Ngắm nhìn, cảm nhận và yêu tha thiết Hà Nội của một ‘khách ở trọ’
Tôi không biết nhiều về nhà văn Đỗ Bích Thúy ngoại trừ một vài cuốn sách mà chị từng viết, nhưng chủ yếu là về miền núi.
Cũng không có gì khó hiểu bởi Thúy sinh ra và lớn lên ở miền biên viễn Hà Giang, hiểu từng viên đá tai mèo, từng khúc uốn lượn quanh co của dòng sông Lô huyền thoại, hiểu cả hơi thở của núi rừng và con người vùng cao. Nhưng lạ thay, Thúy cũng lại là người hiểu và yêu tha thiết Hà Nội – mảnh đất nơi chị đã có hơn 20 năm nhập cư gắn bó, lấy chồng sinh con, trải nghiệm đủ mọi thăng trầm sóng gió ‘ba chìm bảy nổi’ trong cuộc đời người phụ nữ.
1.Căn hộ nơi Đỗ Bích Thúy và hai con gái của chị sống hiện giờ nằm trên tầng cao một tòa chung cư ở bên kia cầu Long Biên, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một khúc sông Hồng và con đê mềm mại với triền cỏ biếc xanh. Đây cũng là nơi mà chị từng ở lâu nhất trong suốt quãng thời gian hơn 20 năm sống ở Hà Nội, tới giờ là gần 7 năm.
Thúy kể trước đó chị từng có đến 9 lần chuyển nhà qua đủ các quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa. Nhớ lại, cây viết sinh năm 1975 bảo, chả ai muốn chuyển chỗ ở nhiều như vậy nhưng ở một thời gian cứ phát sinh chuyện nọ chuyện kia, thành ra đành phải chuyển. Trong một số tình huống đặc biệt, thậm chí chị còn không được quyền chọn chỗ ở, bởi việc có chỗ ở là tốt lắm rồi. Từng có lúc ba mẹ con phải ở cơ quan, phải đi thuê nhà, phải ở nhà người thân. Từng có lúc phải đưa đón hai con đi học mà chị tính ra mỗi ngày ấy ít nhất là chạy 60km trên đường vì ba mẹ con học và làm việc ở ba góc của thành phố. Cuối cùng thì cũng đến lúc được ở một chỗ lâu bao nhiêu tùy… thích. Đỗ Bích Thúy nói, có lúc chị đùa với bạn bè là giờ nếu chuyển nhà lần nữa chắc chỉ có đến… Văn Điển thôi.
19 tuổi khăn gói từ miền cao xuống Hà Nội học, rồi sau đó làm việc, lấy chồng sinh con, Thúy bảo lúc nào chị cũng nhớ con sông Lô hùng vĩ ở quê nhà, dù ao ước nhưng chị chẳng dám nghĩ một ngày nào đó mình sẽ ở một nơi mà hàng ngày mở mắt ra là có thể ngắm nghía dòng sông Hồng ghi dấu ấn của mảnh đất Thăng Long Kinh kỳ – Kẻ Chợ, hai bên triền đê cỏ hoa xanh biếc. Cái cảm giác đặc biệt nhất khi ngày nào cũng nhìn dòng sông trôi mải miết là hình dung dòng nước kia đang chảy trên Thăng Long nghìn năm. Nước cứ chảy thôi, Thăng Long vẫn ở đấy. Với chị, đây là nơi vừa đủ gần, lại đủ xa Hà Nội, cách phố thị đúng một cây cầu – qua cầu là sang tới phố, về đến nhà là bỏ lại phố sau lưng.
