Ngắm sếu đầu đỏ giữa rừng tràm hoang sơ
Vẻ đẹp kiêu kỳ của sếu đầu đỏ giữa cánh rừng tràm ngút tầm mắt sẽ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi đến thăm Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
Từ Sài Gòn, men theo quốc lộ 1A khoảng 400km hoặc bắt xe buýt từ thành phố Cao Lãnh xuống Thanh Bình, bạn có thể đến Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Đàn chim sải cánh giữa mênh mông sông nước và cánh rừng tràm ngút ngàn.
Chỉ mất vài phút đăng ký tại trung tâm du lịch của vườn quốc gia, những chiếc tắc ráng (một loại xuồng máy đặc trưng của miền Tây) sẽ đưa bạn bước vào miền đất đặc biệt của vùng sông nước. Sau khi xuất phát, những đồng cỏ năng, cỏ ống, sen trắng, sen hồng sẽ xuất hiện trước mắt bạn. Gió mát, không khí trong lành, mùi hương cây cỏ và âm thanh rộn ràng của các loài chim sẽ đánh thức giác quan của du khách, ngay cả với những người khó tính nhất.
Tại vườn quốc gia Tràm Chim, không khó để bắt gặp nhiều loài chim như cò ma, còng cọc, diệc lửa, bìm bịp, chiền chiện. Gần 200 loài chim với nhiều giống loài quý như te vàng, gà đãy, choi choi… tạo nên khúc giao hưởng rộn ràng trong mùa chim về.
Càng vào sâu trong rừng, những cây tràm hai bên bờ nối nhau trải dài tít tắp.
Với hơn 7.000 ha rừng, có hơn 200 loài chim cư ngụ, vườn quốc gia Tràm Chim là nơi có hệ sinh thái động thực vật phong phú bậc nhất Đồng Tháp Mười.
Diệc lửa và nhiều loài chim khác say sưa kiếm ăn là cảnh quen thuộc tại Tràm Chim.
Video đang HOT
Một bầy cò ốc mớm mồi trên đồng cỏ năng.
Cảnh tượng kỳ thú và đặc sắc nhất ở Tràm Chim có lẽ là “vũ điệu ngày hè” của những chú sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm sắp tuyệt chủng, nằm trong sách đỏ. Một trong những lý do khiến mật độ cá thể của loài chim này ngày càng giảm là diện tích môi trường cư ngụ bị thu hẹp, không còn nguồn thức ăn cho sếu.
Nhiều năm qua, dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học” do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Coca-Cola phối hợp thực hiện đã giúp cải thiện việc quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi… Nhờ đó, các loài chim quý hiếm được bảo tồn, các hoạt động du lịch sinh thái ở Tràm Chim cũng được phát triển hơn.
Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, 20-30 con sếu đầu đỏ thường xuyên về Tràm Chim kiếm ăn và cư ngụ.
Cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh Tràm Chim được tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc Gia như: bắt cá, hái rau, bông súng, điên điển hay tham gia chèo thuyền, làm hướng dẫn viên du lịch… để tăng thêm thu nhập hàng ngày.
Nhiều hộ gia đình nghèo tại Tràm Chim được phép đặt lờ bắt cá, hái rau… khai thác tài nguyên trong vườn để kiếm thêm thu nhập.
Trong mùa nước nổi, người dân được đánh bắt cá tại 900 ha – khu vực cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên, mới được mở rộng tại vườn quốc gia Tràm Chim.
Người dân hái rau, bông súng hoặc điên điển trong mùa nước nổi.
Người dân tham gia làm hướng dẫn viên, chèo thuyền trong mô hình phát triển du lịch sinh thái tại Tràm Chim.
Từ năm 2007, Coca-Cola đã hợp tác với Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học” ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Dự án đã và đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm khôi phục môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm và mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương thông qua việc phát triển du lịch sinh thái bền vững, khai thác tài nguyên rừng một cách bền vững.
Bên cạnh đó, chương trình “Nước sạch cho cộng đồng” tại Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM còn góp phần mở rộng mạng đường ống phân phối, khoan giếng và lắp đặt hệ thống lọc nước; hỗ trợ gần 10.000 người tiếp cận nước sạch, góp phần cải thiện sức khỏe người dân.
Theo Zing
Tràm Chim - Nét nguyên sơ vẫn còn lưu giữ
Ghé Tràm Chim hôm nay, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên trước thiên nhiên hoang sơ cùng môi trường sống gần như nguyên vẹn của nhiều loài động thực vật quý.
Được triển khai từ năm 2007, dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học" do Coca-Cola phối hợp cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) thực hiện đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường tự nhiên cũng như cuộc sống của người dân địa phương tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
Bảo tồn hệ sinh thái Vườn Quốc Gia Tràm Chim
Ghé Tràm Chim hôm nay, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên trước thiên nhiên hoang sơ cùng môi trường sống gần như nguyên vẹn của nhiều loài động thực vật quý. Đó là một phần kết quả của việc quản lý thủy văn, tập trung lưu giữ nguồn nước ngọt, gia tăng diện tích thảm thực vật mà dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học" mà Coca-Cola và WWF phối hợp triển khai trong suốt nhiều năm qua.
