Ngắm Cần Giờ qua một lăng kính mới
Đôi khi sự mới mẻ không nằm ở một vùng đất lạ. Cũng bến sông, cũng góc biển, cũng những cánh rừng ngập mặn quen thuộc, nhưng đó là một Cần Giờ rất khác!
Trên con đường từ trung tâm Sài Gòn đến Cần Giờ, bạn sẽ được tận hưởng cái nắng giữa trưa nóng sực, nếm thử vị ngọt thanh mát lịm của một ly dừa nước ở quán cóc, hay ngẫu hứng dừng lại bên đường để ngắm nhìn một thảm hoa dại. Hoa vàng xen lẫn với lá xanh mướt, cạnh thảm cỏ và hay cánh rừng đước cũng xanh mướt.
Xuyên qua cánh rừng đước quen thuộc, qua những cây cầu xanh giống nhau như đúc, chúng tôi bắt gặp một bến nước đứng lặng trong những tán cây xanh mướt, cạnh một khoảng sông lặng và những chiếc thuyền con mưu sinh đầy màu sắc.
Chúng tôi không ghé lại biển 30/4 quen thuộc mà tiến sâu theo hướng chợ Cần Giờ, rẽ vào một con đường đầy đá sỏi, chúng tôi tìm được một góc biển đẹp khiến Cần Giờ chẳng thua kém bất kì bãi biển thơ mộng nào! Dạo bước trên bờ đê chắn sóng gần công viên Cần Giờ, chúng tôi bắt gặp một chiếc cầu tre vươn ra biển loáng nắng chiều. Khung cảnh thật tĩnh mịch và yên ả.
Trước biển chiều, cụ già chậm rãi bước trên một bờ đê không tên
Những cành lau khô cháy đu đưa trong một cơn gió vội, những cánh chuồn chuồn rập rờn như báo mưa, những đám mây như bốc cháy khi bọc phủ vầng mặt trời chói gắt. Có ai ngờ, đó chính là Cần Giờ hết sức quen thuộc.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để đến chợ Cần Giờ. Sau khi lót dạ bằng những ổ bánh mì chả cá nóng hổi, chúng tôi đi vòng ra sau chợ và phát hiện một bến thuyền nhỏ. Cuộc sống yên bình theo một nhịp điệu riêng, người thì vận chuyển đồ từ thuyền lên chợ, người thì lặng yên chờ cá cắn câu, giữa cái nắng rát bỏng vàng rực cả bến thuyền con con…
Video đang HOT
Sau khi ghé chợ, chúng tôi tự để mình đi theo những con đường đỏ rực hoa phượng của Cần Giờ, và đến với bến đò nhộn nhịp người lên xuống. Ở đây, mỗi ngày có 6 chuyến đò từ Cần Thạnh đến Thạnh An và 6 chuyến chiều ngược lại. Chuyến sớm nhất từ 6 giờ sáng và muộn nhất là 5 giờ chiều. Cũng có thể đi Vũng Tàu trên chuyến tàu lúc 8 giờ và 10 giờ sáng với giá vé 25.000 đồng/người lớn.
Trên đường về, chúng tôi không rẽ vào Đảo Khỉ, mà rẽ vào một con đường chỉ rộng hơn vòng bánh xe, tiến sâu vào rừng đước. Và phần thưởng cho sự mạo hiểm liều lĩnh của mình là một không gian yên bình chỉ có tiếng chim trên trời, tiếng vỗ nước nhẹ như không của tôm cá dưới hồ yên sóng.
Sâu tít phía trong rừng, khi xe không thể tiến thêm nữa, chúng tôi bỏ xe lại và đi bộ vào bên trong. Nơi đây có những hồ nước mênh mang. Chúng tôi gặp bác Năm Thành, một “cần thủ” lão làng. Cuối tuần nào bác cũng rong ruổi từ quận 1 xuống khắp các đầm nước ở Cần Giờ để im lặng chờ những con cá bống đục cắn câu.
