Ngạc nhiên xe bọc thép của Binh chủng Hóa học Việt Nam
Binh chủng Hóa học Việt Nam cũng được trang bị nhiều phương tiện xe chiến đấu mạnh mẽ, trong đó có dòng xe bọc thép BRDM-2.
Binh chủng Hóa học- trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam là một binh chủng chuyên môn kỹ thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có chức năng bảo đảm hóa học cho tác chiến, làm nòng cốt trong việc phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, ngụy trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Quân đội, nghi binh đánh lừa địch bằng màn khói. Bộ đội Hóa học còn có thể trực tiếp chiến đấu bằng vũ khí bộ binh và súng phun lửa.
Với nhiệm vụ đặc biệt trong chiến tranh và cả thời bình, bộ đội Binh chủng Hóa học được trang bị nhiều khí tài đặc chủng, hiện đại bao gồm cả các xe bọc thép có khả năng tác chiến mạnh mẽ.
Cụ thể, hiện nay Binh chủng Hóa học được trang bị dòng xe bọc thép trinh sát BRDM-2 được trang bị hệ thống bảo vệ chống vũ khí phóng xạ – sinh học – hóa học rất phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của bộ đội hóa học.
Trong ảnh, các chiến sĩ hóa học vào xe bọc thép BRDM-2 với bộ đồ phòng hóa.
Các chiến sĩ Hóa học cũng được trang bị nhiều loại vũ khí bộ binh (gồm súng AK, súng máy, đại liên 12,7mm và đặc biệt là có cả súng phun lửa).
BRDM-2 là dòng xe bọc thép trinh sát có khả năng bơi tốt do V.K. Rubtsov thiết kế từ đầu những năm 1960, được nhà máy ô tô Gorkovsky (GAZ) sản xuất với số lượng 7.200 chiếc từ 1962-1989. BRDM-2 gần như là phiên bản hoàn thiện hơn dòng xe BRDM vốn thiếu hệ thống phòng vệ NBC, khả năng tác chiến ban đêm, thiếu hỏa lực.
Video đang HOT
Xe bọc thép trinh sát BRDM-2 của bộ đội hóa học được trang bị hệ thống đẩy water-jet cho phép di chuyển dưới mặt nước với tốc độ 10km/h, thời gian hoạt động dưới nước liên tục 17-19 tiếng. Trước mũi được lắp thêm một tấm thép làm nhiệm vụ cản nước lên cabin khi đang bơi, cải thiện sự ổn định và có thể đóng vai trò giáp bổ sung chống đạn khi chiến đấu.
BRDM-2 được thiết kế với tháp pháo nhỏ BPU-1 trang bị khẩu đại liên KPVT 14,5mm cùng đại liên 7,62mm PKT đồng trục. Trong đó, khẩu KPVT đạt tốc độ bắn 600 phát/phút, tầm bắn hiệu quả ban ngày 2.000m, xuyên giáp dày 20mm ở cự ly 1.000m và và 30mm cách 500m. Trong ban đêm, khẩu KPVT đạt tầm bắn hiệu quả 1,4km. Khẩu KPVT trang bị các loại đạn xuyên giáp, đạn nổ phá.
Được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát chiến trường, trên BRDM-2 được trang bị nhiều khí tài trinh sát gồm: 6 kính ngắm toàn cảnh TNP-A; một kính ngắm ban ngày TPKU-2B và một kính ban đêm TKN-1 cho trưởng xe. Còn lái xe được trang bị 4 kính ngắm toàn cảnh phía trước TNP-A và một kính ngắm đêm TWN-2B. Xe được trang bị hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt lớn cho phép trinh sát các vùng bị nhiễm phóng xạ, khí độc….
Xe bọc thép BRDM-2 nặng 7 tấn, dài 5,75m, bọc giáp dày từ 2-14mm tùy vị trí. Xe được trang bị một động cơ xăng GAZ-41 công suất 140 mã lực cho tốc độ tối đa 100km/h, dự trữ hành trình 750km. Hệ thống truyền động khá đặc biệt với 4 bánh lốp lớn và 4 bánh phụ “giấu” giữa thân xe.
BRDM-2 từng được Binh chủng Hóa học triển khai trong nhiều sự kiện lớn của đất nước.
Theo Kiến Thức
Người bắt cá trong sân bay Biên Hòa nhiễm dioxin cao gấp 200 lần
Nồng độ ppt trong máu của những người đánh bắt cá trong sân bay Biên Hòa là 2.000 ppt (tỉ lệ cho phép của WHO là 10 ppt), cao gấp 200 lần tỷ lệ WHO cho phép.
Người dân bắt cá trong hồ nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa - Ảnh: Tiểu Thiên
Đó là kết quả nghiên cứu của Bộ Quốc phòng nước ta (từ năm 2000 - 2004) về nồng độ nhiễm dioxin trong máu của những người đánh bắt cá trong sân bay Biên Hòa.
Nghiên cứu cũng cho thấy nguồn đất bị nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa lên đến hơn 240 ngàn m3, nồng độ dioxin trung bình là 35.000 ppt (hàm lượng dioxin dưới mức 10 ppt là thấp, khoảng trên dưới 100 ppt là cao), trong đó có khoảng 250.000 m3 đất có nồng độ từ 1.000 ppt đến hơn 1 triệu ppt.
Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo 33, trong chiến tranh Việt Nam (giai đoạn 1966-1970), Sân bay Biên Hòa được Mỹ làm căn cứ chính chứa chất diệt cỏ phục vụ cho chiến dịch phun rải chất độc hóa học này.
