Nga- Ukraine: Căng thẳng mới vì các lệnh cấm bay
Quan hệ giữa Nga và Ukraine lại vừa nảy sinh những căng thẳng mới sau khi cả hai nước cùng lúc áp dụng lệnh cấm bay lẫn nhau.
Theo tính toán, cả hai nước đều sẽ phải chịu thiệt hại trực tiếp về kinh tế lên tới 110 triệu USD mỗi năm bởi các lệnh cấm bay này.
Sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Brucxen ( Bỉ) vào phút chót để tìm ra một giải pháp cho lệnh cấm bay bị thất bại vào tối 23/10, Ukraine chính thức thông báo, kể từ ngày 25/10 sẽ đóng cửa không phận đối với 25 hãng hàng không, trong đó có các Hãng Aeroflot, Transaeco của Nga.
Máy bay của hãng hàng không Aeroflot, Nga. (ảnh: Reuters)
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ukraine còn nêu rõ, Ukraine cũng sẽ cấm các chuyến bay quá cảnh của Nga nếu các máy bay chở theo quân nhân hoặc hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Như vậy, với quyết định này, mỗi tháng có khoảng 70 nghìn hành khách Ukraine và Nga sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ukraine Pivovarski lại cho rằng biện pháp trừng phạt của Ukraine đối với Nga có thể sẽ không gây ra quá nhiều sự bất tiện: “Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người dân Ukraine khi muốn di chuyển sang Matxcova. Những du khách có thể quá cảnh ở các thành phố khác trên thế giới. Từ nay, công dân Ukraine khi du lịch đến Nga vì mục đích công việc hay gia đình cũng có thể đi du lịch bằng tàu hỏa hoặc máy bay”.
Video đang HOT
Tính từ đầu năm, đã có khoảng 200.000 người Ukraine du lịch sang Nga trong khi có hơn 500.000 công dân Nga sang Ukraine vì các mục đích công việc và du lịch.
Trước thái độ cứng rắn của Ukraine trong giờ phút chót của đàm phán, Nga cũng trả đũa bằng lệnh tương tự, cấm các hãng hàng không Ukraine khai thác các chuyến bay qua không phận nước này. Nga cho rằng hành động này của Ukraine “điên rồ”, ” tự bắn vào chân mình” bởi đa phần hành khách đều bay từ Nga sang Ukraine để làm việc, thăm thân nhân hoặc quá cảnh.
Tuy vậy, giới chức Nga thừa nhận họ cũng sẽ phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về kinh tế khi mà 2/3 số hành khách Ukraine đi lại bằng các máy bay của các hãng hàng không Nga. Bộ Giao thông vận tải Nga ước tính rằng, ngành hàng không hai nước sẽ bị thất thu khoảng 110 triệu USD một năm. Các hãng hàng không lớn nhỏ mỗi bên dự báo cũng sẽ bị giảm tới 30% lợi nhuận từ các biện pháp trả đũa mới này.
Có thể thấy, những động thái đáp trả giữa Ukraine và Nga nhằm gia tăng sức ép lẫn nhau trên chính trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến chính cuộc sống của cả người dân hai nước. Từ nay, hành khách hai nước sẽ phải thực hiện các chuyến bay xa hơn, tốn kém hơn do phải quả cảnh ở một nước thứ ba, hoặc phải chấp nhận đi tàu hỏa với thời gian hành trình lên tới 13 tiếng.
Một hành khách người Nga nói: “Tôi không ủng hộ cả hai bên với các biện pháp trả đũa nhau trong cuộc xung đột này. Theo quan điểm của tôi, các hành động “ăn miếng trả miếng” giữa hai quốc gia láng giềng thời gian qua giống như một cuộc chiến thông tin song nó lại đang gây ra những khó khăn cho cả người dân Nga và Ukraine.”
Theo giới phân tích, các động thái trên lại làm leo thang căng thẳng trong quan hệ hai nước và càng khiến việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên khó khăn hơn.
Và có một thực tế mà hai nước không phủ nhận rằng trong mối quan hệ láng giềng Nga và Ukraine xưa nay vẫn luôn là mối quan hệ phụ thuộc và không dễ gì xóa bỏ, chính vì thế mà các biện pháp trả đũa nhau chỉ là “lợi bất cập hại” mà trước tiên là người dân hai nước phải hứng chịu những thiệt hại trực tiếp./.
