Nga với chiến dịch tại Syria: Một mũi tên nhắm 2 đích
Ông Putin là người hay chơi cờ, nhưng hành động tại Syria được mô tả như cú đánh nối bi trong môn bi-a, Tổng thống Nga dùng viên bi Syria để đưa viên bi Ukraine rơi xuống lỗ, giúp ông đạt được mục đích tại châu Âu.
Nước cờ của ông Putin tại Syria sẽ giúp nước Nga thoát khỏi lệnh cấm vận? – Ảnh: Reuters
Chuyên gia Donald Jensen, thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Viện đại học John Hopkins (Mỹ), cho rằng Nga muốn bảo vệ đồng minh lâu dài của mình là Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế khỏi những hoạt động quân sự của nước này tại Ukraine, theo kênh CNBC.
Tuy nhiên, ông Putin có thể tin rằng việc Nga giữ vai trò tại Syria có thể giúp Nga có tiếng nói trong thỏa thuận buộc châu Âu (EU) phải dỡ bỏ các cấm vận kinh tế, theo ông Jensen.
Châu Âu hiện gặp phải cuộc khủng hoảng người tị nạn chưa từng thấy, khởi nguồn từ cuộc chiến tại Syria và những nơi khác, dòng người cứ đổ về không có dấu hiệu ngừng lại. Cuộc khủng hoảng tị nạn đã gây ra nhiều căng thẳng về kinh tế và chính trị nghiêm trọng.
Vấn đề của châu Âu là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này càng sớm càng tốt. Trong khi đó, lợi ích sống còn của ông Putin là nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo hãng tin Al Jazeera. Chủ tịch Ian Bremmer của tập đoàn tư vấn nguy cơ chính trị Eurasia (Mỹ) đồng ý rằng Nga có thể tranh thủ điều này khiến châu Âu dỡ bỏ trừng phạt, vì các nước châu Âu nhận định tình hình Syria và cuộc khủng hoảng tị nạn quan trọng hơn.
Dòng người tị nạn từ Syria đổ về châu Âu đang khiến nhiều lãnh đạo phương Tây đau đầu – Ảnh: Reuters
Nga đã phải hứng chịu thâm hụt ngân sách lớn một phần do những khoản chi cho các hành động quân sự đang gia tăng. Thâm hụt ngân sách liên bang Nga trong năm 2015 dự kiến đến 40 tỉ USD, tương đương 3% GDP, theo công ty nghiên cứu địa chính trị Stratfor. Trong khi đó, Nga vẫn đang tiến hành không kích lực lượng nổi dậy tại Syria và hỗ trợ cho phe ly khai ở Ukraine, theo kênh CNBC.
Có thể lấy Iran làm ví dụ và những gì xảy ra tại nước này cho thấy 2 điều: các lệnh trừng phạt đã có tác dụng và không sớm thì muộn cũng sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ông Putin có thể sẽ không chỉ muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ và châu Âu. Thay vào đó, Tổng thống Nga sẽ tiếp tục có các hành động để làm cho người châu Âu xem việc đó là phục vụ lợi ích sống còn của họ: làm chậm dòng người tị nạn và đánh IS.
Và vì vậy, những bước đi của ông Putin tại Syria sẽ giúp ông đạt được mục đích tại châu Âu. Al Jazeera mô tả điều này như cú đánh áp phe của Tổng thống Nga, dùng viên bi Syria để đưa viên bi Ukraine rơi xuống lỗ.
Đống đổ nát sau một vụ không kích của Không quân Nga tại Syria – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Những lợi ích khác
Ngoài mục tiêu dỡ bỏ cấm vận, ông Putin cũng còn những lợi ích khác tại Syria, theo Al Jazeera. Việc Nga thành lập liên minh tình báo với Syria, Iran và Iraq đặt Mỹ vào cảnh ngặt nghèo. Mỹ có thể tham gia liên minh này, đồng nghĩa với việc ngầm thừa nhận tính hợp thức của chế độ Syria hiện tại và cùng phe với Iran, hoặc không gia nhập và bị mắc kẹt vì lòng tự trọng.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ Syria và tham gia liên minh chia sẻ thông tin tình báo cho thấy mục đích khác của Nga: nước này muốn đánh bại IS tại Syria thay vì phải chống lại tổ chức cực đoan này ở trên đất Nga. Nước Nga có lượng người Hồi giáo không nhỏ và các lệnh trừng phạt kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ, vì họ rất dễ bị IS dụ dỗ.
