Ngắm 3 thiết bị “tiên phong” trong cuộc cách mạng âm thanh và hình ảnh
Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Các hãng sản xuất đua nhau ra sản phẩm mới theo chu kỳ từng quí, thậm chí là từng tháng. Vì thế, thật khó để tưởng tượng lại những năm giữa thế kỷ 20, khi mà mỗi khi có thiết bị điện tử mới nào được ra lò là lại nhận được sự quan tâm hưởng ứng nồng nhiệt của cả cộng đồng người dùng lẫn báo chí. Thời điểm đó là buổi bình minh, sơ khai của rất nhiều hãng điện tử, nhưng nó đã đặt những viên gạch đầu tiên làm nên một nền công nghệ số hùng mạnh như ngày nay. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số những sản phẩm nổi bật trong mảng audio và video.
JBL L100 Century ra đời vào đầu những năm 70 và sớm tạo được tiếng vang tại thị trường quê nhà Mỹ cũng như trên toàn cầu. Đây là sản phẩm nằm trong “wishlist” của rất nhiều người thuở ấy không chỉ mới âm thanh trong trẻo mà còn do nó sở hữu thiết kế thời trang, màu sắc mà rất ít loa thời ấy có được. L100 Century có màng loa 12 inch được trang trí bên ngoài bằng một tấm lưới dạng xốp trong hệt như một miếng bánh quế hấp dẫn. Bộ loa đến từ JBL này chuyên trị rock, và rock&roll, là các thể loại rất được người dân Mỹ ưa chuộng vào thời điểm đó. Thử nghe lại các album của Hendrix và Led Zeppelin trên L100 Century cho một cảm giác phấn khích thật khó tả, mà không một dàn loa hiện đại nào ngày nay tái hiện được.
Ngày nay JBL đã mở rộng ngành nghề sang cả mảng âm thanh sân khấu, và hệ thống loa cho xe hơi chứ không quá tập trung về loa dân dụng như trước. Kể cả những dàn loa dành cho giới audiophile của hãng cũng có giá không hề rẻ chút nào, và chắc chỉ có những người thật đam mê âm thanh mới dám bỏ tiền ra tậu về. L100 Century sau này được thay thế bằng JBL 4312 E, và chủ yếu được phân phối tại thị trường Nhật Bản.
TV Sony KV-1310 Trinitron
Chiếc TV này được bán ra lần đầu là vào năm 1968 tại Mỹ. Nếu bạn chưa biết, thời điểm đó, Sony chưa phải là một ông lớn như bây giờ, ít nhất là trong mảng sản xuất TV, mà phải mất đến một thập kỷ sau để cái tên Sony nằm trong bộ nhớ của nhiều người Mỹ. Đạt được thành công đó, không thể không kể đến công lao không nhỏ của dòng Trinitron, vốn được sản xuất cho tới tận năm 2007. Không chỉ có doanh số bán hàng kỉ lục, Trinitron còn được lưu danh trong lịch sử nhờ vào thành tích giúp Sony chiến thắng trong hạng mục về Công nghệ tại lễ trao giải Emmy Award năm 1973. Mặc dù có giá bán không hề rẻ so với các đối thủ cạnh tranh nhưng dòng Trinitron vẫn bán rất chạy, đơn giản bởi trong tâm trí nhiều người thời ấy, Sony là hình mẫu chuẩn mực về TV.
Sony làm ra những chiếc TV chất lượng, nhưng người đi tiên phong trong lĩnh vực TV màu lại là RCA (Radio Corporation of America) với mẫu CT-100 vào năm 1954. Truyền hình thời đó chủ yếu là đen-trắng, những vùng có truyền hình màu rất hạn chế. Đến cuối những năm 50, chỉ có duy nhất 35 thành phố trên khắp nước Mỹ được phủ sóng để có thể dùng được TV màu. Vì vậy, RCA rất muốn bán công nghệ TV màu cho các hãng khác, vừa để tăng thêm thu nhập, vừa là để thúc đẩy sự phát triển của truyền hình màu. Sau này, RCA kinh doanh dần lụi bại và phải đóng cửa vào năm 1986, trong khi đó, người khổng lồ đến từ Nhật Bản vẫn tiếp tục ăn nên làm ra, chỉ chỉ thực sự gặp khó khăn trong một vài năm gần đây mà thôi.
