi, phấn khích, tự hào, thỏa mãn - tôi đã có thật nhiều cảm xúc khi lần đầu cưỡi ngựa, mà lại chọn phải chú ngựa tham ăn, tụt lại phía sau đoàn chỉ vì thích ăn cỏ không ngừng nghỉ.
Chuyến hành trình băng qua các cánh rừng taiga, những con suối, ngôi làng nhỏ, đồng cừu, đồng cỏ xanh mướt, rặng hoa tím ngắt, biển hoa vàng, bông cỏ heo may trắng tinh khôi... Tất cả đều đẹp như trong truyện cổ tích. Sau khoảng hai giờ, chúng tôi dần quen với việc cưỡi ngựa, thích thú ngắm nhìn thế giới sinh động nơi thảo nguyên mênh mông. Vậy nhưng đến trước giờ nghỉ trưa, con ngựa hoang khó thuần phục phi nước đại kéo lê một cô gái hướng dẫn trong đoàn đến hai lần. Nạn nhân sưng cả mặt mũi do va đập mạnh, khiến những người tận mắt chứng kiến lặng thinh hoảng sợ.
Thật khó tưởng tượng nếu chúng tôi cưỡi phải một con ngựa như thế. Vài người đàn ông chạy vào rừng sâu tìm con ngựa đi lạc trong khi cả đoàn dừng bên bờ suối ăn trưa và nằm nghỉ ngơi để hồi phục sau nhiều cơn xóc nảy mỗi lần ngựa phi nước đại.
Túp lều đơn sơ của người Tsaatan
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào các dãy núi khi nắng chiều nhuộm vàng hoa cỏ. Lúc này, đoạn đường dài hơn nên người hướng dẫn thường quất roi vào lưng ngựa hoặc hô to "chu chu" để chúng chạy nhanh hơn, tránh tắc nghẽn giữa đường. Như những cảnh ngựa hoang tung vó giữa thảo nguyên từng thấy nhiều lần trên phim ảnh, chúng tôi cùng hô "chu chu", đạp nhẹ vào hai bên bụng ngựa, ghì chặt cương và điều khiển con ngựa của mình.
Đoạn đường tiếp theo khó khăn hơn tôi tưởng. Có những đoạn sông sâu, sình lầy trũng, cả những đoạn dốc mà một bên là vực thẳm... Đã có những người ngã ngựa. Có những con ngựa lách qua rặng cây vô tình làm chủ bị thương, có cả những con ngựa không chịu đi hoặc đã đi thì phi nước đại không kìm được cương...
Cho đến tám tiếng sau, khi đã đi được khoảng 30km, hai túp lều cùng những chú tuần lộc cũng hiện ra trước mắt. Làng tuần lộc của những người Mông Cổ du mục đây rồi! Dưới nắng chiều xiên xiên bên rặng cây xanh lục, chúng tôi băng qua một con suối lớn còn sót băng tuyết, ngựa đầm mình xuống nước hơn quá nửa người mới qua được. Gian nan kết thúc, cuối cùng tôi cũng thực sự chạm tay đến miền cổ tích trong ký ức tuổi thơ.
Chúng tôi vào lều, giao lưu cùng những người ở làng tuần lộc. Tại đây, cả đoàn được mời uống sữa tuần lộc, ăn bánh mì bơ ngon tuyệt. Sữa tuần lộc không có mùi gây gây như sữa cừu. Chúng tôi mê mẩn mùi vị của sữa tuần lộc vì thơm hương trà.
Dưới cái lạnh buốt giữa rừng taiga vào thời điểm giao mùa, chúng tôi nằm la liệt trên nền đất, trên giường gỗ, bên một lò sưởi nóng cháy da, vừa ho khan do cảm mạo, vừa nhắm mắt cảm nhận rõ ràng hành trình khắc nghiệt, tuyệt mỹ, không tưởng, vô cùng đáng nhớ trong đời.
Cuộc sống tách biệt "ba không"
Nắng vàng như mật từ các tầng không đổ xuống cánh rừng thông trước mặt, nhảy nhót trên túp lều hình chóp đơn sơ dựng bằng gỗ và vải. Chúng tôi may mắn ghé thăm làng tuần lộc vào đúng thời điểm họ di chuyển đến một nơi có suối, núi, rừng và cả băng tuyết.