Ngày nào cũng vậy, nếu không bận bịu gì, cứ tầm 5 giờ chiều, cắm nồi cơm xong là Thúy xỏ giày chạy bộ trên cầu Long Biên, nhiều hôm tiện chân “phi” luôn xuống bãi, vừa chạy vừa hít hà bầu khí quyển như rất khác của Hà Nội, nơi mà chiều đến là “các bà hay bày mấy cái mẹt rau củ quả, sắn, khoai đủ thứ, chủ yếu đợi bán cho mấy ông đi bơi về, mấy bà chạy bộ như mình”; nơi mà bước chân từ trên cầu xuống là chị cứ có cảm giác như không phải ở Hà Nội nữa mà là một vùng đất nào xa cực kỳ với bạt ngàn hoa màu, cây cỏ xanh mướt mát, phía dưới người dân miệt mài canh tác, phía trên hai bên cầu xe cộ vẫn qua lại rầm rập; rồi những ô vườn nhỏ có hàng rào quây lỏng lẻo xung quanh “đạp phát là đổ”, khóa như cho có, nhưng chẳng bao giờ bị đạp đổ hay mất trộm gì… Có lần dừng chân mua nải chuối, chị tiện hỏi mua đám hoa trồng ở trong vườn, người phụ nữ bán hàng đưa luôn cho chị cái kéo, đôi ủng rồi bảo “cô đi vào mà cắt”. Thế là hôm thì chị cắt hoa hồng, hôm lại cắt hoa thược dược, vi-ô-lét… xong gói vào lá chuối mang về, vui sướng với suy nghĩ “ngoài này hoa được hít thở bầu không khí khác nên thơm lắm”.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Tôi từng nghĩ Hà Nội là một nơi có thể dung chứa và bao bọc mình”
Thúy bảo, chị thích quan sát Hà Nội ở góc này, với tâm thế của một người đứng ngoài, nhìn ngắm, cảm nhận và yêu Hà Nội. Chị hiểu rằng mỗi nơi mà mình từng sống chỉ phản ánh một khía cạnh của Hà Nội, cũng những bộ phận cư dân khác nhau sống trên mảnh đất này sẽ có cái nhìn chẳng hề giống nhau về thành phố này. Chị từng sống ở khu phố cổ, xung quanh đa phần là người dân kinh doanh buôn bán; lại từng sống ở cả trong khu tập thể lâu đời xung quanh toàn cán bộ công chức…, và giờ thì xung quanh chị có rất nhiều người dân vất vả mưu sinh bằng nghề nông, bằng công việc đánh bắt cá trên sông… nhưng họ sống rất dung dị chất phác, hồn nhiên, dễ chịu. Như khi dừng xe mua ít ngô vừa vặt, ổi vừa hái tươi roi rói dưới bãi, chị hỏi người bán còn đang ngủ gà ngủ gật: “Bao nhiêu tiền 1kg?”. Họ ngẩng lên bảo: “35 nghìn một cân”. Chị tinh nghịch trêu: “40 nghìn có được không?” khiến họ cứ ngẩn ra xong bẽn lẽn cười: “Cô này sáng sớm ra đã trêu tôi”.
2. Hỏi Thúy về cái thời khi chị mới từ trên núi xuống Hà Nội, không chút ngẫm nghĩ, chị quả quyết: “Cảm giác xa lạ lắm, nghĩ mình không thể gắn bó được với nơi này”. Ngày ấy học ở trường Báo xong, chị có cơ hội về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một môi trường với một người trẻ thích viết văn như chị là quá tuyệt vời lý tưởng, nơi mà toàn “cây đa cây đề”, một bầu khí quyền đậm đặc văn chương. Thế nhưng hễ bước chân ra khỏi cổng cơ quan là chị lại chợt nghĩ: “Làm sao để có tình cảm với một nơi xa lạ như thế này?”.
Có lẽ ai khi bắt đầu bước chân đến vùng đất mới đều có cảm giác giống như Đỗ Bích Thúy khi ấy. Nhưng rồi sống lâu dần chị nhận ra, tình cảm với vùng đất bao gồm và liên quan mật thiết với việc mình có tình cảm với những con người cụ thể, từ những người đồng nghiệp lớn tuổi lúc nào cũng yêu quý và quan tâm đến nhau như người trong gia đình, đến cô thủ quỹ mỗi khi kho được con cá ngon lại gắp vào hộp mang đến cơ quan cho mình một miếng, rồi sau này chị về làm dâu phố cổ lại có tình cảm với những người hàng xóm xung quanh… Thế rồi chị yêu Hà Nội lúc nào không hay.
