Nga ưu tiên tăng hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ
Theo THX, ngày 9/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa Trung Quốc và Ấn Độ vào trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của ông, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác với hai cường quốc mới nổi này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Internet)
Phát biểu trước các nhà ngoại giao và phái viên của Nga tại thủ đô Mátxcơva, ông Putin nhấn mạnh rằng sự tương tác mang tính chiến lược và thực tiễn với Trung Quốc là rất quan trọng.
Ông Putin nói: “Chúng tôi sẽ chú trọng tới việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với các đối tác Trung Quốc, trong đó có việc điều phối các hành động của chúng tôi trong chương trình nghị sự quốc tế.”
Trong các cuộc thảo luận trước đó với giới chức Trung Quốc, ông Putin từng khẳng định rằng hai nền kinh tế mới nổi trên là những lực lượng quan trọng duy trì nền hòa bình thế giới.
Theo ông Putin, ngoài Trung Quốc, Nga cũng dự định tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi khác ở châu Á vốn đang giành được tầm ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là với đối tác và người bạn lâu năm Ấn Độ.
Ngoài ra, ông Putin cũng thừa nhận rằng trong quá khứ, Nga chưa mấy quan tâm tới các nước Mỹ Latin và châu Phi, đồng thời cam kết thúc đẩy quan hệ với các đối tác này./.
Theo TTXVN
Pháp gặp khó trong việc rút quân khỏi Afghanistan
Rút toàn bộ lực lượng chiến đấu Pháp ra khỏi Afghanistan trước cuối năm 2012 là một trong những cam kết tranh cử mấu chốt của Francois Hollande trong lĩnh vực đối ngoại.
Quân Pháp tại căn cứ Tora, tỉnh Surobi, Afghanistan. (Nguồn: AFP)
Tuy nhiên, một khi đã trở thành tổng thống, việc ông có khả năng làm như vậy hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Một cách cụ thể, nếu làm đúng chủ trương của ông Hollande, Pháp sẽ phải rút hết một lực lượng gồm 3.400 binh sỹ, 900 xe chuyên dụng (trong đó có 500 bọc thép), 1.400 container, 3 máy bay tiêm kích Mirage 2000 và 14 trực thăng.
Cách duy nhất tôn trọng thời hạn rút quân cuối năm 2012 là sử dụng các máy bay vận tải hạng nặng, có khả năng vận chuyển cả người và phương tiện chiến đấu từ các sân bay ở Kabul hoặc Bagram về Pháp hoặc tới Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, nơi Pháp có một căn cứ quân sự.
Điều đáng nói là quân đội Pháp được trang bị rất khiêm tốn về khả năng vận tải hàng không hạng nặng. Để thực hiện lệnh rút quân, Pháp sẽ phải thuê của Nga hoặc Ukraine các máy bay Antonov, có sức chở từ 7-8 xe bọc thép mỗi chiếc. Nhưng với giá khoảng 30.000 euro/giờ, chi phí cho hành trình đi-về sẽ rất lớn. Vì vậy, việc rút quân sớm sẽ phải trả một cái giá rất đắt về tài chính. Một chuyên gia quân sự Pháp nói đùa rằng muốn làm vậy, Chính phủ Pháp "phải tăng thuế" đối với người dân ngay lập tức.
Ngay cả khi có phương tiện thì Pháp cũng sẽ vướng phải kế hoạch rút 23.000 binh sỹ mà Mỹ tiến hành gần như ở cùng thời điểm. Vấn đề sẵn có các máy bay chuyên chở lớn lại được đặt ra bởi không chỉ có Pháp, mà các nước NATO khác cũng muốn quay vòng sử dụng các máy bay này.
Giải pháp thứ hai ít tốn kém hơn nhưng cũng ít chắc chắn hơn, đó là mượn tuyến đường phía nam qua Pakistan. Hiện tại, tuyến đường này đã bị đóng cửa, bởi Islamabad vẫn đang thực thi lệnh cấm NATO vận chuyển trang thiết bị quân sự qua lãnh thổ Pakistan để phản đối sự đột nhập của các máy bay không người lái Mỹ.
Chỉ còn lại tuyến đường phía bắc, đi qua Trung Á và Nga bằng đường sắt. Nhưng nói như vậy cũng không phải không có vấn đề. Bỏ qua các rắc rối hải quan, hành trình rút quân sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức, vì thời gian rút quân sẽ kéo dài và diễn ra phức tạp. Hơn nữa, hành trình này rất thuận lợi cho các cuộc phục kích tấn công của Taliban.
Như ý thức được vô số những trở ngại trong vấn đề Afghanistan, Tổng thống Hollande dường như bắt đầu do dự với chủ trương của mình. Đã có lần ông đánh tiếng rằng chỉ có các đơn vị chiến đấu có thể rút quân trước cuối năm 2012, còn các trang thiết bị của quân đội Pháp "sẽ tính sau."
Tuy nhiên, dù cho kế hoạch diễn ra như vậy thì nhiều sỹ quan Pháp vẫn cảm thấy không ổn, bởi Pháp "không thể vứt trang thiết bị ở lại và nhờ người Mỹ trông hộ." Nếu lính chiến rút quân thì ai sẽ là người bảo vệ các đoàn xe chuyên chở trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Taliban sau này.
Một số chuyên gia quân sự cũng nhấn mạnh rằng về mặt tổ chức, việc rút quân sớm của Pháp còn có thể gây rối loạn cho đồng minh. Công tác bàn giao quyền lực tại Kapissa, nơi quân đội Pháp đang quản lý, thông thường phải kéo dài 18 tháng. Nếu Pháp rút sớm, địa phương rất bất ổn về an ninh này sẽ không có người huấn luyện, gánh vác và chia sẻ nhiệm vụ cho các đơn vị vũ trang non trẻ của Afghanistan trong thời gian này.
Ngoài những hạn chế về tài chính, an ninh và kỹ thuật, việc rút quân sớm của Pháp còn gây ra những khó khăn về ngoại giao trong quan hệ với Mỹ. Đầu năm nay, ông Sarkozy chỉ tuyên bố rút quân vào cuối năm 2013, sớm một năm so với kế hoạch dự kiến chung cuối năm 2014 của NATO, cũng đủ gây tức giận cho Washington.
Vấn đề là ở chỗ nhiều nước nhỏ trong lực lượng đồng minh, vốn không dễ chịu với cam kết tại Afghanistan, có thể vin cớ Pháp rút quân sớm để thúc đẩy kế hoạch tháo lui của riêng mình và Washington không thể chấp nhận nguy cơ này.
Giữ lời hứa với các cử tri, thực tế chiến trường, quan hệ ngoại giao và các đòi hỏi về mặt an ninh, Hollande sẽ có rất ít lựa chọn tại Chicago, nơi ông sẽ lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tư cách một tổng thống. Thậm chí một số người còn bảo đảm rằng tân Tổng thống Pháp sẽ làm theo lịch trình của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy./.
Theo TTXVN
Chồng quên ... "đối ngoại" Tuy nhiên, cứ mỗi lần đưa tiền lương cho tôi thì anh ấy lại cằn nhằn, và chì chiết coi tôi như kẻ ăn bám, vô tích sự. Ngay cả khi tôi mới sinh con chưa đầy 4 tháng mà anh cũng khó chịu và bóng gió rằng, đi làm lấy mà tiêu, chứ sẵn tiền lương của chồng tiêu mãi sao được....