Mở khẽ cửa lều đón nắng, chúng tôi nhâm nhi tách sữa tuần lộc mới xin được từ những người Tsaatan hiền lành, thân thiện; ngắm nhìn nắng ướp thẫm bộ lông mịn màng của những chú tuần lộc đang nằm biếng lười dưới tảng băng, bên rặng hoa bồ công anh trắng muốt.
Bên ngoài lều, nhiều người trong đoàn tôi đang háo hức mua những chiếc sừng tuần lộc điêu khắc để ủng hộ dân làng. Tôi cũng góp vui mua ba miếng làm quà lưu niệm, giá 30.000 Tugrik (khoảng 220.000 đồng).
Phải kể thêm, người Dukha (Tsaatan) sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi tuần lộc ở các vùng núi cao khí hậu lạnh và săn bắn. Họ uống sữa tuần lộc, ăn bánh mì khô, làm bơ và phô mai từ sữa tuần lộc và thỉnh thoảng dùng thịt tuần lộc gác bếp làm thức ăn (với những con tuần lộc già yếu).
Đời sống du mục nay đây mai đó và nghèo khổ ấy cũng khiến số lượng tuần lộc giảm dần, chỉ còn gần 700 con. Việc đưa du lịch đến gần hơn với những người Tsaatan đã giúp họ có thêm thu nhập từ việc cho thuê lều nghỉ, bán đồ lưu niệm từ sừng và xương tuần lộc để nuôi dưỡng đàn tuần lộc cũng như con cái của mình.
Giấc mộng tuổi thơ đã thành sự thực
Chúng tôi có những ngày "ba không" ở trong rừng: không điện, không nước, không internet. Việc duy nhất có thể làm là quan sát cuộc sống của những người du mục chăn tuần lộc. Cảnh người Mông Cổ vắt sữa tuần lộc, cưỡi tuần lộc, chú chó săn nằm dài bên rặng hoa, liếm láp lông mình và nước trong dưới suối. Cảnh những chú tuần lộc với chiếc sừng xinh đẹp tựa cổ tích, tưởng chỉ có trong những mẩu truyện Grimm.
Mọi người đổ xô vào rừng, tôi và các chị ở lại để chiêm ngưỡng cảnh cậu bé dắt tuần lộc về nhà, đàn tuần lộc chạy ùa vào tầm mắt. Võng mạc no đầy những cảnh tượng chỉ có trong giấc mộng trẻ thơ. Tôi mặc vội một bộ đồ xúng xính, chân chạm băng, tay chạm vào bộ lông của chú tuần lộc, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng trong đời.
Chụp ảnh miết mải, tôi lại chạy sang lều của những người Tsaatan xin sữa tuần lộc, chơi với lũ trẻ. Tôi bỗng trở thành bạn thân của các em nhỏ Ottna (2 tuổi), Namona (6 tuổi), Sara (9 tuổi), Nara (11 tuổi); những cô bé đáng yêu ở làng tuần lộc đã cùng tôi đi rửa tô chén dưới suối, chơi đùa bên đám tuần lộc, dạy tôi cách ăn trái thông, nhào lộn dưới cỏ đất cùng cười nắc nẻ như cái cách hồn nhiên yêu đời đầy sơ khai và giản dị của người xứ này.
Chúng tôi còn cùng nhau chơi bóng chuyền, tiếng cười đập vào không trung, vọng lại giữa lòng suối, khe núi, nghe giòn giã và đầy sảng khoái. Mọi người ở đây đều sống rất chậm, vui vẻ, hồn nhiên, đơn giản và luôn luôn giàu năng lượng. Điều đó có lẽ bất cứ ai cũng ao ước và mong muốn có được.
Trăng trong đêm tĩnh sáng vằng vặc, rừng thở sâu sau một ngày dài, còn chúng tôi, những vị khách yêu Mông Cổ, đã thật sự thỏa mãn với một ngày hạnh phúc ở một chốn tuyệt vời.