Video đang HOT
Hỏi Thúy về cái thời khi chị mới từ trên núi xuống Hà Nội, không chút ngẫm nghĩ, chị quả quyết: “Cảm giác xa lạ lắm, nghĩ mình không thể gắn bó được với nơi này”
Bất giác tôi trải lòng với chị, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, với một người thuộc thế hệ 8X đầu đời có lẽ hơi khó tính như tôi, nhiều lúc có cảm giác muốn rời bỏ mảnh đất này đến một nơi khác vì thấy mình lạc lõng giữa khói bụi, xô bồ và ngột ngạt. Tôi sợ tiếng xe gầm rú, tiếng loa rao hàng rong phát khắp chốn, sợ cả sự thiếu kiên nhẫn của nhiều người khi lưu thông trên đường. Đáp lại, chị bảo, trong một thành phố nhiều ồn ào, chị học cách dọn riêng cho mình một “cái ổ”, làm sao để cảm thấy vui vẻ bình yên khi ở trong nó. Đi qua quãng thời gian chừng như cạn kiệt năng lượng, không thể vượt qua mà rốt cuộc vẫn có thể đi qua, chị thấy hiện tại chính là thứ đáng trân quý nhất. Chị nghĩ mình đủ tỉnh táo để nhìn phía sau và bên trong của thứ gì đó nhưng chị luôn chọn nhìn mặt tích cực của nó đầu tiên.
Đỗ Bích Thúy kể, mấy hôm trước chị vừa có cuộc trò chuyện với các bạn trẻ về chủ đề kết nối quê hương. Có một bạn nói với chị rằng: “Em không hình dung nổi em sống ở Hà Nội, không có quê thì sau này em sẽ nhớ cái gì?”. Chị bảo, đến một lúc nào đấy vì công việc hay vì lý do nào đó phải rời khỏi Hà Nội, không được sống ở nơi này nữa, chị tin rằng những người như bạn ấy sẽ là những người nhớ Hà Nội nhất, mà đôi khi thứ làm người ta nhớ quay quắt chỉ là một cơn gió heo may hay màu lá chín vàng thôi, hay thậm chí cả một thứ mà ta từng rất ghét là những ngày nồm ẩm ướt lê thê. Chị từng nói, thật ra điều đáng sợ nhất là chẳng có gì để nhớ trên đời này cả, nếu sống mà chỉ biết hôm nay với ngày mai, chẳng có gì kết nối phía sau thì cảm giác cứ chênh vênh như đang đứng trên một quả cầu vậy. Như mới đây một người bạn gửi cho chị bức ảnh chụp căn nhà cũ trên phố Lê Văn Hưu nơi gia đình chị từng sinh sống, nhìn số nhà thôi mà chị cứ thấy thương.
3. Hơn 20 năm sống và làm việc ở Hà Nội, hầu như Tết nào Đỗ Bích Thúy cũng ở lại thành phố này ăn Tết. Ngày trẻ học đại học xong, chị lấy chồng sát phố cổ, Tết đến là bận rộn chuẩn bị tinh tươm cỗ bàn mọi thứ, năm nào cũng mồng 2 hoặc mồng 3 thì mới đưa các con hành hương về quê ngoại Hà Giang. 7 năm trước khi cuộc hôn nhân này khép lại, chị chuẩn bị Tết đơn giản hơn, có khi đi một vòng siêu thị dưới chân nhà là cũng xong cái Tết. Có năm chị lái xe chở hai cô con gái đi chơi đến 29 Tết mới ngược về Hà Nội. Rồi đêm Giao thừa, thắp hương xong là ba mẹ con chị dắt nhau ra khỏi nhà, đi lễ ở ngôi chùa gần đó, lúc về hỏi “ông Google” xem trong ba mẹ con ai hợp tuổi thì cho vào “xông đất” trước. Chẳng hiểu sao cảm giác đêm Giao thừa, ló mặt ra ngoài trời sau lúc pháo hoa bắn đì đoàng trên tivi, chị luôn cảm thấy một điều gì đó thật mới mẻ ùa tới, như thể cả cơn gió cũng khác trước lúc Giao thừa.
