Ngải cứu có thể gây trúng độc
Dùng ngải cứu có bị tác dụng phụ? Người có cơ địa thế nào không nên dùng ngải cứu?
Ngải cứu có thể gây trúng độc
Hỏi: Tôi đọc trên một tờ báo thấy nói, lá ngải cứu có tác dụng phòng ngừa cảm cúm do nhiễm lạnh rất tốt. Mùa đông vừa qua, có lần tôi đã ra vườn hái một nắm to ngải cứu, mang về nấu nước uống. Tôi định uống liền 3 – 5 ngày, nhưng đến ngày thứ hai thì phải ngừng, vì thấy bụng rất khó chịu, buồn nôn, chân tay bải hoải và rất mệt,… Đề nghị các bạn thông tin cho biết: Có đúng ngải cứu có tác dụng phòng cảm cúm? Dùng ngải cứu có bị tác dụng phụ? Người có cơ địa thế nào không nên dùng ngải cứu?
(Trần Thanh Bình, Tây Hồ, Hà Nội)
Đáp: Ngải cứu là cây thuốc vườn nhà rất giàu dược tính. Có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều bệnh, nhất là các chứng bệnh phụ khoa. “Danh y biệt lục” – bộ sách thuốc đầu tiên có những ghi chép về tác dụng chữa bệnh của ngải cứu đã đặt tên ngải cứu là “y thảo”, nghĩa là thứ cỏ chuyên dùng trong y học.
Theo Đông y, ngải diệp có vị đắng, cay, tính ấm, hơi có độc, đi vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận. Có công năng tán hàn chỉ thống, ôn kinh chỉ huyết, an thai, khứ thấp chỉ dương, tịch uế sát trùng.
Liều dùng: Sắc uống từ 3-10g. Trường hợp đặc biệt (tùy theo bệnh tình và cơ địa) có thể sử dụng tới 20g (cần có ý kiến của thầy thuốc). Dùng ngoài: Lượng tùy theo yêu cầu, giã đắp, bó, rửa và dùng làm ngải nhung trong khoa châm cứu. Khi dùng để cầm máu, sao cháy thành than, thường sao với giấm.
Người bị chứng huyết áp cao thì không nên dùng ngải cứu.
Lưu ý: Trong các sách thuốc vài chục năm trước tại Trung Quốc, thường ghi liều dùng từ 6-12g, nhưng sách thuốc gần đây ghi liều dùng chỉ từ 3-10g, do có nhiều thông báo về các ca ngộ độc ngải cứu.
Nghi kỵ: Thích hợp với các chứng hàn, người thể tạng “âm hư huyết nhiệt” (theo cách phân loại chứng hậu của Đông y) sử dụng phải cẩn thận.
Nói chung, đối với những phụ nữ cơ thể suy yếu, kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng, thích chườm ấm, sắc diện tím tái,… thuộc “hư hàn”, ngải diệp có tác dụng trị liệu rất tốt. Nhưng người có nội nhiệt, cao huyết áp thì không nên dùng.
Ngải diệp là vị thuốc rất thông dụng, lại được nhiều người sử dụng như một loại rau. Do đó ít người chú ý đến độc tính và người tiêu dùng bình thường nói chung không biết rằng, đó là vị thuốc “hữu tiểu độc” (hơi có độc, độ độc thấp); không được sử dụng quá liều và dài ngày.
Bình thường, nếu là lá ngải cứu khô, nói chung chỉ nên sử dụng uống với liều từ 3-5g, nếu là ngải cứu tươi chỉ dùng 9-15g. Để phòng ngừa cảm cúm mùa lạnh, có thể dùng một nắm con ngải cứu tươi (khoảng 9-10g), sắc nước uống trong ngày. Theo kết quả nghiên cứu gần đây: Chỉ cần uống 1-2 tuần một lần như vậy, đã có tác dụng phòng ngừa tốt.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, liều độc LD50 của dầu ngải diệp thụt vào dạ dày chuột nhắt là 2,47ml/kg, tiêm ổ bụng là 1,12ml/kg; của nước sắc ngải diệp tiêm ổ bụng là 23g/kg.
Trên thực tế, khi dùng uống trong, nói chung dùng khoảng 3-5g (khô) là tốt. Tối đa cũng không dùng quá 10g (khô). Dùng 20-30g đã có thể dẫn tới trúng độc. Một số thông báo khoa học cho biết: Một vài trường hợp dùng khoảng 100g sắc uống, đã dẫn tới tử vong.