Tai nghe Sennheiser HD414
Video đang HOT
Những người mê âm thanh ở Việt Nam chắc chắn không còn lạ lẫm gì với tên tuổi của Sennheiser. Tuy vậy, nếu chỉ nghe tới HD414, chắc không ít khách hàng sẽ nhầm lẫn đây là một mẫu headphone đời mới, vẫn đang sẵn hàng của hãng âm thanh Đức. Thực tế thì sản phẩm này đã ra đời từ năm 1968, và là một trong những tai nghe mang tính đột phá vào thời bấy giờ. Quay trở lại thời điểm cách đây hơn 40 năm, nhắc đến headphone là người ta nghĩ đến những thiết bị to lớn kềnh càng, với thiết kế thô kệch, và dĩ nhiên là thuộc kiểu closed-back.
Sennheiser HD414 đã mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho người yêu nhạc khi đó. Headphone này sở hữu thiết kế đẹp, nhỏ gọn, với earcup màu vàng nổi bật. Vì là loại open-back nên trải nghiệm âm thanh mà nó mang lại cũng hoàn toàn khác biệt. Như bạn thấy, rất nhiều headphone dòng high-end hiện này đều là kiểu open, tuy không cách âm tốt như loại closed, nhưng xét về độ thoải mái cũng như khả năng tái tạo âm thanh trung thực thì đều vượt trội. Tính đến khi được cho về “nghỉ hưu”, Sennheiser đã bán được tổng cộng hơn 10 triệu chiếc HD414, một con số kỉ lục mà khó một tai nghe hiện đại nào ngày này có thể xô đổ được.
Theo Genk
Sennheiser Momentum: Chỉ dành cho các đại gia
Kể từ khi hội chợ điện tử tiêu dùng CES 2012 tổ chức vào đầu năm nay diễn ra tại Mỹ, rất đông những người hâm mộ Sennheiser đã chú ý tới chiếc tai nghe được quảng cáo tại hội chợ này, Momentum. Sở hữu dáng vẻ phảng phất nét cổ điển và đậm chất thượng lưu, Momentum bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ những người đam mê âm thanh, mà còn cả từ "giới nhà giàu".
Cũng tại CES 2012, hãng tai nghe CHLB Đức cũng đem HD700 tới. Đây là một trong những cố gắng "pha trộn" chất âm của hai chiếc tai nghe dòng audiophile HD650 và HD800 của Sennheiser, nhưng không được giới chuyên môn đánh giá cao. Vậy, với cái giá 350 USD, tầm giá gần bằng với HD600, và ngang ngửa một chiếc HD650 dạng đã qua sử dụng tại Việt Nam, Momentum đem lại cho chúng ta những gì, nếu bỏ qua vẻ ngoài đắt giá? Hãy cùng GenK khám phá ngay trong bài cảm nhận chi tiết chiếc tai nghe này.
Đẳng cấp
Thú thực thì đây là từ duy nhất hiện lên trong đầu tôi khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng chiếc tai nghe này ngoài đời thực. Bỏ qua những lần tìm kiếm hình ảnh để xem cho... đã mắt trên Google, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước chất lượng phần cứng, hay nói đúng hơn là bề ngoài của Momentum. Khung sườn bằng thép không gỉ sáng bóng, bọc bằng phần đệm bọc da thật với độ dày vừa đủ. Hai earcup tuy làm bằng nhựa nhám nhưng cảm giác không hề ọp ẹp, chưa kể logo Sennheiser được gia công bằng chất liệu tương tự bộ khung và được đặt chính giữa earcup đã góp phần tạo cho Momentum bộ cánh ton sur ton khá "chất". Chính phần logo này cũng là nút khóa giúp người sử dụng điều chỉnh vị trí hai loa sao cho vừa vặn với đầu mình nhất.