Hà Nội dung chứa, bao bọc tôi bằng tất cả sự độ lượng
“Tôi từng nghĩ Hà Nội là một nơi có thể dung chứa mình, bao bọc mình bằng tất cả những sự độ lượng. Tôi cũng từng nghĩ, kiểu gì mình cũng không phải người thuộc về mảnh đất này, nên mãi mãi không bao giờ dám nhận mình là người Hà Nội. Chính vì ở tâm thế đó nên tôi yêu Hà Nội từ một góc nhìn khác, có cái nhìn từ ngoài vào với tâm thế của một người ngoài quan sát về Hà Nội và cảm nhận, cũng có một chút từ bên trong nhìn ra. Tôi rất thích tâm thế đấy vì như thế có sự so sánh Hà Nội với các vùng đất khác, so sánh người Hà Nội với người ở nơi khác, nếp sống hơi thở nhịp sống của vùng đất này với vùng đất khác”.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Trong ký ức của cô bé miền cao ngày nào, Tết ở Hà Giang cũng tưng bừng lắm. Cứ rậm rạp gần Tết là trẻ con, thanh niên trong làng rủ nhau lên rừng chặt lá dong về bán cho thương lái miền xuôi, rồi mang về nhà gói bánh chưng; rồi chui vào những bụi giang ken dày để chọn những cây giang đẹp nhất về làm lạt. Người lớn trong làng thì hò nhau vo gạo, ngâm đỗ, 2 – 3 nhà chung nhau “đụng lợn”, ngày mổ lợn thì đông vui náo nhiệt, lũ trẻ tranh nhau cái đuôi lợn luộc, mẹ chị thì bao giờ cũng nấu một nồi cháo to từ nước xáo để đám thanh niên ngày mổ lợn, đêm thức trông bánh chưng có cái ăn cho ấm dạ. Trẻ con cũng ngủ gà ngủ gật chờ đến lúc được ăn trước chiếc bánh chưng bé tí. Tết ở miền núi quê chị kéo dài từ ngày ông Công ông Táo đến tận Rằm tháng Giêng. Ngày ấy ở quê không có tủ lạnh, bố chị thì thường cho bánh chưng vào túi nilong, thêm cục đá, buộc kín lại, nối với dây rồi thả xuống đáy ao, đáy giếng để giữ cho bánh khỏi bị thiu. Lúc nào ăn lại vớt lên luộc lại. Có năm kéo bánh lên thì đã bị cá rỉa sạch, chỉ còn toàn vỏ.
Sau này khi chuyển về Hà Nội ở, không khí lại rộn rịp kiểu khác. Niềm vui của người thành phố không chỉ rải dài từ việc sắm sửa cho ba ngày Tết, mà còn là thú vui đi chợ hoa, mua đào mua quất về trưng từ đầu tháng Chạp. Rồi cứ cuối năm là người ta mua lá mùi già về đun nước tắm gội, mùi hương đặc trưng không lẫn vào đâu được. Thói quen này mãi khi sống ở Hà Nội chị mới có. Chứ ngày còn ở quê, cả luống mùi mọc hoa um tùm vào dịp cuối năm, mùa đông khi chuyển rét là hoa thành quả trĩu trịt, mẹ chị vẫn hay nhổ cả cụm cây mùi già quả chín đem vào treo gác bếp để đến mùa sau lại gieo. Những năm tháng sống trên phố cổ, chị nhớ cảm giác sáng mồng Một Tết mở cửa ra ngó đường sá vắng tanh không một bóng người, cả phố thơm nức mùi hương vì nhà nào cũng thắp. Chỉ có chiếc xe đạp rong chở thúng muối đằng sau lăn đều trên đường với tiếng rao quen thuộc: “Ai muối đê”. Nghe thấy tiếng rao này, chị lại chạy ra mua 1 cân muối lấy may đầu năm. Độ vài năm trở lại đây, kể từ ngày sang bên kia sông ở, chị lại quen với hình ảnh các bạn trẻ trong đội tình nguyện vì môi trường, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là xếp hàng dài từ đầu cầu đến cuối cầu, tay cầm sẵn những chiếc xô nhựa nối với dây thừng với khẩu hiệu: “Thả cá chứ không thả túi nilong”, họ giúp những người dân cho cá vào xô rồi từ từ thả xuống sông, ni lông thì thu gọn lại cho vào bao tải.
