Nga vẫn cài lực lượng đặc nhiệm ở Syria
Một chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga hôm qua (23/3) vừa tiết lộ, nước này vẫn để lại các lực lượng đặc nhiệm của mình ở chiến trường Syria để thực hiện một số nhiệm vụ.
Ảnh minh hoạ
Theo lời Trung tướng Alexander Dvornikov Chỉ huy quân Nga ở Syria, nhiệm vụ của các lực lượng đặc nhiệm Nga trên chiến trường quốc gia Trung Đông là hướng dẫn các máy bay truy tìm và tiêu diệt mục tiêu.
“Tôi sẽ không giấu diếm thực tế là các lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi vẫn đang hoạt động trên lãnh thổ Syria. Họ đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trước mỗi một chiến dịch không kích của Nga nhằm giúp định hướng, chỉ dẫn cho phi đội máy bay chiến đấu của Nga đến được với các mục tiêu ở những khu vực xa xôi cũng như thực hiện một loạt nhiệm vụ đặc biệt khác”, ông Dvornikov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Rossiyskaya.
Trung tướng Dvornikov cũng cho biết thêm, các lực lượng đặc nhiệm tương tự của quân đội Mỹ và quân đội của nhiều quốc gia khác trong liên minh chống IS đều đang hoạt động ở Syria.
Ngoài ra, một đội ngũ cố vấn quân sự của Nga cũng đang giúp đỡ giới chức Syria. “Những sĩ quan này đang giúp các đồng nghiệp Syria lên kế hoạch và thực hiện cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố đồng thời học cách sử dụng các vũ khí hạng nặng của Nga”, ông Dvornikov cho hay.
Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào Syria hồi tháng 9 năm ngoái theo đề nghị của đồng minh Bashar al-Assad. Mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria được giới chức Moscow tuyên bố là để chống lại lực lượng khủng bố, cụ thể ở đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Với chiến dịch không kích dồn dập của mình ở Syria, Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố và giúp đảo chiều cuộc chiến tranh ở Syria theo hướng có lợi cho đồng minh Assad.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 6 tháng sau đó, Tổng thống Putin đã bất ngờ ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc nước này tiến hành rút các lực lượng quân sự chính ra khỏi Syria, bắt đầu từ hôm 15/3.
Video đang HOT
Kiệt Linh (theo Itar-Tass)
Theo_VnMedia
Vụ đánh bom Brussels: Khám phá đặc nhiệm chống khủng bố Bỉ
Để trở thành thành viên lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Bỉ, ứng viên phải có 4 năm kinh nghiệm trong quân ngũ.
Lực lượng đặc nhiệm (SFG) là một phần của lực lượng vũ trang Bỉ. Đơn vị được thành lập vào năm 1942 với tiền thân là một đơn vị lính dù do Không quân Hoàng gia Anh tổ chức và đào tạo. Đơn vị còn có tên gọi khác là (SAS Bỉ) theo tên của lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh.
Đơn vị có nhiệm vụ: Tiến hành các hoạt động trinh sát đặc biệt, chiến đấu luồn sâu, chống khủng bố, giải cứu con tin, bảo vệ nhân vật VIP, cứu hộ đặc biệt.
Do yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt là lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố, nên quá trình tuyển chọn và đào tạo của đơn vị phải tuân thủ theo một quy trình rất khắt khe. Ứng viên tham gia dự tuyển bắt buộc phải có ít nhất 4 năm kinh nghiệm trong quân ngũ, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt.
Quá trình tuyển chọn và đào tạo diễn ra trong 4 giai đoạn. Ở vòng sơ loại đầu tiên, ứng viên phải vượt qua các bài kiểm tra về thể chất, khả năng đọc bản đồ, kiến thức quân sự chung, kỹ năng thiện xạ và đánh giá tâm lý.
Các ứng viên vượt qua vòng sơ loại sẽ bước vào giai đoạn đào tạo cơ bản kéo dài trong 6 tháng. Ở giai đoạn này, ứng viên được huấn luyện các kỹ năng cơ bản để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, trong lòng kẻ thù.
Giai đoạn này, ứng viên phải vượt qua các bài kiểm tra về kỹ năng bắn súng, sinh tồn, công nghệ thông tin, sức chịu đựng thể chất, lặn, nhảy dù, lý thuyết và chiến thuật quân sự, kiến thức y tế căn bản, khả năng tác chiến hiệp đồng và độc lập.
Trong quá trình đào tạo căn bản, giai đoạn huấn luyện chiến thuật được xem là thách thức lớn nhất với các ứng viên. Giai đoạn này, họ phải thường xuyên thực hiện các bài tập thực địa với áp lực rất lớn về thể chất lẫn tinh thần.
Kỹ năng thành thạo các hạng mục của ứng viên phải đạt ít nhất 80%. Những ứng viên có kết quả dưới 80% sẽ bị loại khỏi đơn vị. Trong quá trình huấn luyện, yếu tố "trung thực và trung thành" được đặt lên hàng đầu. Bất kỳ ứng viên bị phát hiện gian lận lập tức sẽ bị đuổi khỏi đơn vị và cấm ghi danh vĩnh viễn.
Các ứng viên vượt qua giai đoạn đào tạo căn bản sẽ tiến đến giai đoạn đào tạo bổ sung kéo dài trong 12 tháng. Giai đoạn này, các ứng viên sẽ được huấn luyện chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể mà họ có kỹ năng. Ngoài ra, họ còn được đào tạo về kỹ năng nhảy dù ở độ cao lớn, xâm nhập từ đường biển và nhiều kỹ năng chiến đấu đặc biệt khác.
Đặc nhiệm Bỉ được trang bị nhiều khí tài hiện đại như: Súng trường tiến công FN SCAR, FN-2000, tiểu liên FN-90, FN Five-Seven và nhiều phương tiện hỗ trợ khác.
Sau khi hoàn tất giai đoạn đào tạo bổ sung, ứng viên đạt tiêu chuẩn sẽ tiến đến giai đoạn đào tạo chức năng kéo dài trong 3 tuần. Giai đoạn này họ được huấn luyện về kỹ năng nhảy dù ở độ cao tới 9,1 km, độ cao này người nhảy phải đeo mặt nạ dưỡng khí. Kỹ năng nhảy dù ở độ cao lớn này rất hữu ích trong các nhiệm vụ đột nhập bí mật.
Chương trình huấn luyện lặn chuyên sâu kéo dài từ 5-8 tháng. Giai đoạn này, ứng viên được đào tạo về kỹ năng lặn tự chủ và không tự chủ, kỹ năng sinh tồn dưới nước trong điều kiện bất lợi.
Trong quá trình hình thành và phát triển, đơn vị đã tham gia vào rất nhiều chiến dịch chống khủng bố, giải cứu con tin với thành tích chiến đấu rất ấn tượng. Đơn vị đã góp phần tích cực trong các chiến dịch săn lùng nghi can khủng bố lẫn trốn ở Bỉ sau vụ thảm sát ở Paris.
Theo_Kiến Thức
Hàn Quốc thành lập lực lượng đặc nhiệm 'Spartan 3000' ứng phó Triều Tiên Quân chủng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc vừa ra mắt một lực lượng tinh nhuệ mới có khả năng thực hiện các chiến dịch đặc biệt bên trong lãnh thổ Triều Tiên. Đơn vị đặc nhiệm có tên "Spartan 3000" bao gồm 3.000 lính thủy đánh bộ, có nhiệm vụ trực chiến liên tục và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trên...