Vì chỉ sở hữu khung đơn bằng thép, nên một phần dây nối tín hiệu giữa 2 tai được thiết kế "lộ thiên". Điều này khiến cho tính cổ điển của Momentum càng được nâng lên. Tôi hoàn toàn có thể liên tưởng Momentum là phiên bản "thượng lưu" của HD25, một trong những mẫu portable headphone từng làm mưa làm gió trên thị trường (ít nhất là cho đến khi Amperior, phiên bản HD25 với vỏ thép thay cho vỏ nhựa xuất hiện).
Không giống như nhiều mẫu tai nghe khác của Sennheiser, Momentum đi kèm hộp đựng vô cùng đơn giản nhưng vẫn trang nhã. Bên trong hộp đựng có phần đồ sộ, là... một chiếc hộp khác, hardcase đi kèm của Momentum, cho phép bạn đem tai nghe đi khắp mọi nơi. Phụ kiện đi kèm tai nghe cũng không có nhiều, bên cạnh cáp nối với jack audio 3,5 mm tích hợp headset cho các thiết bị iDevice của Apple (với đầu jack có thể xoay 90 độ), là 1 cáp nối khác không kèm headset, và một đầu chuyển từ 3,5 sang 6,3 mm. Một điều khiến tôi khá băn khoăn, đó là với cái giá không hề rẻ như vậy, mà nhà sản xuất lại quên đi việc mạ vàng đầu jack cắm.
Ngắm nghía chán chê, tôi chỉnh độ rộng của khung và đeo chiếc lai nghe này lên đầu. Khá bất ngờ, tuy sở hữu dáng vẻ khá bé (nhìn ảnh trên mạng cứ nghĩ là nó phải to lớn đồ sộ lắm), nhưng đệm tai vẫn thuộc dạng circumaural, nghĩa là ôm trọn phần xung quanh vành tai thay vì đè trực tiếp lên vành tai (supra aural), gây đau hoặc khó chịu nếu nghe trong thời gian dài. Có lẽ cái giá 7 triệu của Momentum được Sennheiser "hét" một phần do earpad bằng da thật, do Pittards, một công ty chuyên về da thuộc tại Somerset, vương quốc Anh cung cấp. Đệm da đeo rất mát mẻ, góp phần tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng.
Nói dông dài như vậy mới chỉ mô tả được "nước sơn" của Momentum. Còn phần quan trọng nhất, phần "gỗ", cụ thể hơn là chất âm của chiếc tai nghe này ra sao? Hãy cùng tôi tiếp tục khám phá.
Âm thanh có thể tạm chấp nhận
Hãy bắt đầu bằng một cái gì đó có vẻ "classy" và hợp với vẻ ngoài chiếc tai nghe. Bản flac "When A Man Loves A Woman" do giọng ca Judith Nijland trình bày được bật lên. Tiếng piano cất lên khá trong trẻo, nhưng vẫn bộc lộ chất âm tối vốn có, đặc điểm chung của đa số tai nghe Sennheiser. Tiếng hát của nữ danh ca người Hà Lan vẫn đầy tình cảm, nhưng cái tôi đang đi tìm, tiếng contrabass bập bùng ở phía sau thì hình như đã "rơi" đâu mất. Tự nghĩ rằng mình hơi quá khắt khe khi đang dùng một chiếc tai nghe có dải bass và mid dày, chuyển qua Momentum chưa quen, tôi chờ bản nhạc kết thúc và chuyển qua bài hát thứ 2, "Can't Hold Us Down" của Christina Aguilera, chất lượng 320 kbps.
Các bạn nếu đã từng đọc những bài review tai nghe trước đây sẽ nhận ra ngay bản nhạc này vì nó chính là "công cụ" thử nghiệm dải mid và bass của những chiếc tai nghe. Cảm giác vẫn không khác nhiều. Nhịp beat vẫn gọn gàng, nhưng hầu như không cảm thấy lực. Chất âm tối cộng thêm dải bass bị chìm đã khiến mid trở thành dải âm trội lên hẳn so với hai dải âm còn lại, mặc dù treble vẫn tương đối chi tiết (nhưng đã cảm nhận được có phần hơi khô).