Tinh dầu trong ngải diệp là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần có độc tính trong ngải cứu. Dùng ngoài, có thể làm cho niêm mạc da bị nóng rát, đỏ ửng. Dùng uống trong với liều khoảng 3-5g có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, ăn ngon miệng hơn. Nhưng dùng liều cao có thể dẫn tới phản tác dụng hoặc bị trúng độc.
Biểu hiện: Ban đầu, miệng và họng bị kích thích nhẹ, họng người bệnh có cảm giác khô, khát. Sau khi dùng thuốc khoảng nửa giờ, xuất hiện cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị; đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn… do dạ dày, ruột bị viên cấp tính. Sau vài ngày, khi dược chất đi vào gan, có thể gây rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da; gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria),… Dược chất của ngải cứu cũng có thể gây tổn hại huyết quản và thành các vi huyết quản, dẫn tới xung huyết và xuất huyết tử cung, khiến cho thai phụ bị sảy thai,…
Video đang HOT
Độc tính của ngải diệp tác động rõ nhất đối với thần kinh trung ương. Với liều điều trị, ngải diệp có tác dụng gây hưng phấn vỏ não và tổ chức hạ bì. Nhưng khi dùng liều quá cao, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt. Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh,…
Cách xử lý: Cần đặt bệnh nhân nằm trong phòng tối. Tránh mọi kích thích. Trường hợp nặng, cần tiến hành xử lý tại bệnh viện: Khi co giật nhiều cho hít ê-te, dùng các loại barbital… Khi hết co giật, dùng dung dịch thuốc tím rửa dạ dày. Cho uống than hoạt tính để hút chất độc. Truyền dịch và điều trị triệu chứng…
Tóm lại:
1. Khi sử dụng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi). Chỉ nên sử dụng theo từng đợt, khỏi bệnh thì nghỉ.
2. Đối với những chị em cần dùng món “trứng gà ngải cứu” để tẩm bổ hoặc để an thai,… chỉ nên dùng 3-5 ngọn nhỏ (9-15g tươi), tránh dùng quá liều. Cần bỏ thói quen xin nhà hàng cho thêm ngải cứu.
3. Người bình thường, không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu, như một thứ nước uống thường xuyên, giống như nước trà.
Cỏ râu mèo chữa sỏi tiết niệu
Hỏi: Tôi bị sỏi thận đã nhiều năm, đã tán sỏi nhưng vẫn tái phát. Năm ngoái tôi đã dùng thử thuốc viên kim tiền thảo vẫn quảng cáo trên ti-vi nhưng uống vào người mệt lả, không thể uống tiếp. Gần đây, tôi nghe một số người nói, hái cành lá cây râu mèo sắc uống thay trà cũng chữa được sỏi thận. Tôi rất muốn dùng thử nhưng chưa rõ tác dụng của cây này. Mong các bạn giúp cho lời khuyên.
(Trần Văn Giáp, Ba Vì, Hà Nội)
Cây râu mèo
Đáp: Cây râu mèo còn có tên là “cây bông bạc”. “miêu tu thảo”, “miêu tu công”, “thận trà”… Tên khoa học là Orthisiphon stamineus Benth; Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Râu mèo là loại cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao 0,3m đến 1m. Thân cây có cạnh vuông, màu nâu tím, mang nhiều cành.
Lá mọc đối, cặp lá trước mọc thành chữ thập đối với cặp lá sau. Cuống lá rất ngắn, chừng 2-5mm.
Cụm hoa tận cùng thẳng, mọc thành chùm. Hoa nở suốt mùa hè. Màu hoa lúc non thì trắng, sau ngả màu xanh tím. Nhị và nhụy của hoa mọc thò ra ngoài, nom giống râu con mèo. Nên cây có tên là “râu mèo”.
Ở nước ta, cây mọc hoang rải rác ở nhiều nơi, cũng có mọc hoang khá nhiều ở Ba Vì, nơi bạn sinh sống . Thu hái râu mèo để làm thuốc khi cây chưa có hoa: Cắt cả cây, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, có khi chỉ dùng lá và búp.
Theo Đông y, cỏ râu mèo có vị ngọt nhạt hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, bài thạch lợi tiểu. Dùng chữa viêm thận cấp tính và mạn tính; Viêm bàng quang; Sỏi tiết niệu; Viêm khớp do phong thấp.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại: Nước sắc hay nước hãm lá râu mèo có tác dụng tăng lượng nước tiểu, đồng thời tăng cả lượng clorua, lượng urê và lượng axit uric. Hoạt chất trong cỏ râu mèo có tác dụng giữ cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó có thể phòng ngừa sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận. Nước sắc cỏ râu mèo còn có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat (Oxalat hàm lượng cao trong nước tiểu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận).
