Nga và EU “thi gan” trong cuộc chiến kinh tế: Bên nào sẽ sớm bị hạ knock-out?
Phía sau xung đột giữa Nga và Ukraine là “cuộc chiến kinh tế” giữa Nga với Mỹ và châu Âu và hiện vẫn chưa rõ bên nào có thể chống chịu lâu hơn trong cuộc chiến này.
Hậu quả đau đớn đối với cả Nga và châu Âu
Các nhà phân tích cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Nga đang chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ co hẹp trong năm nay trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt và hàng trăm doanh nghiệp từ tập đoàn McDonald đến nhà sản xuất ô tô của Pháp Renault SA đều rời đi. Nhưng Mỹ và châu Âu cũng phải gánh chịu hậu quả không hề nhỏ, chủ yếu do giá nhiên liệu gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên khi các ngân hàng trung ương đối phó với lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Kho khí đốt ngầm của Nga ở Kasimov. (Ảnh: Bloomberg)
Theo giới phân tích, những tháng tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định bên nào có nhiều đòn bẩy hơn trong cuộc chiến kinh tế này. Hiện Nga đang gặp nhiều thách thức khi tìm kiếm nguồn nhập khẩu cho ngành công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế của nước này, trong khi các nước phương Tây đang loay hoay tìm cách thay thế năng lượng của Nga.
Ông Tymofiy Mylovanov, Phó giáo sư kinh tế của Đại học Pittsburgh nhận định, Nga đang thách thức phương Tây và phương Tây đang đáp trả một cách thận trọng. “Đó là một cuộc chiến tiêu hao không chỉ đối với Ukraine và Nga, mà còn đối với cả phương Tây”.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ và đồng minh đã giáng đòn trừng phạt mạnh chưa từng có với Moskva, trong đó có việc hạn chế giao dịch với các tổ chức tài chính của Nga, cấm doanh nghiệp Nga tham gia thị trường, đóng băng các tài sản của Nga ở nước ngoài. Một quan chức Mỹ cho biết, mục đích là buộc Nga phải “trả giá đắt” và tránh những “hậu quả không mong muốn đối với Mỹ hoặc nền kinh tế toàn cầu”. Ngân hàng trung ương Nga dự đoán, GDP của nước này sẽ giảm từ 8 đến 10%, tức mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1994.
Trong khi đó, trên khắp châu Âu, sự lo lắng đang gia tăng khi chiến sự tại Ukraine kéo dài. Ngày càng có nhiều người tìm đến các ngân hàng thực phẩm tại Italy. Giới chức Đức đã khuyến khích người dân hạn chế sử dụng điều hòa khi họ chuẩn bị cho kế hoạch phân bổ khí đốt tự nhiên và khởi động lại các nhà máy than đá. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD và tiến gần tới mức ngang bằng nhau.
Video đang HOT
Lợi thế đang thuộc về ai?
Những diễn biến nói trên là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine, cùng việc Điện Kremlin thắt chặt nguồn cung khí đốt tự nhiên đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu và làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế khi nền kinh tế châu Âu đang phục hồi từ dịch bệnh COVID-19.
Trái lại, giá cả năng lượng gia tăng đang mang lại lợi ích cho Nga – một nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn trên thế giới, vốn có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với các lệnh trừng phạt. Nga đã sớm ổn định đồng rúp và kiểm soát lạm phát, bất chấp sự cô lập về kinh tế. Nhưng về lâu dài, các nhà kinh tế cho rằng, kinh tế Nga dù tránh được nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, vẫn chịu tác động sâu sắc của biện pháp trừng phạt như sụt giảm đầu tư nước ngoài và thu nhập của người dân thấp hơn.
Tỷ giá đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, gần bằng đồng USD. (Ảnh: aa.com.tr)
Về phía châu Âu, thách thức cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao kỷ lục 8,6% và vượt qua mùa Đông sắp tới mà không bị cạn kiệt nhiên liệu. Châu lục này phục thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga và giá nhiên liệu ngày càng tăng cao đã gây ra áp lực lớn với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép và nông nghiệp.
