Ngắm ngôi biệt thự 800m2 của đại gia giàu nhất phố cổ Hà Nội một thời, từng xuất hiện trên nhiều bộ phim nổi tiếng
Căn biệt thự cổ tại Hàng Bè (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1925, bởi cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán ( chủ thầu xây dựng) nổi tiếng đầu thế kỷ 20.
Nơi này từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt Nam như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai, Hương ngọc lan…
Nằm trong một con hẻm nhỏ trên phố Hàng Bè, gần bờ hồ Hoàn Kiếm, căn biệt thự rộng 800m2 của cụ Trương Thị Mô (SN 1925, Hà Nội) là một trong số ít công trình xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Căn biệt thự cổ tại Hàng Bè được xây dựng vào năm 1925, bởi cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán (chủ thầu xây dựng) nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, bố đẻ của cụ Mô. Cụ Vọng là người gốc Văn Điển, ngoại thành Hà Nội.
Bà Lê Thanh Thủy (SN 1955), con gái cụ Mô cho hay, rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ cũng lựa chọn căn biệt thự làm địa điểm để quay MV ca nhạc. “Gia đình luôn tạo điều kiện cho các đoàn khách, làm phim… đến tham quan, lấy bối cảnh diễn xuất vì cũng mong muốn giới thiệu kiến trúc độc đáo của căn nhà cho mọi người. Dù cũng hơi bất tiện, nhưng cả đại gia đình đều vui, tự hào khi thấy công trình của mình được xuất hiện trước công chúng”, bà Thủy kể.
Hàng ngày, ngôi nhà cũng đón tiếp các du khách đến từ Mỹ, Canada, Pháp… ghé thăm tìm hiểu kiến trúc.
Căn biệt thự từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt Nam như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai, Hương ngọc lan, Hoa xương rồng…
Sau năm 1950, cụ Vọng và 5 người con đi tản cư nơi khác và để lại ngôi nhà này cho cụ Mô chăm sóc. Cho tới ngày nay, căn biệt thự này tiếp tục được con cháu cụ Mô trân trọng và gìn giữ.
Video đang HOT
“4 – 5 thế hệ chúng tôi đã cùng sinh ra và lớn lên tại căn biệt thự này. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều kỷ niệm, những dấu mốc thăng trầm của cả gia đình, nên với các thành viên đó là vô giá. Vì thế, có người trả giá cả vài trăm tỷ nhưng chúng tôi không đồng ý sang nhượng”, cô Thủy nhấn mạnh.
Ngôi nhà với kiến trúc từ thời Pháp vẫn còn nguyên vẹn.
Hầu hết nội thất trong căn biệt thự Hàng Bè đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông. Theo lời cô Thủy, để hoàn thiện công trình, các cụ xưa đã phải gom gỗ quý, chủ yếu là gỗ lim cổ thụ ròng rã nhiều tháng trời. Vào thời điểm cách đây 80 năm, giá trị của một bộ bàn ghế – tủ phấn, giường ngủ nhập khẩu có thể bằng một ngôi nhà cỡ nhỏ.
Hiện tại, căn biệt thự vẫn được người nhà cô Thủy cho thuê làm địa điểm chụp ảnh cưới, hay cho thuê địa điểm làm phim.
Căn biệt thự có cả phòng ngủ cho từng thành viên trong gia đình, phòng dành cho khách, phòng ăn, phòng cho người ở. Tất cả các phòng được thiết kế kết nối với nhau, tạo thành một thể thống nhất. Theo lời các cụ kể lại, việc thiết kế này nhằm tạo ra sự kết nối với gia đình, để mọi người yêu thương và tương trợ lẫn nhau”, cô Thủy nói.
Sự thật bất ngờ về mặt hàng bán trên phố Hàng Bè xưa
Tên gọi phố Hàng Bè ở Hà Nội có một lịch sử khá phức tạp. Con phố này xưa kia không hề bán 'bè' như nhiều người lầm tưởng khi suy diễn từ tên gọi của phố.
Phố Hàng Bè là con phố dài khoảng 170 mét, kéo dài từ phố Hàng Mắm đến ngã tư phố Hàng Dầu - Cầu Gỗ, phía Đông Nam khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, đến giữa thế kỷ 19 đổi tên là thôn Nam Phố và tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương cũ.
Tên gọi phố Hàng Bè có một lịch sử khá phức tạp. Theo đó, trước kia đầu phố ở gần cửa ô Mỹ Lộc, giáp bờ sông Hồng và đất Hàng Bè vốn là một khúc của con đê cũ.
Khi dòng chảy còn ở sát chân đê thì các bè gỗ, nứa, tre, song, mây, lá gồi từ miền ngược xuôi về thường áp vào đây để đem lên chợ tiêu thụ, thành ra khúc đê này có tên Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè.
Khi cát bồi đưa lòng sông ra xa, bè mảng không áp sát vào chân đê được nữa thì phố này trở thành nơi buôn bán cau, nên phố Hàng Bè thời đó còn có tên là phố Hàng Cau.
Sau đó người dân đã đắp một con đê mới cách xa đê cũ và gọi là Bè Thượng. Sau khi người Pháp chiếm Hà Nội họ gọi đoạn đê mới là rue de Digue" (phố trên đê), tức đường Nguyễn Hữu Huân ngày nay, còn phố Hàng Bè/ Hàng Cau là due des Radeaux, nghĩa là phố của những cái bè.
Như vậy tên gọi Hàng Bè không phản ánh loại hàng hóa đặc trưng trên phố như cách đặt tên của các phố "Hàng" khác ở phố cổ mà dựa trên loại phương tiện di chuyển gắn với cư dân ở địa phương. Còn mặt hàng phổ biến trên phố thời đó là cau.
Năm 1920 phố Hàng Bè đổi tên thành phố Hu-lê (rue Hulet), năm 1945 lấy lại tên cũ là phố Hàng Bè cho đến nay.
Vào những năm 1920 - 1930, đa số nhà dân ở Hàng Bè đều là cửa hàng bán cau tươi, cau khô. Ngoài ra, đoạn gần ngã tư Cầu Gỗ có một dãy nhà chuyên bán sơn và một vài nhà chuyên bán đồ khô.
Chợ Hàng Bè ban đầu nằm gần bến sông. Khi con đê mới được xây thì bến sông dời ra xa, chợ nằm giữa phố Hàng Bè và không còn bóng dáng của những con bè nữa. Theo thời gian diện tích chợ đã mở rộng dần tới phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ trước khi bị giải tòa cách đây ít năm.
Ngày nay, phố Hàng Bè chỉ còn lưu giữ được chút ít dáng dấp xưa, thể hiện qua một số ngôi nhà mang nét kiến trúc của đầu thế kỷ 20.
Các cửa hàng cau tươi, cau khô nức tiếng một thời đã chuyển thành những cửa hàng bán quần áo, giày dép, thực phẩm...
Do nằm gần hồ Gươm, các ngành kinh doanh phục vụ du lịch đã bùng nổ mạnh mẽ trên phố Hàng Bè từ thập niên 1990. Trên phố giờ đây có rất nhiều văn phòng công ty du lịch, khách sạn, phòng tranh, cửa hàng lưu niệm... phục vụ du khách quốc tế.
Một số hình ảnh khác về phố Hàng Bè.
Quốc Lê
Theo kienthuc.net.vn
Núi, biển giao hòa tạo cảnh đẹp nổi tiếng Phú Yên Bãi Xép (Phú Yên) nổi lên sau bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Dù không thơ mộng như trên màn ảnh, địa điểm này vẫn khiến du khách say lòng vì sự giao hòa của núi, biển.