Thúy hào hứng bộc bạch, dù ở đâu thì chị vẫn thích Tết vô cùng bởi cảm giác đây là lúc mình được là người Việt nhất, là thời điểm mà không gian của từng gia đình thể hiện sự thuần Việt nhất. Chị cũng thấy mình may mắn vì được hưởng cả không khí đón Tết ở miền núi lẫn miền xuôi, có nhiều thứ để nhớ và nhiều cảm xúc để viết. Tết năm nay với chị cũng là một cái Tết đặc biệt, bởi sau đằng đẵng năm vò võ một mình, chị đã tìm thấy bến đỗ cho mình và các con. Người bạn đời hiện tại của chị cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng nhiều năm học và sống ở nước ngoài nhưng vẫn chọn trở về Hà Nội. Vậy là tình yêu Hà Nội với một người tự nhận là “khách ở trọ” như Thúy, giờ đã có thêm một góc xinh xắn nữa để thuộc về.
Chợ hoa Quảng Bá nhộn nhịp những ngày cận Tết
Những ngày này, không khí mua bán tại chợ hoa Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) càng thêm tấp nập.
Người dân đi chợ không chỉ để mua hoa mà còn để ngắm hoa.
Chợ hoa Quảng Bá từ lâu đã được biết đến là một trong những chợ đầu mối lớn cung cấp hoa tươi cho thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Vào những ngày cận Tết, chợ càng rực rỡ sắc màu với hàng trăm loại hoa.
Anh Bùi Tiến Dũng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) là tiểu thương bán hoa ly gần 20 năm tại chợ hoa Quảng Bá. Anh Dũng cho biết, hoa ly năm nay được bán với mức giá dao động từ 100.000 đến 800.000 đồng/bó/10 cành, tùy thuộc vào hoa có 2 tai, 5 tai hay 7 tai. Qua ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Công ông Táo), giá hoa ly khả năng còn tăng. Hầu hết hoa ly được cắt tại các làng hoa như: Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm), huyện Mê Linh, huyện Đan Phượng...
Từ vùng trồng hoa hồng Mê Linh, vụ Tết năm nay, anh Nguyễn Văn Năm đưa ra thị trường hơn 1 mẫu hoa hồng đỏ. Anh Năm cho biết, hoa hồng năm nay mất giá hơn so với năm ngoái. Hiện tại, hoa hồng đẹp được bán với giá 300.000 đồng/bó/50 bông, loại ngắn là 120.000 đồng/bó.
Là tiểu thương nhập hàng tại chợ hoa Quảng Bá, anh Nguyễn Trọng Khương (quận Long Biên) cho biết, hoa đang được bán với giá rẻ nhưng vẫn đẹp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Năm nay, cửa hàng của anh Khương chủ yếu bán các loại hoa được mọi người mua nhiều như: Hoa cúc, hoa đào, hoa dơn.
">
Hoa ly 2 tai giá 120.000 đồng/bó/10 cành luôn trong tình trạng cháy hàng.
">
Giá hoa ly những ngày này đã tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
">
Hoa hồng Đà Lạt vẫn ổn định giá dao động từ 120.000 đến 180.000 đồng/bó.
">
Nhiều nhà vườn lân cận như Tây Tựu chở hoa về tiêu thụ tại chợ hoa Quảng Bá.
">
Hoa thược dược có giá 80.000 đồng/bó/10 cành.
CNN chọn Hà Nội là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong mùa thu Mới đây hãng thông tấn CNN đã đưa ra gợi ý về những điểm du lịch trên thế giới vào mùa thu 2022, trong đó có Hà Nội của Việt Nam. Mùa thu Hà Nội Theo tác giả Keyes của bài báo, du lịch châu Á nói chung phục hồi chậm nhất (ví dụ như Nhật Bản). Tuy nhiên, Việt Nam hiện là...