Ngắm cây dầu khổng lồ “siêu độc” được đồn 800 năm tuổi
Tỉnh Trà Vinh nổi tiếng từ xưa đến nay với hàng nghìn cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng. Trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ là cây dầu cổ thụ “siêu độc”, xòe tán rộng như cây dù khổng lồ nên được người dân địa phương gọi là cây dầu dù.
Cây dầu dù cổ thụ ở đường Sơn Thông ( phường 7, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) với tán tỏa bóng mát hàng trăm mét vuông. Ông Trần Văn Tông, 58 tuổi (bán trái cây cạnh cây dầu dù) cho biết: “Nghe những cụ cao niên trong làng kể lại, cây dầu dù cổ thụ này khoảng 300 tuổi, một số người lại nói rằng phải từ 700 đến 800 tuổi. Sở dĩ người dân địa phương gọi là cây dầu dù vì tán xòe ra rộng nhìn giống cây dù khổng lồ chứ thật ra đây là giống cây dầu rái”.
Theo ông Tông, trước đây khu đất này của một người dân địa phương canh tác nhưng có cây dầu dù nghe nói linh thiêng nên người này chuyển nhượng lại cho ông Thái Huy Khanh (ngụ TP Trà Vinh). Suốt mấy chục năm qua, ông Khanh cũng không canh tác mà để khu đất cho cây dầu dù phát triển tự nhiên, rễ ăn lan ra bãi đất xung quanh.
Thân cây mấy người ôm không hết.
Những cụ cao niên ở địa phương cho rằng, cây dầu dù cổ thụ này sống qua mấy thế kỷ gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Trà Vinh nói chung và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trước đây, khi chưa mở đường Sơn Thông, con đường dẫn vào cây dầu dù bằng đất rất ít người lui tới. Cây dầu dù rất linh thiêng nên người dân đã xây dựng miếu thờ ông Tà (ông Địa) để ngày ngày đến thắp nhang khấn vái cầu mong cho gia đình được may mắn, sức khỏe, an lành.
Rễ cây ăn rộng ra xung quanh, trồi lên mặt đất như những con trăn khổng lồ
Thân cây có hình dáng rất kỳ lạ
Video đang HOT
Ông Thạch Văn Việt, ngụ phường 7 (TP Trà Vinh) cho biết: “Cây dầu dù này không chỉ hình dáng kỳ lạ mà ngay thớ gỗ cũng xoắn lại như sợi dây, khác nhiều so với gỗ những loại cây khác. Chính những thớ gỗ kỳ lạ này khiến nhiều cành cây già vẫn còn bám trên thân cây mà không bị mục, rơi xuống đất. Mấy chục năm qua, người dân luôn ra sức bảo vệ cây dầu dù này và xem như báo vật của địa phương. Hàng ngày, nhiều người đến ngồi dưới gốc cây hóng mát, thắp nhang ở ngôi miếu kế bên và xung quanh rễ cây chứ không ai phá hoại thân cây”.
Bên gốc cây, người dân xây dựng miếu thờ
Bộ rễ “khủng” gồ ghề lạ mắt.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng Tổng hợp phụ trách cây xanh (Công ty TNHH MTV công trình đô thị Trà Vinh) cho biết: “Ở TP Trà Vinh có 15.000 cây xanh, trong đó gần 1.000 cây trên 100 năm tuổi, 10 cây trên 200 năm tuổi. Đặc biệt là cây dầu cổ thụ ở đường Sơn Thông với tán vươn rộng như cây dù nên người dân gọi là cây dầu dù.
Cây xanh ở TP Trà Vinh có chế độ cắt tỉa, chăm sóc, bón phân rất cẩn thận. Hầu hết các công trình xây dựng đều phải “né” cây, để bứng một cây còn sống phải có chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh nên hệ thống cây cổ thụ được giữ hầu như còn nguyên vẹn”.
Thân cây có nhiều nhánh vươn rộng ra các hướng, thớ gỗ vặn xoắn rất lạ.
Lá cây xanh tốt, tán vươn rộng ra xung quanh.
Hiện tại, hầu như ngày nào cũng có khách du lịch, người dân từ xứ khác đến tham quan cây dầu dù “siêu độc” này.
