Ngắm những con tàu lớn của ngư dân miền Trung sắp ra biển Hoàng Sa
Để vươn khơi, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, ngư dân miền Trung đã đóng những con tàu “khủng” có công suất từ 500 – hơn 1.000 CV.
Liên tiếp những ngày gần đây, ngư dân các tỉnh miền Trung hạ thủy nhiều tàu cá công suất lớn. Đích đến của những con tàu này là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Chỉ tính riêng tại Đà Nẵng, trong gần một tuần trở lại đây đã có hơn 5 tàu cá công suất từ 500 đến hơn 1.100 CV được hạ thủy, vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền.
Chủ tàu, thuyền trưởng tàu ĐNa 98001 TS Lê Văn Sưng (36 tuổi, trú Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đứng trên con tàu chuẩn bị hạ thủy với tổng số tiền đóng mới hơn 3 tỷ đồng nói: “Trước đây tôi có hai con tàu công suất nhỏ nên chỉ đánh bắt gần bờ, không thể vươn xa. Sau nhiều năm tích góp và vay ngân hàng hơn 1,4 tỷ đồng, tôi mạnh dạn đóng tàu lớn có công suất hơn 500 CV này để bám biển, bảo vệ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta”.
Cuối tháng 5 này, tàu của ngư dân Lê Văn Sưng sẽ thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường. Hiện các công đoạn cuối cùng lắp đặt trên tàu cũng như chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm…cho chuyến đi biển dài ngày đang được thuyền trưởng Sưng chuẩn bị gấp rút.
Video đang HOT
Tàu của ngư dân Sưng có thể chở khoảng 200 tấn hải sản và hàng hóa…
“Nếu mình không có tàu lớn thì không thể vươn khơi xa để bảo vệ ngư trường của cha ông ta từ bao đời nay và con cháu mình sau này sẽ không có ngư trường để sản xuất”, ngư dân Sưng tâm sự.
Buộc chặt lá cờ Tổ quốc để chuẩn bị ra khơi, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Đặc biệt, nhiều ngư dân miền Trung “choáng” khi chứng kiến trong 2 ngày 24 và 25/5 ngư dân Nguyễn Sương (36 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hạ thủy liên tiếp 2 tàu cá “khủng” là ĐNa 90603 TS và ĐNa 90604 TS, có công suất lớn nhất miền Trung. Mỗi chiếc công suất lên tới 1.150 CV, sức chứa hơn 300 tấn hải sản và hàng hóa.
Anh Sương cho biết, 2 tàu cá này được đóng theo mẫu tàu cá của Thái Lan, với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng, trong đó anh vay ngân hàng hơn 4 tỷ đồng, lãi suất 10%.
Sau khi hạ thủy thành công, anh Sương lắp thêm một số thiết bị và chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm…để đầu tháng 6 này anh cùng hàng chục ngư dân khác lên tàu thẳng tiến vùng biển Hoàng Sa. “Bây giờ có tàu lớn ra khơi anh em chúng tôi không sợ gì nữa. Ngoài nhiệm vụ chính đánh bắt hải sản, chúng tôi sẽ vươn xa vùng biển của mình để khẳng định chủ quyền Tổ quốc”, ngư dân trẻ Nguyễn Sương tâm sự.
Cùng với nhiều con tàu lớn đã hạ thủy thành công, hiện có nhiều tàu “khủng” đang được nhiều ngư dân miền Trung đặt đóng để tiếp nối nhau tiến ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền.
Theo Giáo Dục
Ngư dân làng chài vẫn hối hả ra khơi
Trong những ngày gần đây, Biển Đông lại dậy "sóng dữ" nhưng ngư dân làng chài Sâm Linh Đông và Sâm Linh Tây (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) vẫn hối hả ra khơi. Việc hàng trăm chiếc tàu đi về mỗi ngày để tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhiên liệu cho chuyến ra khơi tiếp theo đã thể hiện sự kiên trì bám biển, giữ gìn ngư trường truyền thống của ngư dân làng chài nơi đây.
Hỗ trợ nhau bám biển
Làng chài Sâm Linh Đông và Sâm Linh Tây hiện có 370 tàu thuyền các loại với tổng công suất 27.200 CV. Hai làng chài này là nơi tập trung phần lớn cơ sở sản xuất đá lạnh, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, kinh doanh xăng dầu, điểm thu mua, sơ chế, phân loại hải sản và phương tiện vận chuyển hải sản chuyên dụng của địa phương.
Ngư dân làng chài Sâm Linh Đông đóng mới tàu có công suất lớn.