Molkerei Berchtesgadener Land, một hợp tác xã sữa lớn ở thị trấn Piding của Đức bên ngoài Munich, đã dự trữ 200.000 lít dầu để có thể tiếp tục hoạt động thanh trùng sữa và giữ lạnh trong trường hợp bị cắt điện hoặc khí đốt tự nhiên. Đây là biện pháp bảo vệ quan trọng đối với 1.800 nông dân và 50.000 con bò sữa, sản xuất 1 triệu lít sữa một ngày.
Những khó khăn về kinh tế cũng xuất hiện trên bàn ăn. Một khảo sát gần đây cho thấy, mỗi gia đình tại Italy đang phải chi thêm 681 euro trong năm nay cho lương thực, thực phẩm. Ông Dario Boggio Marzet, chủ tịch Ngân hàng Thực phẩm Lombardy cho biết, chi phí hàng tháng của tổ chức này đã tăng 5.000 euro trong năm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, chính phủ đã đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn chiếu sáng vào ban đêm. Tương tự, giới chức Đức cũng đang khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, đồng thời yêu cầu hạn chế sử dụng điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng.
Các biện pháp này được ban hành sau khi Nga cắt giảm khí đốt tự nhiên cho hàng chục quốc gia châu Âu. Đường ống dẫn khí lớn nhất từ Nga sang Đức, Nord Stream 1, đã bị dừng hoạt động vì lí do bảo trì kĩ thuật và có nhiều lo ngại rằng đường ống này sẽ không khởi động lại. Nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức – Uniper phải yêu cầu chính phủ nước này giúp đỡ khi giá khí đốt tăng mạnh.
Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của Đức và Áo tại tập đoàn tài chính ING dự báo kinh tế châu Âu sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay do giá cả các mặt hàng leo thang làm giảm sức mua. Triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc liệu chính phủ các nước trong khu vực có thu hút được được những khoản đầu tư lớn, cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên năng lượng tái tạo hay không.
Trong lúc châu Âu đang chịu đựng khó khăn chồng chất khó khăn, Nga đã nhanh chóng ổn định tỷ giá đồng rúp, thị trường chứng khoán và lạm phát thông qua sự can thiệp sâu rộng của chính phủ. Dầu mỏ của Nga đã tìm đến nhiều khách hàng hơn tại châu Á trong khi bị các đối tác phương Tây quay lưng.
Sau khi phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Nga liên quan đến sự kiện Moskva sáp nhập Bán đảo Crimea, Điện Kremlin đã xây dựng một “pháo đài kinh tế” bằng cách giữ nợ công ở mức thấp, đồng thời khuyến khích các công ty phát triển và sử dụng các sản phẩm trong nước. Các nhà kinh tế cho biết, tỷ giá hối đoái của đồng rúp đã mạnh hơn so với đồng USD so với mức trước chiến tranh. Các biện pháp như ngừng mua ngoại tệ để ngăn đồng rúp mất giá hoặc yêu cầu khách hàng mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp đã khiến giá trị của đồng tiền này tăng vọt.
Claus Vistesen, chuyên gia kinh tế khu vực đồng euro tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, cho rằng, Mỹ và châu Âu đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga mà không xem xét các giải pháp bảo vệ nền kinh tế của họ. Điều này có thể khiến họ phải phải trả giá đắt, thậm chí là đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và khó kiểm soát lạm phát.
Ukraine lo ngại phương Tây giảm sự ủng hộ khi xung đột kéo dài
Cuộc xung đột Nga và Ukraine càng kéo dài, các nước phương Tây sẽ càng cảm thấy "mệt mỏi" vì các khoản viện trợ cho Kiev trong bối cảnh áp lực kinh tế nội bộ ngày càng tăng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại hội nghị Davos. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP ngày 10/6, khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang tháng thứ 4, các quan chức ở Kiev đã bày tỏ lo ngại rằng sự "mệt mỏi vì xung đột" có thể làm xói mòn quyết tâm của phương Tây trong việc giúp nước này đẩy lùi hành động của Moskva.