Như vậy, theo kinh nghiệm của Y học cổ truyền, cũng như kết quả nghiên cứu hiện đại, có thể sử dụng cỏ râu mèo để chữa sỏi thận. Trong điều kiện gia đình có thể sử dụng theo một số cách sau:
- Dùng 5-6g cỏ râu mèo khô, hãm với nửa lít nước sôi như hãm trà. Chia 2 lần uống trong ngày, trước khi ăn cơm 15-30 phút. Uống nóng; uống liên tục 8 ngày, nghỉ 2-4 ngày, lại uống tiếp đợt khác.
- Dùng Cỏ râu mèo, chó đẻ răng cưa, thài lài, mỗi vị 30g, sắc uống trong ngày.
- Cỏ râu mèo 40g, thài lài trắng 30g, Sắc lấy nước, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch, chia lần uống trong ngày. Uống theo từng đợt 5 – 7 ngày.
Thuốc nam chữa sốt tinh hồng nhiệt
Hỏi: Tôi nghe nói, khi trẻ bị bệnh Tinh hồng nhiệt phải dùng kháng sinh để chữa. Nhưng tôi rất muốn biết: Bệnh này có chữa bằng thuốc Nam? Nếu được xin được hướng dẫn cách dùng cụ thể
(Lê Thị Tuyết, Đan Phượng, Hà Nội)
Thuốc nam chữa sốt tinh hồng nhiệt
Đáp: Tinh hồng nhiệt (scarlet fever) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, do liên cầu khuẩn tan máu gây nên. Thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2 đến 10 tuổi. Con trai bị mắc bệnh nhiều hơn con gái.
Bệnh phát nhanh và đột ngột. Triệu chứng chủ yếu: bỗng nhiên sốt cao, sợ rét, họng đau hoặc khó nuốt, người khó chịu, buồn nôn. Nhìn vào họng thấy tấy đỏ. Hạch a-mi-đan sung huyết, với những điểm vàng nhạt, rỉ nước. Trên vòm họng và niêm mạc miệng có thể xuất hiện những chấm đỏ tía hoặc những điểm xuất huyết nhỏ li ti.
Sau khoảng một ngày thì bắt đầu phát ban. Khoảng một ngày sau lan ra toàn thân. Da mặt đỏ ửng giống như vừa bị tát (dấu hiệu Trousscau) nhưng không có nốt ban. Có quầng trắng nhợt chung quanh miệng (dấu hiệu Filatov). Sau khi phát ban 2-3 ngày, sốt bắt đầu giảm dần. Sau khoảng một tuần, da ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và đùi bong ra từng mảng. Tới ngày thứ 6-7, thì trở lại bình thường.
Sốt tinh hồng nhiệt trong Đông y gọi là “đan sa”, “dịch sa” hoặc “lạn hầu sa”. “Sa” chỉ loại bệnh cấp tính; “đan” là son, vì da đỏ như son; Còn “lạn hầu” có nghĩa là yết hầu bị viêm loét.
Để chữa trị, Đông y thường căn cứ vào những biểu hiện cụ thể mà sử dụng một số bài thuốc sau:
Bài thuốc 1:
- Tang cúc ẩm gia vị: Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 12g, bạc hà 5g, xuyên tâm liên 5g, cát căn (củ sắn dây) 10g, cát cánh 9g, hạnh nhân 9g, lá tre 12g, cam thảo 3g.
Sắc với 800ml nước, đun cạn còn 400ml, chia ra 4 lần uống trong ngày, vào sáng, trưa, chiều, tối; lúc đói bụng.
- Tác dụng: Giải cảm, sát khuẩn, điều hòa chức năng hô hấp.
Thích hợp với trường hợp bệnh mới phát, bệnh tà (vi khuẩn) mới xâm phạm vào đường hô hấp trên. Với những biểu hiện: Phát sốt sợ rét, miệng khát, đầu đau, không mồ hôi, ho, họng đau, khó nuốt, a-mi-đan (amygdala) sưng thũng, tấy đỏ, da ửng hồng, có những nốt chẩn đỏ ẩn hiện lờ mờ ở dưới da. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác (nổi, nhanh).
Bài thuốc 2:
- Thanh doanh thang gia giảm: Sinh thạch cao (thạch cao chưa nung) 20g, xuyên tâm liên 5g, chi tử (dành dành) 10g, kim ngân hoa 10g, đại thanh diệp (cành lá cây bọ mẩy), còn gọi là “bọ nẹt” 10g, sinh địa 10g, huyền sâm 10g, xạ can (rễ hoặc lá rẻ quạt) 6g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 10g, lá tre 12g, cam thảo 6g.
Sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml, chia ra 4 lần uống trong ngày, vào sáng, trưa, chiều, tối.
- Tác dụng: Lương huyết (mát máu), giải độc.
Dùng trong trường hợp bệnh tà đã vào sâu, tổn thương khí huyết. Với những biểu hiện: Sốt cao, mặt đỏ bừng, miệng khát, họng viêm loét sưng đau, ban chẩn mọc đầy, nốt chẩn đỏ như son. Chất lưỡi đỏ, gai lưỡi trồi lên giống như trái dâu rượu (Đông y gọi là “dương mai thiệt”) ; mạch sắc hữu lực (nhanh, mạnh).
Bài thuốc 3 :
- Thanh khai tức phong thang: Sinh địa 15g, xuyên tâm liên 8g, mạch môn đông 10g, đại thanh diệp (bọ mẩy) 15g, bản lam căn (rễ cây chàm mèo) 15g, hoàng liên 6g, liên kiều 15g, xương bồ 6g, uất kim 10g, câu đằng 12g, bạch cương tàm 10g, cam thảo 6g.
Sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml, chia ra 4 lần uống trong ngày, vào sáng, trưa, chiều, tối. Riêng câu đằng cho vào sau – trước khi bắc thuốc ra khoảng 10 phút.
- Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tức phong (chống co giật).
Có thể áp dụng cho trường hợp tinh hồng nhiệt thể ác tính. Với những biểu hiện: Sốt cao liên tục không lui, chẩn mọc dầy đặc, sắc đỏ tía, họng viêm tấy đỏ lở loét, khó thở, hơi thở hôi khác thường, ngủ nhiều hoặc nói sàm, chân tay co giật, thậm chí hôn mê; chất lưỡi khô tím, gai lưỡi trồi lên; mạch huyền tế sác (căng, nhỏ, nhanh).
Theo Eva
Ăn thường xuyên trứng gà ngải cứu có tốt?
Tôi mới sinh con đầu lòng, ngày nào mẹ tôi cũng ép ăn trứng gà xào ngải cứu, vì cho rằng rất tốt cho sức khỏe bà mẹ sau sinh. Tôi đã ăn liên tục như vậy 2 tháng. Vậy xin quý báo cho biết tôi có nên tiếp tục ăn như thế không?
Trả lời:
Cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) thuộc họ cúc, thường mọc hoang, nhưng nay đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi vì công dụng y học của nó. Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu...
Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, trị bệnh nội thương ngoại cảm, trị bệnh giun, chữa đau bụng, kinh nguyệt không đều, còn được dùng để băng bó sai khớp... Tinh dầu ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn. Vì vậy, ngải cứu vừa là loại cây thuốc chữa bệnh, vừa có thể chế biến những món ăn ngon và bổ.
Ngải cứu vừa là loại cây thuốc chữa bệnh, vừa có thể chế biến những món ăn ngon và bổ. (nguồn ảnh: internet)
Trứng gà vị mặn tính lạnh, làm yên 5 tạng, bổ khí huyết, mát cổ họng, an thai, trị ho hen, kiết lỵ, động thai, bổ dưỡng làm sinh đẻ dễ dàng. Lòng đỏ trứng gà có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh: tâm, tì, vị, có tác dụng dưỡng âm, minh tâm, vỗ tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư,...
Trứng gà ngải cứu cũng là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe. Có thể dùng 1 - 2 quả trứng/ngày xào ngải cứu ăn lúc còn nóng. Tuy nhiên nếu ăn nhiều trứng quá cũng không tốt, càng không nên ăn ngày này qua ngày khác.
Mặc dù là món ăn bổ dưỡng nhưng không phải ai ăn cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe ví dụ như những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế ăn trứng. Những người ốm dậy, thể trạng còn yếu, người già, phụ nữ sau sinh nếu không có bệnh như nói trên thì nên ăn cách ngày một quả trứng là tốt nhất. Bên cạnh đó, phải ăn thêm các loại thực phẩm khác như cá, thịt, trái cây... sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Tốt nhất nên ăn cách ngày hoặc 7 - 10 ngày là một liệu trình.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
5 loại thực phẩm cho hơi thở thơm tho 1. Rau mùi tây: Rau này tốt hơn các loại rau khác trong việc vô hiệu hóa mùi khó chịu từ miệng, trong đó có mùi khói thuốc lá. Nhưng nếu bạn không tìm được rau mùi tây, có thể dùng bạc hà, ngải cứu, mê diệt hay khuynh diệp để thay thế. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần nhai các...