Trong năm 2013, lượng hải sản của ngư dân hai làng chài này chiếm trên 75% tổng sản lượng 15.200 tấn của toàn xã. Trong năm 2014, mục tiêu của xã Tam Quang là khai thác 16.000 tấn hải sản các loại, trong đó sản lượng hải sản của ngư dân làng chài Sâm Linh Đông và Sâm Linh Tây chiếm 2/3.
Vừa tập kết nhiên liệu, đá cây và lương thực thực phẩm cho 13 lao động làm việc dài ngày trên biển, anh Trần Văn Anh, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QNa 90711 TS chuyên hành nghề lưới vây dài ngày ở ngư trường tuyến khơi vừa kể: "Kể từ ngày ngư dân làng chài Sâm Linh Đông và Sâm Linh Tây thành lập được nghiệp đoàn nghề cá, năng suất lao động của người đi biển tăng lên đáng kể. Trước kia chưa có nghiệp đoàn, các tàu khi ra khơi thường đi riêng lẻ nên mỗi khi có sự cố, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Còn bây giờ, phương tiện nào chẳng may bị hỏng máy móc giữa biển, thì chủ tàu sẽ nhận được sự hỗ trợ của các chủ tàu khác trong nghiệp đoàn".
Người thuyền trưởng này cho biết thêm: Trong việc làm ăn, trước đây khi chưa có nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân thường có tâm lý "giấu" ngư trường chỉ để khai thác một mình. Còn bây giờ, mỗi khi phát hiện được ngư trường giàu thủy sản, các tàu đều thông báo cho nhau để cùng khai thác. Thuyền trưởng Anh cho hay: "Thời gian gần đây, khi hành nghề trên biển, ngư dân chúng tôi thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây rối, gây khó khăn, thậm chí còn đe dọa đến cả tính mạng và tài sản. Tuy vậy, chúng tôi không sợ vì chúng tôi khai thác trên vùng ngư trường truyền thống. Hơn nữa, ngư dân còn luôn được các cơ quan chức năng như Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và bộ đội biên phòng giúp đỡ kịp thời trong những lần gặp khó khăn hoạn nạn".
Cảnh sát biển giúp đỡ ngư dân
Đại úy Phạm Văn Doanh, Phòng Chính trị, Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết: Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển luôn luôn thường trực trên các điểm đảo, các vùng biển, vùng ngư trường của Việt Nam để sẵn sàng và kịp thời giúp đỡ ngư dân mỗi khi gặp sự cố trên biển. Khi nhận được tín hiệu đề nghị được ứng cứu của ngư dân, bất kể điều kiện sóng to gió lớn thế nào, lực lượng cảnh sát biển đều nhanh chóng tiếp cận mục tiêu để kịp thời ứng cứu người và phương tiện. Lực lượng Cảnh sát biển luôn thường trực 24/24 giờ hằng ngày. Tất cả các kênh thông tin liên lạc đều trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận và xử lý một cách nhanh nhất, chính xác nhất, hiệu quả nhất các thông tin của ngư dân. Trong quá trình tổ chức cứu nạn trên biển, trên tàu của Cảnh sát biển luôn luôn có đầy đủ lương thực thực phẩm, nước uống và thuốc để kịp thời cấp cứu cho ngư dân khi gặp nạn.
Đề cập đến sự trợ giúp của lực lượng biên phòng đối với ngư dân, Thượng tá Nguyễn Trường Quy, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, tâm sự: "Mọi thông tin về ngư trường, tình hình làm ăn trên biển, tàu cá của ngư dân làm ăn hợp pháp trên ngư trường truyền thống bị tàu nước ngoài gây khó khăn... đều được bà con thông báo đầy đủ với cơ quan chức năng. Những thông tin này được truyền qua hệ thống trực canh ven bờ và thiết bị thông tin liên lạc lắp đặt trên mỗi phương tiện của ngư dân. Từ những thông tin ngư dân cung cấp, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con cách xử lý một cách hiệu quả nhất hoặc đề xuất, tham mưu cho cấp trên hướng xử lý kịp thời để giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển.
Theo Tin Tức
Ngư dân vùng biển Tây Nam đồng lòng hướng về Biển Đông Là những người trực tiếp vươn khơi bám biển, những ngư dân ở vùng biển Tây Nam luôn dõi theo tình hình ở Biển Đông và rất bức xúc trước hành động sai trái của Trung Quốc. Những ngư dân chất phác vẫn ngày ngày đương đầu với sóng gió và những hiểm họa khôn lường giữa đại dương mênh mông, không chỉ...