Mỹ và các đồng minh đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Châu Âu đã nhận hàng triệu người phải sơ tán vì xung đột và đã có sự thống nhất chưa từng có ở châu Âu sau Thế chiến II trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.
Nhưng khi sức nóng của chiến dịch quân sự của Nga lắng xuống, các nhà phân tích cho rằng khi mối quan tâm của các cường quốc phương Tây về cuộc xung đột giảm đi, có thể dẫn đến việc gây sức ép buộc Ukraine phải thỏa hiệp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối những đề xuất của phương Tây rằng ông nên chấp nhận một số nhượng bộ, nói rằng Kiev sẽ tự quyết định các điều khoản cho hòa bình.
"Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, mọi người muốn một kết quả nào đó (có lợi) cho chính họ, nhưng chúng tôi muốn một kết quả (khác) cho chính mình", ông Zelensky nói.
Một đề xuất hòa bình của Italy đã bị bác bỏ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi ông được trích dẫn nói rằng mặc dù chiến dịch quân sự Nga là một "sai lầm lịch sử", nhưng các cường quốc thế giới không nên "làm bẽ mặt Nga", để khi giao tranh lắng xuống, các bên có thể tìm ra một giải pháp thông qua con đường ngoại giao".
Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị thuộc Trung tâm Penta cho biết, mỗi tháng cuộc chiến gây thiệt hại cho Ukraine 5 tỷ USD và điều đó "khiến Kiev phụ thuộc vào quan điểm của các nước phương Tây".
"Rõ ràng là Nga đang tìm cách làm giảm quyết tâm của phương Tây, với giả định rằng các nước phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần dần bắt đầu thay đổi quan điểm", chuyên gia Fesenko nói trong một cuộc phỏng vấn với AP.
Bên cạnh đó, những lo ngại trong nước của châu Âu đang lấn át mọi vấn đề, đặc biệt là khi giá năng lượng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô bắt đầu gây thiệt hại về kinh tế đối với những người bình thường đang phải đối mặt với hóa đơn tiền điện, chi phí nhiên liệu và giá hàng hóa cao hơn.
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi quyết định chặn 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga vào cuối năm nay là "một thành công", thì họ đã phải mất bốn tuần đàm phán và một nhượng bộ cho phép Hungary, tiếp tục nhập khẩu.
Matteo Villa, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy (ISPI) ở Milan, nêu rõ: "Điều đó cho thấy sự thống nhất ở châu Âu đang suy giảm một chút sau chiến dịch quân sự của Nga. Có sự mệt mỏi như vậy giữa các quốc gia thành viên về việc tìm ra những cách thức mới để trừng phạt Nga, và rõ ràng là trong EU, có một số quốc gia ngày càng giảm sự sẵn sàng để tiếp tục các biện pháp trừng phạt".
Trước tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt năng lượng, Ủy ban châu Âu đã ra tín hiệu rằng họ sẽ không vội vàng đề xuất các biện pháp hạn chế mới nhắm vào khí đốt của Nga. Các nhà lập pháp EU cũng đang kêu gọi hỗ trợ tài chính cho các công dân bị ảnh hưởng bởi giảm khí đốt và giá nhiên liệu tăng nhằm đảm bảo rằng sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine không suy giảm.
Như nhà lãnh đạo cánh hữu Matteo Salvini của Iltaly tuyên bố, nước này "sẵn sàng hy sinh" và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga, nhưng cảnh báo rằng sự ủng hộ không phải là không có giới hạn, trong bối cảnh cán cân thương mại chịu các lệnh trừng phạt đã có dấu hiệu chuyển dịch theo hướng có lợi cho Moskva, gây tổn hại cho các chủ doanh nghiệp nhỏ ở miền bắc Italy, những người là một phần cử tri ủng hộ ông.
EU nhất trí hỗ trợ 9 tỷ euro cho Ukraine Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngày 30/5 cho biết tại cuộc họp diễn ra ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cung cấp 9 tỷ euro cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh xảy ra xung đột. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von...