Chia tay miền cổ tích
Hừng đông, màu tím nhuộm cả một góc trời. Dưới tiết trời 80C, chúng tôi nằm dài trong túp lều nhỏ, nơi cột khói bốc lên cao ngất, rỉ rả chỉ nghe thấy tiếng củi và tiếng rột rột ăn cỏ của những chú tuần lộc nằm ngay bên ngoài lều.
Buổi sáng thong thả cuối cùng ở ngôi làng "ba không", chúng tôi đã dần hồi phục thể lực để tiếp tục hành trình dài lên ngựa băng qua các cánh rừng. Tôi đã kịp tạm biệt những người bạn thân của mình, ăn vội một tô phô mai và sữa tuần lộc. Bai-tê, lời chào tạm biệt của tôi vang trong núi. Ngựa băng qua dòng sông băng, hướng về bìa rừng, còn tôi vẫn cố ngoái lại vẫy tay gửi lời chào tạm biệt họ. Lưu luyến quá!
Hành trình hôm nay vẫn là 30km đi ngựa băng rừng trở lại làng Tsagaan Nuur. Hôm nay, lũ ngựa bắt đầu dở chứng, không nghe lời và hay lồng lên tức tưởi làm một vài người ngã ngựa. Con ngựa của tôi lao đầu chạy trước, dù hô stop rất lớn và gồng kìm dây cương cũng không lại được nó. Nó là một chàng trai háu ăn và điên loạn. Nó đâm sầm vào những gốc thông lớn khiến tôi mắc kẹt và rách áo. Thật may mắn vì không té ngã và không trầy xước tay chân do mặc nhiều quần áo và có đồ bảo hộ.
Cơ thể của chúng tôi đều không thể chịu nổi hành trình dài đằng đẵng này nữa. Mưa lớn dần và đường càng khó, cùng với sự nổi loạn của bầy ngựa khiến cảnh dù quá đỗi thơ mộng cũng không giúp chúng tôi tận hưởng được nhiều.
Thật may mắn, qua khoảng vài quả núi, chúng tôi đã chạy thoát được vùng mưa. Mỗi lần ngựa phi nước đại, chúng tôi đều gồng lên, rời khỏi lưng ngựa và nương theo chúng. Đợt di chuyển này đau đớn, điên loạn, vật vã nhưng nhanh hơn. Khoảng hơn hai tiếng đã tới suối nghỉ trưa (vào lúc gần 15 giờ).
Bữa trưa mệt mỏi cùng với bánh mì và ruốc thịt, ruốc nấm và bơ đã giúp chúng tôi có lại năng lượng và sẵn sàng cho hai giờ hành xác tiếp theo. Trời nắng, ngựa lại phi nước đại và chúng tôi lại băng rừng để sớm được về nhà. Ngựa băng qua suối, đi qua rất nhiều đoạn rừng dốc ngược, sình lầy... cuối cùng cũng đã thấy được ngôi làng ẩn hiện sau rặng cây.
Chúng tôi đã hú hét đầy hào hứng vì được trở về nhà. Sau ngần ấy gian nan, đau đớn, khoảng gần năm tiếng, chúng tôi đã an toàn trở về được căn lều quen thuộc.
Buổi tối, dưới ánh trăng vằng vặc tròn rõ khó thấy được ở thị thành, chúng tôi hỉ hả bên bếp lò với hai mâm lớn thịt dê và nước ngọt. Bên ngoài lạnh dần, mưa to và gió rít khiến cảnh tượng ở nơi đây thật cô liêu. Thảo nguyên rộng lớn, chúng tôi đã chinh phục được một đoạn hành trình gian khó, ghi vào ký ức những trải nghiệm có một không hai trong đời.
Bí quyết du lịch Mông Cổ mùa nào cũng có trải nghiệm đẹp Bất cứ lúc nào cũng là thời điểm thích hợp để du khách ghé thăm Mông Cổ này vì mỗi mùa đều mang đến những trải nghiệm đáng nhớ. Thời tiết luôn là yếu tố quan trọng để du khách quyết định nên ghé thăm Mông Cổ vào mùa nào trong năm. Nếu du khách đang cần gợi ý, dưới đây là những...