Ngắm nhìn sắc thu trong trẻo của “tiểu Paris” Tây Nguyên
Mỗi góc phố Đà Lạt đều đậm chất thi ca. Cứ mỗi độ thu sang, thành phố này lại càng tình tứ hơn bao giờ hết.
Những ngày này, nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến đây để bắt trọn từng khoảnh khắc lãng đãng chất tình phố núi, khiến người xem không khỏi thổn thức.
Nằm trong thung lũng giữa vùng đồi cao, Đà Lạt luôn se sắt với những buổi sớm trời thu phủ đầy sương. Cảnh vật vốn đã tình lại được điểm tô thêm làn khói mỏng, khiến trái tim băng giá nhất cũng phải thốt lên “lỡ yêu mảnh đất này rồi!”.
Sương mù bao phủ những ngọn đồi, che mất chân núi, chỉ có thể nhìn thấy những đỉnh đồi nhấp nhô lơ lửng trong làn khói mờ ảo. Sương chạy quanh bìa rừng, len lỏi vào tận các cung đường dẫn lối đến trung tâm Đà Lạt, quấn quýt “quyến rũ” du khách đến nơi đây.
Sương còn vương vấn, chơi đùa với con nước trên mặt hồ, hòa trong ánh ban mai, khúc xạ và làm hài hòa tia nắng khiến không gian quanh hồ như sáng bừng lên. Sương giăng trong tiết mùa thu càng giúp Đà Lạt trở nên lung linh trong mắt dân bản xứ cũng như khách thập phương.
Video đang HOT
Khi về trưa, sương dần tan để nắng chiếu qua những tán thông, sưởi ấm bầu không khí. Lúc này, ta có thể hít hà cảm nhận hơi lạnh của sương khói đang dần tan trong màu nắng vàng ươm. Những cung đường ở Đà Lạt trong ngày thu khá vắng, chậm rãi và nên thơ. Có lẽ, khách du lịch đến Đà Lạt vào mùa này đều chọn cách sống chậm. Chầm chậm tản bộ ven hồ Xuân Hương. Chậm chạp rảo bước quanh khu chợ cũ. Thong thả ngồi lười trong một cửa hàng cà phê có cây hồng sai quả. Tình người tương ngộ ý thu, Đà Lạt vì thế mà càng thêm thi vị.
Không quá sôi động và cũng không u tịch, mùa thu Đà Lạt còn khoác lên mình sắc hoa dã quỳ rực rỡ mà giản dị. Trại Mát – Cầu Đất, Đà Lạt – Liên Khương, Phi Nôm – Tu Tra hay các tuyến đường lên thác Dambri đều vàng rực màu hoa. Tuy rạng rỡ nhưng khí chất dã quỳ lại mộc mạc, hài hòa với tinh thần của thảo nguyên xanh mát tại Lâm Đồng.
Vẫn là hồ Tuyền Lâm, vẫn là nhà thờ Con Gà hay tháp truyền hình xa xa… nhưng khung cảnh vào thu thật sự mang đến cho con người một sự cảm nhận mới. Đặc biệt, tiết trời se lạnh của thu Đà Lạt là thời điểm lý tưởng để khám phá ẩm thực phố núi. Những món nóng thơm ngon như bánh ướt lòng gà, bán căn Đà Lạt hay nem nướng chấm đẫm trong nước sốt béo ngọt… khiến vị thu nơi đây thêm màu sắc, để lại nỗi nhớ khôn nguôi cho vị giác.
Mùa thu Đà Lạt kéo dài từ khoảng cuối tháng 9 đến tháng 11 với nhiều nét đẹp như vậy. Trong cảm nhận cá nhân của mỗi người, mảnh đất này còn chứa đựng vô số câu chuyện, đong đầy kỷ niệm vui buồn khác nhau. Nhưng tựu chung lại, thu Đà Lạt là mùa của những lắng đọng, cho phép con người sống chậm rãi từng giác quan để thu vào trong tâm khảm trọn vẹn khoảnh khắc thiên nhiên hữu tình, như cách chiếc máy ảnh tân thời bắt trọn cảnh sắc trong veo có màu sương giăng của “tiểu Paris” Tây Nguyên.
Bãng lãng sắc thu Tây Nguyên
Trong ý nghĩ võ đoán của nhiều người, Tây Nguyên chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô; nhưng nếu bạn có một tâm hồn tinh tế đang neo đậu, nếu bạn thực sự yêu xứ sở Tây Nguyên mênh mông này, bạn sẽ nhận ra, từ khoảng đầu tháng Tám, dáng thu Tây Nguyên hiện về khắp nẻo trong vẻ khoan thai, dịu dàng, đằm thắm...
Ấy là lúc Tây Nguyên bỏ nắng và gió vào trong chiếc túi càn khôn, chỉ giữ lại trên núi đồi, trên bờ vai cái se lạnh của trời sương mênh mang, bãng lãng lúc thu về.
Nói thu Tây Nguyên về, là bởi nó đã từng đến, rồi đi, rồi trở lại sau mùa nắng gió bời bời. Một chiều hay một sớm mai bất chợt, núi đồi bỗng nhiên đứng im, nắng và gió như dắt nhau đi vắng, và cõi không bỗng dịu mát lạ lùng. Ấy là thu đang về. Nửa đêm thức dậy, nhìn lên trời cao, thấy sương giăng xuống quanh mình, hơi lạnh như có thể đưa tay vốc lấy được. Cảm giác như đang trong hai tay có một vốc hương thu lạnh tê, như thể mùa thu đang chậm rãi thấm vào hồn qua đôi tay nâng niu ấy.