Bác Năm kể, mùa cá bống đục rộ nhất tầm tháng ba khi biển lặng. Cá bống đục là đặc sản khó tìm, chỉ ở mạn Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải mùa biển lặng mà thôi. Nhưng cá bống đục lại sống quanh những khu gần biển như miệt Cần Giờ, Nhơn Trạch… Chúng tôi ngồi im lặng bên bác rất lâu, không phải vì để đếm xem bao nhiêu cá cắn câu, mà chờ những lúc bác nhẹ nhàng gỡ lưỡi câu cho những con cá nhỏ và thả chúng lại xuống đầm. Có một điều gì đó rất lạ len lỏi trong tôi.
Rời đầm, chúng tôi trở lại con đường hẹp bằng vòng bánh xe, nép mình để hai cha con cùng với mẻ sam đầy ắp, đi qua với nụ cười ngại ngùng khi họ gật đầu chào những kẻ không quen đang xâm nhập vào cuộc sống yên bình sâu trong rừng đước.
Một chuyến đi ngắn nhưng cho tôi nhiều điều mới mẻ. Tôi đã biết mở lòng để đón nhận những điều giản dị, để cảm nhận những vẻ đẹp thay vì chỉ nhìn bằng đôi mắt lướt vội và cuống cuồng đưa máy lên chụp tất cả những gì mình thấy.
Thực ra, Cần Giờ vẫn thế. Chỉ có điều tôi học được một cách để cảm nhận mọi thứ khác hơn mà thôi!
Theo iHay
Vẻ đẹp thanh bình trên xã đảo Thạnh An
Nằm tách biệt với đất liền, xã đảo Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ, TP HCM) là một điểm đến du lịch lý tưởng với phong cảnh yên bình, người dân thân thiện.
Xã đảo Thạnh An cách trung tâm thành phố hơn 70 km về phía đông và hoàn toàn tách biệt với đất liền, diện tích chủ yếu là rừng ngập mặn.
Trong xã có 3 ấp là Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng với gần 5.000 người dân sinh sống. Nghề chính của người dân là đánh bắt hải sản, nuôi hàu và làm muối.
Tuyến đường huyết mạch Rừng Sác - Cần Giờ nối với trung tâm TP. Hồ Chí Minh để xuống thị trấn Cần Thạnh.
Du khách đi tàu ra xã đảo Thạnh An. Sau khoảng 45 phút, Thạnh An đã hiện ra trước mắt.
Đặc biệt, vào tháng 4/2015 tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Thạnh An đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên đảo không ngừng được cải thiện, ấm no và ngày càng được nâng cao và diện mạo xã đảo đang thay đổi từng ngày.
Du khách đi bộ để trải nghiệm cuộc sống thanh bình và không khí trong lành trên xã đảo.
Cuộc sống thanh bình trên xã đảo.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố và huyện Cần Giờ, nhiều chương trình, dự án mang tính đặc thù đã được ưu tiên triển khai như xây dựng trường học, trạm y tế; trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao; kiên cố hóa hệ thống đê kè ven biển chống triều cường xâm thực; đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới đường liên xã, liên ấp bằng bê tông...
Mọi nhu yếu phẩm sinh hoạt của người dân Thạnh An đều được vận chuyển bằng thuyền, ghe từ đất liền ra.
Trẻ em xem triểm lãm ảnh về biển đảo.
Đê kè ven biển được kiên cố hóa chống triều cường xâm thực.
Người dân khai thác hàu trên xã đảo.
Lực lượng đồn biên phòng Thạnh An tuần tra đảm bảo an ninh biên giới vùng biển.
Bình minh trên xã đảo Thạnh An.
Theo Zing News
Những bức ảnh khiến bạn nhận ra thị trấn ven biển Cần Giờ đẹp đến ngỡ ngàng Thị trấn nhỏ này sẽ khiến bạn tạm quên đi những muộn phiền trong cuộc sống đấy! Bạn đã bao giờ trải qua một ngày cuối tuần buồn chán, muốn đi đâu đó, nhưng lại ngại nhiều nỗi như chỗ đó xa quá, hoặc...tài chính eo hẹp? Vậy thì cứ đi gần gần đây thôi, như Cần Giờ chẳng hạn. Cách Sài Gòn...