Tiếp tục sẽ là một bản nhạc Việt. Nhạc phẩm "Còn ta với nồng nàn" (chất lượng 320 kbps) của Quang Dũng được trình diễn trên Momentum. Nếu như việc thiếu bass khiến cho hai bản nhạc phía trên thiếu đi cái chất cần có, thì dải mid và treble trội lại khiến bản nhạc Việt này trở nên dễ nghe hơn rất nhiều. Chất giọng của danh ca 37 tuổi được thể hiện rất tốt trên chiếc tai nghe của chúng ta. Tiếng violon réo rắt nhưng không hề chói, nhờ vào dải mid dày.
Bình dân đi một chút, bản nhạc tiếp theo được lựa chọn là bản flac "Carry You Home" của James Blunt. Bản nhạc không chứa nhiều yếu tố bass, hợp lý để thử nghiệm đầy đủ khả năng của Momentum. Nhạc phẩm của giọng ca người Anh, giống như "Còn ta với nồng nàn" ở trên, cũng được trình diễn với chất lượng khó có thể tìm ra điểm chê trách.
Kết thúc phần kiểm tra âm thanh, là bước mà lẽ ra tôi phải làm ngay từ đầu, chứ không phải để đến cuối. Album Stax Audio được bật lên để kiểm tra sound stage, khả năng trình diễn âm trường xa gần của tai nghe. Kết quả thu được khá giống với lần tôi thử nghiệm Sennheiser HD-25 1 II. Âm thanh khi các nhạc công và chuyên gia nói chuyện hay chơi nhạc xung quanh microphone được diễn tả khá rõ ràng, và không hề có hiện tượng âm trường giả như một số mẫu tai nghe tôi đã có cơ hội thử qua.
Tóm lại, có thể kết luận rằng chất âm của Momentum dừng lại ở mức khá - tốt. Những người muốn thưởng thức âm nhạc với độ chi tiết cao và không quá đặt nặng vấn đề dải bass sẽ cảm thấy chiếc tai nghe có chất âm khá ưng ý. Tuy nhiên với tôi, một người đã trót "yêu" HD650 thì Momentum chỉ đạt mức khá.
Trải nghiệm di động
Tôi có cảm giác Sennheiser đã quá tham vọng khi tạo ra Momentum, nơi dáng vẻ, chất âm và cả nhu cầu liên lạc mọi lúc mọi nơi được tập hợp. Chất lượng thoại khi thử nghiệm Momentum với iPhone 4 rất khả quan. Microphone tích hợp làm việc hiệu quả và hầu như không có tạp âm trong cả 2 thao tác nghe và gọi. Tuy nhiên headset tích hợp này chỉ chắc chắn làm việc hiệu quả trên các thiết bị của Apple. Thử cắm Momentum vào một chiếc điện thoại sử dụng HĐH Android, HTC Desire X, điện thoại không nhận headset, và xuất âm thanh ra cả loa ngoài lẫn tai nghe. Tuy nhiên khi thay cáp nối từ headset tích hợp sang cáp thuần audio, mọi chuyện lại trở về như cũ. Trong khi đó trên HTC Windows Phone 8X, headset làm việc cũng tương đối trơn tru và chưa gặp bất kỳ trường hợp nào ngoài ý muốn.
Với giá 7,6 triệu Đồng, giá niêm yết tại cửa hàng SenShop, cộng với những gì đã thể hiện, thì Momentum sẽ nằm cố định ở phân khúc dành cho người tiêu dùng có thu nhập cao, với nhu cầu âm nhạc không quá khắt khe như các audiophile cũng như có nhu cầu liên lạc mọi lúc mọi nơi. Tóm tắt lại, Momentum của Sennheiser vẫn xứng đáng trở thành một biểu tượng thời trang cho giới thượng lưu.
Theo Genk
Điểm danh 5 loại headphone nhỏ gọn nhất hiện nay Headphone luôn là người bạn đồng hành tốt nhất dành cho những người đam mê âm nhạc, họ thường đeo chúng từ khi thức giấc đến khi chìm vào giấc ngủ. Cũng vì thế, những mẫu headphone phải bảo đảm cho người sử dụng cảm thấy thoải mái sau hàng giờ gắn chặt với chúng. Những yếu tố để đánh giá về một...