Minh Giang
Theo Dantri
Chuyện ly kỳ quanh "cụ bún" 300 năm tuổi có 1 không 2 ở Hà Nội
"Cụ" cây bún này tọa lạc ngay số 183 đường Đình Thôn, khu phố Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Cây có 2 nhánh, 1 nhánh to ngả hướng Đông Bắc có đường kính khoảng hơn 1m, nhánh ngả sang hướng Tây Nam có đường kính nhỏ hơn.
Cây cổ thụ có tên rất lạ-bún, ước khoảng gần 300 năm tuổi duy nhất ở Hà Nội có chiều cao gần 30m và đang thời kỳ ra hoa mãn khai nhất và toàn bộ tán cây vàng rực khiến nhiều người hiếu kỳ.
Bà Hoàng Thị Hiền, (70 tuổi) người dân bán hàng ở ngay cạnh gốc bún cho hay, thời bà còn bé thì đã có cây bún này rồi. Ngay các cụ cao niên trong làng Đình Thôn cũng không biết cây bún có từ bao giờ, chỉ biết từ hồi các cụ để chỏm thì cây bún đã to lắm rồi.
Về tên cây bún, nhiều người dân trong làng Đình Thôn cho rằng, sở dĩ có tên như vậy thì chùm hoa bún có 2 màu, có chùm mới bung màu trắng, cánh hoa hình 1 con bún lá, có chùm bung màu vàng rực. Nhưng theo bà Hiền, thời bé, bà thường nghe các cụ cao niên kể rằng, sở dĩ gọi tên là bún vì ngày xưa khi đói kém người dân hay cúng lễ, trong đó có bún rồi mang ra gốc cây này để cho những người ăn mày khắp nơi đến tranh nhau ăn.
Theo bà Hiền và nhiều người dân Đình Thôn, cây bún là cây thiêng nên hầu như từ xưa đến nay không ai dám dám chặt, hái hoa, bẻ cành. Bởi nếu thực hiện những hành động trên thì người đó gặp điều không hay trong cuộc sống.
Ngay cả khi chỉnh trang đô thị, mở rộng đường Đình Thôn ra hướng sân vận động Quốc gia Mỹ đình thì người ta cũng nắn để đường phải uốn lượn để tránh gốc cây bún. Bà Hiền cho biết, cách đây mấy năm người ta cũng có đem máy múc đến để bứng cây nhưng không bứng được "không hiểu vì lý do gì!".
Anh Huynh-Trưởng khu phố Đình Thôn cho biết, "cụ bún" ở Đình Thôn đẹp nhất vào thời điểm từ đầu tháng 3 cho đến giữa tháng 5 hàng năm bởi lúc này toàn bộ cây vàng rực những chùm hoa. Nhìn từ xa, cây bún như 1 mâm xôi vàng đẹp mắt. Cây cũng rụng trụi lá, cành khẳng khiu như chết vào mùa đông. Tới mùa xuân từ bật lộc, ra lá và trổ hoa vào đầu mùa hè.
Rất nhiều người hiếu kỳ về Đình Thôn tìm hiểu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "cụ bún". Bà Hiền kể, thậm chí có những ông khách lạ ở tận trong Nam ra thuê nhà nghỉ dài ngày ở đây chỉ để ngắm cây bún.
Là cây cổ thụ độc nhất vô nhị ở Hà Nội có tuổi đời gần 300 năm, nên cây bún từng nhiều lần bị kẻ xấu dòm ngó nên người dân ở đây phải lập hàng rào sắt rất cao xung quanh gốc và làm lồng bảo vệ cây. Hai nhánh cây bún phía bên trong cũng được người dân dùng các thanh sắt to hàn, đan lại thành cái lồng lớn để bảo vệ.
Theo Danviet
Vụ hàng loạt cây xanh bị chặt: Người dân không được hỏi ý kiến? Người dân xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, nhiều cây cổ thụ được trồng sát mép đường, mép bờ sông không ảnh hưởng đến giao thông đi lại mà vẫn bị chính quyền xã chặt bỏ là rất vô lý. Cũng theo người dân, họ không được hỏi ý kiến về việc chặt cây như lãnh đạo xã này...