Ảnh minh họa/nguồn Internet
Cỏ cây, hoa lá bỗng mang mùi hương nhè nhẹ, đó chính là hương thu, như đang chuyển động khắp đó đây, ùa phả vào từng bản làng, từng chiếc lá, cánh hoa, trôi cả trên con suối róc rách, rồi đi ngược lên từng góc phố, hòa cùng âm thanh của một giai điệu núi rừng nào đó. Hương thu quyện với mùi thơm tinh khiết của đất trời lan tỏa dịu nhẹ đến vô cùng. Mùa thu Tây Nguyên thường đi kèm theo những ngày mưa phùn, như để ủ độ ẩm thấp toàn cõi, rồi sau đó triệu triệu nụ hoa rừng hoang dã bắt đầu cựa mình e ấp rồi nở bung khoe sắc. Hoa dại thôi, nhưng gom nhặt trong mình hơi sương, sắc nắng, vị gió Tây Nguyên để dệt nên cho mình những chiếc khăn voan đầy màu sắc quyến rũ. Mùa thu là mùa có nhiều loài hoa rừng nở rực rỡ nhất trong năm ở Tây Nguyên.
Chính vì thế có thể nói Tây Nguyên đẹp nhất là vào khoảng trời thu. Cao vọi tầng không một màu xanh ngắt sau cơn mưa, những áng mây biếng lười như những tấm khăn voan trắng bay nhè nhẹ giữa tầng không. Nắng không đi hẳn, còn ở lại với sắc màu như vàng hơn, trong hơn và hình như nắng cũng có màu xanh khi lọt vào giữa bạt ngàn rừng. Gió như cũng không đi hẳn, mà còn ở lại để nhè nhẹ đưa hương hoa tỏa đi khắp cõi. Những vạt rừng thấm đẫm hơi thu, hơi nắng và cả hơi gió nên lá sớm đổi thành nhiều màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, vàng, tím... Những núi đồi tiếp nối dang tay tạo nên bức tranh đa màu sắc.
Mùa thu Tây Nguyên ghé đến đâu cũng thấy tâm hồn mình thư thái. Những con đường Buôn Ma Thuột nắng ngả vàng hơn. Có thể nhỏ một giọt nắng mật ong ấy vào tách cà phê Ban Mê trên góc phố, rồi nhấp một ngụm, nghe cà phê hương thu dìu dịu một cách đài cát trên chiếc lưỡi mơ hồ. Lúc này xuống hồ Lắk, sẽ thấy một dải lụa mềm vắt qua đại ngàn xanh thẳm, mặt nước phẳng lặng cho những cánh rừng soi bóng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên trong trẻo và thơ mộng.
Từ hồ Lắk, vượt qua những con đèo dựng ngược, là đến với Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa huyền thoại. Mùa thu Đà Lạt đắm mình trong cơn mưa chiều khiến lòng ta mềm lại, nhưng lại khiến đôi chân ta rong ruổi xuống phố, xuôi với cuộc đi dạo quanh hồ Xuân Hương thơ mộng. Ngồi trên bãi cỏ ven hồ, ngắm nhìn xung quanh, ta nhận ra dường như đã thấy mùa thu đã ghé thăm trên những ngọn gió vô hình, đang rong đùa trên thảm cỏ. Đà Lạt mùa thu nhộn nhịp nhưng không hối hả, rực rỡ nhưng không đa kỳ, nhưng lại làm nhân gian đắm đuối.
Hãy chậm lại. Mùa thu Tây Nguyên nói. Ta dừng lại theo lời thu và nhận ra mùi hương đang phảng phất cùng điệu valse của núi rừng. Những ngày thu, đến Tây Nguyên thấy nhịp đời chậm lại. Nhịp phố núi nhẹ nhàng qua những vòng xe như vòng quay dệt sợi tơ, nhịp chậm rãi như bước chân trì níu đất đai của người lên nương lên rẫy. Hình như có nụ cười mỉm thoáng gợn trong chiếc gùi trên nương rẫy, trên dòng phố, những nụ cười hoa nở trong làn hơi thu se sẽ. Bấy giờ ta hãy tìm một con đường xuyên rừng nào đó, mở rộng lồng ngực hít thở khí trời vô lượng trong lành, rồi dang rộng đôi tay ôm hết không gian. Dang thật rộng vòng tay, hít thật đầy lồng ngực, để nhắc nhủ với trái tim ta rằng, ta đang ở trong mùa thu Tây Nguyên tuyệt vời bất tận...
Buôn Đôn, bình minh trên mái nhà sàn... Cách TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 30km, Buôn Đôn được xem như ngôi nhà cổ sơ còn lại của bắc Tây nguyên. Khi chúng tôi đến, tiếng cồng chiêng từ bờ sông Sêrêpôk vang vọng... Khi Y Thị, một chàng trai Ê Đê ôm đàn hát bản nhạc Đứa con núi rừng, tôi như bừng tỉnh nhớ đến câu chuyện bàn luận...