Theo đó lượng chất diệt cỏ mà Mỹ trung chuyển, lưu trữ và sử dụng ở sân bay Biên Hòa trong chiến tranh là 98.000 thùng chứa chất da cam, 45.000 thùng chất xanh và 16.300 thùng chất trắng (205 lít/thùng). Từ năm 1969 - 1970, tại đây xảy ra 4 vụ tràn và rò rỉ chất diệt cỏ với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị tràn ra ngoài từ các bể chứa.
Ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Ban chỉ đạo 33 nói: "Đây là những lý do khiến Sân bay Biên Hòa trở thành nơi bị nhiễm dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới".
Cần 250 triệu USD để xử lý
Thời gian qua, mặc dù Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) cùng với địa phương đã tìm kiếm công nghệ xử lý hiệu quả nhất nhưng vẫn chưa thống nhất phương án, bên cạnh đó là vướng mắc về kinh phí khổng lồ lên tới 250 triệu USD.
Vào cuối năm 2014, tại Đồng Nai, Ban chỉ đạo 33 phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo "Đánh giá thực trạng ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa - những việc cần làm".
Bãi chôn lấp đất nhiễm chất độc dioxin
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Kế Sơn cho biết từ năm 2007 - 2011,Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa của dioxin tại sân bay Biên Hòa ra môi trường xung quanh, đồng thời sử dụng công nghệ chôn lấp, cách ly để xử lý gần 100.000 m3 đất nhiễm dioxin.
Tuy nhiên, theo ông Sơn phương pháp này không triệt để, có nguy cơ rò rỉ ra môi trường xung quanh. Trong khi khối lượng đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa cần chôn lấp lại quá lớn mà còn gần khu dân cư nên biện pháp chôn lấp chỉ là tạm thời, về lâu dài phải khai quật và xử lý tiếp.
Về kinh phí, theo ông Sơn cần đến 250 triệu USD (gấp 3 lần kinh phí xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng) nhưng hiện chưa xác định được số tiền đó ở đâu, ngoài ra vẫn chưa xác định được sẽ xử lý bằng công nghệ nào.
Gần đây nhất, vào ngày 15.9, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Tập đoàn HPC International (Đức) và công ty cổ phần Quản lý quỹ Lộc Việt để nghe hai công ty này trình bày công nghệ mới xử lý chất độc dioxin trên địa bàn.
Khu vực hồ chứa nước mưa ngăn chặn tạm thời sự lây lan dioxin trong Sân bay Biên Hòa
Đại diện của HPC cho biết, sau khi lấy mẫu đất tại khu vực sân bay Biên Hòa để xét nghiệm. HPC đề xuất phương pháp xử lý bằng vi sinh, hóa sinh. Theo đó đất tại các khu vực nhiễm dioxin sẽ được xử lý tại chỗ, sau đó sẽ hoàn nguyên về vị trí cũ.
Theo tính toán của HPC, chi phí xử lý chỉ khoảng 800 USD/m2 đất, thấp hơn một nữa so với phương án xử lý ở sân bay Đà Nẵng (từ 1.600 đến 1.800 USD/m2). Về nguồn vốn, hai công ty này yêu cầu phía UBND tỉnh phải bỏ ra từ 10 đến 15% gọi là thiện chí. Số còn lại họ sẽ kêu gọi từ các tổ chức nhân đạo ở nước ngoài. Ngoài ra, sau khi xử lý xong, tỉnh cũng phải bố trí quỹ đất cho các công ty hoạt động để thu hồi vốn.
Trả lời vấn đề này ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói: "Đồng Nai luôn quan tâm đến việc xử lý chất độc dioxin trên địa bàn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và cách thức xử lý nên đến nay chưa có giải pháp cụ thể. Ông mong muốn hai bên cần làm việc, thảo luận nhiều hơn nữa để đi đến sự hợp tác. Còn về vấn đề vốn đối ứng ban đầu và cấp quỹ đất cho công ty hoạt động nhằm thu hồi vốn sau xử lý, UBND tỉnh sẽ xin ý kiến các các bộ ngành Trung ương nhằm đảo bảo mọi việc tuân thủ đúng pháp luật".
Người dân còn thờ ơ với dioxin
Trao đổi với Thanh Niên, bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT tỉnh Đồng Nai) cho biết, nhằm giúp người dân sống trong khu vực có nguy cơ nhiễm dioxin gần sân bay Biên Hòa biết được mối nguy hiểm mà phòng tránh, vừa qua Sở TNMT đã triển khai chương trình tuyên truyền đến với những hộ dân này.
Qua đó, chi cục đã phối hợp với chính quyền 4 phường sát sân bay Biên hòa gồm Tân Phong, Trung Dũng, Quang Vinh, Bửu Long để mời các hộ dân tới cảnh báo các tác hại và các đường lây nhiễm dioxin để biết mà phòng tránh; đồng thời khuyên người dân không bắt cá ở dưới hồ, trồng rau trên đất làm thực phẩm.
"Ngoài ra, chúng tôi còn lắp các biển báo, pano tại các khu vực có tuyến dòng chảy từ sân bay ra ngoài để nhắc nhở. Tuy nhiên có vẻ như người dân còn thờ ơ, ít quan tâm đến vấn đề này khi không tham gia đầy đủ tại các buổi tuyên truyền ở phường." bà Dương nói.
Lê Lâm
Theo Thanhnien
IS sử dụng khí độc mù tạt ở Syria Phiến quân Nhà nước Hồi giáo sử dụng chất độc hóa học nằm trong danh sách bị quốc tế cấm nhằm giành lợi thế trong các cuộc giao tranh ở Syria. Cột khói màu giống khí độc chlorine xuất hiện sau khi quân đội Iraq kích nổ một quả bom sót lại ở thị trấn al-Alam, tỉnh Salahuddin, ngày 10/3. Ảnh: Reuters. Khí...