Can thiệp vào Syria vừa là cơ hội vừa là nguy cơ khiến Nga bị sa lầy? – Ảnh: AFP
Hơn nữa, các nhóm ly khai người Chechnya miền nam Nga nay đã thề trung thành với IS, nhiều người trong số đó đã gia nhập IS tại Syria và Iraq. Và một nghịch lý xảy ra là nếu như ông Putin giành lại hòa bình cho Syria thì những người Chechnya này sẽ trở về Nga, mang theo nhiều rắc rối.
Việc Mỹ gặp nhiều khó khăn trong chính sách tại khu vực Trung Đông đang tạo cho Nga cả cơ hội và thách thức, theo chuyên gia Robert Legvold về khoa học chính trị tại đại học Columbia (New York, Mỹ).
“Đó là cơ hội để Nga xuất hiện với vai trò một người chơi chính, nhưng đó cũng là nguy cơ nhấn chìm Nga vào một vũng lầy mà không phe bên ngoài nào đạt được lợi ích”, ông Legvold nhận định.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Đức xáo trộn sau khi chào đón di dân
Một tháng trước, người Đức chào đón người tị nạn bằng các tràng vỗ tay và gấu bông, thì nay đang ngày càng lo ngại về tình trạng quá tải do người nhập cư mang lại.
Khoảng 400 người tị nạn tham gia cuộc ẩu đả vì thức ăn tại một trại tạm trú ở Calden, Đức cuối tháng 9. Ảnh: AFP
Đầu tháng 9, nhiều người Đức đổ xô đến các điểm ở biên giới để chào đón người tị nạn. Việc này được coi là "câu chuyện cổ tích mùa hè" ở một đất nước mà lịch sử của Đức quốc xã vẫn còn là điều gây tranh cãi về tự hào dân tộc. Thăm dò khi đó cho thấy rằng hầu hết người Đức đều ủng hộ Merkel khi bà tuyên bố "Chúng tôi có thể!", khi đáp lại câu hỏi về việc liệu Đức có thể quản lý dòng người tị nạn hay không.
Nhưng một cuộc thăm dò công bố giữa tuần trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với bà Merkel đã giảm xuống còn 54%, sau khoảng ba năm luôn ở mức trên 70%. Cuộc thăm dò, được tiến hành bởi công ty nghiên cứu Infratest Dimap đầu tuần trước, cũng cho thấy rằng khoảng 51% người Đức lo ngại có quá nhiều người tị nạn đang đến nước họ, tăng so với con số 38% trước đó một tháng.
Các quan chức cấp cao bày tỏ lo ngại rằng phần tử khủng bố có thể trà trộn vào dòng người tị nạn. Các kết quả thăm dò cho thấy, tại một đất nước đề cao kỷ luật trật tự như Đức, người dân mất dần niềm tin rằng chính quyền có đủ khả năng để kiểm soát tình hình, trong khi truyền thông liên tục đưa tin về việc người tị nạn ngủ vật vạ trên đường phố hoặc ẩu đả trong trại.
"Đơn giản là vì họ quá đông", Karin Pahlitzsch, một giáo viên 57 tuổi tại thành phố Dresden, miền đông nước Đức, nói. "Nhưng điều tồi tệ hơn và là nguyên nhân của sự hỗn loạn này chính là cách tổ chức quá kém".
Không giống các cuộc khủng hoảng khác ở châu Âu như chiến sự Ukraine hay Hy Lạp vỡ nợ, khủng hoảng di dân trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người Đức. Sân vận động, phòng tập thể dục, các khu thương mại, hội trường bị chuyển đổi thành nơi ở cho người tị nạn. Giới chức địa phương đang công khai bày tỏ sự phẫn nộ vì cách cư xử của một số người di cư, và lo ngại tỷ lệ tội phạm sẽ tăng.
"Cho đến mùa hè, người tị nạn vẫn tỏ thái độ biết ơn khi được ở đây", Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière nói trên truyền hình. Còn bây giờ, một số người "biểu tình vì họ không thích nơi tạm trú. Họ gây rắc rối vì không thích đồ ăn. Họ gây hấn, đánh nhau ở nơi chúng tôi cho họ ở tạm".
Các nhóm Hồi giáo tại Đức đã tìm cách tiếp cận những người tị nạn, đặc biệt là trẻ vị thành niên đến đây một mình, ông de Maizière cho biết sau cuộc họp với các quan chức an ninh. Các cơ quan tình báo cảnh báo rằng các chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể xâm nhập vào đất nước theo dòng người tị nạn, ông nói.
Trong bài phát biểu ở một thành phố đông Đức tuần trước, trước lễ kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước, bà Merkel đã cố gắng lấy lại niềm tin của người dân. Bà mô tả việc đất nước mở của cho người tị nạn là "nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực mang tầm quốc gia". Đức sẽ làm việc với Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ để cố gắng điều tiết dòng chảy người di cư, nhằm vượt qua khủng hoảng, bà tuyên bố.