Hàng ngàn cánh chim sải cánh bay giữa mênh mông sông nước là cảnh tượng quen thuộc tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim trong nhiều năm qua
Đến nay, mực nước ở các khu vực trong Vườn Quốc Gia đã được điều chỉnh nhằm duy trì đa dạng sinh học ở từng môi trường khác nhau. Sáu quần xã thực vật đặc trưng ở Tràm Chim (bao gồm tràm, lúa trời, cỏ năng, sen, mồm mốc, cỏ ống) cũng được quy hoạch để phát triển hợp lí, đặc biệt là những đồng cỏ năng - thức ăn của sếu đầu đỏ. Là loài chim sắp bị tuyệt chủng được đưa vào sách đỏ thế giới, mật độ cá thể của sếu đầu đỏ ngày càng giảm do diện tích môi trường cư ngụ bị thu hẹp, không còn thức ăn cho sếu. Tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim, những nỗ lực của dự án đã góp phần gia tăng số lượng sếu đầu đỏ trong nhiều năm qua. Cụ thể từ tháng 1 đến tháng 3/2014, đã có hơn 30 con sếu thường xuyên về sinh sống.
Từ khi dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học" do WWF và Coca-Cola phối hợp triển khai, số lượng sếu đầu đỏ về kiếm ăn tại Tràm Chim đã được tăng lên so với những năm trước
Hỗ trợ người dân Tràm Chim cải thiện cuộc sống
Bên cạnh bảo tồn đa dạng sinh học, dự án cũng chú trọng hỗ trợ cải thiện đời sống người dân địa phương, đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn sống xung quanh khu vực Vườn Quốc Gia Tràm Chim, thông qua việc cho phép sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lí và phát triển du lịch sinh thái. Từ tháng 1/2014, diện tích khu vực khai thác tài nguyên thiên nhiên đã được UBND Đồng Tháp cho phép mở rộng từ 600ha lên 900ha. Tại những vùng này, người dân thường vào đánh bắt cá, hái rau, hái bông súng..., cao điểm là mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 12).
Thu hoạch lúa trời tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim đem lại thêm thu nhập cho người dân bên cạnh việc làm thuê
Vào mùa nước nổi, đánh bắt cá là nguồn thu nhập chính của gần 500 người dân sinh sống xung quanh khu vực VQG Tràm Chim
Chia sẻ với chúng tôi, gia đình anh Huỳnh Văn Giúp (Ấp K10, xã Phú Hiệp, thị trấn Tràm Chim) cư ngụ nhiều năm tại vùng đất này vàtừng có cuộc sống khá khó khăn. Không có đất ruộng, gia đình anh phải đi làm kiệu, gánh dưa mướn để kiếm sống.
Cuộc sống vốn đã đạm bạc lại càng khó khăn hơn vào mùa nước lũ khi không có công việc ổn định vì không ai thuê mướn. Trước đây, khi dự án chưa được triển khai, anh Giúp cùng nhiều người dân khác trong ấp đánh cá ở khu vực ngoài, gió to sóng lớn, nhiều lúc đánh lật xuồng trong đêm, phải kêu người đến cứu. Nhiều ngày, anh phải ăn mì tôm pha nước lạnh để qua cơn đói. Nay, anh và nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn khác, đã được cho phép vào Vườn Quốc Gia đánh cá. Số tiền thu được khoảng 120.000 đồng mỗi ngày, nhiều gấp 3 lần so với thu nhập trước đây, đã giúp anh trang trải phần lớn chi phí cơm áo gạo tiền cho gia đình đông con. Anh chia sẻ: "Từ ngày được vào Vườn Quốc Gia, cuộc sống của cả nhà tui đỡ cơ cực hơn hẳn. Không còn ám ảnh những ngày ăn mì pha nước lạnh, lật xuồng liên miên, cả nhà có cái ăn cái mặc, ai cũng mừng".
Đặt lờ đánh cá là công việc chính của anh Giúp vào mùa nước nổi, giúp anh có thêm thu nhập nuôi gia đình. Một ngày của anh Giúp bắt đầu từ 8 giờ sáng hôm nay và kết thúc vào 4 giờ sáng hôm sau.
Cùng với việc cải thiện hệ sinh thái và môi trường sống cho các loài động thực vật ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim, cuộc sống của những người dân đã phần nào vơi bớt nỗi lo khi có công việc và nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Mỗi mùa nước nổi, niềm vui và niềm hi vọng ấy lại đến với những mảnh đời lam lũ miền sông nước Đồng Tháp.
Theo 24h