Mai Liên
Theo_VOV
Lệnh cấm bay giữa Nga và Ukraine: Đòn gió để gia tăng sức ép?
Càng gần tới thời điểm 25/10, dư luận càng nóng lòng theo dõi những diễn biến trên chính trường Nga và Ukraine để xem liệu lệnh cấm bay giữa hai bên sẽ được thực hiện như thế nào hay đó chỉ là "đòn gió" để các bên gia tăng sức ép lẫn nhau.
Máy bay của hãng hàng không Aeroflot của Nga. (Nguồn: Airbus)
Có thể nói trong khoảng 3 tuần qua, Nga và Ukraine liên tục có các động thái "ăn miếng, trả miếng". Sau khi Ukraine bất ngờ tuyên bố cấm một số hãng hàng không của Nga, trong đó có hãng Aeroflot và Transaero, bay qua không phận Ukraine từ ngày 25/10, Moskva cũng tuyên bố đóng cửa không phận với các máy bay Ukraine từ thời điểm trên.
Sự việc tiếp tục leo thang khi Kiev phản ứng trước động thái của Moskva với tuyên bố cấm tất cả các hãng hàng không Nga (không chỉ dừng lại ở một số hãng lớn như ban đầu) bay qua không phận nước này.
Rõ ràng, Ukraine đang gia tăng sức ép với Nga bằng cách "đánh" vào lĩnh vực hàng không, từ đó tác động tới nền kinh tế của Xứ Sở Bạch Dương vốn bị suy giảm trong thời gian qua do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chưa biết Ukraine sẽ "gặt hái" được những gì từ động thái trên, song có một điều chắc chắn rằng chính họ cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những biện pháp đó. Với các lệnh cấm bay "trả đũa" lẫn nhau, người dân của cả hai nước sẽ là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi khối lượng hành khách đi lại giữa hai nước bằng phương tiện máy bay là rất lớn.
Nếu được thực hiện, sau ngày 25/10, chi phí cũng như thời gian cho việc đi lại giữa hai nước sẽ gia tăng đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế của cả Nga và Ukraine. Động thái trên cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên và càng khiến cho việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên khó khăn.
Mới đây, đại diện hàng không Nga đã bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ bãi bỏ lệnh cấm bay trên khi tình hình chính trị thay đổi. Moskva mong muốn một giải pháp thân thiện hơn từ phía Kiev bởi họ hiểu rõ những khó khăn kinh tế và chính trị của Ukraine khi cuộc khủng hoảng nợ công và khí đốt của nước này vẫn cần tới sự hỗ trợ của Nga.
Trong khi đó, ngày 25/10 cũng là thời điểm Ukraine tiến hành bầu cử địa phương. Từ nay tới đó, tại Ukraine sẽ còn diễn ra nhiều hoạt động chính trị khác. Tình thế luôn thay đổi và Nga đã chuẩn bị cho "phương án B" trong cuộc chiến "lệnh cấm bay", song dường như Moskva tin tưởng vào "phương án A" mà đại diện hàng không của họ đã nêu.
Có một thách thức muôn thủa trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine, đó là sự phụ thuộc lẫn nhau không thể xóa bỏ giữa hai nước láng giềng.
Về mặt địa chính trị, sự phụ thuộc này đã định hình và trở nên sâu sắc từ thời kỳ Xô Viết, phụ thuộc từ năng lượng, tài chính, thương mại, công nghiệp cho tới thị trường lao động. Chính vì vậy, mọi sự gạt bỏ lẫn nhau giữa hai bên đều là bất khả thi, mọi lệnh cấm đều gây thiệt hại cho cả hai phía và động thái "trả đũa" lẫn nhau chỉ nên dừng lại ở mức độ "đòn gió"./.
Theo Vietnam
Ukraine áp đặt lệnh cấm bay đối với các hãng hàng không Nga Chính phủ Ukraine hôm 25/9 thông báo áp đặt lệnh cấm các chuyến bay của các hãng hàng không Nga qua lãnh thổ nước này bắt đầu từ ngày 25/10 tới. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk ra tuyên bố cho biết, theo quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng, Chính phủ Ukraine sẽ thực thi quyết định cấm...