Bà Merkel, người đã dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong một thập kỷ, từ lâu đã được người Đức ca ngợi nhờ sự điềm tĩnh và quan điểm thực tế trong những hoàn cảnh khó khăn. Trong các cuộc khủng hoảng lớn khác như nợ Hy Lạp và xung đột tại Ukraine, bà luôn nhận được sự hậu thuẫn vững chắc ở sân nhà.
Nhưng lần này, người Đức dường như nghi ngờ về cách xử lý của bà. Một cuộc thăm dò tại đài truyền hình N24, công bố giữa tuần trước cho thấy 59% số người được hỏi đều không đồng ý với lời hứa "Chúng tôi làm được" của bà.
Khi dân chúng không hài lòng, các nhà lãnh đạo của các đảng khác trong liên minh cầm quyền ngày càng nghi ngờ về cách bà giải quyết khủng hoảng. Horst Seehofer, thống đốc bang Bavaria và là người đứng đầu đảng liên minh với Merkel, đã liên tục chỉ trích quyết định của bà thủ tướng. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông này tăng 11%, lên mức 39%, trong cuộc thăm dò của Infratest Dimap tuần trước.
"Nước Đức chúng tôi đã gần chạm giới hạn những điều có thể làm được", ông Sigmar Gabriel, người đứng đầu đảng cánh tả Dân chủ Xã hội nói. "Nhiều nơi ở Đức đã quá sức chịu đựng". Ông Gabriel được cho là sẽ thách thức bà Merkel trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2017.
Nguy cơ khủng hoảng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ đang được báo động bởi hình ảnh hỗn loạn tại nơi di dân tạm trú và đăng ký tị nạn.
Thành phố cảng Hamburg là nơi ở của khoảng 30.000 di dân và đã nhận thêm khoảng 500 người mỗi ngày trong tháng vừa qua. Tình hình ở đây trở nên căng thẳng từ tuần trước. Đêm 29/9, khoảng 500 người buộc phải ngủ ngoài trời gần điểm đăng ký, do các điểm tạm trú đều không còn chỗ trống.
Ngày hôm sau, các quan chức thành phố tìm cách đưa người tị nạn đến một sân tennis nhưng không thể liên hệ với chủ sở hữu để cho họ vào. Họ đã gọi lính cứu hỏa để phá cửa. Rất may sau đó, giới chức tìm ra hai trường học có đủ chỗ để chứa những người tị nạn mới đến, và do đó họ không cần phải sử dụng sân tennis nữa, quan chức thành phố Bjrn Domroese cho biết.
Các biện pháp tìm nơi trú chân cho người tị nạn không làm giảm đi tình hình bạo lực tại Hamburg. Tối 30/9, tại một cửa hàng bán đồ gia dụng, hai nhóm người đã ẩu đả, một vài người thậm chí còn dùng đồ nội thất của cửa hàng để làm vũ khí.
Ở Berlin, người tị nạn thậm chí đêm nào cũng ngủ trên đường phố, bên cạnh văn phòng đăng ký để giữ chỗ. Đăng ký là điều kiện tiên quyết để có nơi tạm trú.
Sau khi đăng ký, họ phải chờ số của mình được chiếu lên màn hình để tiến hành bước tiếp theo trong thủ tục xin tị nạn. Người xếp hàng hôm 1/10 nói rằng họ đã đến đây đều đặn trong suốt 20 ngày. Một số vẫn bày tỏ lòng biết ơn rằng, ít nhất, họ cũng đã an toàn.
Raed Almarey, một người đàn ông 32 tuổi đến từ Damascus, đang chờ đợi cùng vợ và em trai khi ngồi trên những miếng bìa các tông trải ra trên bãi cỏ. Raeh cho biết gia đình quyết định di cư sau khi hai người anh của mình bị chính quyền Syria bắt giữ.
"Chờ đợi ở đây một năm còn hơn bị bắt giữ trong một tiếng đồng hồ ở Syria", Raed nói.
Di dân chờ đợi bên ngoài tòa nhà chính quyền Đức ở Berlin để được đăng ký tị nạn. Ảnh: AFP
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Cuộc sống 'không ngày mai' của trẻ tị nạn Không có giấy phép cư trú, không có cơ hội đến trường và phải đi làm để phụ giúp gia đình khi mới vài tuổi là những gì mà trẻ em tị nạn người Syria đang đối mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người tị nạn đợi xe buýt để đến biên giới với Hy Lạp sau khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngừng...